NGƯỜI MỤC TỬ

NGƯỜI MỤC TỬ
Lời Chúa: Cv 13,14.43-52; Kh 7,9.14-17; Ga 10,27-30

Bài Tin Mừng hôm nay rất vắn, chỉ gồm có 3 câu, thế nhưng chỉ với ba câu đó chúng ta thấy Chúa Giêsu cũng đã đủ để phác họa nên một bức chân dung thật sống động về mối tương quan giữa Chúa và những kẻ tin vào Người. Chúa Giêsu tự coi mình như một mục tử và những kẻ tin vào Người như những con chiên cùng sống trong một ràn chiên của Chúa.
 
Người mục tử Chúa muốn nói trong bài Tin Mừng hôm nay là người như thế nào?
Chúa cũng chỉ sử dụng có hai từ: biết và cho và cũng chỉ với hai từ đó Chúa đã cho chúng ta thấy chân dung một người mục tử tốt là người như thế nào.
 
* Tôi biết chiên của tôi.
Người chăn chiên tốt lành biết rõ từng con chiên. Ông biết tên từng con. Ông biết tình trạng sức khoẻ cũng như nhu cầu của từng con chiên. Tương tự như thế, Chúa Giêsu biết rõ mỗi người chúng ta. Người không chỉ biết mà còn thông cảm với mọi hoàn cảnh của ta.
Ta buồn vì bị người yêu phụ bạc ư? Người cũng đã biết thế nào là nỗi đau của người bị phản bội.
Ta cay đắng với kiếp nghèo đeo đẳng ư? Chúa Giêsu cũng đã sinh ra không nhà, sống ngoài đường và chết trần truồng trên thập giá.
Ta tuyệt vọng vì cuộc đời không lối thoát ư? Chúa Giêsu đã trải qua những giờ phút đen tối trong vườn Giết-si-ma-ni và trên thánh giá.
Ta cô đơn vì bị mọi người xa lánh ư? Chúa Giêsu cũng đã bị mọi người chối bỏ, và Người cảm thấy như Đức Chúa Cha cũng từ bỏ Người.
Ta bị sỉ nhục mất hết uy tín ư? Chúa Giêsu đã bị nhục nhã và mất hết uy tín khi phải chết như kẻ tội đồ nô lệ.
Chúa Giêsu là người chăn chiên tốt lành, hiểu biết mọi ngõ ngách u ẩn trong đáy lòng người, nên có thể chăm sóc an ủi từng người chúng ta.
 
* Tôi cho chúng được sống đời đời.
Chúa Giêsu là mục tử tốt lành vì đã tặng ban cho tất cả đoàn chiên món quà quí giá nhất là sự sống đời đời, sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa, sự sống của chính bản thân Người. Sống sự sống của Thiên Chúa rồi, đoàn chiên sẽ kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa. Không ai cướp được đoàn chiên khỏi tay Người, vì Người dùng chính mạng sống mình mà bảo vệ. Người ràng buộc đời mình vào sinh mạng của đoàn chiên. Từ nay đoàn chiên và chủ chiên trở thành một cộng đồng sinh mệnh, sống chết có nhau, kết hợp với nhau trong một tình yêu thương không có gì có thể tách lìa được.
Đó là chân dung người mục tử theo ý của Chúa.
 
Còn đâu là hình ảnh con chiên trong ràn của Chúa là hình ảnh như thế nào?
Chúa cũng chỉ sử dụng có hai từ để diễn tả: “nghe” và “theo”
 
* Trước hết “Chiên của tôi nghe tiếng Tôi.”
 Chúa Giêsu chính là Lời của Thiên Chúa, nên ta phải nghe Người.
Nhưng nghe được Lời của Thiên Chúa không phải dễ.
Không dễ, vì Lời Thiên Chúa nhẹ nhàng như lời thì thầm của mây gió, sâu thẳm như tiếng nói của đáy đại dương, im lặng và bí hiểm như một hơi thở. Trong khi đó lời của trần gian, của ma quỉ lại ồn ào như một ngày hội, gào thét như cuồng phong và điên loạn như chiến tranh.
Không dễ, vì Lời Thiên Chúa mời gọi người ta vào con đường chật hẹp của sự từ bỏ chính mình, dẫn ta lên ngọn đồi gai góc của thập giá hi sinh và thách thức ta phục vụ đến hi sinh cả mạng sống. Trong khi đó lời của trần gian, của ma quỉ mở ra đại lộ thênh thang của danh vọng, dẫn ta đến chỗ dìm mình trong đại dương hưởng thụ và hứa ban tặng cho ta tất cả vinh hoa phú quí trên đời.
Vì thế, để nghe được Lời Chúa, ta phải có một đôi tai thật thính, thật bén nhạy, được hướng dẫn bởi trí phán đoán sáng suốt và một trái tim yêu mến nồng nàn. Nghe Lời Chúa với một thái độ như thế sẽ dẫn ta đến chỗ theo Chúa.
 
* Ta biết chúng và chúng theo Ta”.
Theo ai là quyến luyến, gắn bó và ràng buộc đời mình vào đời người đó. Như thế theo ai là từ bỏ chính mình, cuộc đời mình để chia sẻ cuộc sống với người khác.
 
Chiên thì phải theo Chủ.
Có một người Mỹ đi du lịch qua xứ Syrie, thấy ba người chăn chiên dẫn bầy của mình đi ăn chung với nhau. Một lúc sau, một trong ba người chăn này kêu chiên mình:
– Men ah! Men ah! (Theo tiếng Ả rập có nghĩa là “Hãy theo ta! Hãy theo ta!”)
Các con chiên của người này liền tách khỏi bầy chung và đi theo người ấy lên đồi.
Người chăn thứ hai cũng kêu như vậy, và chiên của anh ta liền đi theo anh ta.
Người Mỹ nói với người chăn thứ ba:
– Xin anh vui lòng cho tôi mang đồ đạc của anh để tôi kêu như mấy người kia kêu, xem các con chiên của anh có theo tôi hay không.
Anh ta sẵn sàng cho người Mỹ này mượn đồ đạc. Xong xuôi, người Mỹ kêu: ”Men ah! Men ah!”, nhưng chẳng có con chiên nào nhúc nhích. Lạ quá Người Mỹ ngạc nhiên hỏi:
– Thế chiên của anh không nghe tiếng ai khác, ngoại trừ anh thôi sao?
Người chăn Syrie trả lời:
– Ồ! có chứ! Nhưng đó là vài con chiên bị bệnh, nó sẽ đi theo bất cứ ai.
 
Theo tâm lý học, trong tình yêu có ba mức độ.
Mức độ thứ nhất: Thích nhìn, nghe người mình yêu.
Mức độ thứ hai: Trong mọi chương trình, tính toán của đời mình đều có bóng dáng của người yêu.
Mức độ cuối cùng: Chia sẻ tất cả những gì mình có, kể cả cuộc sống của mình vì người mình yêu.
Như thế, theo tức là yêu thương ở mức độ cao. Con chiên đi theo Chúa phải hoàn toàn chủ động và nhất là phải thiết lập một quan hệ mật thiết với Chúa là Chủ của mình.
 
Vâng! Kính thưa anh chị em
Chúng ta đang sống trong một thời đại đầy thay đổi. Cuộc sống đang mở ra những chân trời mới đầy quyến rũ nhưng cũng đầy nguy hiểm cho đời sống tâm linh chúng ta. Nhiều giá trị đang bị đảo lộn. Nhiều con chiên đang bị lôi kéo rời xa đoàn chiên. Nhu cầu cuộc sống đang xô đẩy chúng ta ra khỏi cộng đoàn khiến nhiều người trở thành những con chiên bơ vơ không người chăn dắt. Trong một hoàn cảnh mới mẻ như thế, chúng ta rất cần có những vị mục tử thực sự hiểu rõ nhu cầu của đoàn chiên và thực sự hiến mình phục vụ đoàn chiên. Chúng ta hãy cầu nguyện cho có nhiều người trẻ biết đáp lời Chúa mời gọi, hiến mình cho Chúa để phục vụ mọi người trong nhiệm vụ mục tử. Chúng ta cầu nguyện cho các linh mục của chúng ta trở thành những mục tử tốt lành noi gương Vị Mục Tử duy nhất là Chúa Giê su Kitô, Chúa chúng ta. Amen
 
Lm. Giuse Đinh Tất Quý