NÚI, NƯỚC, GIÓ VÀ SÓNG

NÚI, NƯỚC, GIÓ VÀ SÓNG
Lời Chúa: Mt 14,22-33

Không rõ lúc nào thì con thuyền các môn đệ gặp gió ngược.
Có gió thì có sóng, sóng đánh làm thuyền chòng chành.
Thuyền rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan.
Tiến tới bờ bên kia thì không được, mà về cũng không xong,
vì con thuyền đã ra xa bờ nhiều dặm.
Các môn đệ phải tự mình đương đầu với sóng gió.
Tay chèo của họ mệt mỏi giữa đêm khuya.
Không có Thầy Giêsu ở đây, trong khoang thuyền này.
Tại sao Thầy bắt họ phải qua bờ bên kia ngay lập tức?
Tại sao Thầy không hoãn đến sáng mai, vì đâu có gì mà vội?
Bây giờ Thầy đang làm gì một mình ở chỗ hoang vắng đó?
Thầy có biết các môn đệ vì vâng lời Thầy mà gặp rắc rối không?
Có một thứ sóng gió nào đó đang xôn xao trong lòng họ.
 
Thầy Giêsu đến với họ lúc trời còn tối, nên chẳng ai nhận ra.
Ngài đến với họ ngay giữa sóng gió, Ngài đạp lên sóng mà đi.
Các môn đệ thấy bóng người đi trên mặt nước.
Hoảng hốt và sợ hãi, họ tưởng mình thấy ma.
Họ nghĩ chỉ có ma mới đi trên mặt nước được.
Nhưng đây không phải là ma, đây là người Thầy của họ.
“Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ !”
Vậy mà Phêrô vẫn chưa nhận ra giọng nói và khuôn mặt của Thầy.
Ông muốn đưa ra một trắc nghiệm để kiểm chứng.
“Nếu quả là Ngài, xin truyền cho con đi trên nước để đến với Ngài.”
Nếu ông đi được trên nước thì người kia mới đúng là Thầy Giêsu.
Ông xác tín rằng điều Thầy làm được, Thầy cũng cho trò làm được.
Phêrô tự đặt mình vào một thách đố không dễ dàng.
Thầy Giêsu chấp nhận thách đố này và mời Phêrô: “Hãy đến !”
Thầy đã đi trên sóng nước để đến với ông.
Nay Thầy mời ông đi trên sóng nước để đến với Thầy.
 
Chúng ta cần hình dung giây phút Phêrô đặt chân trên mặt nước.
Mặt nước đang có sóng lớn vì gió mạnh.
Ông có ngần ngại khi bước ra khỏi thuyền không?
Ông có dám tin mình sẽ đi được trên nước không?
Phêrô đã làm gì để chiến thắng sự sợ hãi đang đè nặng?
Chúng ta chỉ biết ông đã thắng được chính mình,
đã ra khỏi thuyền, đã đặt chân trên sóng nước và bước đi.
Không rõ người ông trở nên nhẹ hay mặt nước trở nên cứng.
Càng bước đi, ông càng xác tín rằng đúng là Thầy rồi.
Và ông cứ hướng về phía Thầy mà tiến bước.
 
Nhưng ngay cả khi tin Thầy đang ở trước mặt mình,
Phêrô cũng bị chao đảo vì một cơn gió mạnh bất ngờ ập tới.
Ông sợ hãi và chìm xuống, nên ông la to xin Thầy cứu mình.
Thầy Giêsu lập tức đưa bàn tay ra nắm lấy ông.
Thầy trách ông đã nghi ngờ, dù chỉ trong một giây phút.
Nghi ngờ là dấu hiệu của lòng tin còn non yếu.
Lòng tin này có thể lung lay trước những biến động của cuộc đời.
Thật cảm động cảnh Thầy Giêsu nắm tay Phêrô và đưa ông về thuyền.
Gió vẫn chưa ngừng, sóng vẫn đánh.
Nhưng Phêrô yên tâm đi bên Thầy, đạp trên sóng gió mà đi.
Chỉ khi Thầy trò về thuyền, gió mới lặng.
 
Kinh nghiệm của Phêrô cũng là kinh nghiệm của các kitô hữu.
Kinh nghiệm bị ép phải qua bờ bên kia ngay lập tức,
trong hoàn cảnh trời tối, ngược gió, và không có Thầy gần bên.
Kinh nghiệm hoảng hốt vì Thầy đến mà mình không nhận ra.
Kinh nghiệm hạnh phúc đi được trên nước để đến với Thầy,
và rồi bị chìm, dù biết Thầy ở ngay trước mặt.
Kinh nghiệm được Thầy dắt về thuyền trong bình an.
Bao nhiêu cung bậc cảm xúc trong từng kinh nghiệm.
Tất cả dẫn đến kinh nghiệm cuối là nhận ra Con Thiên Chúa
đang ở trong cùng thuyền với Hội Thánh hôm nay (Mt 14,33). 
 
LỜI NGUYỆN
 
Lạy Chúa Giêsu,
Sống ở đời chẳng ai thích sóng gió,
nhưng sóng gió lúc nào cũng có trong đời người.
Các môn đệ đầu tiên đã nhiều lần gặp sóng gió ở hồ Galilê.
Sóng gió đến khi Chúa đang ngủ vùi trên thuyền,
khiến môn đệ phải vội vàng đánh thức.
Sóng gió đến khi Chúa không ở trong thuyền,
khiến môn đệ phải chèo chống vất vả.
 
Chúa không tránh cho đời chúng con khỏi mọi sóng gió,
vì Chúa biết sóng gió làm chúng con trưởng thành,
tập vượt qua nỗi sợ hãi bằng lòng tin,
tập vượt qua nỗi lo âu bằng hy vọng.
Chúa để chúng con chiến đấu suốt đêm với gió ngược,
nhưng lại đến với chúng con khi trời gần sáng.
 
Xin cho chúng con yêu quý sự bình an,
nhưng lại không ngỡ ngàng trước sóng gió.
Giữa cơn sóng gió, xin cho chúng con tin rằng
Chúa vẫn hiện diện gần bên chúng con,
và đang đưa con thuyền Giáo Hội về đến bến.
 

Tác giả bài viết: Lm. Nguyễn Cao Siêu SJ