SÁM HỐI
- Thứ sáu - 22/03/2019 03:54
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nếu Chúa Nhật I mùa Chay đề cập đến cám dỗ, Chúa Nhật II nói đến vinh quang, thì Chúa Nhật thứ III mùa Chay hôm nay nói đến sám hối.
Tại sao chủ đề sám hối lại được đặt vào trọng tâm của mùa Chay? Thưa vì khi sám hối, con người nhận ra tình thương của Thiên Chúa, đồng thời cũng nhận ra sự bất toàn của chính mình, từ đó đón nhận ơn tha thứ, khởi đầu lại hành trình đức tin và tiếp tục đi trong đường lối yêu thương của Người. Nói cách khác, lời mời gọi khẩn thiết này nhằm thức tỉnh chúng ta khỏi tình trạng mê ngủ thiêng liêng, để thoát khỏi tội lỗi, để chiến đấu với các xu hướng xấu, để theo đuổi các tập quán đạo đức tốt của chúng ta.
Sáng ngày 17-1-1995, đã xảy ra một thảm họa cho dân chúng thành phố Ko-bê tại Nhật bản. Một cơn động đất mạnh đo được 7.2 trên địa chấn kế Richter, đã ập đến bất ngờ và tàn phá thành phố này. Theo số liệu thống kê của cảnh sát Nhật thì tính đến ngày 24-1, số người thiệt mạng lên đến 5.080 người, 102 người vẫn còn bị mất tích, và số người bị thương lên đến 26.284 người. Các cơ sở hạ tầng và nhà cửa bị thiệt hại nghiêm trọng. Theo ước lượng của chính phủ, sự thiệt hại vật chất lên đến 120 tỷ đô-la. Quả là một tai ương khủng khiếp!
Nếu đem so với thảm họa Ko-bê thì việc một nhúm người Do thái bị tổng trấn Philatô giết và 18 người bị tháp Xi-lô-ác đè chết ở Giê-ru-sa-lem chỉ là 1 sự kiện bé xíu chẳng thấm vào đâu. Giá như những người Do thái thời Chúa Giê-su mà được sống vào thời đại của chúng ta và được chứng kiến thảm họa ở Ko-bê trên truyền hình, chắc họ sẽ nghĩ thầm rằng dân Nhật ở Ko-bê chắc phải tội lỗi lắm nên mới bị Thiên Chúa trừng phạt khủng khiếp như thế.
Quả thật, não trạng tôn giáo của người Do thái cùng thời với Chúa Giê-su vẫn luôn xem những tai ương hoạn nạn cũng như tật bệnh là hậu quả của tội lỗi. Chúng ta có thể đan cử một trường hợp điển hình: trong phép lạ Chúa chữa người mù từ thuở mới sinh, các môn đệ đã hỏi Thầy mình: Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?
Nhưng Chúa Giê-su có một cái nhìn khác; Ngài muốn cho mọi người hiểu rằng những tai ương hay bệnh tật ở trần thế này không phải lúc nào cũng là dấu chỉ hình phạt của tội lỗi. Bởi vì ở bất kỳ thời đại nào, chúng ta cũng có thể thấy có những hạng người tội lỗi đầy mình nhưng chẳng có một tai ương nào xảy đến cho họ cả. Thế thì tai ương hoạn nạn có ý nghĩa gì? Đối với Chúa Giê-su, các tai ương xảy đến cho người này người nọ, xảy ra tại nơi này nơi kia đều là những lời mời gọi mọi người ăn năn sám hối bởi vì mọi người đều là tội nhân. “Nếu các ngươi không sám hối, các ngươi hết thảy cũng sẽ bị tiêu diệt như thế”.
Như thế, Chúa Giê-su muốn cho người nghe hiểu rằng nếu họ không sám hối ngay từ hôm nay, ngay từ đời này thì trong ngày phán xét, họ sẽ bị Thiên Chúa kết án. Lời cảnh cáo này rất hợp với lời rao giảng về sự hoán cải mà Chúa Giê-su vẫn luôn nhấn mạnh trong khi rao giảng Tin mừng: “Thời giờ đã mãn và Triều đại Thiên Chúa đã gần kề: anh em hãy sám hối và tin vào Tin mừng”. Tin vào Tin mừng tức là tin vào Chúa Giê-su. Sám hối và nhìn nhận Chúa Giê-su làm Đấng Cứu độ phải trở thành tâm tình tôn giáo thường xuyên trong cuộc sống người Kitô hữu chúng ta. Đây chính là điều kiện nền tảng giúp chúng ta tránh được cái chết đời đời, được coi như là tai ương khủng khiếp nhất mà con người có thể bị rơi vào trong ngày phán xét.
Thế nhưng, theo bài Tin mừng hôm nay thì lời mời gọi sám hối cũng như lời cảnh cáo về hình phạt dường như chỉ đóng vai trò mở đầu để dẫn đưa thính giả đến một chủ đề khác quan trọng hơn được Chúa Giê-su diễn tả qua dụ ngôn cây vả không sinh trái. Ý tưởng nổi bật của chủ đề đó là sự nhẫn nại vô bở bến của Thiên Chúa.
Việc người làm vườn xin gia hạn thêm một năm và được chấp thuận nói lên lòng yêu thương đại lượng của Thiên Chúa. Theo bài đọc 1, Người đã chọn dân Do thái làm dân riêng và trao phó cho Mô-sê sứ mạng đưa dân ra khỏi đất nô lệ Ai-cập. Người đã yêu thương bằng một tình yêu nhẫn nại vô bờ bến, nhưng dân riêng đã đáp lại bằng thái độ vô ơn. Thiên Chúa bèn thử cố gắng lần cuối bằng cách gửi Chúa Giê-su đến thực hiện những dấu lạ, thể hiện quyền năng phi thường với một sự khôn ngoan diệu kỳ cốt để làm cho người Do thái tỉnh ngộ và ăn năn sám hối. Nhưng đáng tiếc thay, một lần nữa họ đã để vuột mất cơ hội. Họ đã không những không tin vào Con Thiên Chúa mà còn đóng đinh Ngài vào thập giá.
Đàng khác, sự gia hạn của ơn sủng đối với người tội lỗi nói lên lòng thương xót của Thiên Chúa. Thánh Gioan Maria Vi-a-nê đã cảm nghiệm thực sâu sắc về lòng thương xót ấy qua câu nói sau đây: “Không phải người tội lỗi quay trở lại với Thiên Chúa để xin ơn tha thứ, nhưng chính Thiên Chúa chạy theo sau người tội lỗi và làm cho họ quay trở lại với Người”.
Không những lòng thương xót của Thiên Chúa lôi kéo các tâm hồn về với Người mà Người còn không bao giờ trừng phạt tội nhân mà trước đó lại không làm hết cách để đánh động tâm hồn họ. Thánh Phê-rô cũng công bố: “Kỳ thực Thiên Chúa tỏ lòng kiên nhẫn đối với anh em vì Người không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn sám hối” (2 Pr 3,9).
Thánh Phao-lô trong bài đọc 2 đã khuyến cáo tín hữu Cô-rin-tô đừng ỷ lại, đừng tự phụ kẻo sa ngã. Mọi người hãy nhận ra sự yếu đuối, mỏng giòn của bản thân để nỗ lực cậy trông, bám vào ơn Chúa mà tiến tới. Thánh nhân khuyên nhủ đừng chiều theo dục vọng, đừng than trách mà bị diệt vong nhưng hãy biến đổi cuộc sống theo những giá trị của Tin mừng. Không đi theo con người xác thịt mà đi theo tinh thần mới trong Chúa Kitô, chính là sám hối, là đổi đời, đúng hơn là “lên đời”.
Sám hối phải đi đến kết quả là sinh hoa trái tốt trong đời sống, nghĩa là thăng tiến bản thân trên mọi khía cạnh nhân bản cũng như tâm linh. Còn nếu không biến đổi, không tốt hơn thì không phải là sám hối thật sự mà chỉ là dậm chân tại chỗ.
Anh chị em thân mến,
Người Kitô hữu hãy luôn nhớ rằng mình không được phép lợi dụng hay lạm dụng tình thương và sự gia hạn của ân sủng Chúa. Mà ngay từ hôm nay, ngay từ mùa Chay thánh này, hãy trở về với tình thương ấy, với ân sủng ấy bởi vì sự sống đời đời bắt đầu từ hôm nay cho những ai biết quay lưng đối với tội lỗi và quay đầu về với Chúa Giê-su, nghĩa là biết thành tâm sám hối và tin nhận Chúa Giê-su làm Cứu Chúa đời mình. Amen.