SÁM HỐI
- Thứ tư - 04/12/2019 20:19
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Anh chị em thân mến,
Cứ mỗi lần đến Mùa Vọng, chúng ta lại gặp Gioan Tẩy Giả, một khuôn mặt khổ hạnh với những đòi hỏi quyết liệt. Nếu Thiên Chúa đã cần lời đáp của Mẹ Maria trong biến cố Truyền tin để Chúa Con có thể đi vào lòng thế giới thì Thiên Chúa cũng cần Gioan Tẩy Giả để dọn đường, dọn lòng cho dân Ítraen đón nhận Đấng Thiên sai (Mêsia). Nội dung của lời Gioan rao giảng tóm gọn trong lời này: “Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần”.
Điều gì chứ sám hối thì chúng ta nghe hoài. Ở đầu mỗi thánh lễ đều có phần sám hối. Đặc biệt vào Mùa Vọng, Mùa Chay, nhà thờ nào lại không kêu gọi sám hối, xét mình xưng tội? Nhưng xét mình xưng tội đã đủ chưa?
Xin thưa là chưa đủ. Hỏi rằng có ai đạo đức và nghiêm túc tuân giữ luật Chúa cho bằng nhóm Xa-đốc và Pha-ri-sêu chăng? Xin kể sơ sơ lý lịch của họ cho anh chị em nghe. Phái Xa-đốc gồm các tư tế, tức là những người chủ sự các lễ nghi, những người nắm giữ quyền cao chức trọng trong đạo Do thái, những gương mẫu cho người khác noi theo. Còn phái Pha-ri-sêu tuy không phải là những chức sắc trong đạo nhưng là những người có uy tín nhất trong đạo thời bấy giờ, bởi họ tuân giữ luật Mô-sê rất chặt chẽ. Nếu dùng kiểu nói thời nay, người ta có thể nói về họ rằng: họ còn “trên cả tuyệt vời!”. Thí dụ: luật chỉ buộc ăn chay mỗi năm một ngày vào lễ Đền tội. Vậy mà nhiều người Pha-ri-sêu ăn chay mỗi tuần 2 lần. Như vậy là mỗi năm ăn chay 104 ngày, tức là gấp 104 lần hơn luật buộc!
Xét bề ngoài thì những người thuộc phái Xa-đốc và Pha-ri-sêu thật là đạo đức. Thế nhưng khi đến xin Gioan Tẩy Giả làm phép rửa để tỏ lòng sám hối thì họ lại bị Gioan nặng lời quở trách: “Hỡi nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy?”. Thì ra họ đến chịu phép rửa mà không có ý ngay lành. Họ chỉ đến để thực hiện một nghi thức hầu trấn an lương tâm, chứ thực lòng họ không muốn hoán cải. Mà chẳng phải chỉ có người Xa-đốc hay người Pha-ri-sêu hôm xưa, không ít thì nhiều Ki-tô hữu hôm nay (trong đó có thể có cả chúng ta!) cũng xét mình, cũng xưng tội để chu toàn luật Hội thánh “xưng tội một năm ít là một lần”, theo kiểu “tấp tểnh người đi tớ cũng đi” rồi lấy thế mà an tâm vững dạ!
Không! Sám hối không chỉ là hối tiếc những hành vi của quá khứ, lại càng không phải là thực thi cho đủ một nghi thức bên ngoài theo luật định. Sám hối chủ yếu là hoán cải nghĩa là thay đổi đời sống. Cụ thể, thế nào là hoán cải, là thay đổi đời sống?
Dựa vào lời của Gioan Tẩy Giả thì hoán cải trước tiên là dọn đường cho Chúa đến, là sửa lối cho thẳng để Người đi (Mt 3,3) bởi vì con đường dẫn vào tâm hồn chúng ta thường cong queo và có nhiều cản trở. Chúng ta làm nhiều điều với một ý hướng thiếu trong sáng. Nhiều lần chúng ta đã không sống trong sự thật, sự thật về chính mình và về người khác. Bao lần chúng ta có thái độ quanh co, tránh né thay vì nhìn thẳng vào vấn đề và nhận lấy phần trách nhiệm. Đường sá tốt là điều kiện để phát triển kinh tế. Cũng vậy, khi những con đường dẫn vào lòng ta được khai thông và nới rộng, ơn Chúa mới có thể đến lấp đầy tràn.
Cũng dựa vào lời của Gioan Tẩy Giả, hoán cải thứ đến là sinh quả tốt (Mt 3,10). Hoán cải thật là hoán cải đưa đến thay đổi trong cách sống. Nhiều khi chúng ta mới chỉ có tâm tình hoán cải thôi. Hoán cải thật sẽ đưa đến những hành động cụ thể, những cắt đứt đớn đau, những dấn thân đòi hy sinh từ bỏ. Hoán cải thật sẽ sinh quả tốt trái ngọt cho đời. Ông Da-kêu trong Tin mừng làm gương cho chúng ta về điều này. Sau khi được Chúa Giê-su vào thăm nhà, ông Da-kêu đã thưa: “Tôi xin dành nửa gia tài cho người nghèo khó và nếu có làm thiệt hại ai, tôi xin đền trả gấp bốn”. Thánh Au-gu-ti-nô, thánh I-nha-xiô là những con người hoán cải và mang lại cho Hội thánh nhiều hoa thơm trái ngọt.
Và sau cùng, cũng dựa vào lời của Gioan Tẩy Giả, hoán cải còn là ra khỏi sự tự mãn, sự vững vàng của mình. “Đừng tưởng mình có cha là Áp-ra-ham” (Mt 3,9). Đừng tự hào vì mình đã được rửa tội, vì mình là đạo dòng đạo gốc, đã dự lễ hằng ngày, đã tham gia vào hội đoàn này hội đoàn nọ. Cái nếp đạo đức đó có thể ru ngủ người ta, làm cho người ta tự mãn trong các thói quen đạo đức của mình, dần dần chỉ còn làm việc đạo đức mà không có lòng đạo đức thật. Nói cách khác, chỉ còn hình thức mà không còn tấm lòng, giống như một cái cây sum sê cành lá mà không có trái. Những người Xa-đốc và Pha-ri-sêu chính là những cây như thế. Bởi đó khi Gioan Tẩy Giả thấy họ đến với mình thì ông nổi giận, gọi họ là nòi rắn độc, cảnh cáo họ rằng cái rìu đã kề sát gốc cây. Gioan thúc đẩy họ phải sám hối bằng cách sinh hoa quả.
Tóm lại, hoán cải là dọn đường sửa lối, là thay đổi đời sống, là sinh hoa trái tốt, là không tự mãn vì mình là người có đạo.
Nếu hoán cải là như thế thì đó không phải là chuyện ta làm 2 lần trong năm, vào Mùa Vọng và Mùa Chay mà hoán cải phải là nỗ lực thường xuyên để điều chinh hướng đi của mình, giống như người lái tàu luôn điều khiển con tàu đi đúng hướng. Hoán cải tự bản chất là một ơn của Chúa, một lời mời gọi liên tục của Người. Nếu chúng ta tự nguyện và can đảm mở ra để đón lấy ơn hoán cải, bất chấp những xáo trộn và đỗ vỡ cần thiết, thì đời ta sẽ được biến đổi một cách kỳ diệu không ngờ.
Đàng khác, để cải tạo xã hội thì trước hết phải biến đổi bản thân cho tốt theo cái đạo của người Á đông là tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Về điểm này, một nhà tâm lý có những nhận xét như sau: “Ta không thể sửa đổi tính tình của người khác được, dù ta có là ông gì nữa. Ta chỉ có thể sửa đổi chính ta. Cho nên, khi ta yêu quí một người nào, muốn chơi thân với họ, muốn cùng họ đi suốt đường đời thì điều duy nhất ta có thể làm được, là tự thay đổi chính ta sao cho hợp với họ. Rất có thể trong quá trình đó, người ấy cũng tự sửa đổi tính tình cho hợp với ta. Chứ ta đừng có ảo tưởng rằng dùng lời khuyên, áp lực hay gì khác để sửa đổi tính tình của họ. Trời cũng không sửa được”.
Anh chị em thân mến,
Xin cho lời rao giảng và gương sáng của Gioan Tẩy Giả thúc bách mỗi người chúng ta nỗ lực sám hối và hoán cải không ngừng để mỗi ngày chúng ta lại thấy mình sẵn sàng hơn để đón gặp Chúa và gặp gỡ Chúa trong tha nhân. Amen.