SẴN SÀNG RA ĐI
- Thứ sáu - 17/04/2020 21:58
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Qua bài Tin Mừng hôm nay, thánh Gioan muốn giới thiệu cho chúng ta những con người đầu tiên được đổi mới nhờ sự hiện diện của Chúa Giêsu phục sinh: đó là các tông đồ của Chúa.
I. Từ lo sợ đến vui mừng
Câu đầu tiên của bài Tin mừng tóm tắt tâm trạng của các tông đồ sau khi Chúa Giêsu được an táng: “Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do thái”. Tuy các ông không khóc lóc như Maria Mađalêna, nhưng lòng các ông mang một nỗi buồn tang tóc, vì Thầy của họ đã bị người Do thái giết chết. Vì thế cùng với nỗi đau buồn, là sự sợ hãi. Với tâm trạng đó các ông đã đóng kín cửa lại...
Bao nhiêu người chung quanh chúng ta có lẽ cũng đang sống trong một tâm trạng giống như thế. Họ đã trải qua một biến cố đau buồn nào đó. Họ đã bị tổn thương. Thế rồi họ đóng cửa lòng mình lại, không còn muốn giao thiệp với ai, nhìn đời với cặp mắt yếm thế, thất vọng. Chúng ta thử nghĩ tới tâm trạng của nhiều Kitô hữu sau biến cố 1975...Họ đã “đóng cửa lại” trong tâm trạng u buồn và sợ hãi.
Nhưng rồi tâm trạng của các tông đồ đã được biến đổi. Họ sẽ mở tung cửa và ra đi, trong niềm vui và trong sự bình an. Họ sẽ xây dựng nên một cộng đoàn như chúng ta được nghe miêu tả trong bài đọc 1 trích từ sách Công vụ: “Các tín hữu chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng...Họ dùng bữa với nhau, đơn sơ, vui vẻ”. Và cộng đoàn ấy đang tiếp tục cho đến ngày nay.
Biến cố nào đã xảy ra và làm thay đổi hoàn cảnh như thế? Đó chính là việc Chúa Giêsu mà các tông đồ nghĩ là vẫn nằm yên trong mồ, đã đến với các ông. Ngài đã đến mặc dầu “các cửa đều đóng kín”. Đó thật là điều lạ lùng! Việc này còn xảy ra 8 ngày sau. Trong lúc các tông đồ họp mặt với nhau, các cửa đều đóng kín, thì không biết từ đâu, Chúa Giêsu đã đến đó, đứng giữa các ông. Ngài nói: “Bình an cho anh em”. Chính sự hiện diện của Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại đã thay đổi hẳn tâm trạng của các tông đồ. Trước kia các ông u buồn, sợ hãi, thì nay các ông “vui mừng vì được thấy Chúa”.
II. Sẵn sàng ra đi
Nhưng Chúa Giêsu hiện đến không chỉ để cho các ông nhận diện, mà còn là để giao cho các ông một sứ vụ: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”. Những con người đang đóng kín cửa lại vì buồn bã và sợ hãi, nay được lệnh phải ra đi đến với thế giới. Để làm gì? Một điều kỳ lạ mà các ông lại được nghe từ miệng Đấng đang đứng trước mặt: “Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha”. Sứ vụ của các ông là mang ơn tha tội cho loài người. Ai có thể tha tội được nếu không phải là chính Thiên Chúa? Làm sao các ông có khả năng tha tội? Chính để các ông có niềm vui, sự bình an và khả năng tha tội, thì Chúa Giêsu lại làm một cử chỉ kỳ lạ nữa. Ngài thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”. Thánh Thần là hơi thở của Chúa Giêsu phục sinh, là nguyên lý tạo nên đời sống mới nơi các tông đồ và nơi những ai tuy không thấy mà vẫn tin vào lời chứng của các ông. Thánh Thần là luồng gió mạnh đang thổi tung các cánh cửa...Chính nhờ luồng gió ấy mà các ông mới có thể chu toàn được mệnh lệnh ghê gớm kia mà Thầy của họ đã giao phó.
Chuyện đang xảy ra như trong giấc mơ. Mười tông đồ đã chứng kiến việc Chúa Giêsu đến với họ trong lúc các cánh cửa vẫn đóng kín. Làm sao một người vắng mặt như ông Tôma có thể tin được khi các bạn hữu của ông thuật lại chuyện đó? Vì thế, ông mạnh mẽ tuyên bố: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”. Và làm sao các tông đồ có thể chu toàn sứ mạng trọng đại là mang ơn tha thứ của Thiên Chúa cho loài người, nếu giữa các ông còn có sự bất đồng ý kiến, nhất là về chân tính vị Thầy của họ? Bởi thế, Chúa Giêsu đã nhượng bộ và đáp ứng những yêu sách của ông Tôma. Tám ngày sau, Ngài lại hiện đến trong lúc các cửa vẫn đóng kín. Sau khi chúc bình an cho các tông đồ, Ngài nói với ông Tôma: “Hãy đặt ngón tay vào đây và hãy nhìn xem tay Thầy. Hãy đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa nhưng hãy tin”. Lúc ấy, ông Tôma hoàn toàn bị khắc phục, liền thưa: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”.
Qua lời tuyên xưng của Tôma, nhóm Mười Một tông đồ tiến tới đỉnh cao của niềm tin. Xưa kia, trong cuộc gặp gỡ lần đầu, ông Nathanaen đã nói với Chúa Giêsu: “Chính Thầy là Con Thiên Chúa, là Vua Ítraen” (Ga 1,49). Tuy Chúa Giêsu được gọi là Con Thiên Chúa, nhưng tước hiệu Con Thiên Chúa ở đây chỉ là một tước hiệu danh dự: chủ yếu Chúa Giê-su được quan niệm như là Vua của dân Ít-ra-en, nghĩa là một con người được Thiên Chúa bảo trợ và nâng lên ngai vàng của vua Đavít. Bây giờ cùng với ông Tôma, các tông đồ tuyên xưng Chúa Giêsu là Đức Chúa và là Thiên Chúa, nghĩa là một Đấng có thần tính như chính Giavê vậy. Chính qua biến cố phục sinh mà các ông đạt tới sự hiểu biết thâm sâu này: Chúa Giêsu là Đấng mà Chúa Cha đã siêu tôn trong vinh quang và sức mạnh của Thánh Thần. Từ nay trong tâm trí các tông đồ, Giavê không còn là một vì Thiên Chúa cô độc, nhưng Người là Thiên Chúa cùng với Chúa Giêsu, Con của Người, và cùng với Chúa Thánh Thần là hơi thở của cả hai Vị. Với một đức tin rõ ràng và mạnh mẽ như thế, các tông đồ từ nay trở thành những con người có khả năng tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu, một sứ mạng phát xuất từ Chúa Cha: đó là ra đi mang ơn tha thứ cho loài người và cùng với ơn tha thứ là niềm vui và sự bình an. Sức mạnh của các ông, đó là Chúa Thánh Thần mà Chúa Phục Sinh đã thông ban qua hơi thở của Ngài.
III. Hậu quả của sứ mạng
Tin mừng của Gioan không nói gì tới hậu quả công việc mà các tông đồ sẽ thực hiện. Nhưng bài đọc 1 trích từ sách Công vụ hé mở cho thấy: trong vài ngày các ông đã gầy dựng được một cộng đoàn hơn 3.000 người ở Giêrusalem sống với nhau trong niềm vui và tình huynh đệ tha thiết. Đó là khởi đầu của Giáo hội, một Giáo hội đang tồn tại cho đến hôm nay.
Vào năm 1998, tại tiểu bang Texas bên Hoa kỳ, người ta đã xử tử một phụ nữ, vì cô này đã phạm tội giết một đôi vợ chồng. Trong thời gian còn bị giam chờ ngày hành hình, cô đã gặp được một linh mục và đã tin theo đạo công giáo. Vài phút trước khi bị xử tử, cô nói lớn tiếng qua máy phóng thanh: “Chẳng bao lâu nữa, tôi sẽ được đối diện một mình với Chúa Giêsu. Tôi xin lỗi tất cả mọi người, nhất là gia đình của 2 nạn nhân mà tôi đã gây ra cái chết. Tôi không hằn thù một ai, nhưng yêu mến tất cả mọi người”. Thế rồi, sau khi bị chích 2 mũi thuốc độc, cô tắt thở một cách an bình
Cái gì đã thay đổi tâm trạng của người phụ nữ này? Trước kia, cô là một hung thủ, đã đóng kín lòng mình lại, đã cắt đứt với mọi tương quan thân hữu. Nhưng rồi trong giờ chết, cô đã ở trong tâm trạng an bình, xin được mọi người tha thứ và muốn sống trong tương quan tình yêu với mọi người. Chính niềm tin vào Chúa Kitô đã thay đổi con người của cô. Tuy vẫn bị toà án loài người xét xử, nhưng cô đã ra đi gặp Chúa Giêsu trong bình an, trong niềm hy vọng sẽ được Vị Thẩm Phán cuối cùng tha thứ hết mọi tội lỗi và được đón nhận vào trong Nước hằng sống.
Qua bí tích Thánh tẩy, chúng ta cũng đã được lãnh nhận ơn tha thứ và ơn Chúa Thánh Thần do Đấng Phục Sinh thông ban. Chúng ta hãy hết lòng tri ân Chúa, đồng thời cũng hãy xin Thánh Thần của Ngài biến đổi chúng ta dần dần, để chẳng những chúng ta được hưởng niềm vui và sự bình an sâu xa, mà còn trở thành những con người đầy nghị lực, có khả năng mang sứ điệp phục sinh của Chúa Giêsu đến cho mọi người.