TỈNH THỨC VÀ CANH THỨC

TỈNH THỨC VÀ CANH THỨC
SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT 1 MÙA VỌNG NĂM B: Mc 13,33-37

Trong Kinh Tin kính, có hai tín điều mà ta còn phải chờ.
“Và Ngài sẽ lại đến trong vinh quang
để phán xét kẻ sống và kẻ chết.”
“Tôi trông đợi kẻ chết sống lại, và sự sống đời sau.”
Cả hai điều trên đều chưa xảy ra, nhưng là nỗi chờ mong
của các kitô hữu từ hai mươi thế kỷ.
Người Do-thái chờ Đấng Mêsia đến trần gian,
còn kitô hữu chờ ngày Con Thiên Chúa trở lại.
Đôi khi chúng ta nghĩ Đức Giêsu đã phục sinh và lên trời,
như thế là xong, Ngài chẳng còn phải làm gì nữa.
Thật ra khi phục sinh, Đức Giêsu đã chiến thắng thần chết,
nhưng Ngài chưa toàn thắng, và cuộc chiến vẫn còn kéo dài.
Thiên Chúa chưa “bắt muôn loài quy phục dưới chân Ngài”
và kẻ thù cuối cùng là sự chết vẫn chưa bị tiêu diệt (1 Cr 15,24-28).
 
Hai tín điều trong Kinh Tin kính mà ta còn phải chờ
lại là hai biến cố trùng nhau về thời gian.
Ngày Chúa Giêsu trở lại như một thẩm phán đầy quyền năng
cũng là ngày tận thế, ngày thân xác kẻ chết sống lại.
Ngày đó thật là một ngày quan trọng cho cả vũ trụ loài người,
và cũng là ngày vinh quang lớn lao cho chính Chúa Giêsu.
Nhiều người đoán già đoán non về lúc nào ngày ấy đến.
Đã có những lời đồn đoán về ngày tận thế, và tất cả đều sai.
Có người đã bán cả nhà cửa ruộng vườn để ngồi chờ tận thế.
Có người bỏ cả công ăn việc làm, nhưng chẳng thấy gì xảy ra.
Họ quên rằng chính Đức Giêsu, Con Thiên Chúa mang phận người,
cũng thú nhận chỉ mình Chúa Cha mới biết về Ngày ấy (Mc 13,32).
Chúng ta tin Ngày ấy thế nào rồi cũng đến,
nhưng chúng ta không biết rõ khi nào (Mc 13,33.35.36).
Chính vì thế đời của kitô hữu tự bản chất là chờ đợi.
Nếu Chúa Giêsu không quang lâm,
công trình cứu độ vẫn chưa hoàn thành trọn vẹn,
và Thiên Chúa chưa “là tất cả trong muôn loài” (1 Cr 15,28).
 
Nhưng kitô hữu không khoanh tay chờ suông cách thụ động.
Bài Tin Mừng hôm nay dạy ta cách chờ.
Chúng ta là những đầy tớ được ông chủ đi xa tin cậy,
giao nhà và giao cả quyền hành, phân công mỗi người mỗi việc.
Chúng ta là anh giữ cửa, có nhiệm vụ mở cửa ngay khi chủ về.
Thường thì ông chủ không về vào ban đêm,
vì trời thì tối, đường không có đèn, ẩn chứa nhiều nguy hiểm.
Nhưng biết đâu ông chủ lại bất thần trở về
vào lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng.
Đó là lúc mọi người dễ chìm trong giấc ngủ say.
 
“Hãy tỉnh thức! Hãy canh thức!” Đức Giêsu nhắc lại nhiều lần,
không phải chỉ cho bốn môn đệ thân tín (Mc 13,3),
mà cho mọi người và từng người chúng ta (Mc 13,37).
Không phải Ngài cấm chúng ta ngủ trưa hay ngủ tối.
Nhưng Ngài dạy chúng ta đừng ngủ mê trong tội.
 
Khi ngủ mê, người ta quên mình là đầy tớ,
nhận quyền hành của chủ để chu toàn công việc được giao.
Khi ngủ mê, người ta để chủ ban đêm đứng chờ ngoài cửa.
Sống ở đời, ta dễ bị ru ngủ bởi nhiều thứ gây nghiện.
Thế gian này quá hấp dẫn khiến ta nghĩ nó là vĩnh cửu.
nghĩ chuyện Chúa quang lâm là chuyện không đáng tin (2 Pr 3,4).
chẳng có thưởng phạt, cũng chẳng có phục sinh cho thân xác.
 
Thái độ thức tỉnh đòi hỏi ta cảnh giác liên tục.
Chính vì không biết lúc nào chủ về, lúc nào Chúa đến
nên lúc nào ta cũng phải sẵn sàng, tích cực chờ đợi,
để ra đón Chúa trong niềm vui bình an.
 
LỜI NGUYỆN
 
Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đã yêu trái đất này,
và đã sống trọn phận người ở đó.
Chúa đã nếm biết nỗi khổ đau và hạnh phúc,
sự bi đát và cao cả của phận người.
 
Xin dạy chúng con biết đường lên trời,
nhờ sống yêu thương đến hiến mạng cho anh em.
 
Khi ngước nhìn lên quê hương vĩnh cửu,
chúng con thấy mình được thêm sức mạnh
để xây dựng trái đất này,
và chuẩn bị nó đón ngày Chúa trở lại.
 
Lạy Chúa Giêsu đang ngự bên hữu Thiên Chúa,
xin cho những vất vả của cuộc sống ở đời
không làm chúng con quên trời cao,
và những vẻ đẹp của trần gian
không ngăn bước chân con tiến về bên Chúa.
 
Ước gì qua cuộc sống hằng ngày của chúng con,
mọi người thấy Nước Trời đang tỏ hiện.

Tác giả bài viết: Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ