TÌNH YÊU THIÊN CHÚA TRƯỚC SAU NHƯ MỘT

TÌNH YÊU THIÊN CHÚA TRƯỚC SAU NHƯ MỘT
Lời Chúa: Lc 15,1-3.11-32

Tin Mừng Chúa Nhật thứ IV Mùa Chay năm C thường được gọi là dụ ngôn người con hoang đàng, nhưng gọi như thế e không chính xác. Phải gọi là dụ ngôn về người cha nhân hậu, thì mới đúng. Dụ ngôn người cha nhân hậu là một trong 3 dụ ngôn được thuật lại trong chương 15 của Tin mừng theo thánh Lu-ca. Tại sao Chúa Giê-su kể các dụ ngôn này? Thưa là bởi vì những người Biệt phái và luật sĩ lấy làm chướng tai gai mắt khi thấy Chúa Giê-su đón tiếp những người thu thuế và tội lỗi, lại còn ăn uống với chúng. Đối với Biệt phái và luật sĩ, thì đó là điều tuyệt đối cấm kỵ. Để biện minh cho hành động của mình, Chúa Giê-su kể 3 dụ ngôn trong đó có dụ ngôn người cha nhân hậu để nói rằng Thiên Chúa là tình yêu và ngài thể hiện tình yêu bằng cách sai Con của ngài đến tìm và cứu chữa những gì đã hư mất, và ngài sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn hối cải hơn là vì 99 người công chính không cần hối cải. Chúng ta sẽ đọc lại dụ ngôn này và đối chiếu với người cha nhân loại để thấy rằng người cha trong dụ ngôn không ai khác hơn là Thiên Chúa. Chỉ có Cha trên trời mới cư xử như vậy.

Người kia có hai con trai. Trong một gia đình bình thường thì có cha có mẹ và con cái. Nhưng trong câu chuyện này, ta không thấy nói đến người mẹ, bởi vì người cha này chính là Thiên Chúa: Thiên Chúa là người Cha có trái tim của người mẹ, cho nên có những lúc chúng ta sẽ thấy ngài cư xử không như một người cha mà y như một người mẹ.

Đứa em thưa với cha rằng: "Thưa cha, xin cha cho con phần gia tài thuộc về con". Người cha liền chia gia tài cho các con. Bình thường khi còn sống người cha có thể cho con một phần gia sản, phần còn lại ông ghi trong di chúc, khi ông qua đời thì mới đem ra chia. Đàng này, ông còn sống khơi khơi như vậy mà thằng con đòi chia gia tài, như thể nó trù ẻo cho ông chết sớm vậy. Nhưng người Cha là Thiên Chúa luôn tôn trọng tự do của con người. Con người mà muốn thì ngài không hề cấm cản.

Ít ngày sau, người em thu góp tất cả của mình, trẩy đi miền xa và ở đó ăn chơi xa xỉ phung phí hết tiền của. Khi nó tiêu hết tiền của thì vừa gặp nạn đói lớn trong miền đó, và nó bắt đầu cảm thấy túng thiếu. Nó vào giúp việc cho một người trong miền, người này sai nó ra đồng chăn heo. Nó muốn ăn những đò cặn bã heo ăn cho đầy bụng, nhưng cũng không ai cho. Bình thường, một người con được một số vốn như vậy thì có thể đi phương xa kinh doanh thành công ăn nên làm ra, rồi có thể về cất nhà sang trọng hay sắm xe con cho cha mẹ an hưởng tuổi già, chứ không nhất thiết là thất bại như trong câu chuyện. Người con trong dụ ngôn ăn chơi xa xỉ phung phí hết tiền của, rồi xảy ra nạn đói phải đi chăn heo. Đối với người Do thái, con heo là con vật nhơ bẩn, họ không nuôi heo bao giờ. Anh chàng này túng quá phải đi chăn heo và đói bụng quá ước có cháo heo mà ăn cho đỡ đói mà cũng không ai cho, vì heo bán có tiền còn ăn chàng này bán chẳng ai mua. Nói cách khác, anh ta đi từ thất bại này đến thảm họa khác, đến mức không còn phẩm giá của một con người nữa mà phải nói là anh ta đã ra như một con vật. Ở đây, chúng ta càng thấy rõ người cha trong dụ ngôn này là Thiên Chúa. Thiên Chúa là nguồn sống, khi chúng ta xa rời Thiên Chúa là nguồn sống thì chúng ta đi vào chỗ chết. Người con trong một gia đình bình thường bỏ nhà ra đi có thể thất bại mà cũng có thể thành công. Chúng ta mà bỏ Chúa thì chúng ta sẽ không ngóc đầu lên được mà chỉ có lụn bại và chết mà thôi.

Bấy giờ nó hồi tâm lại và tự nhủ: "Biết bao người làm công ở nhà cha tôi được ăn uống dư dật, còn tôi, tôi ở đây phải chết đói! Tôi muốn ra đi trở về với cha tôi và thưa người rằng: "Thưa cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa, xin cha đối xử với con như một người làm công của cha". Vậy nó ra đi và trở về với cha nó. Động cơ nào thúc đẩy nó trở về? Đói quá? Khổ quá? Đúng nhưng chưa đủ. Nếu nó muốn trở về mà nó nghĩ cha nó sẽ treo cổ nó thì nó có dám trở về không? Động cơ chính đưa nó về là tình thương của người cha: cha của nó thương hết mọi người, ngay cả người làm công cũng được no nê thừa mứa. Nhưng nó suy bụng nó ra bụng cha nó. Bụng nó hẹp hòi nên nó cũng nghĩ rằng cha nó hẹp hòi, nên nó chỉ dám xin cha cho nó được làm một người làm công thôi. Nhưng bụng của cha nó có hẹp hòi như bụng của nó không? Đọc tiếp chúng ta sẽ thấy câu trả lời.

Khi nó còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương; ông chạy ra ôm choàng lấy cổ nó và hôn nó hồi lâu…Người con trai lúc đó thưa rằng: "Thưa cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa..." Nhưng người cha bảo đầy tớ: "Mau mang áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu, hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu và xỏ giầy vào chân cậu. Hãy bắt con bê béo làm thịt để chúng ta ăn mừng: vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất, nay lại tìm thấy". Và người ta bắt đầu ăn uống linh đình. Khi nó trở về, chắc nó xấu hổ lắm nên nó cúi gầm xuống. Người cha trông chờ con từng ngày nên thấy con trước, ông động lòng thương, chạy ra ôm nó rồi hôn lấy hôn để. Lúc đó, người con mới thưa cha:……nó chỉ mới thưa được hai câu thì người cha ngăn lại không cho nó nói tiếp và bảo đầy tớ mặc áo, đeo nhẫn, xỏ giầy cho đứa con. Nói cách khác, ông phục hồi lại nguyên vẹn địa vị làm con cho đứa con hoang đàng. Ở đây, rõ ràng là người cha hành xử như một người mẹ: đứa con của các bà mẹ có thế nào đi nữa thì nó vẫn là con. Tình yêu của bà mẹ vẫn trước sau như một. Thiên Chúa là tình yêu trước sau như một. Khi tội nhân trở về với Thiên Chúa thì Ngài giang tay chào đón và mở tiệc ăn mừng, bỏ qua quá khứ xóa bàn làm lại, và mời gọi con người yêu như yêu lần đầu.

Người con cả đang ở ngoài đồng. Khi về gần đến nhà, nghe tiếng đàn hát và nhảy múa, anh gọi một tên đầy tớ để hỏi xem có chuyện gì. Tên đầy tớ nói: "Đó là em cậu đã trở về, và cha cậu đã giết bê béo, vì thấy cậu ấy về mạnh khoẻ". Anh liền nổi giận và quyết định không vào nhà. Cha anh ra xin anh vào. Nhưng anh trả lời: "Cha coi, đã bao năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, mà không bao giờ cha cho riêng con một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn. Còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn đàng điếm, nay trở về thì cha lại sai làm thịt bê béo ăn mừng nó!".

Nhưng người cha bảo: "Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con. Nhưng phải ăn tiệc và vui mừng, vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy". Người con thứ đã trở về nhưng người con cả cũng phải trở về, nghĩa là cũng phải thay lòng đổi dạ. Tại sao? Vì lâu nay anh ta vâng lời cha chỉ vì bổn phận chứ không phải vì yêu thương; anh phải trở về vì anh tỏ ra thiếu cảm thông: anh không gọi người con thứ là em mà nói là thằng con của cha; anh phải trờ về vì tâm địa anh xấu xa: anh bảo thằng em đã phung phí tài sản với bọn đàng điếm.

Anh chị em thân mến,
Tất cả chúng ta đều phải trở về, bởi vì chúng ta đều là tội nhân. Phải trở về liên tục. Hội thánh nhắc nhở mỗi đầu thánh lễ.
Qua bài Tin mừng, chúng ta khám phá ra chân lý kỳ diệu này là: Thiên Chúa xét xử nhân từ hơn loài người, tình yêu của Thiên Chúa thì lớn hơn tình yêu của loài người và Thiên Chúa tha thứ trong khi loài người không muốn thứ tha. Đứng trước một tình yêu như thế, chúng ta chỉ còn biết kinh ngạc, ngợi khen và yêu mến. Amen.

Tác giả bài viết: Gioan Bosco