TÔI KHÔNG KẾT ÁN CHỊ ĐÂU!

TÔI KHÔNG KẾT ÁN CHỊ ĐÂU!
Lời Chúa: Is 43,16-21; Pl 3,8-14; Ga 8,1-11

Dẫn vào Thánh Lễ:
Hôm nay là Chúa Nhật thứ 5 mùa Chay và có thể coi đây là Chúa Nhật chót của hành trình 40 ngày đi tới mầu nhiệm Tử nạn Phục Sinh. Chúa Nhật sau đã là Chúa Nhật Thương khó, bắt đầu Tuần thánh cử hành những mầu nhiệm cứu độ quan trọng nhất.

Trong chiều hướng đó, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta có thái độ lạc quan. Chúa Giêsu nói với người phụ nữ ngoại tình: Hãy về đi và đừng phạm tội nữa. Hãy quên đi quá khứ bê bối đi, hướng tới tương lai huy hoàng đang mở ra trước mắt vì Chúa Giêsu đã thực sự mang ơn cứu rỗi đến. Quả thật, nhớ lại dĩ vãng làm chúng ta tê liệt và ngăn cản chúng ta xây dựng tương lai. Nhưng Thiên Chúa là Thiên Chúa của người sống: chính Người chuẩn bị cho chúng ta niềm vui lớn nhất, đó là niềm vui Phục Sinh. Trong niềm lạc quan đó…
 
Bài giảng:

Anh chị em thân mến,

Trong bài đọc 1, ngôn sứ Isaia mở ra cho dân đang bị lưu đày bên Babilon một viễn tượng thật phấn khởi. Thiên Chúa sẽ làm mới lại tất cả. Thay vì vòng vèo trong sa mạc, giờ đây là một con đường thẳng băng. Xưa trong sa mạc bị rắn cắn, giờ đây là một niềm vui thanh bình, xưa kia vừa đi vừa lẩm bẩm kêu trách, giờ đây đã cất tiếng ngợi khen: Chúa đã thương chúng ta lạ lùng nên lòng chúng ta chan chứa niềm vui.

Dân lưu đày chan chứa niềm vui vì sắp đến lúc được hồi hương còn chúng ta, chúng ta chan chứa niềm vui vì chúng ta tội lỗi nhưng Chúa không kết án mà lại tha thứ. Giống như người phụ nữ ngoại tình, chúng ta không những được Chúa Giêsu tha tội mà tình thương của Chúa còn mở ra cho chúng ta một con đường mới, một tương lai xán lạn như được tường thuật trong bài Tin mừng hôm nay.

Hôm ấy, Chúa Giêsu đang giảng dạy trong đền thờ, có đông đảo dân chúng vây quanh, các luật sĩ và biệt phái lôi đến trước mặt Chúa Giêsu một người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Họ để chị đứng ở giữa và dõng dạc thưa: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Luật Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà này. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” Họ nói thế nhằm gài bẫy Ngài để có bằng chứng tố cáo. Đâu là cái bẫy giăng ra?

Nếu trả lời là không ném đá thì Chúa Giêsu sẽ bị tố cáo là vi phạm Luật Môsê, còn nếu trả lời là ném đá thì Chúa Giêsu đi ngược lại giáo thuyết về lòng nhân từ mà Chúa rao giảng lâu nay đồng thời động chạm đến quyền bính rôma là thẩm quyền duy nhất có quyền lên án tử. Luật sĩ và biệt phái vừa muốn lên án người phụ nữ vừa nhân cơ hội gài bẫy Chúa Giêsu để cũng tố cáo và lên án Ngài. Một mũi tên nhắm hai đích một lượt, và họ chắc mẩm lần này Chúa sẽ không thoát.

Nhưng Chúa Giêsu xem ra không mấy chú ý đến lời cáo trạng và thái độ đắc thắng của nhóm luật sĩ và biệt phái. Ngài cúi xuống lấy tay viết trên đất. Đó là cử chỉ muốn từ chối đưa ra phán quyết; viết trên đất là một trong những cách tránh né trả lời. Nhưng vì kẻ thù của Chúa cứ hỏi tới hỏi lui nên Ngài cảm thấy bị bắt buộc phải lên tiếng: “Ai trong các ông sạch tội thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”.

Câu trả lời của Chúa Giêsu cho thấy sự khôn ngoan vượt bực của Ngài. Ngài không những không vi phạm Luật Môsê nhưng còn dựa vào Luật ấy mà đưa những kẻ tố cáo ra trước tòa án lương tâm của mỗi người. Những kẻ tố cáo giờ đây đã trở thành người bị cáo. Một nhà hiền triết Hy lạp đã nói: Con người ta thường đeo 2 cái bị: 1 cái đằng trước và 1 cái đằng sau lưng. Cái bị trước ngực chứa những cái xấu của kẻ khác, còn cái đeo sau lưng đựng những cái xấu của mình. Do đó, người ta chỉ nhìn thấy lỗi lầm kẻ khác mà không nhận ra lỗi lầm của mình. Chúa Giêsu đã từng nói: “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của anh em mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em”.

Quả thật như vậy, khi nhìn vào lương tâm của mình, các luật sĩ và biệt phái thấy mình có tội, kẻ tội ít, người tội nhiều, nên lần lượt rút lui từng người một, kẻ trước người sau, tóc bạc rút trước, tóc đen rút sau, bởi vì càng lớn tuổi càng có nhiều tội. Trong khi đó, Chúa Giêsu cúi xuống tiếp tục viết trên đất, chắc là để cho những kẻ tố cáo rút lui mà không phải ngại ngùng.

Ở đây, chúng ta trân trọng thái độ chân thành của họ. Họ ra đi để lại 2 người mà họ tố cáo và định tố cáo. Cuối cùng, chỉ còn lại con người đáng thương là người phụ nữ một bên và hiện thân của Tình Thương là chính Chúa Giêsu một bên. Lúc đó, Ngài nói với người phụ nữ: “Tôi, tôi không lên án chị”.

Là người duy nhất có quyền lên án, và đây là lúc Ngài lên án tốt nhất và đúng nhất nhưng Ngài từ chối lên án. Vì nếu lên án, Ngài cũng chẳng khác gì luật sĩ và biệt phái. Và nhất là bởi vì lên án không thuộc về bản chất của Sự Thiện và Tình Yêu, vốn là chính Ngài. Đàng khác, lên án không có khả năng chữa lành tận gốc rễ tội lỗi, chỉ có Lòng Thương Xót mới có thể mà thôi. Vì thế, Ngài nói với người phụ nữ: “Từ nay đừng phạm tội nữa”. Ngài không chỉ tha thứ, nhưng còn muốn chữa lành chị, giải cứu chị từ chỗ đáng lẽ phải chết vì bị ném đá do ngoại tình đến chỗ được sống trong tự do của con cái Thiên Chúa hằng sống.

 
Lâu lắm rồi, tại một hải đảo của nước Ý, có qui định như thế này: nếu một người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, người ta sẽ buộc vào cổ người ấy một tảng đá lớn và quẳng xuống biển cho chết chìm trước sự chứng kiến của người chồng.

Vào một ngày nọ, có người đàn bà bị bắt quả tang về tội này, bà sẽ bị xử theo luật qui định. Nhưng đến ngày xử mà người chồng vẫn biệt tăm, nên dân chúng phải gia hạn thêm một vài ngày nữa. Người ta gia hạn nhiều lần nhưng vẫn không thấy người chồng trở về. Cuối cùng, họ phải đưa người đàn bà đến một vùng biển sâu, cột một tảng đá lớn vào cổ rồi quẳng bà xuống nước.

Nhưng lạ lùng thay, hôm sau mọi người đều kinh ngạc khi thấy người đàn bà xuất hiện trở lại trong làng. Thì ra, người chồng đã hay biết tất cả những gì đã xảy đến cho vợ mình. Thay vì trở về để chứng kiến bản án khắc nghiệt, ông ta tìm cách ở lại ngoài khơi với hy vọng kéo dài cuộc sống cho vợ. Và đến ngày xử án, ông đến núp sau một ghềnh đá lớn. Khi người ta vừa ném bà xuống biển, ông đã đến đón lấy bà, tháo gỡ tảng đá ra và đưa bà về nhà. Trước tình yêu và hành vi tha thứ cao cả của người chồng, dân làng đã nhất trí huỷ bỏ thông lệ tử hình vốn đã kéo dài hàng trăm năm trước.
 
Anh chị em thân mến,
Chúa Giêsu cứu độ chúng ta như thế đó. Là Đấng vô tội, Ngài có quyền xét xử nhưng Ngài đã thi hành quyền ấy bằng tình yêu và lòng thương xót. Trong bất cứ hành vi tội lỗi nào của chúng ta thì chính Chúa là Đấng bị xúc phạm, nhưng Chúa luôn tha thứ. Như người chồng trong câu chuyện, Chúa cũng luôn đưa cánh tay của Ngài ra để đón lấy chúng ta từ vực sâu của tội lỗi, của sự chết và đưa chúng ta về cõi sống.

Chỉ có Chúa Giêsu là Đấng vô tội nhưng Ngài không kết án. Vậy thì mỗi khi muốn kết án ai, chúng ta hãy nhìn vào mình trước để thấy mình tội lỗi rất nhiều nhưng đã được tha thứ nhiều, vì thế sẽ không kết án ai mà sẽ dễ dàng tha thứ cho tha nhân. Và như thế, lòng chúng ta sẽ chan chứa niềm vui, niềm vui của được tha thứ và của tha thứ. Amen.

Click chuột lên tiêu đề để nghe ca khúc CHUYỆN NGƯỜI ĐÀN BÀ HAI NGÀN NĂM TRƯỚC

Tác giả bài viết: Gioan Bosco