TỘI VÔ TÂM VỚI ĐỒNG LOẠI

TỘI VÔ TÂM VỚI ĐỒNG LOẠI
Lời Chúa: Am 6,1.4-7; 1 Tm 6,11-16; Lc 16,19—31

 
Tờ tin điện tử vnexpress số ra ngày Thứ Ba, 21/9/2010, đăng tải câu chuyện rất ấn tượng về một nữ triệu phú người Anh quốc gốc Việt có tên là Suzanne Hook. Đã từng là một trong số hàng trăm đứa trẻ bị bỏ rơi trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, Suzanne Hook may mắn được một cảnh sát tìm thấy và đưa đến trại trẻ mồ côi ở Sài Gòn năm 1969 và được đặt tên là Thị Hiền. Khi đó, Thị Hiền yếu đến mức không thể cử động được. Các y tá người Anh chăm sóc cô và đưa cô rời khỏi Việt Nam năm 1972. Suzanne trở thành con nuôi của một gia đình ở phía tây London. Năm 18 tuổi, cô xa gia đình và đi học ngành ăn uống rồi thành bếp trưởng trên tàu và nhà hàng. Từ năm 2002, cô tạo dựng một dịch vụ làm móng tay và trở thành  người phụ nữ rất thành công trong ngành làm đẹp.   

Nhưng rồi cô đã quyết định bán tất cả những gì mà cô đang có để về Việt Nam lo cho trẻ mồ côi. Tài sản bao gồm ngôi nhà trị giá gần 780.000 USD, chiếc xe Mercedes thể thao, đồ đạc, quần áo và bộ sưu tập giày gồm khoảng 300 đôi. Cô đã từ giã cuộc sống ở Anh để toàn tâm cho nhà trẻ mồ côi  ở Sài Gòn.

Cô nói: "Toàn bộ cuộc sống của tôi đang được rao bán. Tôi chuẩn bị chia tay bạn bè để chăm sóc các trẻ em mồ côi trong phần cuối đời mình. Tôi muốn cho chúng tương lai và giúp chúng học đến đại học, hoặc tìm được việc làm để có thể tự đứng vững trên đôi chân mình, nhưng tôi cũng muốn chúng cảm nhận được tình yêu thương, điều mà tôi không có được khi còn bé".
 
Từ rất xa, xa gần một nửa vòng trái đất, nhưng cô Suzanne đã nhìn thấy và quan tâm đến những đứa trẻ mồ côi bất hạnh ở Việt Nam. Trong khi đó người phú hộ trong câu chuyện dụ ngôn của Tin Mừng hôm nay lại hoàn toàn khác hẳn. Dường như ông không quan tâm và không để ý gì đến người nghèo khó là một người hành khất khốn cùng đang ở ngay trước cửa nhà mình. 

Nếu nói theo ngôn ngữ ngày hôm nay thì ông phú hộ này là một triệu phú. Nếu sống vào thời đại này thì ông có nhà lầu, xe hơi đời mới, có con đi du học nước ngoài, có tài khoản lớn nơi các ngân hàng nổi tiếng, có của chìm của nổi; và vì có nhiều của cải như thế nên ông mặc toàn đồ hàng hiệu đắt tiền, rồi tiệc tùng đình đám liên miên với nhiều kẻ hầu người hạ, v.v… Nhưng kết cục đời ông, Tin Mừng cho thấy là quá phũ phàng, quá bi đát: phải sa vào hoả ngục. Tại sao ông phải sa vào hỏa ngục như thế? 

Không chỗ nào trong dụ ngôn nói đến ông phú hộ này là một tay đại gian đại ác, dùng mọi thủ đoạn thu tích của cải cho mình một cách bất chính, cũng không chỗ nào nói ông ngược đãi hay bóc lột sức lao động của người khác, hoặc là lợi dụng chức quyền để đàn áp nhân dân. Hơn nữa, là người giàu có, ông có quyền ăn mặc sang trọng và cũng có quyền tổ chức yến tiệc linh đình. Xét cho cùng, ông chẳng có tội tình gì ghê gớm để phải chịu hình phạt đoạ đày. Ông hưởng thụ thật đấy, nhưng cũng chỉ hưởng thụ từ những của cải do ông làm ra, chứ có phải do tham nhũng, hối lộ gì. Vậy thì do đâu? Thưa là do ông đã vô tâm, khép cửa lòng, sống dửng dưng, “mackeno” (mặc kệ nó) trước nỗi cùng khốn của tha nhân. Dẫu ông không la mắng, chửi bới, hay xua đuổi Ladarô ra khỏi nhà, nhưng điều đáng trách là ông ta không thèm ngó ngàng gì đến người nghèo Ladarô chỉ cách ông có mấy bước. Hoàn cảnh của Ladarô quá khốn khổ thế mà người phú hộ vẫn phớt lờ đến nỗi Ladarô có thể chết vì đói, đang khi ông ta lại quá dư thừa. Thành ra tội hững hờ của người phú hộ trở thành tội nặng làm cho ông ta đáng bị gia hình trong hỏa ngục.  

Trong bài đọc 1, Tiên tri Amos với lối nói cay độc chua chát cũng đã tiên báo những sự trừng phạt khủng khiếp dành cho những kẻ giàu có đang hưởng thụ xa hoa mà không biết xót thương người khốn khổ. Của cải vật chất đã trở thành bức tường khép kín, và làm cho người sở hữu nó sống an toàn mãn nguyện trong không gian riêng của mình. Chính họ đã tạo ra khoảng cách vực thẳm. Họ không cần Thiên Chúa, cũng chẳng cần biết đến tha nhân. Khoảng cách đó lớn dần và kéo dài đến đời sau. 
 
Dụ ngôn phú hộ và Ladarô là lời cảnh báo cho những kẻ chỉ biết tôn thờ vật chất, hưởng thụ trần gian mà quên đi tình Chúa tình người. Dụ ngôn còn là lời kêu gọi ý thức trách nhiệm xây dựng tình liên đới với tha nhân, nhất là người nghèo. Kitô giáo không chủ trương bần cùng hóa nhân dân nhưng cỗ võ tình yêu thương liên đới đối với những người nghèo khổ. Chúa Giêsu là Đấng giàu có hơn ai hết, nhưng Ngài đã trở nên nghèo khó để cảm thông và liên đới với người nghèo. Ngài đã dùng tình thương để xoá bỏ khoảng cách giữa trời và đất, giữa Thiên Chúa và con người khi Ngài làm người, làm một người nghèo giữa những người nghèo. Người môn đệ đi theo Chúa Giêsu cũng được mời gọi trở nên giống như Ngài.  

Ngày hôm nay vẫn còn quá nhiều Ladarô ngay trên đất nước Việt Nam này. Vẫn còn quá nhiều người cần đến “ngôi nhà mơ ước” hay “câu chuyện ước mơ” đầy dẫy trên truyền hình. Không nhà ở, không tiền mua thuốc men chữa bệnh, không có điều kiện cho con đến trường kiếm cái chữ... Họ là những người nghèo thật sự, nghèo vật chất, nghèo tình thương, nghèo văn hoá… Vấn đề ở chỗ chúng ta có nhìn thấy những con người cùng khốn ấy, để ra tay cứu giúp không, hay chúng ta vẫn vô tâm, hững hờ như nhà phú hộ trong câu chuyện Tin Mừng.  
 
Anh chị em thân mến,
Có một doanh nhân đến bữa trưa vào một tiệm ăn kêu một đĩa cơm. Ông đang ăn thì thấy một đứa trẻ đen đủi dơ dáy đang đứng ở cửa tiệm, đưa cặp mắt thèm thuồng nhìn những thực khách đang dùng bữa. Biết là nó đang đói nên thương tình ông đưa tay ngoắc nó vào và kêu cho nó một đĩa cơm. Khi đĩa cơm được bưng lên để trước mặt thì nó không ăn mà hết nhìn đĩa cơm rồi nhìn ra ngoài. Ông doanh nhân mới thúc nó: “Ăn đi cháu”. Nó trả lời: “Làm sao cháu có thể ăn được khi em của cháu đang đói đứng ở ngoài kia?”. Ông doanh nhân nhìn ra cửa thì thấy một thằng cũng lem luốc y như thằng này, nhỏ hơn thằng này một chút đang thèm thuồng nhìn vô. Ông mới bảo thằng anh ra dẫn thằng em vô, kêu thêm cho thằng em một đĩa cơm. Lúc đó hai anh em mới cùng ăn với nhau.

“Làm sao cháu có thể ăn được khi em của cháu đang đói đứng ở ngoài kia?” Câu nói này làm vang vọng  một câu nói của Albert Schweitzer, một bậc vĩ nhân của thế kỷ 20. Ông nói rằng: “Làm sao chúng ta có thể sống hạnh phúc khi có biết bao người đang đau khổ?”. Phải có một tấm lòng rộng mở cao độ mới có thể phát biểu như vậy. Vì thế, xin Chúa mở cõi lòng chúng ta ra để chúng ta biết sống liên đới và chia sẻ ngay từ hôm nay, hầu mai ngày chúng ta sẽ được sum họp với Thiên Chúa và anh chị em chúng ta trong hạnh phúc yêu thương nơi Quê Trời. Amen.

Tác giả bài viết: NTL