TRUNG THÀNH HAY KHÔNG TRUNG THÀNH

TRUNG THÀNH HAY KHÔNG TRUNG THÀNH

“Kẻ ăn bánh của Tôi sẽ nhấc gót đạp Tôi”.

Không phản bội nào tồi tệ hơn phản bội của một thành viên trong gia đình hoặc bạn bè! Julius Caesar đã trải nghiệm một phản bội như vậy. Một trong những kẻ âm mưu ám sát thủ lĩnh La Mã ngày 15/3/44 B.C. là Marcus Junius Brutus. Caesar không chỉ tin tưởng mà còn ưu ái Brutus như con trai. Theo các sử gia La Mã, trước đó, Caesar chống lại sự tấn công dồn dập của các sát thủ. Nhưng khi nhìn thấy Brutus với con dao được rút ra, Caesar lặng trân, ngừng vùng vẫy, kéo áo qua mặt, và để lại một câu hỏi nổi tiếng, “Cả ngươi nữa sao, Brutus, con trai của ta?”.

Kính thưa Anh Chị em,
Trải nghiệm bị phản bội của Caesar 44 năm trước Chúa Giêsu, cũng là trải nghiệm của chính Ngài. Ấy thế, bất chấp con người trung thành hay phản bội, Thiên Chúa vẫn chứng tỏ Ngài mãi trung thành! Đó cũng là những gì Lời Chúa hôm nay tiết lộ! Lòng trung thành đó hiện thực nơi Chúa Giêsu qua tình yêu Ngài dành cho các môn đệ, dù họ ‘trung thành hay không trung thành!’.

Bài đọc Công Vụ Tông Đồ hôm nay cho thấy một cái nhìn tổng quan về một buổi cử hành ‘phụng vụ Lời Chúa’ của người Do Thái. Một ngày Sabbat, các tông đồ vào hội đường, nghe đọc sách luật và các ngôn sứ; hôm đó, Phaolô được mời chia sẻ. Nhân cơ hội này, Phaolô đã rao giảng về tình yêu thuỷ chung của Thiên Chúa, Đấng đã chọn Israel, giải thoát Israel, và chịu đựng Israel. Đó là một Thiên Chúa trung thành với giao ước đã lập với các tổ phụ; đặc biệt, lời hứa của Ngài với Đavít, “Bởi dòng dõi Đavít, theo lời hứa, Ngài ban cho Israel Đức Giêsu làm Đấng Cứu Độ”. Đức Giêsu là hiện thân sự trung thành của Thiên Chúa!

Bối cảnh Tin Mừng hôm nay là bữa ăn Vượt Qua; ở đó, Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ. Trong lần gặp gỡ cuối cùng này, Ngài nói đến việc ‘trung thành và không trung thành’; Ngài biết một trong các môn đệ sẽ phản bội. Việc biết trước như thế lẽ ra, khiến Ngài tránh xa những con người này để tự bảo vệ mình; nhưng thay vào đó, Ngài vẫn tỏ ra yêu thương, trìu mến và tế nhị ngay cả với kẻ mà Ngài biết sẽ “bán” Ngài. Trong những giây phút cuối cùng của hành động phản bội ấy, Chúa Giêsu vẫn “trao bánh” cho Giuđa, một cử chỉ thân thiện nhất của người đang yêu; và Ngài cũng gợi ý bóng bẩy, may ra người môn đệ này biết suy nghĩ lại, “Kẻ ăn bánh của Tôi sẽ nhấc gót đạp Tôi”. Ngài mở rộng tình bạn cho Giuđa đúng vào lúc Giuđa đang mưu toan bán Thầy. Tình yêu và lòng trung thành của Chúa Giêsu vẫn bền bỉ đến cùng… đến tận thập giá, đến tận phục sinh! Khi Ngài tắt hơi, trừ một mình Gioan, không môn đệ nào có mặt để cảm thông với Ngài. Ấy thế, sau khi sống lại từ cõi chết, Chúa Giêsu không hề nhắc đến sự bất tín của một ai. Ngài thấu hiểu, cảm thông, và tiếp tục yêu thương, tha thứ, đồng hành với họ.

Anh Chị em,
“Cả ngươi nữa sao, Brutus, con trai của ta?”, câu nói của một trái tim tan nát; “Kẻ ăn bánh của Tôi sẽ nhấc gót đạp Tôi”, câu nói của một trái tim vỡ vụn! Với Chúa Giêsu, đó là gót chân của một trong những môn đệ mà Ngài đã thức suốt đêm cầu nguyện để chọn lựa. Ba năm gần gũi Thầy, nghe bao điều, thấy bao phép lạ… vậy mà Giuđa vẫn đang tâm phản bội. Dẫu thế, Chúa Giêsu vẫn cứ đeo bám để yêu; Phaolô quả quyết, “Nếu ta không trung tín, Ngài vẫn một lòng trung tín, vì Ngài không thể chối bỏ chính mình”. Trung tín là bản chất của Thiên Chúa; với Ngài, con người ‘trung thành hay không trung thành’ xem ra không còn quan trọng. Tạ ơn Chúa, đã cho chúng ta tin và đi theo một Đấng tuyệt đối trung thành; và sự trung thành của Ngài chính là tình yêu Ngài dành cho chúng ta. Chớ gì chúng ta đừng phản bội, phản bội lời khấn, phản bội thiên chức, phản bội lời thề trước bàn thờ với nhau! Để từ đó, chúng ta trở nên những sứ giả nói cho thế giới rằng, ‘Nhân loại này đang có một Đấng tuyệt đối yêu thương, tuyệt đối trung thành’. Thật ý nghĩa với Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, tình thương Chúa, đời đời con ca tụng!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, ranh giới giữa ‘trung thành hay không trung thành’ thật mong manh. Xin giúp con trung tín với Chúa mỗi ngày và từng ngày!”, Amen.

Tác giả bài viết: Lm. Minh Anh TGP. Huế