TỪ BỎ ĐỂ CÓ NƯỚC TRỜI

TỪ BỎ ĐỂ CÓ NƯỚC TRỜI
Lời Chúa: Kn 9,13-18; Plm 9-10.12-17; Lc 14,25-33

 
 Anh chị em thân mến,
Chúa Giê-su đã có lần ví Nước Trời như bảo vật chôn giấu trong ruộng, có người tình cờ khám phá ra được, cẩn thận chôn giấu lại rồi về bán cả gia tài để mua thửa ruộng, hầu làm chủ luôn cả kho tàng chôn giấu trong đó. Chúa Giê-su còn ví Nước Trời như viên ngọc rất quí mà một người thương gia tìm được liền về bán tất cả tài sản để mua. Qua hai ví dụ đó, Chúa Giê-su muốn dạy chúng ta rằng: Nước Trời không chỉ là một thực tại vô giá mà Ngài còn muốn nói với chúng ta rằng muốn chiếm được Nước Trời phải từ bỏ tất cả. Và chính điều này làm cho không ít người  phải phân vân. Sự việc sẽ trở nên dễ chấp nhận nếu có thể vừa được Nước Trời mà vừa được nước thế gian, vừa được lời lãi đời này mà vừa được chiếm hữu đời sau.

Lần khác, có mấy người muốn đi theo làm môn đệ nhưng lại xin phép về nhà chôn cất cha hay từ giã gia đình. Chúa Giê-su bảo: Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa. Đòi hỏi của Chúa Giê-su xem ra có vẻ quá đáng và không mấy nhân đạo. Nhưng nếu chúng ta tin nhận giá trị tuyệt đối của Nước Trời, nếu chúng ta nhìn nhận Nước Trời là ưu tiên số một, nếu chúng ta xác tín rằng được Nước Trời là được tất cả, khi ấy chúng ta sẽ hiểu rằng: không những chúng ta phải từ bỏ mọi sự bên ngoài chúng ta mà còn phải từ bỏ ngay chính bản thân mình nữa, như lời Chúa Giê-su: Ai muốn theo Ta phải từ bỏ mình, vác thập giá mà theo Ta.

Nhưng Chúa Giê-su không bắt buộc chúng ta đi theo Chúa, Ngài cũng chẳng bắt buộc ta vào Nước Chúa. Ai muốn theo thì theo, ai muốn vào thì vào. Nhưng muốn theo muốn vào thì phải chấp nhận những đòi hỏi Ngài nêu ra. Chính vì thế, Chúa Giê-su đòi phải suy tính kỹ càng và lựa chọn cẩn thận qua ví dụ xây tháp và ra trận.

Người xây tháp ở đất Pa-lét-tin để ép nho hay làm kho lẫm thì trước hết phải tính công thợ, vật liệu đầy đủ, thời gian phù hợp…chứ không xây theo kiểu đến đâu hay đến đó; nếu vì một lý do nào đó mà phải bỏ cuộc nửa chừng thì thiên hạ sẽ cười chê cho là dại dột. Chúa Giê-su muốn dùng hình ảnh này để nói lên rằng khi một người muốn theo Chúa thì phải tính toán kỹ càng. Chúa không chấp nhận lối sống theo Chúa ương ương dở dở. Không thể làm tôi hai chủ, không bắt cá hai tay. Đi theo Chúa là theo cho tới cùng chứ không nửa vời.

Để nói lên tầm quan trọng của việc lựa chọn theo Chúa, Chúa Giê-su còn dùng dụ ngôn nhà vua ra trận. Ra trận là một chuyện nguy hiểm. Số mệnh đoàn quân nằm trong tay vị chỉ huy. Cho nên phải tính toán nát óc, phải biết thiên thời địa lợi nhân hòa. Vậy nếu như nhà vua lâm trận mà không tính trước thì quả là đi vào chỗ chết. Cũng thế, mỗi ngày sống của người tin Chúa là một sự suy tính về đường thiêng liêng: tôi có tiến lên theo Chúa hay đứng lại? tôi phải dùng những phương thế nào để tiến lên? những cản trở nào làm tôi thụt lùi? Trên đường nhân đức, không tiến tức là lùi.

Có người nhận xét rằng người Á đông chúng ta chịu ảnh hưởng thuyết Trung Dung của Khổng Tử nên cái gì cũng chủ trương vừa phải; do đó trong nếp sống đạo, người ta chỉ thánh vừa vừa: bỏ đạo hẳn như bên Tây thì không dám hay không muốn nhưng sống đạo đến nơi đến chốn thì cũng không. Người ta có mặt đông đảo ở nhà thờ, giữ luật đúng mức nhưng chỉ dừng lại ở chuyện giữ đạo theo nghĩa là bảo vệ đạo, bảo vệ các sinh hoạt phụng vụ nhưng không quan tâm đến sống đạo, thực hành đạo.

Sở dĩ có tình trạng như thế là vì có mấy ai trong chúng ta đã có lần thực sự xem xét kỹ niềm tin của mình. Chúng ta đôi khi cũng giống như kẻ xây tháp mà chẳng biết mình xây tháp, ra trận mà chẳng biết mình ra trận. Chúng ta chỉ làm theo người khác: người khác có đạo, cha ông có đạo nên tôi cũng có đạo; hay có khi vì áp lực của gia đình, của xã hội: không đi lễ nhà thờ thì ông bà già la chứ không phải vì yêu mến Chúa mà đi lễ nhà thờ.

Nhưng nói như thế có phải là tôi bảo anh chị em chon lựa đi: hễ chọn theo Chúa thì theo cho đến cùng; còn nếu không theo, thì dứt khoát không theo dù ai nói gì thì nói. KHÔNG! Tôi không có ý nói như vậy! Chúng ta đang ở trong nhà nguyện này, điều đó có nghĩa là chúng ta đã chọn Chúa. Vậy thì: hãy lo mà tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước đã và ăn ngay ở lành như Chúa đòi hỏi. Tất cả những cái khác đều là phụ thuộc. Được Nước Chúa là được tất cả. Nhưng muốn được tất cả, thì phải dám liều mất tất cả. Được ăn cả ngã về không. Luật chơi mà còn như vậy, phương chi là luật của sự sống.
 
Anh chị em thân mến,
Odette, một cô gái xinh đẹp, sinh ra trong một gia đình quý tộc ở nước Bỉ. Năm 17 tuổi, cô quyết định đi tu, nhưng chỉ vài ngày sau khi lãnh áo dòng, cha mẹ cô đến bắt trở về. Từ lâu, cha mẹ đã có ý gả cô cho lãnh chúa Simon ở một lâu đài gần đó.

Vốn biết cô con cái cưng không muốn lập gia đình nên cha mẹ cô đã chuẩn bị hôn lễ một cách kín đáo. Một buổi sáng đẹp trời cô thức giấc vì sự ồn ào lạ thường của lâu đài. Vèn màn nhìn qua cửa sồ, cô ngạc nhiên thấy xe hoa lộng lẫy đang tiến vào khuôn viên trước lâu đàu. Hỏi đầy tớ, cô mới biết người ta đang chuẩn bị lễ cưới cho cô. Kế đó, các người hầu vào phòng trang điểm và mặc áo cưới cho cô. Họ đưa cô xuống nhà nguyện của lâu đài. Nơi đây, có đông đủ quý khách, và linh mục tuyên úy của lâu đài cũng đã nghiêm chỉnh chờ sẵn.

Nghi lễ đến phần giao ước. Vị chủ tế hỏi Odette có muốn nhận Simon là chồng theo luật Giáo Hội không? Cô đã dõng dạc tuyên bố “Con không nhận lãnh chúa Simon cũng như bất cứ người nào làm chồng, bởi vì tình yêu và đức tin của con đã hiến dâng cho Chúa Kitô từ lâu rồi. Vì thế, không một tình yêu nào, cho dù sự hăm dọa có thể tách con khỏi tình yêu Chúa Kitô là bạn trăm năm duy nhất của đời con”.

Sáng hôm sau, không thấy con gái xuống vườn đi dạo như thường lệ, cha cô gõ cửa vào phòng cô. Odette đang gục đầu trên vũng máu. Ông đau đớn nhìn con và hiểu ngay ý định của Odette. Vì muốn hủy hoại sắc đẹp của mình nên cô đã dùng gươm cắt chiếc mũi xinh đẹp của cô. Khi hồi tỉnh lại, được hỏi lý do tại sao cô làm như vậy? Cô thản nhiên đáp: “Như thế sẽ không còn ai cấm cản con đi theo Chúa Kitô nữa”.
Thật vậy, khi vết thương đã lành, cô được phép gia nhập tu viện. Ba năm sau đó, nữ tu Odette được chị em chọn làm tu viện trưởng lúc mới 23 tuổi.

Là môn đệ của Chúa Kitô, chúng ta không có con đường nào khác ngoài con đường từ bỏ tất cả để được Chúa là tất cả của chúng ta. Và cho dù điều đó có khó hiểu hay khó chấp nhận đi nữa, thì đó vẫn là bí quyết đạt tới ơn cứu độ muôn đời. Để hiểu được đòi hỏi này, chúng ta cần đến ơn khôn ngoan tức là cần được Thánh Thần Chúa soi dẫn như Lời Chúa dạy trong bài đọc 1 trích sách Khôn ngoan: Ý định của Chúa nào ai biết được nếu chính Chúa không ban đức khôn ngoan cho và không gửi Thánh Thần Chúa xuống từ chốn cao vời?

Vậy chúng ta hãy tha thiết xin Chúa ban Chúa Thánh Thần là sự khôn ngoan của Thiên Chúa cho chúng ta để chúng ta dứt khoát chọn Chúa và sẵn sàng theo Chúa cho đến cùng.

Tác giả bài viết: Gioan Bosco