VẺ ĐẸP CỦA TÌNH YÊU THỦY CHUNG
- Chủ nhật - 03/10/2021 01:08
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trong đoạn Tin Mừng này, Chúa Giêsu sử dụng một câu hỏi có tính cách chống đối của những người Pharisêu để nói về quy luật sâu xa nhất của bất kỳ mối quan hệ nào: tình yêu được trao ban trọn vẹn, sự sống được ban tặng. Khi được hỏi liệu, như Kinh Thánh nói, một người đàn ông có thể bỏ vợ mình không, thì Chúa Giêsu đã chỉ cho họ một con đường khác, một lộ trình thiêng liêng.
Điểm khởi đầu là câu hỏi khi hành động như vậy liệu có hợp luật hay không? Câu hỏi này, khi nói về tình yêu, hoàn toàn không thỏa đáng. Logic của những gì được xem là hợp luật hoặc bất hợp luật là logic của những gì một người phải làm hoặc không làm, logic của các quyền và nghĩa vụ, về giới hạn hành động của một con người. Cuối cùng, đó là logic của sự khẳng định cá nhân của chính một người. Và logic này lấp đầy trái tim của con người với nỗi buồn và làm cho trái tim khô cứng lại. Tuy nhiên, chúng ta có thể thực hiện hàng trăm hành động ĐÚNG LUẬT mà không có tình yêu thương thực sự.
Logic của Thiên Chúa là một cái gì đó khác. Nó vượt ra ngoài logic con người của những người Pharisêu, vì tình yêu thương vượt ra ngoài những gì phải có cách đúng đắn. Không ai đang yêu lại nói với người yêu rằng: "Tôi sẽ làm cho bạn những gì là hợp luật và tránh những gì bất hợp luật." Một tình yêu như vậy coi như đã chết rồi! Vì tình yêu đòi hỏi sự gặp gỡ, sự chia sẻ thân mật, đón nhận những yếu đuối và mỏng giòn của người kia, sự tha thứ, khám phá vẻ đẹp của người mình yêu, để đơm hoa kết trái, và cùng nhau mơ ước…
Chúa Kitô đề xuất một tầm nhìn mới. Ngài nói với chúng ta về kế hoạch sáng tạo, về dự án của Thiên Chúa. Thiên Chúa có một kế hoạch về đời sống và vẻ đẹp cho cuộc sống của mỗi người chúng ta.
Nếu mối quan hệ giữa một người với Thiên Chúa và giữa những người khác bị giảm thiểu đến mức nào là hợp luật và bất hợp luật, thì người ta sẽ sống mối tương quan đó một cách lạnh lùng và tĩnh tại. Nhưng nếu chúng ta nhận ra rằng Thiên Chúa luôn nhìn chúng ta bằng tình yêu thương, chúng ta nhận ra rằng những khiếm khuyết của người kia (chồng, vợ, con, anh chị em, bạn bè ...) là một lộ trình để học nghệ thuật yêu thương, nghệ thuật trở nên giống Chúa Giêsu.
Khi nào chúng ta phải yêu những người khác? Chỉ khi họ là những con người hoàn hảo, không có khuyết điểm, dễ mến, đúng giờ, hữu ích; hay đúng hơn là khi họ yếu đuối, mỏng giòn, tầm thường và lầm lỗi?
Tất cả chúng ta đều được mời gọi sống những mối quan hệ thủy chung, những mối quan hệ mà trong đó chúng ta sẽ luôn có nhiều lý do để từ chối hay loại trừ người kia: chồng, vợ, con cái, thành viên gia đình, bạn bè, đồng nghiệp…
Nếu chúng ta nghĩ rằng người kia chỉ có quyền hưởng tình yêu của chúng ta khi tình yêu đó là xứng đáng, thì chúng ta không biết cách yêu. Trái tim của chúng ta đã trở nên chai cứng; nó đã trở thành một trái tim bằng đá và không còn phản ánh cách yêu thương của Thiên Chúa nữa.
Và để hiểu được điều này, chúng ta cần học giá trị của sự nhỏ bé và yếu đuối, giống như những đứa trẻ. Vì vậy, phần thứ hai của đoạn Tin Mừng này không phải do ngẫu nhiên mà có.
Yêu thương thực sự đòi hỏi phải giống như những đứa trẻ, giống như những người luôn có điều gì đó mới mẻ để học - học từ những khó khăn, gian khổ và thất vọng.
Nếu người khác chỉ đơn giản là một phương tiện để chúng ta hoàn thiện bản thân, thì cho đến nay họ chỉ có giá trị là một vật có thể sử dụng được cho chúng ta, như thế họ sẽ luôn luôn không đủ đối với chúng ta. Ngược lại, nếu chúng ta ghi nhớ tình yêu thương không ngừng của Thiên Chúa dành cho chúng ta và những người khác, chúng ta sẽ học được từ cái nhìn yêu thương thánh thiêng đó cách yêu thương những người xung quanh mình mỗi ngày tốt hơn: giống như một đứa trẻ nhỏ học từ cái nhìn yêu thương của cha mẹ nó.
Bí mật của cuộc sống này không nằm ở việc chúng ta trở nên hoàn hảo, mạnh mẽ, dễ chịu, không có khuyết điểm. Bí mật của cuộc sống là trở nên được yêu thương trong sự yếu đuối và dễ vỡ của chính chúng ta, và yêu thương người khác trong sự yếu đuối và mỏng giòn của họ. Có thể nói: Tôi thủy chung với người tôi yêu.
Chúa Giêsu luôn gần gũi chúng ta để giúp đỡ chúng ta trong lúc yếu đuối. Mọi mối quan hệ của con người đều được mời gọi để chia sẻ kinh nghiệm về cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô. Mỗi người trong chúng ta đều được mời gọi để hiến thân trọn vẹn, xả thân để giành lấy sự sống cho người kia. Sự vĩ đại của chúng ta trong Đức Kitô, bắt đầu khi chúng ta vượt lên trên chính mình vì tình yêu, khi chúng ta dám tự hiến trọn vẹn, với toàn bộ món quà là chính bản thân mình cho người khác.