ĐỒNG HÀNH TRONG ĐỨC TIN

ĐỒNG HÀNH TRONG ĐỨC TIN
SƯ PHẠM GIÁO LÝ

Dàn bài

Phần I: Giáo Lý và dạy Giáo Lý

I. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo: niềm tin Kitô giáo được mặc khải và lớn lên trong dòng lịch sử nhân loại

II. Sư phạm tổng quát

III. Dạy Giáo Lý
      1. Dạy Giáo Lý: Đồng hành trong đức tin
      2. Sư phạm Giáo Lý
          a. Căn tính của việc dạy Giáo Lý
          b. Mục đích của việc dạy Giáo Lý
          c. Bổn phận của việc dạy Giáo Lý
      3.   Giáo Lý Viên
          a. Đức Giêsu Kitô, Nhà Giáo ưu việt
          b. Căn tính của người Giáo Lý Viên

Phần II: Mục Vụ Giáo Lý

I.  Mục vụ
      1. Cấu trúc giờ Giáo Lý
      2. Nội dung Giáo Lý
      3. Phương pháp Giáo Lý
      4. Soạn giáo án
II. Một số kỹ năng cần thiết
      1. Nghệ thuật truyền thông
      2. Kể chuyện
      3. Nghệ thuật đặt câu hỏi



I.  Giáo Lý[1]
       Khi nói đến giáo lý người ta thường nghĩ ngay đến nội dung tín điều của một tôn giáo. Người ta cũng nghĩ ngay đến một loại sách trong đó có chứa nội dung các tín điều mà các tín đồ của tôn giáo đó phải biết. Cũng vậy Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo là nội dung tín điều đức tin của Giáo Hội Công Giáo.
       Chức năng đầu tiên của Giáo Lý hay sách Giáo Lý là một hình thức thông tin chứa đựng nội dung của tín điều đức tin Kitô giáo dành cho những người chưa biết và chưa tin vào Chúa Kitô. Nội dung ấy được sắp xếp theo trình tự nhất định và phát triển theo dòng thời gian, theo dòng lịch sử trong đó Giáo Hội sống niềm tin của mình, rao truyền những điều Chúa dạy và làm chứng cho Ngài.
      Bắt đầu từ việc Chúa Giêsu Kitô mặc khải công khai sứ mạng của Người, ơn cứu độ của Thiên Chúa Cha và tình yêu của của Ngài dành cho nhân loại, rồi Ngài ban lệnh truyền cho Giáo Hội tiếp nối sứ mạng công bố Tin Mừng Nước Trời “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28, 19 – 20).
       Tiếp nối dòng lịch sử và sống lệnh truyền ấy, người Kitô hữu sống mỗi ngày niềm tin của mình, lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác Giáo Lý của Thiên Chúa qua việc soạn thảo sách Giáo Lý, dạy Giáo Lý, nghiên cứu phương pháp, học hỏi để hiểu thấu đáo hơn nội dung Giáo Lý để sống và làm cho Tin Mừng của Thiên Chúa đến với mọi người, được sống trong mọi nền văn hóa và vùng đất khác nhau.
        Chức năng đầu tiên Giáo Lý trước tiên là những giảng dạy cho những người chưa tin.
       Chức năng thứ hai của Giáo Lý là giúp trưởng thành các Kitô hữu, nghĩa là giúp các Kitô hữu trưởng thành mỗi ngày một hơn trong đời sống đức tin. Là Tin Mừng và Giáo Huấn của Chúa được giảng dạy bên trong cộng đoàn Kitô hữu, những người đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội thuộc về Giáo Hội. Giáo Lý hay sách Giáo Lý như là công cụ cho việc giảng dạy trong gia đình; là thủ bản giáo khoa cho những người làm trong lãnh vực giáo dục. Vì thế Giáo Lý được xem như là thủ bản đức tin.
       Những thủ bản đầu tiên theo truyền thống thời các Giáo Phụ bao gồm: Kinh Lạy Cha, Thập Điều (Mười điều răn hoặc Thập Giới), các Bí Tích, các nhân đức đối thần… Nhằm mục đích để các tín hữu học và đào sâu các tín điều của niềm tin Kitô giáo cho nên khai sinh ra hệ thống phương pháp các câu hỏi thưa để dễ ghi nhớ và thuộc lòng.
         Theo dòng thời gian, qua suy tư và nghiên cứu thần học, qua nổ lực biện hộ bảo vệ các tín điều đức tin chống lạc giáo, Giáo Lý được phát triển và hình thành toát yếu Giáo Lý với ngôn ngữ xa rời thực tế con người và cuộc sống, với những khái niệm khó hiểu. Đức tin được thể thức hóa thành học thuyết, một tổng luận các giai đoạn lịch sử cứu độ được mặc khải.
        Giáo Lý Trento ra đời trong bối cảnh bùng nổ và canh tân Tin Lành năm 1521, thế kỷ XVI, các Giáo Phụ công đồng Trento hội họp để xác định một số điểm trong đức tin và Giáo Lý cũng như giải quyết vấn đề liên quan đến việc cải cách Tin Lành và Giáo Hội. Trong Công đồng này các nghị phụ bày tỏ ước muốn soạn thảo bản một văn duy nhất chính thức và nền tảng tất cả những lời dạy của Giáo Hội Công Giáo, quyết định vào 26.2.1562 và được Đức Thánh Cha Pio IV công bố năm 1566.
           Giáo Lý Pio X được xuất bản 1912, trước đó đã có phiên bản 1905.
          Thủ bản Giáo Lý gần đây nhất được công bố vào năm 1992 do Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II, là kết quả mong ước của các nghị phụ thượng hội đồng nhóm họp vào năm 1985 để kỷ niệm 20 năm kết thúc công đồng chung Vatican II (khai mạc 11.10.1962; bế mạc 8.12.1965)[2]. Ước nguyện chung là có một thủ bản Giáo Lý hay bản tóm lược toàn bộ Giáo Lý cả về đức tin lẫn luân lý, để làm điểm qui chiếu cho việc soạn thảo các chương trình Giáo Lý hay toát yếu được biên soạn ở các vùng khác nhau và các Giáo Hội địa phương.
          Vì thế, Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo là công cụ căn bản để lưu truyền nội dung cốt yếu của đức tin và luân lý công giáo trong hình thức hoàn thiện và hệ thống, là điểm qui chiếu (tham chiếu) của các thủ bản giáo lý địa phương và giáo phận, trình bày cách tích cực và trong sáng học thuyết công giáo.
          Nguồn soạn thảo Giáo Lý: Kinh Thánh, Giáo Phụ, Phụng Vụ, Giáo Luật, Huấn Giáo, lời dạy của các thánh…
 
 

[1] E. Germain, «Catechismo”, trong J. Gevaert (Chủ biên), Dizionario di Catechetica, Editrice Elle Di Ci, Torino 19871, tr. 116 – 119. Định nghĩa về «Giáo Lý» trích trong Từ Điển Giáo Lý.
[2] X., Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, Bản dịch của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Nhà xuất bản Tôn Giáo, Hà Nội 2012, 12 – 13. 

Tác giả bài viết: Isave Ngọc Mỹ