NGƯỜI TRẺ, ƠN GỌI VÀ PHÂN ĐỊNH

NGƯỜI TRẺ, ƠN GỌI VÀ PHÂN ĐỊNH
Phân định ơn gọi: công việc của cá nhân và Giáo Hội

Khi người ta lớn lên
Bước vào tuổi mười tám, đôi mươi, người bạn trẻ thấy mình đứng trước cả một tương lai với nhiều khả năng lựa chọn. Họ phải đưa ra những quyết định mang tầm cuộc đời. Họ không chỉ bận tâm về học tập hay khởi nghiệp, mà còn về viễn ảnh hôn nhân, gia đình, và nhiều khả thể khác của mình nữa… Nói theo kinh nghiệm bản thân của nhà tâm lý Harriet Lerner, thì ngay trong thời sinh viên, các cô gái xúm chụm nhau bàn tán chuyện về các chàng trai còn rôm rả hơn cả về bài vở ở trường, ở lớp. Bà nhận xét về thời trẻ của mình, đặc trưng của bọn con trai là cố gắng trở thành “một ai đó” (somebody), còn các cô gái thì cố gắng kiếm cho được một somebody![1]. Tương tự, các bạn trẻ của chúng ta ở độ tuổi này khi gặp bà con thân hữu, các cô các cậu thường nghe những lời hỏi thăm:  Có người yêu chưa? Năm nay cưới vợ/lấy chồng chưa?... Quả là một thời khắc đặc biệt, một thời khắc phải đưa ra những quyết định quan trọng kịp thời và đúng đắn.

Với các bạn trẻ Kitô hữu, quyết định quan trọng bậc nhất là về ơn gọi. Và người ta cần một cuộc phân định để đi đến quyết định này.

Nhưng ơn gọi là gì? Phân định là làm sao? Nó giống và khác thế nào so với việc bàn hỏi, cân nhắc và quyết định đường đời của những bạn trẻ không phải là Kitô hữu?

Ơn gọi
Điểm xuất phát và có tầm quan trọng hành đầu đối với người bạn trẻ là chính nhận thức về ơn gọi. Ơn gọi là cái gì đó ở ngoài tôi, nó gọi mời tôi, chứ không xuất phát tự nơi tôi. Nó không thể bị lẫn lộn với chương trình, kế hoạch, dự án nào đó mà tôi đưa ra và theo đuổi. Đây là cách hiểu của đức tin Kitô giáo. Cách hiểu này không những xa lạ với một số trào lưu nhân bản và hiện sinh vô thần, mà cũng không thể lẫn lộn với một số chủ trương tiền định ngây ngô nào đó.

Về từ nguyên, «ơn gọi» có gốc của nó ở động từ Latinh vocare, nghĩa là «gọi» hay «mời». Vì thế, «ơn thiên triệu» cũng là một từ rất hay! Có hai ghi nhận ngay lập tức. Một là, «ơn gọi» đến từ tiếng gọi của ai khác chứ không phải tự nơi chính mình. «Ai khác» đây là Thiên Chúa. Tìm hiểu ơn gọi, người bạn trẻ đối diện với câu hỏi căn bản «Thiên Chúa muốn gì cho đường đời tôi?» Nó là kế hoạch của Thiên Chúa, không phải của tôi hay của gia đình tôi. Hai là, trong thực tế, gốc từ vocare có để dấu vết của nơi nhiều từ ngữ nói về nghề nghiệp[2]. Tuy nhiên, nghề nghiệp thì khác với ơn gọi. Nghề nghiệp là dự án cá nhân, và khi chọn nghề thì người bạn trẻ chủ yếu tự hỏi «Tôi muốn gì cho đường đời mình?»

Xét về lịch sử, «ơn gọi» là từ ngữ được dùng rất nhiều và từ lâu rồi trong ngữ cảnh Kitô giáo, nhưng nó không đơn nghĩa và không luôn luôn rõ ràng. Nếu theo Thánh Kinh ơn gọi nền tảng của con người là cộng tác một cách đầy trách nhiệm vào công trình tạo dựng, và trung thành với Đấng Sáng Tạo trong một giao ước tình yêu[3], thì trong thực tế «ơn gọi» thường được hiểu theo ý nghĩa hẹp hơn thế nhiều.

Trước thời Công đồng Vatican II, nói chung ơn gọi được hiểu là một tiếng gọi hướng đến chức linh mục thừa tác hay đời tu. Nói ai đó «có ơn gọi» là nói rằng người ấy được gọi đi tu để làm ma sơ, làm thầy dòng hay để lãnh tác vụ chức thánh. Cái nhìn hạn hẹp này về ơn gọi đã dẫn đến khuynh hướng cường điệu quá đáng ý nghĩa tương đối của ơn gọi tu sĩ hay linh mục, trong khi không đánh giá đủ ơn gọi đích thực của các Kitô hữu thuộc lối sống khác. Nhiều người trẻ sau khi vào dòng hay vào chủng viện một thời gian, nhận ra mình không thích hợp, song cảm thấy có nhiều khó khăn trong quyết định xuất tu! Xách vali rời nhà dòng hay rời chủng viện, điều này hầu như được mặc định là một thất bại. Người xung quanh nghĩ thế, và chính đương sự cũng nghĩ thế! Não trạng này hiện nay có giảm bớt đi, song hơn 50 năm sau Công đồng, không phải là hiếm thấy những trường hợp như vậy.

Với Công đồng Vatican II, cách hiểu về ơn gọi được mở rộng hơn. Mọi người đều được gọi, và mọi người đáp trả tiếng gọi theo năng lực và hoàn cảnh riêng mình. Đó là ơn gọi phổ quát. Như Công đồng nhấn mạnh:

Tất cả mọi người đều được mời gọi vào sự hiệp nhất công giáo của dân Thiên Chúa, sự hiệp nhất ấy tiên báo và cổ võ nền hòa bình phổ quát. Họ thuộc về hoặc hướng về sự hiệp nhất đó dưới nhiều cách thế khác nhau, hoặc họ là tín hữu Công giáo hay là những người tin vào Chúa Kitô, và quả thực tất cả mọi người không trừ ai đều được ơn Thiên Chúa kêu mời lanh nhận phần rỗi (Lumen gentium 13).

Như vậy mọi người, nam và nữ, đều nhận được tiếng gọi phổ quát của Thiên Chúa. Và mỗ người đáp trả bằng một cách thế riêng, tùy vào lịch sử cá nhân của mình. Đối với các Kitô hữu, những người tin rằng tiếng gọi phổ quát của Thiên Chúa được chuyển đạt rõ ràng nơi Đức kitô, Đấng là Lời Nhập Thể và là Đấng kêu gọi, thì sự đáp trả bao gồm việc gia nhập Giáo Hội của Chúa Kitô qua Phép Rửa.

Khi đã gia nhập Giáo Hôi, người Kitô hữu xác định cụ thể hơn sự đáp trả của mình bằng cách nhận trách nhiệm trong các lãnh vực khác nhau của sứ mạng Giáo Hội, có thể trong tư cách một giáo dân, hoặc một tu sĩ, linh mục… như cách diễn tả của Gilles Chaillot: «Nếu tất cả những người lãnh Phép Rửa, không trừ một ai, đều bước tới hướng về cùng một đích điểm chung và duy nhất, đó là sự hoàn thiện theo Phúc Âm, thì họ lại có những nẻo bước khác biệt nhau, mỗi người đáp trả tiếng gọi rất riêng mà Thiên Chúa dành cho mình»[4]. Hồi năm 1979, tại Hội nghị Puebla, các Giám mục Mỹ La Tinh đã tổng hợp các ý nghĩa rộng và hẹp của ơn gọi thành ba mức: ơn gọi làm người, ơn gọi Kitô hữu, và ơn gọi chuyên biệt trong các cộng đoàn Kitô hữu[5].

Chúng ta đang quan tâm đề cập đến ơn gọi theo nghĩa hẹp nhất, tức ơn gọi chuyên biệt trong cộng đoàn Kitô hữu nói trên, ơn gọi mà qua đó mỗi người có thể đóng góp cách chuyên biệt vào công cuộc xây dựng Nước Trời. Nó liên hệ đến cái thời khắc mà người bạn trẻ Kitô hữu tự hỏi «Mình sẽ đi tu hay ở đời? Đi tu thì đi ở đâu? Ở đời thì kết hôn hay độc thân?» Điều này cần lưu ý ở đây là phải luôn luôn định vị ơn gọi chuyên biệt này trong bức tranh lớn rộng hơn của nó là ơn gọi Kitô hữu và ơn gọi làm người!

Các yếu tố căn bản của ơn gọi
Khi đề cập bản chất ơn gọi tu trì, Charles Serrao đã kể ra ba yêu tố căn bản – đó là các yêu tố thần học, tâm lý và nhân học Kitô giáo[6]. Nhưng thiết tưởng, đây cũng là các yếu tố nền tảng trong ơn gọi riêng của mọi Kitô hữu, chứ không chỉ duy được thấy nơi những người đi tu mà thôi.

Yếu tố thần học làm nổi rõ ơn gọi hay lối sống căn bản của một Kitô hữu là một lời mời gọi độc đáo đến từ Thiên Chúa. Người ta đáp lại tiếng này vì thiện ích của mình. Tiếng gọi này có thể được nhận ra qua nhiều cách khác nhau – xuyên qua những biến cố của đời sống hằng ngày, và nhiều khi qua các trung gian: Chúa Thánh Thần, các vị lãnh đạo Giáo Hội, những người khác, cộng đoàn đặc sủng, cảnh vực người ta sống và ở đó người ta được kêu gọi… Người ta trở nên ý thức về tiếng gọi này khi họ dần dần bắt đầu đáo trả nó trong tinh thần đức tin. Điều hết sức quan trọng cần được nhắc lại, đó là ơn gọi, mọi ơn gọi, đều có nguồn gốc từ nơi Thiên Chúa, do Thiên Chúa sáng kiến và chủ động, nằm trong công cuộc của Thiên Chúa và nhằm phục vụ cho công cuộc ấy.

Khía cạnh tâm lý của ơn gọi là lăng kính qua đó ơn gọi được nhìn như sự thực hiện chính mình (self – realization), theo những hoàn cảnh và những cảm hứng trổi lên từ thẳm sâu hữu thể người ta. Ở đây, khát vọng, các tư tưởng và cảm nghĩ của đương sự đóng một vai trò chủ yếu trong việc chấp nhận tiếng gọi này.

Nhân học Kitô giáo sẽ tiếp cận ơn gọi qua việc nhấn mạnh mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người nơi sự khai sinh và phát triển ơn gọi làm người và làm Kitô hữu. Như thế, cách tiếp cận này nêu bật đặc tính kép của ơn gọi: tính thần linh và tính nhân loại, tính siêu việt và tính nội tại.

Từ ba yếu tố trên, có thể đúc kết hai phương diện, siêu nhiên và tự nhiên, của mọi ơn gọi. Xét phương diện siêu nhiên thì chính Thiên Chúa kêu gọi những ai người thích, theo cách Ngài Thích, khi Ngài thích và nhằm phục vụ mục đích mà Ngài thích. Xét phương diện tự nhiên thì những người nhận tiếng gọi sẽ đáp trả nó với đầy đủ tự do, hoàn toàn buông chính mình cho thánh ý Thiên Chúa và sẵn sàng gánh vác sứ mạng mà tiếng gọi ấy đặt ra cho mình.

Phân định ơn gọi: vài nền tảng Kinh Thánh
Nhận thức được bản chất của ơn gọi, đó là điều vô cùng thiết yếu. Nhưng bằng cách nào, dựa theo tiêu chuẩn nào và đặt trong khung cảnh nào mà người bạn trẻ có thể xem xét và nhận ra, ít là bước đầu, về ơn gọi cụ thể dành cho mình? Đây là công việc mà ta gọi là phân định ơn gọi. Trong một dịp giảng tĩnh tâm cho giới trẻ, Đức cố Hồng Y Carlo Maria Martini đã mời gọi các bạn trẻ đào sâu nhận thức về việc phân định ơn gọi, nhấn mạnh rằng mục đích của phân định là «để biết thánh ý của Thiên Chúa cho cuộc đời bạn»[7]. Trước hết, để đặt nền cho cuộc phân định này, vị mục tử đồng thời là một chuyên viên đầy thế giá về Kinh Thánh đã chọn giới thiệu với các bạn trẻ ba đoạn văn của Thánh Phaolo:

Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Ngài. Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo (Rm 12, 1 – 2).

Điều tôi khẩn khoản nài xin, là cho lòng mến của anh em ngày thêm dồi dào, khiến anh em được hiểu biết và tài trực giác siêu nhiên, để nhận ra cái gì là tốt hơn. Tôi cũng xin cho anh em được nên tinh tuyền và không làm gì đáng trách, trong khi chờ đời ngày Đức Kitô quang lâm (Pl 1, 9 – 10).

Chúng tôi cũng không ngừng cầu nguyện và kêu xin Thiên Chúa cho anh em được am tường thánh ý Ngài, với tất cả sự khôn ngoan và hiểu biết mà Thần Khí ban cho. Như vậy, anh em sẽ sống được như Chúa đòi hỏi, và làm đẹp lòng Ngài về mọi phương diện, sẽ sinh hoa trái và mọi thứ việc lành, và mỗi ngày một hiểu biết Thiên Chúa hơn (Cl 1, 9 – 10).

Thật dễ nhận ra rằng ba bản văn trên Thánh Phaolo đang khẳng định tầm quan trọng của chính việc phân định, nhất là như thấy trong những yếu tố này: «nhận ra đâu là ý Thiên Chúa, - cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo»; «ơn hiểu biết và tài trực giác siêu nhiên, để nhận ra cái gì là tốt hơn»; «được am tường thánh ý Thiên Chúa, với tất cả sự khôn ngoan hiểu biết mà Thần Khí ban cho».

Đâu là điều Thiên Chúa muốn cho cuộc đời tôi? Như đã nêu trên, đây là câu hỏi căn bản. Việc phân định là tiến trình đi từ câu hỏi này đến câu trả lời. Tiến trình này giả thiết sự tập trung chú ý, lắng nghe đối với Thần Khí của Thiên Chúa trong tâm hồn mình. Phân định là lắng nghe lời không được viết ra của Thiên Chúa, lời vang vọng trong lương tâm của mọi người tin. Theo Martini ghi nhận, lời không được viết ra này của Thiên Chúa là một lệnh triệu tập, và nó được ngỏ với con người ở đây và bây giờ. Nó không có không Kinh Thánh, cũng không có trong thẩm quyền của Giáo Hội. Đức Giáo Hoàng có biết lời này không? Đức Giám Mục của tôi có thể nói với tôi nó là gì không? Không! Lời này của Thiên Chúa được gửi đến cho một mình tôi thôi. Mỗi người phải tìm kiếm lời này, lời mời gọi bên trong tâm hồn mình, cho cuộc hành trình cá nhân của mình. Đó là một tiếng nói không ai có thể nghe thay cho tôi được[8].

Tiến trình phân định và các điều kiện
Để nhận ra tiếng gọi của Thiên Chúa dành riêng cho mình ấy, người ta cần làm ba điều sau:

_ Thanh tẩy tâm hồn khỏi mọi tội lỗi và những ràng buộc với tội lỗi;

_ Suy chiêm thế giới của Thiên Chúa, bức tranh toàn cảnh kế hoạch của Thiên Chúa mà bản thân mình là thành phần. Các yếu tố của kế hoạch Thiên Chúa được tỏ lộ cho người ta qua Kinh Thánh và qua trung gian Giáo Hội cũng như các giáo huấn của Giáo Hội, tất cả làm nên giáo huấn của đức tin;

_ Suy tư về tất cả các yếu tố của kế hoạch Thiên Chúa trong bối cảnh những đặc điểm khác nhau của cuộc sống cá nhân của mình: lịch sử, tâm lý, gia đình, tình cảm, thể lý, cảm xúc và tâm linh.

Có thể thấy rằng những việc trên ứng với các bước tạo lập sự tự do, hay bình tâm, trong một tiến trình linh thao thoe Thánh I-nhã. Một khóa tĩnh tâm tám ngày theo phương pháp linh thao, hay thậm chí ngắn hơn, có thể là cách rất tốt để các bạn trẻ thực hiện việc phân định ơn gọi của mình. Rất mừng là hiện nay ở Việt Nam năm nào cũng có một loạt các khóa như thế rải rác khắp nơi trên toàn quốc thương do các tu sĩ Dòng Tên tổ chức và hướng dẫn.

Dĩ nhiên, bất cứ cuộc phân định nào cũng giả thiết một số điều kiện thiết yếu. Đó là, người phân định phải khao khát thi hành thánh ý Chúa, cởi mở đối với thánh ý Chúa và đủ thân mật với Chúa. Hai điều kiện tối cần, nếu không có thì không phân định được. Điều kiện về thân mật với Chúa thì tương đối hơn, nếu không có đủ thì có thể tạm thời bổ túc nhờ linh hướng.

Ngoài ra, người phân định cần phải khiêm tốn, bác ái và can đảm. Khiêm tốn, để biết hoài nghi một ách lành mạnh đối với nổ lực tìm kiếm ý Chúa của mình, và biết hạ mình để tiếp nhận ý Chúa qua những người Chúa sai đến giúp mình. Bác ái, để không mất bình an khi đứng trước sự bất đồng ý kiến của những người khác, để không lên án mà trái lại tôn trọng các ý kiến ngược nhau với lựa chọn của mình, và để không bắt người khác đồng ý với mình hay lựa chọn như mình. Can đảm, để sau khi phân định và thấy rõ thì dám lựa chọn và hành động, dẫu là chưa chắc một trăm phần trăm, hay có khi không chắc về mặt khách quan[9].

Các dấu hiệu của một ơn gọi đích thực
Nói đến tình trạnh không chắc về mặt khách quan, một câu hỏi có thể bật lên là: Có chăng một số dấu hiệu nào đó cho thấy ơn gọi đích thực và chuyên biệt mà Thiên Chúa dành cho một người? Khởi đi từ việc phân định ơn gọi theo Kinh Thánh, nghĩa là khảo sát các tiếng gọi của Thiên Chúa đối với các nhân vật trong Cựu Ước và Tân Ước, Eliakim Suela đã rút ra sáu dấu hiệu như sau[10].

_ Ơn gọi nhắm đến công việc hay chức vụ hay sứ mạng riêng nào đó.
 _ Ơn gọi được thông tri xuyên qua một sự tỏ lộ của Thiên Chúa.
Ž _ Ơn gọi bao hàm một sự bảo đảm và lời hứa ban ơn bảo vệ cũng như sự trợ giúp cần thiết để hoàn thành sứ mạng.
 _ Ơn gọi bao hàm khả năng phải đương đầu với nghịch cảnh hay sự chống đối cách này hoặc cách khác.

 Trên tất cả, ơn gọi bao hàm một sự dấn thân triệt để, đòi người ta phải từ bỏ, đặc biệt đối với của cải.

‘ Đối với người trung thành với ơn gọi của mình, ơn gọi bao hàm phần thưởng và mối bảo đảm gán kết mật thiết vơi công cuộc của Thiên Chúa đời này và đời sau.

Ngày nay chúng ta vẫn nhận thấy những yếu tố này có mặt trong bất cứ sự phân định ơn gọi nào của các Kitô hữu, cho dù về cách thế thì không hoàn toàn giống nhau như những gì đã xảy ra trong Cựu Ước và Tân Ước. Một ơn gọi bao giờ cũng là một tiếng gọi nhận lãnh sứ mạng nào đó, đây là điều xưa nay vẫn xác thực. Nhưng còn cách thế mà tiếng gọi này được thông tri cho cá nhân được gọi thì không phải lúc nào cũng hoàn toàn giống nhau. Đành rằng chính Thiên Chúa lên tiếng gọi, và tiếng gọi phải xuất phát từ Ngài, nhưng Ngài để cho Giáo Hội các nhận một cách chân thực tiếng gọi của Ngài.

Vai trò của Giáo Hội
Quả thực, có thể nói, bất cứ cuộc phân định ơn gọi nào cũng diễn ra trên hai tuyến, đó là Giáo Hội và chính đương sự. Điểm gặp nhau giữa hai tuyến ấy là kết quả của cuộc phân định, kết quả ấy khả dụng dù vẫn luôn còn tính tương đối. Sứ mạng của Giáo Hội, qua các thừa tác viên của mình ở tòa ngoài và tòa trong (external forum/internal forum), không phải là trao ban một ơn gọi hay là gán ơn gọi cho một người nào đó. Các Đức Thánh Cha vẫn nhắc đi nhắc lại rằng ơn gọi không duy chỉ là vấn đề thuộc địa hạt nhân bản hay tự nhiên. Do đó, những người có trách nhiệm liên quan đến việc phân định ơn gọi không bao giờ được phép quên rằng mình đang làm một công việc không chỉ tự nhiên, mà còn có bản tính siêu nhiên nữa. Vai trò phân định và chuẩn nhận của Giáo Hội về ơn gọi của một Kitô hữu làm bộc lộ rất rõ bản tính siêu nhiên này.

Mọi ơn gọi của Kitô hữu đều ở trong Giáo Hội, thuộc về đời sống và sứ mạng của Giáo Hội. Mọi ơn gọi trong Giáo hội đều là hồng ân của Chúa ban qua tay Giáo Hội. Ta hiểu tại sao Giáo Hội chứng hôn, Giáo Hội đặt tay truyền chức thánh, Giáo Hội nhận lời khấn dòng, vv… Vì thế, về ơn gọi, mỗi người đừng cư xử như thể là người làm chủ dự án của mình, nhưng cần ý thức rằng mình đón nhận dự án đó từ Chúa qua Giáo Hội. Không có cảm thức Giáo Hội và không được định vị rõ ràng trong Giáo Hội, mọi việc phân định ơn gọi sẽ làm mồi cho nguy cơ bế tắc và lạc hướng.

Điều nói trên được thấy rõ cách đặc biệt trong khung cảnh đào tạo linh mục. Bernard Pitaud, trong biên khảo Thực hành linh hướng, đã trình bày rất hay về sự phối hợp giữa Giáo Hội và cá nhân trong cuộc phân định ơn gọi ở khung cảnh này như sau:

Chức tư tế của hàng linh mục là một hồng ân mà Giáo Hội nhận được từ Chúa Kitô nhằm phục vụ con người, vì thế, chỉ được trao ban cho những ai có khả năng phù hợp theo cái nhìn của Giáo Hội để thi hành sứ vụ này. Do đó, cần có một sự phân định dài lâu nhằm xác minh và thử thách các khả năng liên quan. Cả Giáo Hội và ứng sinh đều dấn thân vào quá trình, mỗi bên theo cách thức và vai trò của mình: Giáo Hội với tư cách là người chịu trách nhiệm chọn gọi và truyền chức linh mục, ứng sinh với tư cách là người trao hiến cách tự do cho Giáo Hội để phục vụ. Cả hai đều chỉ có một mục đích: lợi ích của các cộng đoàn tín hữu và của tất cả những ai mà các linh mục tương lai gặp gỡ và thi hành sứ vụ.

Đó chính là nền tảng sự tin tưởng mà Giáo Hội và ứng sinh dành cho nhau trong suốt những năm tháng đào tạo trước khi chịu chức. Ứng sinh đặt niềm tin vào Giáo Hội vì biết Chúa Thánh Thần đang hoạt động trong Giáo Hội, và bởi chính trong Giáo Hội và vì Giáo Hội mà các linh mục hiến mình phục vụ con người; còn Giáo Hội tin tưởng ở các ứng sinh vì biết rằng Chúa Thánh Thần cũng đang hoạt động nơi họ, khiến họ trao ban chính mình với tất cả sự chân thành, không che giấu[11].

Trích dẫn trên nêu một nguyên tắc rrast thú vị: việc phân định ơn gọi của cá nhân và của Giáo Hội đều có cùng một mục đích, đó là nhắm đến lợi ích chung của cộng đoàn, hiểu rằng thiện ích của đương sự được bao gồm trong lợi ích chung ấy. Một lần nữa, điều này vẫn đúng đối với mọi ơn gọi khác của Kitô hữu, chứ không chỉ đúng cho ơn gọi linh mục mà thôi. Ý thức rõ về một mục đích chung cùng chia sẻ với Giáo Hội như vậy, trong tiến trình phân định ơn gọi người ta tin sẽ tin tưởng (người của) Giáo Hội thay vì nghi ngờ, bộc lộ thay vì phòng thủ, cởi mở đối thoại thay vì khép kín, với thái độ sẵn sàng mềm mỏng lắng nghe…

Thay lời kết
Theo những nét chấm phá về ơn gọi và về phân định trên đây, có thể thấy điểm khác biệt giữa người trẻ Kitô hữu và các bạn khác cùng trang lứa của mình khi bước vào giai đoạn suy nghĩ và chọn lựa đường đời, đó là, các bạn trẻ Kitô hữu đặt tất cả công việc này trong cái nhìn đức tin. Theo đó, họ ý thức ơn gọi của mình đến từ Thiên Chúa. Họ phân định một cách có phương pháp để để nhận ra ơn gọi ấy, với lưu ý về những điều kiện cần thiết để làm công việc phân định này, cũng như những dấu hiệu khả tín để kiểm chứng một ơn gọi đích thực. Đồng thời, công việc phân định ấy luôn luôn được họ làm trong Giáo Hội và với Giáo Hội.
Một công việc thật là thú vị và đáng giá biết bao!

 
GIUSE  LÊ CÔNG ĐỨC, PSS, «Người trẻ, ơn gọi và phân định», trong Hiệp Thông bản tin của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam số 103 (tháng 11 và 12 năm 2017), tr. 14 – 25.


[1] X. Harriet Goldor Lerner, The Dance of Intimacy, Harper & Row, New York: 1990, tr. 5 -7.
[2] Chẳng hạn, cụm từ Anh ngữ “vocational school” có nghĩa là trường dạy nghề.
[3] Laurence J. O’Connell, “Vocation” trong Michael Downey, ed., The New Dictionary of Catholic Spirituality, tr. 1010.
[4] Gilles Chaillot, PSS., Discerner l’Espirit, Bellarmin, Québec: 2001, tr. 12.
[5] X. Hội Đồng Giám Mục Mỹ La –Tinh, Loan báo Tin Mừng tại Giáo Hội Mỹ La Tinh: Hiệp thông và Tham dự, tài liệu chung kết của Hội nghị Puebla, Mexico, 1979, số 854.
[6] X. Charles Serrao, OCD., Discernment of Religious Vocation, Dhyanavana Publications, Bangalore: 2006, tr. 19 – 21.
[7] X. Carlos Maria Martinini, Il Sogno di Giacobbe, bản tiếng Việt: Biết mình đang ở đâu của Lm. Montfort Phạm Quốc Huyên, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội: 2015, tr. 7.
[8] Sđd. tr. 8.
[9] X. Tiến trình phân định thiêng liêng cá nhân, trong: http://linhthao.net/luutru/244, truy cập ngày 30.9.2017.
[10] Eliakim Suela, Biện phân ơn gọi linh mục và đánh giá các chủng sinh, trong Linh mục thiên niên kỷ mới: Tài liệu Hội nghị Séoul về đào tạo linh mục, 24 – 31.10.1999, Lê Công Đức dịch, Đại Chủng Viện Huế (Lưu hành nội bộ, 2000), tr. 116.
[11] Bernard Pitaud, La pratique de la direction spirituelle, Compagnie des Prêtres Saint-Sulpice, Province de France, tr. 71. 

Tác giả bài viết: Giuse Lê Công Đức PSS