Nốt Trầm Cổng Tu Viện

Nốt Trầm Cổng Tu Viện

 
 
Ai đã từng được linh thao chắc hiểu cảm giác sống với Chúa cách trọn vẹn thật là yên hàn, thật là hạnh phúc và rất bình an. Đó là thời gian tuyệt vời nhất để những tâm hồn đang lạc bước được củng cố lại về đời sống đức tin, hay được biến đổi, tìm lại được hướng đi mới, một quyết định mới cho cuộc đời mình.
Tối nào trong tuần linh thao, tôi cũng đi dạo trước cổng sau giờ xét mình, tay mân mê tràng hạt Mân Côi với Mẹ. Một ánh sáng, một suy tưởng, một điều hay, một cảm nhận, một chút gì đó chợt đến với tâm hồn tôi. Và tôi đặt cho cái điều lạ đó cái tên là CỔNG TU VIỆN. Để giờ đây tôi ngồi viết lên những suy tưởng về cổng tu viện trong trí mình. ( Cách đây 8 năm tôi cũng đã ở Nhà Mẹ một thời gian gần 4 năm, nhưng chưa bao giờ có cảm nhận gì về cánh cổng tu viện, nó chẳng có gì làm cho tôi bận tâm hay nghĩ đến, nhưng hôm nay quay lại Nhà Mẹ sống và làm việc, tôi có cảm nhận rất nhiều về cánh cổng của tu viện, đặc biệt sau những ngày Hồng Phúc Linh Thao vừa qua).
Cổng tu viện là gì? Đơn giản thôi, một cái cổng nhỏ như bao cánh cổng của nhiều ngôi nhà khác. Nhưng cổng tu viện có cái nét “rất riêng” của nó, không cánh cổng nào dù là cổng ngôi biệt thự, nhà cao tầng có được cái vẻ riêng ấy.
Sau một đêm tĩnh lặng, một ngày mới bắt đầu thì cánh cổng lại vươn mình mở toang ra và đón những người đến tham dự thánh lễ. Cổng tu viện lúc này như một vòng tay mở ra, đón nhận các con cái về mái nhà của Chúa. Đây cũng là lúc các chị em bắt đầu một ngày sống mới, ngày sống của trao ban, ngày sống yêu thương và phục vụ. Để từ đây, từ cánh cổng và sau cánh cổng, các chị em hòa nhập với cuộc sống nhân loại để cùng với đất nước chăm lo công việc trồng người, đến với những vùng ngoại vi để đồng hành cùng các đồng bào dân tộc, đến với những người già yếu neo đơn để ôm ấp, sẻ chia về tình người và tình đời, đến với những con người có hoàn cảnh đặc biệt để mang vào mình những mùi của cuộc đời, đến với những bệnh nhân để chung chia đau khổ, đến với những con người đang đi tìm hạnh phúc cuộc đời, giúp họ nhận ra Chân Thiện Mỹ ... tất cả những nỗi niềm đó chị em mang ra đi với hy vọng rằng, những ngọn nến nho nhỏ của mình sẽ làm cho xã hội ấm áp hơn tình người, qua đó xây dựng nền văn minh tình thương và sự sống.
Cổng tu viện không hào nhoáng, không sang trọng, không đính kim cương hay đá quý. Rất đơn giản vì chỉ được hình thành từ những thanh sắt nhỏ ngang, dọc hay tam giác được xếp vào nhau. Đơn giản thế đó mà lại toát lên được cái nét đẹp chân thành, mộc mạc, hoang sơ và rất thánh thiện. Cái đẹp ấy sao tôi không biết dùng ngôn từ nào để diễn tả hết được. Một nét đẹp nhẹ nhàng, thanh thoát, nhưng rất từ tốn và đầy lặng lẽ… Nét đẹp ấy hiện rõ hơn trong ánh đèn đêm hơi dìu dịu.
Cổng tu viện thật đặc biệt. Nó mở toang khi tiếng chuông kinh sáng vang lên và nó cũng khép lại khi tiếng chuông của kinh tối vọng về. Cả màn đêm bao phủ, dưới con đường làng quen thuộc, với vài ba ánh đèn mờ ẩn. Cổng tu viện hiện lên như thiên thần nhỏ giữa trời vùng quê Cam Hòa thân yêu. Ánh đèn cổng tu viện cũng chẳng có rực rỡ như đèn của những ngôi biệt thự. Ánh đèn ấy nhỏ thôi, chỉ là hình chữ U hay hình chữ nhật, nhưng lại rất sáng. Và cũng không phải ánh sáng làm chói lòa mắt người ta mà là thứ ánh sáng trong, thanh giữa bầu trời đêm. Nhìn cổng tu viện ban đêm thánh thiêng lắm, rất lạ lùng. Nó chân thật, nguyên sơ vẻ gì đó. Cứ nhìn hoài, thấy nó bình yên, nhẹ nhàng như tâm hồn của các trẻ nhỏ.
Cái lặng lẽ, nhẹ nhàng của cổng tu viện ban đêm phải chăng cũng lột tả phần còn lại cuộc sống của những tâm hồn đang ở sau cánh cổng tu viện ấy???
Chắc là vậy rồi! Người nữ tu chúng ta cũng âm thầm như cánh cổng tu viện ban đêm vậy đó. Chẳng bao giờ thể hiện mình cách toàn cảnh như một diễn viên nổi tiếng. Cũng khép nép, cũng lặng lẽ, cũng khiêm tốn như cánh cổng tu viện ban đêm chẳng bao giờ mở. Khép mình để giữ lại cái gì đó rất riêng cho Đấng Tình Quân. Bên trong cánh cổng cũng giống những gì mà cánh cổng đã toát hiện là một cuộc sống giản đơn, cho đi nhiều điều. Giản đơn từ những điều nhỏ bé, học cho đi như Đấng Tình Quân của mình, cho đi vì yêu thương đến trần trụi trên cây Thập Giá. Và từ bỏ những gì là không cần thiết, có khi phải đau đớn để gột rửa tâm hồn, tôi luyện bản thân mỗi ngày một hoàn thiện hơn với những gì mà Đấng Tình Quân mong mỏi, chờ đợi và yêu thương. Hơn thế nữa, người nữ tu chúng ta có thể mang những hoa lành trái tốt và cả những điều thao thức, những đau khổ của cuộc đời, của nhân loại mà dâng lên cho Thiên Chúa, nối dài lời chuyển cầu trong nguyện đường và qua cuộc sống.
Một nốt trầm mang tên cổng tu viện trong bản tình ca cuộc đời. Một nốt trầm thôi, nốt trầm chứ không phải là nốt bổng du dương, thánh thót...nhưng nó lại làm nên cái giai điệu đặc biệt cho bản tình ca, bản tình ca hay là hay chỗ nốt trầm ấy. Cổng tu viện và cuộc sống sau cổng tu viện toàn là những nốt trầm thôi, thế mà biết bao cái hay lại ẩn chứa từ những nốt trầm này. Chúng ta cũng là những nốt trầm trong Bản Tình Ca Giê-su phải không thưa chị em?
Nhiều sự lặng lẽ, nhiều điều hy sinh, nhiều việc âm thầm mà có khi con người ta chẳng thấy, ít ai quan tâm. Thế nhưng nó lại là cả một chương trình rất lạ lùng và ý nghĩa, nằm sau chương trình của Thiên Chúa nhưng cũng thuộc một trong những kiến trúc nhỏ tay Chúa tạo nên. Sự lặng lẽ ấy mang đến vô vàn điều hay, nhiều vô số kể những sự tốt đẹp. Sự lặng lẽ ấy tốt đẹp dường bao, ẩn nhiều suy tưởng và ý nghĩa sâu xa. Cũng như cổng tu viện lặng lẽ thế mà gợi lên một nét đẹp, bao nhiêu sự thánh thiêng mà không ngôn ngữ nào diễn tả hết được. Nốt trầm cổng tu viện có giá trị dọc theo thời gian của một cõi lòng chị em, để rồi khi chắp cánh bay xa vẫn luôn nhớ về tổ ấm xưa nơi ghi dấu một thời dễ mến và dễ thương...
Cổng tu viện lặng lẽ ẩn chứa một cái gì vừa lung linh, vừa huyền nhiệm, vừa thân thương...Ôi! Lạ lùng thay! Nốt trầm cổng tu viện Mến Thánh Giá Nha Trang thân yêu…của tôi./.
 
                                                                  

Tác giả bài viết: Anna Cỏ Đá