TIN VÀO THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG

TIN VÀO THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG
Tin và tận hiến kỳ 3
 
CHƯƠNG I
TIN VÀO THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG

Tiếp theo kỳ trước

 

1. Hiểu biết Chúa Kitô, công trình của Thiên Chúa trong lòng con người.
Chẳng những sức lôi cuốn, mà chính sự hiểu biết Chúa Kitô cũng là việc của Thiên Chúa trong tâm hồn ta. Chính Chúa Giêsu đã nói về những kẻ tin theo Người, là họ sẽ lãnh nhận từ Chúa Cha sự hiểu biết về Người: “Không ai biết được Con ngoài ra Cha” (Mt 11, 27). Người càng thích thú nhìn xem Cha đem sự hiểu biết ấy đến, không phải cho “những kẻ khôn ngoan và người thông thái” nhưng là cho “những kẻ bé mọn”, những kẻ rất đơn sơ mà không ai ngờ họ lại sáng suốt như vậy. Chúa Cha không soi sáng cho người ta hiểu biết Con Ngài theo mức độ khả năng trí thức của họ; Ngài thích ban sự hiểu biết ấy cho những kẻ khiêm nhường bé nhỏ. Sau khi Phêrô đã tuyên xưng niềm tin của ông về Đức Kitô trên đường Césarê, Chúa Giêsu đã tuyên bố Phêrô có phúc, vì chân lý mà Phêrô vừa tuyên xưng, không do khả năng tự nhiên của ông: “Không do xác thịt hay máu huyết, nhưng do Cha trên trời” (Mt 16, 17).

Như thế, mọi điều kiện hiểu biết về đức tin của ta, đều nhờ bởi Chúa Cha, sự hiểu biết ấy là phần tham dự vào sự hiểu biết tuyệt vời của Chúa Cha về Chúa Con. Cũng như sức lôi cuốn mà chúng ta đã nói trên, sự hiểu biết này cũng là tham dự vào đời sống nội tại của Thiên Chúa. Và cũng như sức lôi cuốn ấy, sự hiểu biết đức tin của ta về Chúa Kitô cũng là công trình của Chúa Thánh Thần.

Thánh Phaolô cho biết: “Thiên Chúa dùng Thánh Thần của Người mà tỏ cho họ biết những mầu nhiệm mà mắt loài người chưa bao giờ thấy, tai chưa bao giờ nghe và lòng người chưa hề cảm, vì Thiên Chúa đã mặc khải cho ta nhờ Thánh Thần, bởi Thánh Thần dò thấu mọi sự, cả những mầu nhiệm thăm thẳm nơi Thiên Chúa! Quả thế, ai trong loài người biết được những sự thuộc về Con Người, nếu không phải là Thần Trí của Con Người ở trong người ấy? Cũng vậy, không ai biết được những sự thuộc về Thiên Chúa, nếu không phải là Thánh Thần của Thiên Chúa? Phần chúng ta, chúng ta đã không nhận lãnh tinh thần thế gian, nhưng nhận lãnh Thánh Thần bởi Thiên Chúa, để chúng ta nhận biết những sự Thiên Chúa đã ban cho chúng ta” (1Cr 2, 10-12).

Chúa Thánh Linh, Đấng ở trong Thiên Chúa giúp ta có thể đạt tới chổ thẳm sâu của Thiên Chúa, đụng chạm tới tận đáy hữu thể của Thiên Chúa. Theo Thánh Phaolô thì chổ thâm sâu của Thiên Chúa là ở trong Đức Kitô. Vì người giải thích với giáo hữu Corintô rằng, Người đến để rao giảng cho họ “mầu nhiệm của Thiên Chúa”, và ở giữa họ. Người chỉ muốn biết đến Đức Kitô và là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh (1 Cr 2, 12). Chỉ Thánh Linh có thể cho ta nhận thấy hữu thể của Thiên Chúa trong Đức Kitô.

Muốn tìm hiểu Đức Kitô như được trình bày trong Kinh Thánh, thì ta càng phải thấy rằng, cần phải nhờ Thánh Linh soi sáng mới có thể hiểu biết Người. Chính Thánh Thần đã linh hứng các tác giả Thánh Kinh và đã lồng vào trong văn bản của các Ngài một nội dung mặc khải thâm sâu mà duy mình Người mới có thể bộc lộ cho ta hiểu biết được. Chính Chúa Thánh Thần cho ta hiểu được ý nghĩa mà Người đã chôn giấu trong bản văn của con người, và cho phép ta tìm thấy mầu nhiệm của Thiên Chúa trong con người Giêsu được diễn tả trong Phúc Âm.

Thế là ta được hiểu rõ hơn những chiều kích đích thực của việc khám phá “bề sâu” hay “vực thẳm” của Thiên Chúa (1Cr 2, 10). Cuộc khám phá này không phải chỉ siêu vượt vì đối tượng là Đức Kitô và tình yêu của Người; đối tượng mà không một tri thức phàm trần nào có thể vươn tới; cuộc khám phá này là một công trình thần linh do Đấng chủ vị hướng dẫn nó. Chúa Thánh Thần là Đấng khám phá tuyệt vời ,à không có gì thoát khỏi quyền Ngài; chính Ngài hướng dẫn tất cả công cuộc tìm kiếm Thiên Chúa trong nhận loại và đưa đến kết quả. Ngài là Thiên Chúa hằng sống thấu biết thâm tâm con người và làm cho con người thấu biết thâm tâm Thiên Chúa.
 
2. Nổ lực của con người trong việc khám phá Đức Kitô
 
Được lôi kéo đến với Chúa Kitô, hiểu biết về Chúa Kitô, tất cả những điều đó đều bởi từ trên ban cho. Dù vậy cần phải có nổ lực của con người để sự lôi kéo và hiểu biết ấy có thể phát triển. Là hồng ân Thiên Chúa, đức tin đồng thời cũng là vận động của con người, một vận động tự do mà con người tự mang lấy trách nhiệm. Vận động ấy không phải chỉ thực hiện một lần là đủ, mỗi ngày nó phải được củng cố, được soi sáng thấm nhập nhiều hơn vào cung cách suy tưởng và hành động của mình. Tin không có nghĩa là chiếm hữu một chân lý rồi người ta có thể nghỉ ngơi trong đó. Tin là phải không ngừng đào sâu điều mình nhận thấy. Tin là luôn luôn tìm liếm.

Những người theo Chúa Kitô là những kẻ đã được Người lôi kéo và đã gặp Người, đã khám phá ra Người. Nhưng họ vẫn bị thúc giục ngày càng mạnh mẽ hơn đến với Người, họ vẫn được mời gọi cố gắng thêm mãi để gắn bó với Người thắm thiết hơn và tin vào Người cách sáng suốt hơn. Sức cố gắng ấy phải được biểu lộ đặc biệt bằng việc học tập về mặc khải.

Công Đồng Vatican II, trong sắc lệnh về canh tân và thích nghi đời sống dòng, số 5 có nói: “Các tu sĩ thuộc bất cứ dòng tu nào, bởi lẽ họ tìm kiếm một mình Thiên Chúa trước hết mọi sự, nên họ phải chăm lo việc chiêm niệm, vì nhờ việc chiêm niệm, họ gắn bó lòng trí với Thiên Chúa!” Như vậy là Công Đồng nhấn mạnh sự cần thiết không những về việc kinh nguyện mà cũng cần thiết học hỏi những sách ghi chép những điều do Thiên Chúa mặc khải. Do ơn gọi của mình, các tu sĩ có phận sự đào sâu Thánh Kinh, để nhận biết ở đó khuôn mặt Chúa Kitô trong một ánh sáng càng lúc càng rạng rỡ hơn. Đó là lãnh vực khám phá đầu tiên của tu sĩ, một lãnh vực bao la vô cùng.

Ngày nay các dòng tu đã nhận được một chương trình đào tạo giáo lý hoàn hảo hơn trước. Nhờ đó các tu sĩ được bảo đảm một kiến thức nghiêm chỉnh hơn, và có tính cách khoa học hơn về sứ điệp Kinh Thánh. Có lẽ không phải mọi người đều theo dõi được dễ dàng các đường lối khoa học trong việc giải thích các văn bản Thánh Kinh, nhưng ngày nay những kết quả thu được từ các cuộc nghiên cứu đã được phổ biến rộng rãi, vừa tầm nhiều trình độ trí thức khác nhau, có thể giúp cho đa số tu sĩ theo dõi được khá dễ dàng.

Trong khi nói về đặc tính cốt yếu của việc sống các lời khuyên Phúc Âm, tức là tìm kiếm và mến yêu Thiên Chúa trên hết mọi sự, Công Đồng Vatican II căn dặn các tu sĩ thuộc các dòng, phải chăm lo khám phá Thánh Kinh: “Hằng ngày họ phải có Thánh Kinh trong tay, đọc và suy niệm, hầu đạt được một kiến thức ngày càng cao về Chúa Giêsu Kitô” (Ph 3, 8; Pc 6, 2). Mỗi ngày họ phải thêm thông hiểu Thánh Kinh hơn, để nhận ra Thiên Chúa qua dung nhan con người của Đức Kitô.

Việc học hiểu và suy niệm Thánh Kinh không phải chỉ nhằm mục đích đem lợi ích riêng tư cho từng cá nhân. Đó là sứ mệnh chung cho toàn thể Giáo Hội. Đức Trinh Nữ Maria, người đầu tiên đã tin vào Đức Kitô bằng ghi nhận và suy niệm trong lòng những mầu nhiệm mà Người đã chứng kiến, chính nhân danh toàn thể Giáo Hội tương lai mà Người làm việc suy niệm ấy (Lc 2, 29.51). Thế là trong Đức Maria, cuộc lữ hành trong đức tin của Giáo Hội đã bắt đầu, và cuộc lữ hành này cứ tiếp tục mãi trong cộng đoàn kitô hữu (x. LG. 58). Trong sự hiệp thông với toàn thể kitô hữu, các tu sĩ tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin ấy, và mỗi lần họ thực hiện một cố gắng mới trong việc tìm hiểu thêm mầu nhiệm Chúa Kitô trong Phúc Âm thì đó là đức tin của Giáo Hội được mở rộng vững mạnh hơn.

Những tu sĩ nào có khả năng còn phải đóng góp vào sự tiến triển khoa chú giải Thánh Kinh. Việc áp dụng chặt chẽ các phương pháp khoa học là một yếu tố quan trọng để hiểu biết hoàn hảo hơn về Thiên Chúa và Đức Kitô trong Giáo Hội. Đó là điều thiết yếu giúp nhận định chính xác sứ điệp Thiên Chúa tiềm ẩn trong bản văn Thánh Kinh. Nguyên phương thức đó mà thôi dĩ nhiên không đủ, nhưng nó đem lại một sự giúp sức không thể thiếu, và cung cấp một điểm tựa vững chắc cho việc xác định ý nghĩa của bản văn. Chúng ta biết khoa chú giải Thánh Kinh nhờ đã được phát triển lạ lùng trong những năm vừa qua, ngày nay có thể giúp ta rất nhiều trong việc hiểu rõ hơn, và thẩm định chính xác hơn văn bản Thánh Kinh và Phúc Âm, cũng như trình bày cho ta một chân dung trung thực hơn của Chúa Giêsu, một hình ảnh chân xác hơn về cuộc đời tại thế và về giáo huấn của Người.


3. Đức tin sống bởi đức mến
Đáp lại sức lôi kéo của Thiên Chúa, sự phát triển trong việc tìm hiểu Chúa Kitô không chỉ thực hiện trong phạm vi trí thức mà thôi. Đức tin sống bởi đức mến, được nuôi dưỡng bằng những khả năng trực giác của tình yêu. Ta còn nhớ lời Thánh Phaolô nói thế này không? “Đức tin biểu lộ sức mạnh của mình bằng đức mến” (Gl 5, 6). Phúc Âm và đặc biệt Đức Kitô như được diễn tả trong Phúc Âm chỉ có thể thấm nhập vào tâm hồn ta bằng sự hiểu biết của con tim. Lối tìm hiểu đầy trìu mến này vẫn đặt nền trên việc học hiểu theo phương pháp khoa học. Người tuyên khấn giữ các lời khuyên Phúc Âm, là người sống trong tình mật thiết với Chúa Kitô, tất nhiên có khả năng hơn nhiều để tiến xa trong việc tìm hiểu Phúc Âm và thưởng thức hương vị của sách này, cũng như để cảm nếm sự ngọt ngào của Chúa mình, trong khi mến yêu chăm chú vào những bản văn tường thuật về Ngài. Như vậy việc đi sâu vào mầu nhiệm với thiện cảm phải kèm theo cố gắng hiểu biết nhờ trí tuệ. Đức tin vừa là ánh sáng vừa là sức nóng, và trong sự phát triển đức tin luôn luôn cần có hoạt động hỗ tương liên tục của tư tưởng và của tình yêu.

Tình yêu làm hồn sống cho đức tin như thế, chính là đức cậy. Trong ngôn ngữ Phúc Âm. Cùng một từ ngữ có thể dịch là “tin” hay là “cậy”. Tin Đức Kitô tức là cậy trông vào Người.

Khi Đức Kitô gọi 12 tông đồ “ở với Người” (Mc 3, 14) không những Người đào tạo họ trên đường vận động đức tin để nhận biết Ngài là Đấng Thiên Sai và Con Thiên Chúa, nhưng cũng để giúp họ cậy trông nơi Người. Những ai Người muốn cho liên kết với Người cách đặc biệt hơn càng phải có lòng cậy trông nhiều hơn. Điển hình là tiến triển của Phêrô về phương diện này. Trong những ngày đầu cuộc đời công khai của Đức Kitô vào dịp mẻ cá lạ đầu tiên, Simon (Phêrô) tỏ ra kính sợ trước uy quyền của Đức Kitô: “Lạy Chúa, xin hãy tránh xa con vì con là kẻ tội lỗi” (Lc 5, 8). Khi Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với các tông đồ trên bờ hồ Tibêria và sau mẻ cá lạ lần hai đã hỏi Phêrô: “Simon, con Yoan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?” (Ga 21, 15). Phêrô là người đã chối Thầy, thì lúc đó có lẽ cũng cảm thấy có lý do để xin lui ra xa Thầy. Thế nhưng trong đời sống công khai giảng đạo của Chúa, Phêrô đã học biết được tình yêu của Đấng Cứu Thế, bằng kinh nghiệm sống thân mật với Người; vậy nên được thúc đẩy do lòng cậy trông vào tình yêu nhân hậu ấy, ông đã dám thưa với Chúa: “Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự, Thầy biết rõ con yêu mến Thầy” (Ga 21, 17). Ba lần chối Chúa trong khi Chúa bị xét xử, đáng lẽ làm cho Phêrô cảm thấy mình giảm sút về lòng quảng đại, nhưng sự cậy trông vào lòng nhân từ vô hạn của Chúa Kitô đã khiến ông mạnh mẽ tuyên xưng tình yêu, chứng tỏ ông đã từ bỏ mình dứt khoát hơn và phó thác mình toàn vẹn hơn cho Thầy.

Bất cứ ai muốn sống bên cạnh Chúa Kitô, đều phải tập cậy trông, phải ý thức ngày càng rõ rệt hơn về sự bất xứng của cá nhân mình, nhận biết mình hoàn toàn bất lực không thể yêu mến Chúa Kitô như đáng lẽ Người phải được mến yêu. Đối với một nếp sống quen khép kín, thì sự nhận biết đó chỉ dẫn đến buồn chán, ngã lòng, tuyệt vọng. Nhưng theo kế hoạch của Thiên Chúa, chính nhận thức ấy lại có công dụng thúc giục linh hồn mở rộng hơn cho ơn thánh và tăng thêm lòng cậy trông, để ngày càng bớt cậy dựa vào chính mình, và chỉ biết đặt trọn hy vọng vào Chúa Kitô. Đó là cậy trông vào tác động của Thiên Chúa thể hiện trong sự yếu đuối của con người. Theo Chúa Kitô tức là chấp nhận chỉ tin tưởng vào Người trong cuộc tiến về Cha, và khi cảm thấy thất vọng vì những khiếm khuyết ê chề của mình, thì càng quyết liệt phó thác cho tình yêu toàn năng của Người.

Ở đây nữa, ta cũng cần nhận rõ chiều kích toàn Giáo Hội của đức tin. Sự phát triển lòng cậy trông liên hệ đến Chúa Kitô trong toàn Giáo Hội Người. Những ai theo Chúa Kitô không phải chỉ gắn bó với riêng Chúa Kitô mà không kể gì đến mối liên hệ của Người với nhận loại. Thực sự họ tháp nhập vào Chúa Cứu Thế với tư cách Người là trung tâm cộng đồng nhân loại. Như vậy là tín nhiệm vào Chúa Kitô là tín nhiệm vào Giáo Hội mà Chúa Kitô lôi cuốn theo Người. Hình thức thứ hai này của sự tín nhiệm vào Chúa Kitô có lẽ khó thực hiện hơn hình thức thứ nhất là tín nhiệm vào bản thân Người. Vì hình thức thứ hai này đòi phải vượt trên tất cả những phê bình chỉ trích nhằm vào Giáo Hội. Giáo Hội là một xã hội gồm nững người tội lỗi nên tất nhiên có những khuyết điểm và người ta dễ bị cám dỗ chỉ nhìn vào những khuyết điểm đó mà không nhìn thấy Chúa Kitô đang hoạt động qua những yếu đuối của con người. Say sưa với lý tưởng trọn lành, các tu sĩ có lẽ còn nhận thấy những khuyết điểm đó rõ hơn ai khác. Nhưng họ không được vì đó mà mất lòng quý mến Giáo Hội. Trái lại họ phải biết phản ứng lại tâm hướng đó, phải biết củng cố niềm tin tường của mình vào quyền năng, yêu thương và thánh thiện của Thiên Chúa biểu lộ trong Giáo Hội mỗi khi thấy bất cứ sự yếu đuối nào của Giáo Hội, cũng như mỗi khi ý thức bất cứ sự yếu đuối nào của từng cá nhân kitô hữu, tu sĩ phải giục lòng tin mạnh mẽ hơn vào sức mạnh vô biên của tình yêu Thiên Chúa, và do đó vào chính Giáo Hội nơi kết tinh tình yêu Thiên Chúa.

Những người nói: “Thiên Chúa đã chết” thì tâm trạng của họ thường là bất tín nhiệm đối với Giáo Hội. Giáo Hội này đối với họ, không còn Chúa thật ở trong nữa. Chính Giáo Hội có lẽ đã “giết chết Thiên Chúa” trong tư tưởng và hành vi của loài người, hay ít nhất đã sai lỗi trong sứ mệnh của mình, là chuyển đạt dung nhan đích thực của Chúa Kitô. Niềm tin vào Chúa Kitô phải gắn liền với niềm tin vào Giáo Hội, mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa vẫn tiếp nối trong dân Chúa. Mặc dầu Giáo Hội có khuyết điểm, điều đó chúng ta không chối cãi, cũng không chữa mình, nhưng Giáo Hội vẫn cho thế gian thấy Thiên Chúa là ánh sáng và là sự sống. Chính Chúa Kitô là hồn sống của Giáo Hội và dìu dắt Giáo Hội, khiến cho Giáo Hội đáng tín nhiệm.

Do cuộc sống tận hiến cho Thiên Chúa, các tu sĩ được sáp nhập sâu xa hơn vào mầu nhiệm Giáo Hội (LG 42, 2). Sự kiện đó đòi hỏi nơi họ một đức tin vững chắc hơn vào mầu nhiệm ấy. Họ không thể chấp nhận tách biệt lợi ích của Thiên Chúa với lợi ích của Giáo Hội. Cũng một tình yêu duy nhất lôi kéo họ đến với Chúa Kitô, và kết chặt họ vào cộng đồng kitô hữu. Đức Kitô mà họ theo làm môn đệ, không phải là một Đấng chỉ ngự trên trời, mà là Đức Kitô hiện diện trong Giáo Hội. Họ có bổn phận làm chứng về Đức Kitô thì sự làm chứng đó nhằm vào mục đích xây dựng nhiệm thể của Người. Họ dấn thân làm việc tông đồ trong xã hội để mọi người nhìn thấy  và tiếp nhận Thiên Chúa sống động trong Giáo Hội, và họ chỉ có thể chu toàn sứ mệnh của họ tùy theo mức độ đức tin của họ hòa nhịp với đức tin của Giáo Hội nhiều hay ít.

Trích trong cuốn TIN VÀ TẬN HIẾN, nguyên tác: CROIRE ET SE DONNER của Jean Galot