CHIẾC NHẪN

CHIẾC NHẪN

Một học trò nọ đến với giáo sư của mình để xin giải gỡ giúp một vấn đề.

“Thưa thầy, em thấy mình bát tài, vô dụng. Em không biết ứng xử thế nào. Người ta nói em là tốt lành mà vô dụng, chẳng làm việc gì nên thân, rằng em là kẻ đần. Em có thể làm gì để trở nên tốt hơn không, thưa thầy? Em có thể làm gì để thấy mình hữu dụng đây?”.

Vị giáo sư không buồn nhìn anh học trò, ông nói: “Thầy xin lỗi. Thầy đang có một vấn đề nghiêm trọng cần giải quyết nên không thể giúp em được. Trước tiên, thầy phải giải quyết chuyện của thầy đã… à…”. Yên lặng một lát, vị giáo sư nói: “Nếu em vui lòng giúp thầy thì sau khi giải quyết vấn đề của thầy, thì thầy sẽ giúp em”.

Cậu học trò lúng túng đáp: “Vâng, được thầy ạ…”.

Vị giáo sư rút chiếc nhẫn đang đeo đưa cho cậu: “Thầy đang cần tiền để trả một món nợ. Em ra chợ và làm sao để bán với giá cao nhất. Nhưng nhớ đừng bán dưới một đồng tiền vàng. Hãy đi bán và sớm trở về với một đồng tiền vàng”.

Cậu học trò cầm lấy chiếc nhẫn và ra chợ. Đầu tiên, cậu đưa chiếc nhẫn cho mấy người bán hàng. Họ cầm lấy săm soi với vẻ khá thích thú cho đến khi cậu học trò ra giá với một đồng tiền vàng. Nghe giá một đồng tiền vàng, vài người cười phá lên, một vài người khác quay phắt người bỏ đi, chỉ có một ông già tế nhị giải thích với cậu học trò rằng giá một đồng tiền vàng thì thực là quá cao với chiếc nhẫn đó.

Cậu đi thêm một vài hàng nữa và nhận được kết luận tương tự. Chán nản, cậu học trò lên ngựa ra về, chẳng đem được đồng tiền vàng nào. Thế nào vị giáo sư cũng hiểu và chấp nhận giá trị của chiếc nhẫn để rồi ra lời khuyên cho cậu.

Bước vào nhà, cậu nói: “Thưa thầy, em rất tiếc, nhưng em không thể làm thầy vui được vì giá trị của chiếc nhẫn không đến một đồng tiền vàng. Giả như hai ba đồng bạc thì còn có thể…”.

“Điều em nói thật quan trọng. Bây giờ, chúng ta cần biết chính xác giá trị của chiếc nhẫn. Em hãy phi ngựa đến tiệm hoàn kim. Hãy hỏi giá của chiếc nhẫn này đáng bao nhiêu, rồi đêm chiếc nhẫn về đây, đừng bán nó đi”.

Cậu học trò đến tiệm hoàn kim để hỏi giá chiếc nhẫn. Người thợ kim hoàn dùng chiếc kính lúp xem xét kỹ lưỡng chiếc nhẫn rồi nói: “Hãy về nói với giáo sư của anh là nếu ông ấy muốn bán chiếc nhẫn này ngay thì tôi sẽ trả cho ông 50 đồng tiền vàng”.

“50 đồng tiền vàng à?”

“Phải, còn nếu thong thả thì có khi tôi trả đến 70 đồng tiền vàng… dĩ nhiên là bán nóng thì giá phải khác…”.

Cậu học trò phi ngựa trở về, cậu hốt hoảng chạy vào nhà, miệng lắp bắp: “Thưa Thầy…”.

Vị giáo sư trấn an: “Em ngồi xuống đi!”. Sau khi nghe cậu học trò kể những gì đã xảy ra. Vị giáo sư bình thản đáp: “Em cũng giống như chiếc nhẫn này, em là một đồ trang sức quý giá và độc nhất. Chỉ có nhà chuyên môn mới có thể đánh giá được đúng giá trị của em. Em nghĩ bất cứ ai cũng có khả năng khám phá ra giá trị thật của họ sao?”.

Vừa nói, vị giáo sư vừa đeo chiếc nhẫn vào tay.
 
Sứ điệp cho bạn
Tất cả chúng ta giống như chiếc nhẫn đó. Chúng ta quý giá và là duy nhất, nhưng trong cuộc sống chúng ta lại đi hết từ người bán hàng ngày đến người bán hàng nọ với mong ước rằng những người không chuyên môn ấy đánh giá chúng ta. Chỉ có Thiên Chúa, Đấng Tạo Dựng mọi kiệt tác mới biết giá trị thật của chúng ta. Bởi vậy, chúng ta đừng bao giờ chấp nhận những giá trị thấp hơn.

Sưu tầm