SỰ HỌC LÀ TẤT CẢ

SỰ HỌC LÀ TẤT CẢ
Hãy dũng cảm lên con, một người lính trẻ trong đội quân vĩ đại, những sách vở vủa con là vũ khí, lớp học của con là binh đoàn, sự ngu dốt là thù địch, chiến trường là toàn cả địa cầu và là vinh quang, là văn minh nhân loại!

Chiều hôm qua, theo lời yêu cầu được loan tải trên báo, tôi cùng với mẹ và cô em gái Silvia mang quần áo đến cho một người đàn bà nghèo. Tôi xách giỏ, Silvia chép lại địa chỉ và tên họ của người đàn bà đó, theo như trang báo đã nêu. Chúng tôi lên tầng chót của một ngôi nhà cao ngất, đi trong một hành lang có nhiều căn hộ và mẹ tôi gõ nhẹ lên một cánh cửa của căn cuối cùng.

Người ra tiếp chúng tôi là một phụ nữ tóc vàng hãy còn trẻ, nhưng hơi gầy và hình như tôi đã được thấy rồi, qua chiếc khăn choàng màu xanh bà đội trên đầu.

Mẹ tôi ân cần hỏi bà:
_ Bà có phải là người được một tờ báo yêu cầu giúp đỡ?
_ Thưa bà, chính tôi ạ.
_ Vậy là chúng tôi đến để mang chút ít áo quần giúp bà.

Người đàn bà bất hạnh kia cứ cám ơn chúng tôi mãi không dứt. Lúc ấy tôi trông thấy nơi một góc phòng bài trí thô sơ và tối mờ mờ, một cậu bé đang ngồi quay lưng về phía chúng tôi. Cậu chống gối xuống một cái ghế và hình như đang chăm chú viết lách gì đó. Giấy bút được đặt trên ghế, còn lọ mực thì để dưới sàn. Tôi nghĩ thầm, tối tăm thế này cậu ấy viết bằng cách nào nhỉ? Đang lúc suy nghĩ mông lung, chợt tôi nhìn thấy mớ tóc hung bù xù và chiếc áo thụng xốc xếch quen thuộc của Grossi, cậu học trò bị tê liệt một cánh tay và là con của người bán hàng rong trái cây. Thừa lúc, người đàn bà bất hạnh kia mở bọc quần áo được gửi tặng, tôi nói khẽ với mẹ về bạn Grossi của mình.

Mẹ dặn dò tôi vừa đủ nghe:
_ Phải tế nhị, đừng làm ồn! Chớ nên gọi, có thể cậu ấy sẽ hổ thẹn khi thấy con mang quà cứu trợ cho mẹ của cậu ấy.

Thế nhưng, Grossi đã quay lung lại: tôi bối rối, mỉm cười và mẹ khéo léo đẩy tôi đến với bạn mình. Grossi dang hai tay bước tới và tôi ôm chầm lấy anh.

Mẹ tôi được người đàn bà khốn khổ tâm sự:
_ Bà trông thấy đấy, toi đang ở một mình với đứa con trai, còn chồng tôi sang Mỹ từ sáu năm năm rồi, và bất hạnh lại ập tới: tôi bị ốm không thể ra chợ mua bán rau quả để sống qua ngày. Chúng tôi đã bán dần cái gì đã có, ngay cả chiếc bàn, nơi đứa con đáng thương của tôi dùng để viết bài tập! Nếu có được tấm khung cửa, ít ra nó không ngồi viết vất vả như thế, nhưng cũng không có. Không có đèn, đôi mắt của con tôi phải nhấp nhen trong bóng tối để học hành. Tuy nhiên vẫn còn chút may mắn, tôi đã đưa thằng bé được vào trường, được cấp sách vở và tiếp tục học hành. Nó có quyết tâm cao và nhất định sẽ đỗ đạt.

Mẹ tôi chạnh lòng, trịnh trọng trao vào tay người đàn bà khốn khổ một ít tiền đang mang theo và vuốt ve âu yếm Grossi, trước khi bước ra căn gác với nỗi buồn rười rượi.

Về tới nhà, mẹ đã cho tôi những câu nói chí tình:
_ Hãy nhìn đứa trẻ đáng thương kia, nó đã phải phấn đấu trong những hoàn cảnh nghiệt ngã rất đáng buồn! Và con cũng phải nhìn lại mình, con đã có tất cả trong việc học hành. Thế mà đôi lúc con cảm thấy nó khó khăn vất vả. Henri cưng chiều của mẹ ơi, một ngày làm việc kiên trì không ngại khó của cậu bé Grossi tội nghiệp xứng đáng hơn nhiều so với tròn vẹn một năm theo cái cung cách học hành như của con, những người ấy rất đáng được phần thưởng hạng nhất!

Cha tôi đã nghe không sót một lời nào từ mẹ thốt ra, nên ngay hôm đó, tôi thấy trên bàn học của mình một bức thư sau đây của cha.

Henri con ơi!
Mẹ bảo đúng, việc học là khó nhọc đối với con, bởi vì con chưa đến trường với vẻ tươi vui, cương quyết như cha hằng mong muốn. Nhưng hãy nghĩ tới cái ngày sẽ trống rỗng và hết sức vô bổ, nếu con không đến trường. Không đầy một tuần thôi, chắc chắn con sẽ nài nỉ để được quay về nơi ấy. Giờ đây, tất cả trẻ em đều đi học, Henri ạ! Con hãy nhớ, những người thợ, sau một ngày làm việc mệt mỏi, hàng đêm họ đều đến trường, dù trọn cả tuần lễ phải vất vả trong các công sở, xí nghiệp, những cô gái trẻ cũng dành một ngày chủ nhật cho việc học hành. Những người lính, các quân nhân đã bắt đầu đọc sách, đánh vần sau những giờ luyện tập quân sự cực khổ, ngay cả những người khuyết tật bất hạnh cũng không để mất việc trau dồi trí tuệ. Con hãy hình dung một buổi sáng, tất cả những đứa trẻ cũng như con, không riêng trong thành phố này mà trên khắp các nước đều đến trường và chuyên cần học tập. Hãy gợi lên trong trí tưởng tượng của con hình ảnh những học sinh đang hấp tấp đi trên những con đường mòn, những cánh đồng bát ngát bao la, những phố phường huyên náo, dưới bầu trời nắng cháy hay băng qua những vùng tuyết giá bằng đủ mọi phương tiện, bất kể núi cao rừng thẳm, sông sâu thác lũ… Các bạn ấy đi đơn lẻ, đôi ba người hay kết từng nhóm, kết thành đoàn, quần áo, ngôn ngữ tuy khác nhau, nhưng chung một mục đích: cắp sách đến trường!
Henri con ơi! Hãy hình dung tiếp và nên nhớ rằng: Nếu cái tổ kiến học sinh vĩ đại đó của hàng trăm dân tộc, trong đó có con, ngưng học tập, không đến trường thì cả nhân loại này sẽ trở về thời kỳ man di, lạc hậu. Tiếp thu học tập, năng nổ đến trường để nghiên cứu học hỏi, đấy là sự tiến bộ, hy vọng, là vinh quang của thế giới.

Hãy dũng cảm lên con, một người lính trẻ trong đội quân vĩ đại, những sách vở vủa con là vũ khí, lớp học của con là binh đoàn, sự ngu dốt là thù địch, chiến trường là toàn cả địa cầu và là vinh quang, là văn minh nhân loại!

Không, con không bao giờ là môt người lính khiếp nhược, hỡi Henri thương yêu của cha!

Người cha của con.


Trích trong tập sách TÂM HỒN CAO THƯỢNG của Emond De Amicis, Nhân Văn biên dịch.