SỨ ĐIỆP MÙA CHAY 2020

SỨ ĐIỆP MÙA CHAY 2020
“Nhân danh Đức Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hòa với Thiên Chúa” (2Cr 5,20)
 
SỨ ĐIỆP MÙA CHAY 2020

 
“Nhân danh Đức Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hòa với Thiên Chúa” (2Cr 5,20).

Anh chị em thân mến!

Năm nay cũng vậy, Thiên Chúa ban cho chúng ta thời gian quý giá để chuẩn bị chính mình cử hành Mầu Nhiệm lớn lao, Mầu Nhiệm tử nạn và phục sinh của Đức Kitô với trái tim được canh tân, trụ cột của đời sống kitô hữu cả cá nhân và cộng đoàn. Chúng ta phải trở về với Mầu Nhiệm này cách liên lỉ, với tâm trí và trái tim. Thật vậy, sự trở về ấy không ngừng lớn lên trong chúng ta ở chiều kích, trong đó chúng ta để mình được lôi cuốn từ động năng thiêng liêng và chúng ta đón nhận nó với lời đáp trả tự do và hào phóng.

 
1. Mầu nhiệm vượt qua, nền tảng của sự hoán cải
Niềm vui của người kitô hữu tuôn trào từ việc lắng nghe và đón nhận Tin Mừng về cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô: Kerygma. Tin Mừng ấy gói trọn Mầu Nhiệm của tình yêu “thực tế đến thế, chân chính đến thế, cụ thể đến thế, nó trao cho chúng ta mối tương quan tròn đầy của một cuộc đối thoại chân thành và hiệu quả” (Tông huấn Christus Vivit, s. 117). Ai tin vào lời loan báo này, từ chối sự gian dối cho rằng cuộc sống chúng ta bắt nguồn từ chính chúng ta, trong khi thực tế sự sống bắt nguồn từ tình yêu của Thiên Chúa Cha, từ ý muốn trao ban sự sống cách dồi dào và phong phú của Ngài (x. Ga 10,10). Nếu lắng nghe lời lẽ thuyết phục của “cha đẻ dối trá” (x. Ga 8,45), người ta có nguy cơ chìm vào vực thẳm vô nghĩa, họ đã cảm nghiệm hỏa ngục trên trái đất này rồi, các sự kiện đầy bi kịch của kinh nghiệm cá nhân và tập thể chẳng may đã chứng minh điều đó.

Bởi vậy, trong Mùa Chay năm 2020 này cha muốn mời gọi mỗi kitô hữu, như cha đã viết cho các bạn trẻ trong Tông huấn Christus Vivit: “Hãy ngắm nhìn đôi tay mở rộng của Đức Kitô Chịu Đóng Đinh, hãy để Ngài cứu các con một cách luôn luôn mới mẻ. Và khi các con sắp xưng thú tội lỗi, hãy tin cách kiên quyết vào lòng thương xót của Ngài sẽ giải thoát các con khỏi tội lỗi (s. 123). Sự phục sinh của Đức Kitô không phải là một biến cố thuộc về quá khứ: bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần luôn luôn hiển hiện và cho phép chúng ta ngắm nhìn và đụng chạm đến thịt xương của Đức Kitô trong biết bao người đau khổ.

 
2. Sự khẩn thiết của hoán cải
Thật lành mạnh khi chiêm ngưỡng Mầu Nhiệm vượt qua cách sâu sắc hơn, nhờ đó chúng ta được trao ban mầu nhiệm của Thiên Chúa. Thật vậy, kinh nghiệm của lòng thương xót là có thể chỉ trong “mặt giáp mặt” với Thiên Chúa chịu đóng đinh và sống lại “Ngài đã yêu tôi và đã trao nộp vì tôi” (Gl 2,20). Một cuộc đối thoại trái tim với trái tim, một người bạn với một người bạn. Đó là lý do tại sao cầu nguyện thật quan trọng trong mùa chay. Trước khi nó là một bổn phận, nó bày tỏ một đòi hỏi tương xứng với tình yêu Thiên Chúa, Ngài luôn ban ơn và nâng đỡ chúng ta. Thật vậy, kitô hữu cầu nguyện trong ý thức đáp trả của một tình yêu không cân xứng. Lời cầu nguyện có thể được thể hiện qua nhiều hình thức khác nhau, nhưng điều đẹp lòng trước mặt Thiên Chúa là làm rỗng chính mình, đến mức làm nát tan sự cứng cỏi của trái tim, để hoán cải trái tim luôn luôn theo ý muốn của Ngài.

Bởi vậy, trong thời gian thuận tiện này, chúng ta hãy để mình được dẫn dắt như Israel trong sa mạc (x. Hs 2,16), như thế cuối cùng chúng ta có thể lắng nghe lời của Vị Hôn Phu của chúng ta. Càng để mình được Lời của Thiên Chúa lôi cuốn, càng ra khỏi mình để cảm nghiệm lòng thương xót nhưng không của Ngài dành cho chúng ta.

 
3. Ý muốn mãnh liệt của Thiên Chúa đối thoại với con cái Ngài
Thật vậy, Thiên Chúa ban cho chúng ta một lần nữa thời gian thuận tiện để hoán cải. Chúng ta đừng bao giờ cho đó là điều đường nhiên. Cơ hội thuận tiện này phải khơi gợi trong chúng ta ý thức nhận biết và lay động sự tê liệt của chúng ta. Mặc dù sự dữ hiện diện trong cuộc sống chúng ta, lắm khi đầy bi kịch, cũng như nó hiện diện trong Giáo Hội và xã hội, điều này mang lại cho chúng ta sự thay đổi, nó bày tỏ ý muốn ngoan cường của Thiên Chúa không làm gãy vỡ cuộc đối thoại mang ơn cứu độ trong chúng ta. Trong Đức Kitô chịu đóng đinh, “Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta” (x. 2Cr 5,21), ý muốn đến nỗi đặt tất cả tội lỗi trên Ngài, đến nỗi “Thiên Chúa chống lại Chính Mình”, như Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nói (x. Thông điệp Deus Caritas est, s. 12), Thật vậy, Thiên Chúa yêu cả kẻ thù mình (x. Mt 5, 43 – 48).

Cuộc đối thoại Thiên Chúa muốn thiết lập với mỗi nhân vị, ngang qua Mầu Nhiệm phục sinh con của Ngài không như cuộc đối thoại được gán cho dân thành Atene, những người “ở đó chỉ để thời gian bàn tán hay nghe những chuyện mới nhất” (Cv 17,21). Loại tán gẫu này nói vì sự trống rỗng và sự tò mò hời hợt, nó là tính cách phàm trần của mọi thời đại và đối với thời đại chúng ta cũng có thể nó thấm nhiễm trong việc sử dụng sai lệch các phương tiện truyền thông.   

 
4. Sự giàu có là để chia sẻ, không để tích lũy cho riêng mình
Đặt để Mầu Nhiệm phục sinh vào trọng tâm của cuộc sống nghĩa là động lòng trắc ẩn những tổn thương của Đức Kitô chịu đóng đinh hiện thân trong muôn vàn những nạn nhân vô tội của chiến tranh, những người bị làm dụng chống lại sự sống từ khi chưa được sinh ra đến già nua, của nhiều hình thức bạo lực, của những thảm họa môi trường, của sự phân phối không cân bằng về tài nguyên đất, của việc buôn bán người dưới mọi hình thức, của sự khao khát khôn cùng lợi nhuận, là hình thức của tôn thờ ngẫu tượng.

Ngày nay cũng vậy, thật quan trọng để lại mời gọi những người nam nữ thiện tâm chia sẻ tài sản với những người có nhu cầu hơn ngang qua việc bố thí, đó như một hình thức cá nhân tham dự vào việc xây dựng một thế giới công bằng hơn. Sự chia sẻ trong đức ái làm cho con người trở nên người hơn; tích lũy có nguy cơ tiêu diệt; đóng kín họ trong chính sự ích kỷ. Chúng ta có thể và phải đi xa hơn nữa xem xét các cấu trúc kinh tế. Bởi lý do này, trong Mùa Chay 2020, từ ngày 26 đến ngày 28 tháng 3, tôi đã triệu tập ở Assisi những nhà kinh tế trẻ, những doanh nhân và những người tạo thay đổi, với mục đích góp phần phác thảo một nền kinh tế công bằng và toàn diện hơn nền kinh tế hiện tại. Như nhiều lần Giáo Huấn của Giáo Hội đã lặp đi lặp lại, chính trị là một hình thức nổi bật của đức ái (x. Pio XI, Bài diễn văn ở FUCI, ngày 18 tháng 12 năm 1927). Cũng vậy, cần quan tâm đến kinh tế với cùng tinh thần Tin Mừng, đó là tinh thần của Các Mối Phúc.

Nguyện xin Đức Trinh Nữ rất thánh cầu bầu cho chúng ta trong Mùa Chay sắp đến, để chúng ta có thể đón nhận lời mời gọi, mở lòng hòa giải với Thiên Chúa, tập trung ánh nhìn của trái tim vào Mầu Nhiệm phục sinh và hoán cải trong cuộc đối thoại cởi mở và chân thành với Thiên Chúa, Trong cách thức này chúng ta có thể trở nên những gì như Đức Kitô đã nói với các môn đệ: là muối của đất và ánh sáng của trần gian (x. Mt 5, 13 – 14).

           Phanxico
Roma, tại Đền Gioan ở Laterano, ngày 07 tháng 10 năm 2019
Lễ kính Đức Mẹ Mân Côi

Tác giả bài viết: MTG Nha Trang chuyển ngữ

Nguồn tin: w2.vatican.va