NGÀY NGHỈ
Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư, 05.09.2018: Các Giới Răn (Tiếp theo - VII)
Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!
Hôm nay, con đường xuyên qua các Giới Răn sẽ dẫn chúng ta tới với Giới Răn về Ngày Nghỉ. Có vẻ như đây là một Giới Răn rất dễ chu toàn, nhưng đó là một cảm tưởng không thật. Thực ra, việc nghỉ ngơi không phải là chuyện dễ, vì có cả sự nghỉ ngơi giả tạo lẫn những nghỉ ngơi đích thực. Làm thế nào chúng ta có thể biết được chúng?
Xã hội ngày nay xoay quanh sự giải trí và tự do. Công nghệ giải trí rất phát triển, và ngành quảng cáo phác họa ra một hình ảnh lý tưởng về thế giới như là một công viên giải trí, trong đó có tất cả mọi trò tiêu khiển. Thuật ngữ được ưa thích trong thời đại ngày nay về cuộc sống đã không có trọng tâm của nó trong công việc cũng như trong những nổ lực, nhưng trong sự phân tán. Người ta kiếm tiền để có nhiều niềm vui, để tiêu khiển. Mô hình lý tưởng chính là hình ảnh về một người thành đạt, người ấy có thể cho phép mình dấn thân cho sự giải trí một cách rộng rãi và đa dạng. Nhưng cách nghĩ này lại làm cho chúng ta trượt vào sự bất mãn của một cuộc sống mà nó bị gây mê bởi sự giải trí, mà sự giải trí ấy không phải là sự nghỉ ngơi, nhưng chỉ là thái độ lạnh nhạt và trốn tránh thực tại. Chưa bao giờ con người lại nghỉ ngơi nhiều cho bằng thời đại hôm nay, và mặc dầu vậy, con người cũng chưa bao giờ phải nếm trải sự trống vắng nhiều cho bằng thời đại này! Tất cả mọi khả năng để tiêu khiển và để ra đi, cũng như những chuyến tàu hạng sang, những cuộc du lịch và nhiều vấn đề khác cũng đều không thỏa mạn được con tim của bạn. Trái lại, chúng không đem đến cho bạn sự nghỉ ngơi và an bình.
Những lời của Giới Răn trên sẽ tìm kiếm và thấy được cốt lõi của vấn đề, bằng cách là chúng chiếu giãi một nguồn ánh sáng khác để thấy được đâu là sự nghỉ ngơi đích thực. Giới răn này có một yếu tố đặc biệt: Nó trình bày một căn nguyên. Sự nghỉ ngơi nhân danh Thiên Chúa có một căn nguyên rõ ràng: „Vì trong sáu ngày Thiên Chúa đã tạo dựng nên trời đất, biển cả và tất cả những gì trong đó; vào ngày thứ Bảy, Ngài nghỉ ngơi. Vì thế, Thiên Chúa đã chúc phúc cho ngày Sabbat và thánh hóa ngày ấy“ (Xh 20,11). Điều đó lưu ý đến việc hoàn tất công trình sáng tạo khi Thiên Chúa nói: „Thiên Chúa thấy tất cả những gì Ngài đã dựng nên nều tốt đẹp“ (St 1,31). Và sau đó là bắt đầu ngày nghỉ, ngày đó chính là niềm vui của Thiên Chúa về tất cả những gì Ngài đã sáng tạo nên. Đó là ngày chiêm ngưỡng và phúc lành.
Như vậy thì nghỉ ngơi là gì chiếu theo Giới Răn này? Thưa, đó là khoảnh khắc chiêm ngưỡng, đó là khoảnh khắc ca ngợi chứ không phải là khoảnh khắc phân tán. Đó là thời gian để chiêm ngưỡng thực tại và thốt lên: Cuộc sống tốt đẹp biết chừng nào! Giới Răn trên đã đặt sự nghỉ ngơi với tư cách là phúc lành của thực tế, đối lập với sự nghỉ ngơi với tư cách là sự trốn chạy khỏi thực tại. Đối với các Ki-tô hữu chúng ta, trung tâm điểm Ngày Của Chúa hay ngày Chúa Nhật chính là Bí Tích Thánh Thể, tức „Bí Tích Tạ Ơn“. Đó là ngày để nói với Thiên Chúa rằng: Lạy Chúa là Thiên Chúa hằng sống, con tạ ơn Chúa vì Lòng Nhân Hậu của Chúa cũng như vì mọi ân lộc của Chúa. Ngày Chúa Nhật không phải là ngày để dập tắt tất cả những ngày khác, nhưng là để nghĩ về những ngày ấy, chúc lành cho những ngày ấy, cũng như ký hòa ước với cuộc sống.
Biết bao nhiêu người đã có nhiều cơ hội để tiêu khiển, nhưng lại không sống trong sự yên hàn với cuộc sống! Ngày Chúa Nhật là ngày để ký hòa ước với cuộc sống và để nói: Sự sống vô cùng quý giá; cuộc sống không hề đơn giản, và đôi khi còn đầy khổ đau, dẫu vậy, nó vẫn là điều vô cùng quý báu. Được dẫn vào trong sự nghỉ ngơi đích thực chính là một công trình của Thiên Chúa bên trong chúng ta, nhưng điều ấy đòi hỏi phải tránh xa sự chạy trốn và sự mê hoặc của nó (xc. Tông Huấn Evangelii gaudium, 83). Vì việc uốn nắn con tim sầu muộn bằng cách nêu ra những nguyên cớ khiến người ta bất mãn, đó là điều rất dễ. Phúc lành và niềm vui giả thiết một sự mở ra cho sự thiện, mà sự mở ra ấy tương ứng với một con tim trưởng thành. Sự thiện thì vô cùng đáng mến và không bao giờ bị cưỡng bức. Nó phải được chọn.
Người ta có thể chọn đi theo sự bình an, nhưng người ta không thể cưỡng bức nó, và người ta không bao giờ ngẫu nhiên thấy được nó. Khi người ta tránh xa những nếp gấp đầy đắng cay nơi con tim của mình, thì người ta phải ký kết hòa ước với điều mà người ta chạy trốn khỏi nó. Cần phải giao hòa với lịch sử của mình, với những thực tế mà người ta không chấp nhận, với những mảng khó của kiếp sống. Cha hỏi anh chị em nhé: Mỗi người trong anh chị em có cảm thấy mình được giao hòa với lịch sử đời mình hay không? Đây là câu hỏi giúp suy tư về điều đó: Tôi có giao hòa với lịch sử đời mình hay không? Vì sự bình an đích thực không hệ tại ở chỗ thay đổi lịch sử đời mình, nhưng là đón nhận nó và trân quý nó, như nó đã là.
Chúng ta đã rất thường xuyên gặp gỡ những Ki-tô hữu bệnh tật, những người này đã an ủi chúng ta bằng một sự bình an nội tại, mà người ta không thể thấy được sự bình an ấy nơi những người hưởng thụ và nơi những người đi theo chủ nghĩa khoái lạc! Và chúng ta đã thấy những con người khiêm tốn và nghèo túng, họ đã vui mừng về những hồng ân nho nhỏ, với một niềm hạnh phúc mà nó có hương vị vĩnh cửu. Trong Sách Đệ Nhị Luật, Thiên Chúa phán rằng: „Ta đặt trước ngươi sự sống và sự chết, phúc lành và sự trốn chạy. Hãy chọn đi theo sự sống để ngươi cũng như con cháu ngươi được sống“ (Xh 30,19). Sự chọn lựa đó chính là tiếng “Xin Vâng” của Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ đã mở bản thân mình ra cho Chúa Thánh Thần, Đấng cho phép chúng ta đi theo vết chân Chúa Ki-tô: Trong khoảnh khắc bi ai nhất, Ngài đã trao hiến chính bản thân mình cho Chúa Cha, và đã chọn đi vào con đường dẫn tới sự phục sinh.
Khi nào thì cuộc sống trở nên tuyệt vời? Thưa, khi chúng ta bắt đầu hoàn toàn có thể thực hiện điều mà nó là lịch sử đời chúng ta. Khi hồng ân suy nghĩ cố gắng khẳng định rằng: tất cả đều là hồng ân. Và cách nghĩ thánh thiện ấy sẽ làm cho chúng ta bóp vụn bức tường nội tại của sự bất mãn, và sự nghỉ ngơi đích thực sẽ bắt đầu. Cuộc sống sẽ trở nên tuyệt vời, khi người ta mở tâm hồn mình ra cho sự quan phòng, cũng như khi người ta khám phá ra rằng, điều mà Thánh Vịnh đã nói thì rất đúng: “Chỉ nơi Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn” (Tv 62,2). Lời Thánh Vịnh này quả là tuyệt vời: “Chỉ nơi Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn.”
Vatican, Đại Sảnh Đường Tiếp Kiến
Sáng thứ Tư, ngày mồng 05 tháng 09 năm 2018
ĐTC Phan-xi-cô
Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ
Ý kiến bạn đọc