banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

THƯ CHUNG NĂM 1998

Đăng lúc: Chủ nhật - 10/02/2019 20:27 - Người đăng bài viết: menthanhgia
THƯ CHUNG NĂM 1998

THƯ CHUNG NĂM 1998

Năm Thánh 2000: Thiên Chúa Ba Ngôi, Bí tích Thánh Thể và sự hiệp nhất
 
THƯ CHUNG NĂM 1998 

HƯỚNG VỀ NĂM THÁNH 2000


Kính gửi các linh mục, các tu sĩ nam nữ, các chủng sinh và toàn thể anh chị em giáo dân.

1. Anh chị em thân mến,

Họp nhau trong Chúa Thánh Thần, các Giám mục chúng tôi hân hoan gởi đến anh chị em lời chào hỏi thân tình nhất trong Chúa Kitô, đồng thời cũng gửi đến anh chị em một số thông tin về cuộc Đại Hội thứ bảy (1998) của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGMVN), và về Hội Nghị Thượng Hội Đồng Giám Mục Châu Á (THĐGM/CA). Tiếp đến chúng tôi sẽ triển khai một số điểm trong sứ điệp của THĐGM gửi cho mọi thành phần Dân Chúa tại Châu Á và sau hết để hướng tâm hồn vào việc chuẩn bị mừng Năm Thánh 2000.

I. THÔNG TIN
A. Về Đại hội thứ 7 của HĐGMVN
2. Đại hội năm nay đã họp tại Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội từ ngày 11 đến ngày 17 tháng 10 năm 1998. Hiện diện có 25 Hồng Y, Tổng Giám mục, Giám mục và 2 linh mục Giám quản; 7 Giám mục vắng mặt vì lý do tuổi tác hay sức khỏe. Đại hội đã diễn ra tốt đẹp và là một thời gian ân sủng đặc biệt cho chúng tôi. Chúng tôi đã cầu xin ánh sáng Chúa Thánh Thần và cảm nhận thật sâu xa tình liên đới với anh chị em.
Trong Đại Hội, chúng tôi đã chia sẻ với nhau đặc biệt về các vấn đề sau đây:
a. Những sinh hoạt mục vụ tại các Giáo phận.
b. Thành quả của THĐGM Châu Á diễn ra tại Roma từ ngày 19-4-1998 đến ngày 14-5-1998.
c. Thành công của Đại hội La Vang và chương trình ngày lễ bế mạc trong năm 1999.
d. Việc chuẩn bị mừng Năm Thánh 2000.
đ. Cuối cùng chúng tôi đã bầu Ban Thường Vụ mới của HĐGMVN nhiệm kỳ 1998-2001.

B. Về Hội Nghị THĐGM Châu Á
3. Anh chị em đã nghe nhiều về Hội Nghị này. Đây là một biến cố quan trọng cho lục địa Châu Á rộng lớn, vừa đa dạng về tôn giáo, vừa phong phú về văn hóa, nếp sống và phong tục, đồng thời cũng đang phải đối diện với nhiều vấn đề mới phát sinh do sự biến đổi nhanh chóng trong các lãnh vực.
Ở đây chúng tôi chỉ muốn nêu lên mấy nét chính về phần đóng góp của HĐGMVN.
a. Thời gian chuẩn bị Hội nghị, Đức Cha Phaolô Nguyễn văn Hòa đã được mời tham gia Ủy ban trù bị trung ương. HĐGMVN đã gửi một bản góp ý được dư luận thế giới chú ý.
b. Trong Hội nghị, các Giám mục Việt Nam đã trình bày những kinh nghiệm đạt được trong lãnh vực giáo lý, những thực hành mục vụ theo chiều hướng hội nhập văn hóa và đáp ứng các nhu cầu của xã hội. Tựu trung chúng tôi đã nêu lên mấy chủ đề:
1.- Làm sao nói với Thiên Chúa Cha và Hội Thánh trong khung cảnh nền văn hóa của xã hội Việt Nam vốn lấy gia đình làm nền tảng.
2.- Làm sao nhận ra tác động của Chúa Thánh Thần nơi mọi người thành tâm thiện chí, đặc biệt nơi các tôn giáo bạn (x. GH 16).
3.- Làm sao để việc tôn kính ông bà, tổ tiên giúp người ta nhận biết Thiên Chúa, và hiểu rõ hơn về đạo hiếu của người Công giáo Việt Nam.
Chúng tôi cũng đã góp tiếng nói của mình vào trong sứ điệp của THĐ gởi đến mọi thành phần Dân Chúa tại Châu Á.

II. TRIỂN KHAI MỘT SỐ ĐIỂM TRONG SỨ ĐIỆP CỦA THĐGM/CA
Trong bức thư này chúng tôi muốn nêu lên mấy điểm chính yếu của sứ điệp của THĐ và gợi ý để anh chị em ứng dụng vào cuộc sống cụ thể của chúng ta.

4. Vai trò của giáo dân
Hàng giáo dân có một vai trò quan trọng trong Hội Thánh. Có nhiều dấu hiệu chứng tỏ Thánh Thần đang chuẩn bị giáo dân đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong ngàn năm sắp tới. Nhiều cá nhân và đoàn thể tín hữu đang tham gia năng động và hăng say trong công cuộc Phúc âm hóa cũng như xây dựng Hội Thánh tại các địa phương.
Từ thời Hội Thánh sơ khai tại Việt Nam, chính giáo dân Việt Nam đã đóng vai trò quan trọng trong việc linh hoạt đời sống cộng đoàn tín hữu. Lý do không phải vì thiếu linh mục, mà chủ yếu là do người giáo dân đã ý thức về vai trò của mình trong Hội Thánh.
Từ Công Đồng Vatican II đến nay, vai trò của người giáo dân càng ngày càng được khẳng định rõ hơn. Anh chị em hãy nhiệt thành hơn trong việc phục vụ cộng đoàn giáo xứ và giáo dục thanh thiếu niên nên người Kitô hữu chân chính, nhằm xây dựng cộng đoàn giáo xứ thành một gia đình có Thiên Chúa là Cha và tất cả là anh chị em trong Chúa Kitô, nhờ Chúa Thánh Thần liên kết.

5. Sứ mạng của anh chị em là đem ánh sáng Tin Mừng vào mọi lãnh vực của cuộc sống qua các sinh hoạt kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa. Sứ mạng ấy đòi anh chị em phải tích cực dấn thân trong mọi ngành nghề để xây dựng cộng đồng xã hội với một tâm hồn đầy Chúa Kitô.
Xã hội chúng ta đang bị tấn công bởi nhiều tệ nạn, do tác động của lối sống hưởng thụ và của nạn nghèo đói. Hiện tượng có nhiều người bỏ thôn quê ra thành thị đặt ra nhiều vấn đề, đặc biệt là vấn đề luân lý. Chính anh chị em phải tự bảo vệ mình và con cái, đồng thời giúp người khác tránh khỏi các tệ nạn xã hội và sống xứng phẩm giá con người. Nhờ có mặt trong mọi lãnh vực nên anh chị em mới có thể góp phần bảo vệ môi trường, môi trường thiên nhiên và nhất là môi trường đạo đức.
Chính sự tích cực dấn thân như thế của anh chị em cùng với đồng bào cả nước là cơ sở thực tiễn cho một cuộc đối thoại, có khả năng đưa tới sự hiểu biết, tôn trọng và yêu thương nhau giữa những con người Việt Nam, dù có tín ngưỡng hay không, dù theo tôn giáo này hay tôn giáo khác. Yêu thương và hiệp nhất là đặc điểm của Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô và cũng là điểm gặp gỡ sâu xa nhất giữa Tin Mừng và văn hóa Việt Nam, một nền văn hóa vốn lấy nghĩa đồng bào và đạo hiếu trung làm nền tảng cho đạo đức xã hội.

6. Để chuẩn bị và giúp cho anh chị em dấn thân như thế, anh chị em cần tích cực hợp tác với các linh mục để tổ chức và tham gia các chương trình giáo lý đặc biệt cho từng lứa tuổi, lấy việc chia sẻ kinh nghiệm sống Lời Chúa làm sợi dây liên kết, giúp cảm thông và nâng đỡ nhau.
Hơn nữa, “sống Phúc âm giữa lòng Dân tộc” (x. Thư chung 1980) vốn thấm nhuần một truyền thống tôn giáo thiên về chiêm niệm, anh chị em cũng được mời gọi khám phá và sống chiều kích chiêm niệm của Chúa Kitô một cách sâu xa hơn. Là môn đệ Chúa Kitô, chúng ta được mời gọi đi theo Ngài không phải chỉ trong hoạt động mà cả trong chiêm niệm nữa. Chiêm niệm không phải chỉ dành riêng cho các tu sĩ, mà là một chiều kích của ơn gọi Kitô hữu. Chiêm niệm trước hết là đào sâu lòng khao khát Thiên Chúa (x. Tv 41, 2-3). Muốn thế ta hãy lắng nghe và suy niệm Lời Chúa theo gương Mẹ Maria đã ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng (Lc 2,19).
Lòng khao khát Thiên Chúa như thế sẽ là sức mạnh giúp chúng ta sống cuộc sống dương thế, là ánh sáng soi cho chúng ta biết chọn lựa, quyết định trong mọi hoàn cảnh: “Lời Chúa là đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 118,105).

7. Vai trò của gia đình
“Gia đình là Hội Thánh tại gia giữa lòng cộng đồng Kitô. Gia đình là trường học đầu tiên. Cha mẹ là những người giáo dục đầu tiên. Sách giáo khoa đầu tiên là những quan hệ trong gia đình, giữa cha mẹ với nhau, giữa cha mẹ và con cái, giữa gia đình này với gia đình khác”. (SĐTHĐGM/CA. Số 5).
Gia đình là Hội Thánh tại gia, là đơn vị căn bản của Hội Thánh. Gia đình là cộng đoàn thờ phượng và sống đạo, là nơi thể hiện và phát triển lòng tin, cậy, mến. Những bài học đầu tiên về cầu nguyện, về mến Chúa yêu người, đều được học và dạy ở dưới mái gia đình.
Việc cầu nguyện trong gia đình và việc kiểm điểm đời sống hằng ngày giúp cho gia đình yêu thương và sống hiệp nhất. Chính bầu khí yêu thương đầm ấm trong gia đình: vợ chồng chung thủy, con cái hiếu thảo, anh chị em hòa thuận, là trường dạy yêu mến. Người ta học biết yêu thương nhờ được yêu thương.
Vậy các gia đình hãy canh tân việc đọc kinh cầu nguyện, đặc biệt dành thời giờ cho việc lắng nghe và suy niệm Lời Chúa như THĐGM/CA nhắc nhở: “Lời Chúa cần có chỗ trung tâm trong đời sống chúng ta và phải nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của chúng ta. Sách Thánh không phải là một cuốn sách thông thường, nhưng đúng hơn là Tiếng Nói hằng sống của Thiên Chúa hằng sống” (số 5). Chúng tôi khuyến khích việc liên đới giữa các gia đình, nhất là các gia đình trẻ, để giúp nhau vượt qua khó khăn và phát triển đời sống gia đình.

8. Vai trò của phụ nữ
“Một trong những dấu chỉ có ý nghĩa của thời đại chúng ta hôm nay là sự thức tỉnh của ý thức người phụ nữ về phẩm giá của họ và về sự bình đẳng với nam giới” (SĐTHĐGM/CA. số 5).
Trong xã hội Việt Nam, người phụ nữ đã đóng góp rất nhiều, và nhiều khi có vai trò quyết định: quán xuyến mọi việc trong gia đình, nuôi dạy con cái, nhiều người đã có công với cả xã hội và Đất Nước. Nhưng hiện nay vẫn còn tồn tại não trạng “trọng nam khinh nữ”, vẫn còn những tệ nạn làm hạ phẩm giá người phụ nữ, như nạn phá thai và mãi dâm. Trong Hội Thánh, người phụ nữ luôn góp phần trong việc giáo dục con cái và xây dựng cộng đoàn và đã cống hiến những người con ưu tú để phục vụ Hội Thánh: trong đời sống gia đình, đời tu trì và linh mục. Song chúng ta chưa phát huy đủ vai trò của phụ nữ trong cộng đoàn, trong các công tác phục vụ Giáo Hội.

9. Vai trò của giới trẻ
Thượng Hội Đồng Giám Mục về Châu Á đã nói về giới trẻ như sau: “Giới trẻ là tương lai của Châu Á và của Hội Thánh. Nhu cầu hiện nay là Hội Thánh cống hiến cho giới trẻ sự huấn luyện mà họ cần đến... Trong nhiều Giáo Hội địa phương, các bạn trẻ đã chứng tỏ có nhiều khả năng trong công cuộc Phúc âm hóa và chuẩn bị một tương lai tốt đẹp hơn cho Hội Thánh và xã hội” (SĐTHĐGM/CA. số 5).
Dó đó, sự thật hiển nhiên là giới trẻ hôm nay thế nào thì Đất Nước và Hội Thánh Việt Nam ngày mai sẽ như vậy. Bởi thế, chúng tôi xin các bạn trẻ hãy ý thức và đảm nhận vai trò của mình mà xây dựng “ngôi nhà chung tương lai” của nhân loại. Xây dựng ngôi nhà tương lai trước hết là xây dựng chính bản lãnh của chính mình hầu đạt tới mức trưởng thành. Nhờ đó thực thi nghĩa vụ cùng quyền lợi trong tinh thần tự do chân chính và có trách nhiệm cao độ.
Để xây dựng tương lai cho Đất Nước và Hội Thánh, các bạn cần trau dồi đạo đức và trí thức hầu tích cực phục vụ hơn. Các bạn nên nhớ rằng khi cầu tiến trong lãnh vực học thức, thì cũng phải cần kiện toàn trong lãnh vực nghề nghiệp để có thể phục vụ với tinh thần khiêm tốn vô vị lợi. Thời nào cũng cần đến những con người tài đức và trung hiếu, luôn biết coi trọng chữ tín.
Các bạn trẻ miền nông thôn cũng như các bạn trẻ ở thành thị đều cùng có trách nhiệm, tùy theo điều kiện sống đặc thù của mình, mà phát huy bản chất, tài năng và ơn gọi để tham gia việc thăng tiến xã hội về nhiều mặt kinh tế, văn hóa... Vì chính các bạn trẻ mới là chủ đề năng động trong công cuộc xây dựng hòa bình và hạnh phúc. Tông huấn “Kitô hữu giáo dân” (Christifideles laici) đã đánh giá giới trẻ cách xác đáng: “Nhờ sự nhạy bén, giới trẻ nhận thức sâu xa những giá trị về công bình, bất bạo động, hòa bình ... Tâm hồn người trẻ biết rộng đón tình huynh đệ, tình bằng hữu và tình liên đới. Giới trẻ biết động viên để cổ võ việc nâng cao phẩm chất cuộc sống và bảo vệ thiên nhiên” (KHGD, số 46).

10. Trách nhiệm của các bạn trẻ thực cao quý và khó khăn, song các bạn vẫn luôn có Đức Kitô, Đấng luôn đồng hành với các bạn. Vì là Kitô hữu, các bạn sẽ đồng hành với Đức Kitô nhờ các hành trang thiêng liêng: đó là các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, bí tích Hòa giải. Thêm vào đó, các bạn trẻ còn được hỗ trợ bởi Lời Chúa và giáo huấn của Hội Thánh, một khi các bạn thành tín cầu nguyện và có thiện chí đón nhận những chỉ dẫn của các bậc phụ huynh từng trải kinh nghiệm.
Nói đến việc lắng nghe và hợp tác với các bậc hữu trách trong gia đình và Hội Thánh thì chúng tôi cũng nhận ra mối khó khăn do khoảng cách giữa giới trẻ và lớp người cao tuổi. Đó là những dị biệt về tầm nhận thức, về lối ứng xử, về nguyện vọng giữa các lứa tuổi, khiến các bạn trẻ đôi khi không mấy an tâm. Nhưng với truyền thống vốn biết dung nạp và sẵn có tinh thần hiếu đễ trong nếp sống gia đình Á Đông, các bạn trẻ có thể vận dụng đức mến Kitô giáo của mình để sống hài hòa như lời Thánh Phaolô đã khuyên nhủ sau đây: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13, 4-7).

11. Về những anh chị em di dân lập nghiệp. “Cần phải chú ý đặc biệt đến những anh chị em lao động di dân” (SĐHĐGM/AC, số 5)
Hiện nay trên Đất Nước chúng ta, việc di dân lập nghiệp ngày càng gia tăng từ Bắc vào Nam, từ tỉnh này sang tỉnh khác, từ nông thôn đổ về thành thị. Hiện tượng này thực sự tạo nên những thách đố, nhất là đối với giới trẻ về các vấn đề luân lý, tình yêu, hôn nhân, gia đình. Họ đạo và các cộng đoàn tín hữu địa phương cần quan tâm giúp đỡ các anh chị em này trong tình yêu thương và tương trợ.
Nói đến trào lưu di dân lập nghiệp, chúng tôi không thể không đề cập đến nơi xuất phát của nó là nông thôn. Trong nỗ lực đô thị hóa và hiện đại hóa đất nước, nông thôn là khu vực còn đang chịu nhiều thiệt thòi về kinh tế, văn hóa, xã hội. Các nước trên đường phát triển đều phải đương đầu với vấn đề này. Chính anh chị em ở nông thôn cần ý thức về điểm này để cùng nhau vươn lên.

12 . Vai trò của giới trí thức
Với anh chị em trí thức đang dấn thân trong lãnh vực khoa học, kỹ thuật, kinh tế, xã hội, y khoa, giáo dục … chúng tôi tự hào về những đóng góp của anh chị em cho xã hội. Chính sự có mặt của anh chị em trong các lãnh vực này là một cách làm chứng cho Thiên Chúa, Đấng tạo thành con người và trao cho sứ mạng quản lý trái đất; đồng thời làm chứng rằng đức tin và khoa học chân chính không mâu thuẫn nhau. Chúng tôi ước mong rằng chính đức tin, đức cậy và đức mến vừa soi sáng vừa thúc đẩy anh chị em dấn thân tích cực hơn nữa để đem khoa học phục vụ sự sống và làm chứng cho Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót hằng muốn cho mọi người được sống và sống dồi dào.
Trong nhiều lãnh vực của cuộc sống, Hội Thánh cần sự đóng góp của anh chị em là những người có nhiều khả năng lãnh hội và suy tư.

13. Đối thoại tôn giáo và hội nhập văn hóa
Công Đồng Vatican II dạy rằng: trong các tôn giáo ngoài Kitô giáo có tiềm ẩn hạt giống Lời Chúa và ánh sáng chân lý. Vậy khi làm chứng tá cho đức tin Kitô giáo, chúng ta hãy tôn trọng các giá trị tinh thần và đạo đức của các tôn giáo bạn. Các thành phần Dân Chúa hãy đi vào con đường đối thoại và hợp tác với các tín đồ các tôn giáo hầu góp phần xây dựng một xã hội công bằng hơn, huynh đệ hơn (NK 2).
Chúng tôi đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc hội nhập văn hóa, ngõ hầu Hội Thánh trở thành một dấu chỉ dễ hiểu hơn về thực thể của mình và trở nên một công cụ hữu hiệu hơn cho sứ vụ của mình (SĐTHĐGM/CA số 5)
Hội nhập văn hóa không phải là chạy theo “mốt thời đại”, cũng không phải là hoài cổ, nhưng là tìm ra những điểm gặp gỡ giữa Tin Mừng và hồn dân tộc, để xây dựng một nếp sống diễn tả đức tin ngày càng phù hợp hơn với nền văn hóa dân tộc.

14. Vai trò của các tu sĩ
“Chứng tá của những cộng đoàn đan viện và chiêm niệm là hết sức cần thiết để mạc khải dung mạo đích thực của Chúa Giêsu; cũng thế, đời sống và việc làm của những người tận hiến nam nữ cũng rất cần thiết” (SĐTHĐGM/CA)
Suốt dòng lịch sử gần 400 năm của Hội Thánh tại Việt Nam, các tu sĩ đã đóng góp một phần rất quan trọng trong việc loan báo Tin Mừng. Từ khởi đầu, các thầy giảng và những chi em nữ tu Dòng Mến Thánh Giá đã xuất hiện. Đó là những hoa quả đầu mùa của đời sống thánh hiến càng phong phú và hiện nay như đang nở rộ.
Với các tu sĩ nam nữ, Tông huấn “Đời Sống Thánh Hiến” mời gọi anh chị em đem cả cuộc đời để làm vinh danh Thiên Chúa Ba Ngôi, tỏa ánh vinh quang của Chúa Giêsu Kitô. Chứng tá trước hết là chính đời sống anh chị em. Mọi hoạt động của anh chị em chỉ có ý nghĩa chứng tá khi xuất phát từ sự kết hợp sâu xa với Thiên Chúa Ba Ngôi và biểu lộ chính tình yêu của Thiên Chúa: “Người loan báo Tin Mừng phải là một nhà chiêm niệm trong hoạt động” (SVĐCC số 91).
Xã hội vẫn có những người làm công tác xã hội, giáo dục mà không cần phải là tu sĩ. Do đó, phần cống hiến đặc thù của anh chị em là Đức Kitô và tình yêu của Ngài (x.ĐSTH s.17-22)
Lời khấn nghèo khó nhắc nhở anh chị em theo gương Chúa Giêsu trở nên người nghèo sống giữa người nghèo, vì người nghèo, đặc biệt biết quan tâm đến mọi hình thức nghèo khổ còn đang tồn tại trên đất nước chúng ta.
Các tu sĩ sống đời chiêm niệm, có chức năng “biểu lộ Chúa Giêsu đang cầu nguyện trên núi” (GH, 46). Từ truyền thống xa xưa của tôn giáo, đã ăn sâu vào tâm hồn Việt Nam, đời tu luôn gắn liền với chiêm niệm, biểu lộ lòng khao khát đi sâu vào huyền nhiệm Tuyệt Đối. Đó cũng là nét chung của các dân tộc Châu Á, nên THĐGM/CA đã nói: “Chứng tá của những cộng đoàn đan viện và chiêm niệm hết sức cần thiết để mạc khải dung mạo đích thực của Chúa Giêsu” (s.5).

15. Vai trò của các linh mục
“Những người Kitô hữu tại Châu Á cần có những mục tử sốt sắng, và những vị hướng dẫn thiêng liêng, chứ không phải chỉ thuần túy là những người quản trị hữu hiệu. Mẫu gương cá nhân của những nhà giáo dục có một vai trò quan trọng trong tiến trình huấn luyện” (SDTHDGM/CA, s. 5.).
Anh em là những cộng tác viên thân tín của chúng tôi, cùng chia sẻ trách nhiệm mục vụ với chúng tôi. Chúng ta hãy sống trong tình hiệp nhất. Là những “cộng tác viên của Thiên Chúa” (IT x 3,2) trong công việc chăn dắt đoàn chiên của Chúa và loan báo Tin Mừng, chúng ta phải trở nên “những mục tử như lòng Chúa mong muốn” (x.Gr 3, 15), trước hết bằng cách mang lấy trái tim của Chúa Kitô, Đấng đã “yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh” (Ep 5, 25) và cư xử theo lời thánh Phêrô: “Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã trao phó cho anh em: lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tụy. Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên” (1Pr 5, 2-4).

16. Chúng ta phải lo cho đoàn chiên hiệp nhất, vì Chúa Giêsu đã thí mạng sống để quy tụ đoàn chiên (x. Ga 11, 51-52) và đã tha thiết cầu xin Cha cho đoàn chiên nên một “để cho thế gian nhận biết là chính Cha đã sai Con và đã yêu thương họ như đã yêu thương Con” (Ga 17, 23).
Là người của hiệp nhất, chúng ta phải cổ võ sự hòa hợp của tín hữu với cộng đồng dân cư, không phân biệt tôn giáo , sắc tộc. Đó cũng là một mối phúc: “Ai làm cho người hòa thuận ấy là phúc thật”.

17. Chúng ta hãy khơi dậy và đón nhận sự hợp tác của giáo dân trong việc phục vụ cộng đoàn Dân Chúa, hãy cổ võ sự thăng tiến phụ nữ trong xã hội và Hội Thánh, tạo điều kiện cho họ tham gia vào việc điều hành và linh hoạt đời sống của họ đạo.
Hãy lấy lòng yêu mến mà gần gũi, cảm thông giới trẻ, giúp họ nâng cao trình độ văn hóa và trưởng thành trong đức tin để có thể giúp họ sống quảng đại, biết phục vụ mọi người và tham gia tích cực vào các sinh hoạt trong họ đạo.
Trách nhiệm mục tử đòi chúng ta quan tâm đến các gia đình trẻ, giúp họ liên đới với nhau để vượt qua thử thách và trở nên những gia đình Kitô hữu đích thật.
Chúng ta phải quan tâm cổ võ và nuôi dưỡng ơn gọi tu sĩ và linh mục để đoàn chiên luôn có người hiến thân phục vụ.

18. Anh em hãy đặc biệt quan tâm đến người nghèo, đến tình trạng nông thôn để giúp phát triển và nâng cao đời sống về mọi mặt. Anh em hãy nhớ lại điều các tông đồ dặn nhau khi phân công để lo cho người gốc Do Thái và người gốc dân ngoại: “Chỉ có điều này là chúng tôi phải nhớ đến những người túng thiếu...” (Gl 2,10). Quan tâm đến người nghèo là đặc điểm của Hội Thánh và của các mục tử kế thừa công việc của các tông đồ, vì Chúa Giêsu đã được “xức dầu tấn phong để loan báo Tin Mừng cho người nghèo” (Lc. 4,18). Cách riêng các anh em đang phục vụ ở nông thôn hãy quan tâm đến tình trạng nghèo đói, lạc hậu của những người chung quanh, đừng thu mình trong phòng thánh.

19. Sau hết, chúng ta phải nhớ mình vừa phải chăn dắt đoàn chiên, vừa phải loan báo Tin Mừng.
Đừng để cho nhiệm vụ chăn dắt đoàn chiên làm cho mình sao lãng việc loan báo Tin Mừng. Nhiệm vụ này là của cả Hội Thánh, nên chúng ta phải khơi dậy trong các tín hữu lòng hăng say loan báo Tin Mừng cho đồng loại, “vì đây là việc phục vụ hàng đầu mà Hội Thánh có thể dành cho mỗi người và toàn thể nhân loại hôm nay, một thế giới đã đạt được những cuộc chinh phục vĩ đại, nhưng dường như đã đánh mất ý nghĩa những thực tại tối hậu và ý nghĩa sự hiện hữu của mình” (SVĐCC, s.3). Đàng khác “sứ vụ loan báo Tin Mừng, canh tân Hội Thánh, tăng cường niềm tin và căn tính người Kitô hữu, đem lại nguồn diệu cảm mới và những động lực mới. Khi đem chia sẻ, thì niềm tin càng vững mạnh” (SVĐCC,s.2). Muốn cho cộng đoàn tín hữu sốt sắng hãy thôi thúc lòng nhiệt thành loan báo Tin Mừng.

III. HƯỚNG VỀ NĂM THÁNH 2000

20. Tiến trình đổi mới tâm hồn
Chúng ta sắp bước vào năm cuối cùng của 3 năm chuẩn bị mừng Năm Thánh 2000. Chúng ta hãy tích cực đẩy mạnh tiến trình đổi mới tâm hồn theo lời thánh Phaolô: “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm hồn, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa; cái gì là tốt , cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12,2).
Đề tài cho năm 1999, năm cuối của ba năm chuẩn bị, là về Thiên Chúa Cha. Có thể nói trong giáo lý và đời sống của chúng ta, chúng ta chưa nhấn mạnh đủ về Thiên Chúa là Cha. Đây chính là đỉnh cao của mạc khải về Thiên Chúa. “Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ, nhưng Con Một là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,18). Ngài không chỉ nói cho biết về Cha của Ngài, nhưng còn cho chúng ta được gọi Cha của Ngài là Cha của chúng ta (x.Ga 20,17), và cho ta thấy Chúa Cha khi chiêm ngắm Ngài (x.Gl 4,6). Chúa Thánh Thần được gởi vào lòng chúng ta để kêu lên: “Abba, Cha ơi” (x.Gl 4,6) và dẫn dắt chúng ta sống làm con Thiên Chúa (x.Rm 8,14).
Trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã nhận It-ra-en là “con đầu lòng” (x.Xh 4,22), nhưng chưa bao giờ người ta dám trực tiếp gọi Thiên Chúa là Cha như Chúa Giêsu dạy chúng ta, họ chỉ dám nói: “Lạy Thiên Chúa, Ngài là Cha của chúng con” (Is 63,16; 65,8 ). Chỉ có Con Thiên Chúa đã làm người “vì chúng ta và để cứu rỗi chúng ta” mới có thể cho chúng ta gọi Cha của Người là Cha chúng ta. Đó là đỉnh cao của Tin Mừng, đó là điều an ủi nhất và là niềm vui lớn nhất mà Chúa Giêsu đem cho chúng ta nhờ cái chết và sự phục sinh của Ngài.
Vậy trong năm 1999 này chúng tôi đề nghị anh chị em hãy học hỏi Tin Mừng nhiều hơn để biết về Thiên Chúa Cha như Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta; cách riêng: học hỏi, suy niệm và sống kinh “Lạy Cha”, lời kinh Chúa Giêsu dạy chúng ta và cách thức chúng ta phải sống làm con như thê nào, đồng thời mở rộng lòng chúng ta để đến với mọi người là anh chị em của chúng ta vì mọi người đều được mời gọi làm con Thiên Chúa.

21. Thưa toàn thể anh chị em,
Trong khi chờ đợi Tông huấn của Đức Thánh Cha đúc kết thành qủa của THĐGM/CA, chúng tôi mời gọi anh chị em đón nhận những suy nghĩ trên đây của chúng tôi, để hiệp thông với các Kitô hữu ở Châu Á, tích cực chuẩn bị tiến vào thiên niên kỷ thứ ba với một đức tin mãnh liệt hơn, một lối sống có giá trị chứng tá hơn. Trong lúc mọi người đang huy động nội lực để xây dựng và phát triển, thì nội lực đức tin mạnh mẽ, đức ái năng động và lòng cậy trông vững bền giúp chúng ta đảm nhận trách nhiệm của mình, để cùng với mọi người chống lại sự ác và các tệ nạn xã hội, xây dựng một cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc. Bằng cách đó, chúng ta có thể làm chứng về Thiên Chúa là Cha của chúng ta, Đấng yêu thương loài người và muốn cho loài người được hạnh phúc. Chính vì tình yêu ấy, Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ và loài người, đã ban Con Một cúa Ngài làm Đấng cứu chuộc loài người và ban Thánh Thần để đổi mới mọi sự. Đó là đức tin của chúng ta.
Chúng tôi cầu chúc anh chị em được đầy tràn “ân sủng của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần” (2Cr 13,13). Chúng ta cùng nhau hướng về Đức Mẹ La Vang, Mẹ phù hộ các giáo hữu mà Giáo hội Việt Nam chúng ta đang cử hành kỷ niệm 200 năm Người hiện ra. Xin Mẹ đào tạo chúng ta trở nên những con người yêu thương và phục vụ như Chúa Kitô, những con người tràn đầy niềm hy vọng trong Chúa Thánh Thần, hân hoan sống Tin Mừng và nhiệt thành loan báo Tin Mừng.

Làm tại Hà Nội, ngày 17 tháng 10 năm 1998
Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng
và Các Giám Mục của anh chị em
 

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn