Hằng năm vào Chúa Nhật III Mùa Vọng, Phụng Vụ Lời Chúa mời gọi người Ki tô hữu hãy vui lên vì đại lễ Giáng Sinh sắp đến gần rồi.
Is 35: 1-10
Bài Đọc I, trích sách I-sai-a, mô tả niềm hân hoan mà những người lưu đày tại Ba-by-lon sắp cảm thấy giờ giải thoát của họ sắp đến. Cùng chung niềm vui với họ, thiên nhiên và sa mạc, nơi bước chân của họ đi qua, sẽ tưng bừng nở hoa.
Gc 5: 7-10
Trong Thư gởi cho các tín hữu đang phải chịu những thử thách trăm chiều, thánh Gia-cô-bê khuyên họ hãy kiên nhẫn, thậm chí hãy vui lên, “vì Chúa sắp đến rồi”.
Mt 11: 2-11
Tin Mừng thuật lại việc Gioan Tẩy Giả trong cảnh tù ngục đã sai các môn đệ của mình đến hỏi Chúa Giê-su có phải Ngài là Đấng Mê-si-a hay không. Chúa Giê-su đáp lại bằng cách nhấn mạnh rằng Tin Mừng được loan báo cho những người nghèo hèn và bất hạnh: người mù được thấy, người điếc được nghe, người phong hủi được chữa lành. Chúa Giê-su khai mạc triều đại tình yêu và tha thứ.
BÀI ĐỌC I (Is 35: 1-10)
Như chúng ta đã biết, tác phẩm I-sai-a không là tác phẩm của một tác giả, nhưng công trình sưu tập ba tác phẩm của ba tác giả thuộc ba thời kỳ khác nhau: trước hết, tác phẩm thứ nhất, từ chương 1 đến chương 39, là tác phẩm của chính vị ngôn sứ I-sai-a tiền lưu đày vào thế kỷ thứ tám trước Công Nguyên; tiếp đó, tác phẩm thứ hai, từ chương 40 đến chương 55, là tác phẩm của một vị ngôn sứ thời lưu đày, biệt danh là ngôn sứ I-sai đệ nhị; sau cùng, tác phẩm thứ ba, từ chương 56 đến chương 66, là tác phẩm của vị ngôn sứ hậu lưu đày, biệt danh ngôn sứ I-sai-a đệ tam.
Tuy nhiên, chương 35 thì ngoại lệ: chương này có thời biểu muộn thời hơn và qua chủ đề và cung giọng của nó gần với tác phẩm của ngôn sứ I-sai-a đệ nhị hơn, vị ngôn sứ thời lưu đày Ba-by-lon, ông an ủi đồng bào của ông và báo trước cho họ biết cuộc giải phóng gần kề (giữa năm 550 và 540 trước Công Nguyên). Chính xác đây là chủ đề của đoạn văn mà Phụng Vụ Chúa Nhật III Mùa Vọng mời gọi chúng ta suy gẫm hôm nay. Bị giam cầm gần một nữa thế kỷ đã qua ở Ba-by-lon, những người lưu đày cứ ngở rằng mình sẽ gởi nắm xương tàn ở đất khách quê người. Ấy vậy, vị ngôn sứ loan tin rằng Đức Chúa sắp giải thoát họ và dẫn đưa họ trở về quê cha đất tổ.
1. Những viễn cảnh diệu kỳ:
Để từ Ba-by-lon trở về Giê-ru-sa-lem, những người lưu đày sẽ phải băng qua sa mạc Xy-ri. Đức Chúa sẽ thực hiện những điều kỳ diệu thuận tiện cho cuộc xuất hành mới này, vì:
“Hãy nói với những kẻ nhát gan: ‘Can đảm lên, đừng sợ!”
Thiên Chúa của anh em đây rồi; sắp tới ngày báo phục,
ngày Thiên Chúa thưởng công, phạt tội.
Chính Người sẽ đến cứu anh em” (35: 4).
Qua bài thi ca, theo văn phong phóng dụ, đầy những hình ảnh thi vị, vị ngôn sứ mô tả sa mạc không còn là vùng đất hoang vu khô cằn nắng cháy, nhưng tưng bừng nở hoa, rợp bóng mát của những cây cối tốt tươi như rừng Li-băng, và phản chiếu vẻ rực rỡ của núi Các-men và đồng bằng Sa-ron (đồng bằng Pa-lét-tin vốn nổi tiếng là phì nhiêu và nhiều hoa hồng tuyệt đẹp). Cuộc hồi hương trở về Thành Thánh quá phấn khởi đến mức người mù sẽ được thấy, người điếc sẽ được nghe, người câm sẽ kêu lên trong niềm vui vỡ òa.
2.Dấu chỉ của việc Thiên Chúa thứ tha:
Trước tiên, chúng ta nhận ra chủ đề Kinh Thánh về sự liên đới của thiên nhiên với vận mệnh con người. Mặt đất liên kết mình với niềm hoan hỉ của đoàn người hồi hương. Ngoài ra, những tật nguyền thể lý sẽ biến mất. Chúng ta biết rằng vào thời xa xưa này – thậm chí vào thời Chúa Giê-su (Ga 9: 1-3) – những tật nguyền thể lý được xem như những án phạt của tội lỗi. Nếu những người mù thấy lại ánh sáng, người điếc nghe được tiếng cười vui và người què nhảy nhót như nai, chắc chắn đây là cách diễn tả niềm hân hoan của những người lưu đày gặp lại quê cha đất tổ của mình, nhưng nguyên do còn sâu xa hơn: những tội lỗi của dân đã được Thiên Chúa tha thứ.
Thiên Chúa đã bày tỏ lòng xót thương: “Chính Người sẽ đến cứu chuộc anh em”. Ngài sẽ cứu chuộc dân Ngài như một người thân chuộc lại bà con họ hàng của mình lâm vào cảnh đời nô lệ vì nợ nần và đưa họ trở lại gia tộc của mình. Theo tập tục vào thời đó, ai không thể trả nợ bị người chủ nợ bắt làm nô lệ. Người thân gần nhất đứng ra chuộc lại mà ngôn ngữ Híp-ri gọi là “go-el”. Chính người này cũng đảm nhận trách nhiệm báo thù cho những oan ức mà người ấy phải chịu.
Bản văn này minh họa một quan niệm căn bản của Cựu Ước: mối liên hệ giữa ý tưởng Tạo Dựng và ý tưởng Cứu Chuộc. Chính vì Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo nên Ngài cũng là Đấng Cứu Chuộc, vì sự tha thứ tội lỗi là một công trình sáng tạo mới. Ở đây, trong đoạn văn này, mối liên hệ này rất minh nhiên. Thiên Chúa sáng tạo khi biến đổi sa mạc, Thiên Chúa sáng tạo khi phục hồi những kẻ tật nguyền. Chính sự tha thứ của Ngài là nguồn mạch của cuộc sáng tạo mới này, sự tha thứ của Ngài hoàn lại sự sống.
“Những người được Đức Chúa giải thoát sẽ trở về,
tiến đến Xi-on giữa tiếng hò reo,
mặt rạng rỡ niềm vui vĩnh cửu.
Họ sẽ được hớn hở tươi cười,
đau khổ và khóc than sẽ biến mất” (35: 10).
Cảnh tù đày ở Ba-by-lon (như cảnh đời nô lệ ở bên Ai-cập) là hình ảnh về cảnh đời nô lệ của tội lỗi. Cuộc giải phóng mà vị ngôn sứ loan báo tiên trưng cuộc giải phóng triệt để hơn, vĩnh viễn hơn, đó là cuộc giải phóng mà Đức Ki-tô mang đến, “việc chuộc lại” này mà chúng ta gọi “Ơn Cứu Chuộc”, không có nghĩa gì khác hơn là “tái tạo chúng ta”. Vào những ngày gần đến lễ Giáng Sinh, giọng nói của vị ngôn sứ vang lên qua nhiều thế kỷ: “Thiên Chúa đích thân ngự đến và sắp cứu chuộc chúng ta”.
BÀI ĐỌC II (Gc 5: 7-10)
Thánh Gia-cô-bê mời gọi các tín hữu hãy kiên nhẫn. Bản văn này có chủ ý đặt vào giữa hai thời điểm: những người lưu đày nóng lòng được trở về quê cha đất tổ (Bài Đọc I) và Gioan Tẩy Giả mong chờ Đấng Mê-si-a sớm thực hiện sứ mạng “thưởng công phạt tội” của Ngài (đoạn Tin Mừng hôm nay).
1. Tác giả và tác phẩm:
Bức thư này được gán cho thánh Gia-cô-bê, anh em họ của Chúa Giê-su, vị lãnh tụ cộng đoàn Giê-ru-sa-lem tiên khởi, bị ném đá chết vào năm 62 sau Công Nguyên do sự xúi dục của vị thượng tế thời đó. Vì thế, thánh nhân không là thánh Gia-cô-bê Tông Đồ, anh của thánh Gioan, hai con của ông An-phê, được phúc tử đạo vào năm 44 sau Công Nguyên. Vả lại ngay từ đầu thư, thánh nhân tự giới thiệu mình không là Tông Đồ mà là: “Tôi là Gia-cô-bê, tôi tớ của Thiên Chúa và của Chúa Giê-su Ki-tô”. Để phân biệt hai vị thánh trùng tên này, người ta gọi thánh Gia-cô-bê Tông Đồ là thánh Gia-cô-bê Tiền và thánh Gia-cô-bê, người anh em họ của Chúa Giê-su, là thánh Gia-cô-bê Hậu. Chính thánh Gia-cô-bê Hậu này mà, theo thánh Phao-lô, Chúa Giê-su hiện ra sau khi Ngài sống lại (1Cr 15: 6-7).
Thư này được gởi cho các cộng đoàn Ki-tô hữu gốc Do thái, phân tán khắp thế giới La-Hy. Sống ở giữa những anh em Do thái vẫn một mực trung thành lề luật Mô-sê, những người Ki tô hữu gốc Do thái này gặp phải biết bao khó khăn trong việc thực hành đức tin của mình và là đối tượng của những quấy nhiễu. Vì thế, ngay từ đầu thư thánh Gia-cô-bê an ủi họ: “Thưa anh em, anh em hãy tự cho mình là được chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều. Vì như anh em biết: đức tin có vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn. Chớ gì anh em chứng tỏ lòng kiên nhẫn đó ra bằng những việc hoàn hảo, để anh em nên hoàn hảo, không có chi đáng trách, không thiếu sót điều gì” (Gc 1: 2-4).
2. Vị Thẩm Phán đang đứng ở ngoài cửa:
Đoạn trích Thư chúng ta đọc hôm nay thuộc vào những lời khuyên bảo sau cùng của thánh nhân: thực hành đức kiên nhẫn trong thinh lặng, đừng phàn nàn kêu trách lẫn nhau, ngay cả những người bách hại mình; có như vậy, anh em mới “khỏi bị xét xử”, hàm ý quy chiếu đến lời của Chúa Giê-su: “Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha” (Lc 6: 37).
Thánh nhân nêu lên lý do: “Vì Chúa sắp đến gần rồi”. Thế hệ Ki-tô hữu đầu tiên đã sống trong niềm hy vọng này: “Vị Thẩm Phán đang đứng ngoài cửa”. Vào thời xưa, người ta xử án ở ngoài cổng thành. Ở đây, thánh Gia-cô-bê chuyển dời hình ảnh này sang lãnh vực tinh thần và muốn nói rằng vị Thẩm Phán đang đứng ngoài ngưỡng cửa nhà chúng ta, Ngài sẵn sàng bước vào (x. Mt 24: 33; Mc 13: 29). Sách Khải Huyền lấy lại hình ảnh này, nhưng không còn trong viễn cảnh của ngày chung thẩm, mà là trong viễn cảnh của mối thân tình: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3: 20). Chúng ta có thể nói thêm mà không sợ ngược lại tư tưởng của tác giả: “Hãy kiên nhẫn, vì anh em không biết ngày nào giờ nào”. Chữ “kiên nhẫn”, theo nghĩa mạnh của từ, có nghĩa là biết chịu đựng những gian khổ như các ngôn sứ đã từng chịu.
3.Noi gương các ngôn sứ:
“Về sức chịu đựng và lòng kiên nhẫn, anh em hãy noi gương các ngôn sứ, là những vị đã nói nhân danh Chúa”. Theo truyền thống Do thái, đa số ngôn sứ đều là những người bị ngược đãi, bị bách hại và bị giết chết. Truyền thống nói rằng ngôn sứ I-sai-a bị xử tử, ngôn sứ Mi-kha bị lăng nhục, ngôn sứ Giê-rê-mi-a bị đánh đòn và bị tống giam vào tù, chưa nói đến biết bao ngôn sứ bị giết chết dưới triều đại vua A-kháp và vua Giô-a-kim, và cũng có thể dưới triều đại vua Ma-na-sê vô đạo. Lời khóc thương thành Giê-ru-sa-lem của Chúa Giê-su chứng thực sự kiện này: “Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem! Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được được sai đến cùng ngươi!” (Lc 13: 34). Trong Tin Mừng Mát-thêu, Mối Phúc sau cùng kết thúc với việc nêu lên những bách hại mà các ngôn sứ phải chịu: “Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa… Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế” (Mt 5: 11-12).
Rõ ràng thánh Gia-cô-bê thấm nhuần giáo huấn của các Mối Phúc Thật. Phúc thay những người nghèo và những người bị bách hại, được lập đi lập lại trong Thư của thánh nhân như một điệp khúc. Việc thánh nhân ám chỉ đến số phận của các ngôn sứ, dù rất ngắn, dẫn đưa chúng ta vào bản văn Tin Mừng: thánh Gioan Tẩy Giả bị tống giam vào ngục.
TIN MỪNG (Mt 11: 2-11)
Tin Mừng hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta hãy vui lên, vì chúng ta đang sống trong thời kỳ của niềm vui, thời kỳ Tân Ước, thời kỳ của Chúa Giê-su, thời kỳ cứu độ.
1. Câu hỏi của thánh Gioan Tẩy Giả:
Thánh Gioan là một người rất nhạy bén trước tội lỗi, thánh nhân không thể chịu đựng tội lỗi, ông đã can đảm tố cáo tội của tiểu vương Hê-rô-đê An-ti-pa, bất chấp hậu quả mà mình phải gánh chịu. Chính thánh nhân đã loan báo thời Chúa Giê-su, thời xét xử đã đến, bằng những hình ảnh như cái rìu đã đặt dưới gốc cây, cây nào không sinh trái tốt sẽ bị đốn ngay hay thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt. Ấy vậy, trong khi đang bị giam trong tù, thánh nhân đã nghe các môn đệ của mình thuật lại rằng Đức Giê-su giao du với những kẻ tội lỗi, vào trong nhà của họ, đồng bàn với họ và tha thứ tội lỗi cho họ. Vì thế, thánh nhân đâm lòng ngờ vực về tính cách Mê-si-a của Chúa Giê-su, nên sai các môn đệ của mình đến hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn đợi ai khác?”.
2. Câu trả lời của Chúa Giê-su:
Chúa Giê-su trả lời bằng cách trích dẫn ba sấm ngôn của ngôn sứ I-sai-a đều có hậu cảnh Mê-si-a: trước hết, Is 29: 17-18: người điếc được nghe, người mù được thấy; tiếp đó, Is 26: 19: người chết sống lại; sau cùng, Is 61: 1: loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn.
Trong ba câu trích dẫn trên, câu trích dẫn sau cùng là rõ ràng nhất, vì được đặt lại vào trong mạch văn của nó, sấm ngôn này hình thành nên một sứ điệp mà Chúa Giê-su nhắn gởi cho thánh Gioan Tẩy Giả. Quả thật, lời loan báo này được trích dẫn đầy đủ như sau:
“Thần Khí Đức Chúa là Chúa Thượng ngự trên tôi,
vì Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi,
sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn” (Is 61: 1a)
Vì thế, Chúa Giê-su đồng hóa mình với Đấng được Thiên Chúa xức dầu tấn phong, tức Đấng Mê-si-a. Tuy nhiên, Chúa Giê-su có chủ ý không trích dẫn lời loan báo tiếp liền ngay sau của vị ngôn sứ này:
Băng bó những tấm lòng tan nát,
công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm,
ngày phóng thích cho những tù nhân” (Is 61: 1b)
Việc Đức Giê-su có chủ ý bỏ qua không trích dẫn lời loan báo này cũng có ý nghĩa. Gioan Tẩy Giả không thể không hiểu: thánh nhân phải đảm nhận sự thử thách của mình.
Những trích dẫn Kinh Thánh này nhắc cho vị Tiền Hô nhớ rằng kỷ nguyên Mê-si-a phải được thiết lập, nhưng không bằng bạo lực mà bằng những ân phúc. Kinh Thánh đã thấy trước cách thức hành động này của Đấng Mê-si-a, qua đó Chúa Giê-su công bố rằng mùa thu hoạch, nghĩa là ngày Thiên Chúa thưởng công báo oán, chưa đến, nhưng mùa thi ân giáng phúc đã đến.
Với lời nhắn sau cùng gởi đến Gioan Tẩy Giả: “Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi”, Đức Giê-su tiên liệu rằng câu trả lời của Ngài có thể làm cho Gioan thất vọng, bởi vì quan niệm của thánh nhân về Đấng Mê-si-a quá khác biệt với hình ảnh Đấng Mê-si-a mà Đức Giê-su đang thực hiện theo kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Chúng ta có thể nghĩ đến phản ứng của Phê-rô khi nghe Đức Giê-su loan báo lần thứ nhất về cuộc Thương Khó của Ngài (Mt 16: 22-23) hoặc phản ứng của ngôn sứ Giô-na sau khi thấy Thiên Chúa tha thứ cho dân thành Ni-ni-vê (Gn 4).
Thánh Gioan Tiền Hô, cũng như nhiều vị thánh khác, đã kinh qua những giai đoạn nghi nan ngờ vực, đêm tối của đức tin. Hơn nữa, cuộc đời của Gioan Tẩy Giả báo trước nhiều điểm cuộc đời của Chúa Giê-su. Chúa Giê-su cũng đã cảm thấy chơ vơ cô quạnh trong viễn cảnh của cuộc khổ nạn sắp đến. Thánh Thần, Đấng đã hằng nâng đỡ Ngài, dường như đã bỏ rơi mình.
3. Chúa Giê-su ca ngợi thánh Gioan Tẩy Giả:
Sau khi các môn đệ của Gioan ra đi, Chúa Giê-su hết lời ca ngợi thánh Gioan Tẩy Giả khi ngỏ lời với đám đông. Đức Giê-su ca ngợi đức công minh chính trực của thánh nhân: không khuất phục trước bạo quyền khác với cậy sậy ngã nghiêng uốn mình nương theo chiều gió, và cách sống khổ hạnh của thánh nhân trong hoang địa ngược lại với những người mặc gấm vóc lụa trong dinh thự nguy nga tráng lệ. Chính qua cung cách sống của mình, thánh nhân hiện thân một vị ngôn sứ, tức là người nói nhân danh Thiên Chúa, thế vì Thiên Chúa. Hơn nữa, thánh nhân còn cao trọng hơn các ngôn sứ trước ông, bởi vì các ngôn sứ chỉ loan báo Đấng Mê-si-a, trong khi thánh Gioan không chỉ loan báo mà còn đích thân gặp gỡ Đấng Mê-si-a và chỉ cho người ta thấy Đấng Mê-si-a nữa.
4. Sự trổi vượt của thời Tân Ước so với thời Cựu Ước:
Bất ngờ cung giọng thay đổi, Chúa Giê-su công bố những lời gây bối rối cho người nghe: “Kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời con cao trọng hơn ông”. Ở đây, Chúa Giê-su không nhắm đến công đức cho bằng hai thời kỳ, thời Cựu Ước và thời Tân Ước, và những người được dự phần vào hai thời kỳ ấy. Chúa Giê-su khai mạc thời kỳ Tân Ước, tức là thời kỳ thực hiện và kiện toàn những gì thời kỳ Cựu Ước loan báo và chuẩn bị. Như vậy, thời kỳ Tân Ước trổi vượt hơn thời kỳ Cưu Ước mà thánh Gioan, một trong các ngôn sứ, vẫn thuộc vào thời kỳ Cựu Ước này.
Lúc đó, phản đề nhắm đến hai trật tự vĩ đại: cái vĩ đại của Gioan Tẩy Giả, chính là thánh nhân không chỉ là một trong các ngôn sứ nhưng còn là vị Tiền Hô của Đấng Mê-si-a, và cái vĩ đại khôn sánh của những những người thuộc về thời Tân Ước, thời Đấng Mê-si-a, như sau này Chúa Giê-su nói rõ với các môn đệ Ngài: “Còn anh em, mắt anh em thật có phúc, vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe. Quả thế, Thầy bảo thật anh em, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe” (Mt 13: 16-17).
Trong một bối cảnh khác, Chúa Giê-su sử dụng lập luận tương tự: trong đám đông có một phụ nữ lên tiếng: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm!”, Chúa Giê-su đáp lại: “Phúc thay kẻ lắng nghe và thực thi lời Thiên Chúa” (Lc 11: 27-28). Chúa Giê-su không muốn giảm thiểu sự cao cả của Mẹ Ngài một chút nào, rõ ràng Mẹ Ngài là mẫu gương của những ai lắng nghe và thực thi lời Thiên Chúa, nhưng nhằm mở rộng “mối phúc này” cho hết mọi người.
Ở đây cũng vậy, Chúa Giê-su không tìm cách giảm thiểu Gioan Tẩy Giả, nhưng nhằm đảm bảo với những người đang lắng nghe Ngài: Nước Thiên Chúa không chỉ được dành riêng cho bất kỳ một dân tộc nào hay cho bất kỳ một hạng người nào, nhưng cho hết mọi người, ai cũng đều được mời gọi gia nhập Nước Thiên Chúa mà Đức Giê-su khai mạc với điều kiện là “lắng nghe và thực thi lời Thiên Chúa” mà Ngài hiện thân.
Ý kiến bạn đọc