banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG

Đăng lúc: Thứ hai - 13/12/2021 20:58 - Người đăng bài viết: menthanhgia
CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG

CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG

Lời Chúa: Mk 5: 1-4a; Dt 10: 5-10; Lc 1: 39-45

Thiên Chúa thực hiện những ý định cao cả của Người dựa trên những người phận nhỏ, yếu hèn và khiêm hạ. Đó là giáo huấn của Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật IV Mùa Vọng năm C này.

Mk 5: 1-4a
Ngôn sứ Mi-kha loan báo rằng chính ở nơi thị trấn nhỏ bé của miền Giu-đê, ở đó một thị tộc nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giu-đa sinh sống, mà Đấng Thiên Sai một ngày kia sẽ xuất hiện. Con trẻ này sẽ thống lãnh Ít-ra-en và quyền lực của Ngài sẽ trải rộng cho đến tận cõi đất.

Dt 10: 5-10
Ngay từ khi nhập cuộc vào kiếp sống phàm nhân, Đức Giê-su sống khiêm hạ và vâng phục ý muốn của Thiên Chúa, Cha Ngài. Ngài hằng sống trong tư thế dâng hiến bản thân mình thành hy lễ để kế hoạch của Cha Ngài được thành tựu.

Lc 1: 39-45
Tin Mừng Lu-ca tường thuật cuộc gặp gỡ của Đức Ma-ri-a với người chị họ là bà Ê-li-sa-bét, sau biến cố Truyền Tin. Chính ở nơi người thiếu nữ phận nhỏ và khiêm hạ của làng Na-da-rét này mà bà Ê-li-sa-bét nhận ra ý định cao cả của Thiên Chúa và niềm vui Thiên Sai khiến con trẻ, Gioan Tẩy Giả, nhảy lên vui sướng trong dạ  mẹ.

BÀI ĐỌC I (Mk 5: 1-4a)
Sấm ngôn của ngôn sứ Mi-kha này là một trong những bản văn vĩ đại loan báo Đấng Mê-si-a. Sấm ngôn này đã được trích dẫn hai lần trong các sách Tin Mừng: một lần trong Tin Mừng Mát-thêu, trong đó các kinh sư trưng dẫn sấm ngôn này cho vua Hê-rô-đê để báo cho các nhà Chiêm Tinh biết “Bê-lem” là nơi Vua dân Do thái vừa mới sinh ra (Mt 2: 6); và một lần khác trong Tin Mừng Gioan, khi đám đông dân chúng tranh luận với nhau về nguồn gốc của Đức Giê-su, có kẻ lại nói rằng Ngài không thể là Đấng Thiên Sai bởi vì theo sấm ngôn Đấng Thiên Sai phải “xuất thân từ Bê-lem” (Ga 7: 42).

1. Thân thế và sự nghiệp:
Ngôn sứ Mi-kha thi hành sứ vụ của mình trong vương quốc Giu-đa suốt hậu bán thế kỷ thứ tám trước Công Nguyên, đồng thời với ngôn sứ I-sai-a. Nhưng trong khi ngôn sứ I-sai-a thuộc gia đình quý tộc ở Giê-ru-sa-lem, thì ngôn sứ Mi-kha xuất thân từ hàng dân giả miền Nam, phía tây Khê-ron.

Như các ngôn sứ thuộc thế kỷ thứ tám trước Công Nguyên: A-mốt, Hô-sê, I-sai-a, ngôn sứ Mi-kha tố cáo những bất công xã hội, nạn áp bức những người nghèo, tệ nạn tham ô hối lộ của các quan án, các tư tế, các thủ lãnh, vân vân, những hành vi này gây nên một đoạn tuyệt với Giao Ước và dẫn đến những án phạt của Thiên Chúa. Có lẽ Mi-kha là vị ngôn sứ định nghĩa rõ nét nhất những yêu sách của Giao Ước:

“Hỡi người, bạn đã được nói cho hay điều nào là tốt,
điều nào Đức Chúa đòi hỏi bạn:
đó chính là thực thi công bình, quý yêu nhân nghĩa
và khiêm nhường bước đi với Thiên Chúa của bạn” (Mk 6: 8).

Ngôn sứ Mi-kha báo trước cho Sa-ma-ri cũng như cho Giê-ru-sa-lem những bất hạnh kinh khiếp, nhưng ông cũng hé mở những viễn cảnh chứa chan hy vọng, như bản văn hôm nay làm chứng.

Tác phẩm của ngôn sứ Mi-kha đã chịu nhiều sửa đổi và vài đoạn thêm vào cuối thời lưu đày hay hậu lưu đày, tức cuối thế kỷ thứ sáu trước Công Nguyên. Bản văn hôm nay được trích từ chương 5 là một trong những bản văn nêu lên nhiều vấn đề. Tuy nhiên, cũng vào thế kỷ thứ tám trước Công Nguyên này, ngôn sứ I-sai-a vang lên cùng một sứ điệp tương tự. Ở giữa lòng những biến cố bi thảm (những đột nhập của quân đội Át-sua, cuộc vây hãm Giê-ru-sa-lem, sự tàn phá Sa-ma-ri, vân vân), các ngôn sứ nối tiếp nhau khơi lên niềm hy vọng khi nhắc lại những lời hứa gắn liền với nhà Đa-vít. Đó là điểm chung giữa các sấm ngôn của họ.

2. Bê-lem Ép-ra-tha:
Phần ngươi, hỡi Bê-lem Ép-ra-tha,
ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giu-đa” (5: 1a).

Hai địa danh Bê-lem và Ép-ra-tha được liên kết với nhau ngay từ những bản văn cổ xưa nhất, ví dụ: “Bà Ra-khen qua đời và được chôn trên con đường đi Ép-ra-tha, tức là Bê-lem” (St 35: 9). Thị trấn Bê-lem nhỏ bé là nơi một thị tộc bé nhỏ, những người Ép-ra-tha, từ miền Nam đến định cư lập nghiệp; sau đó, họ đã được sáp nhập vào bộ tộc Giu-đa. Tuy nhiên, “Ép-ra-tha” theo tiếng Do thái có nghĩa “sự màu mỡ”. Ngôn sứ Mi-kha xem ra chơi chữ: Bê-lem là vùng đất màu mỡ vì nó sẽ sinh ra Đấng Thiên Sai.

3. Một sự tương phản:
Lời sấm của ngôn sứ Mi-kha được xây dựng trên một sự tương phản: một thị tộc nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giu-đa, tương phản với một viễn cảnh về một con trẻ chào đời và uy danh cũng như quyền lực của con trẻ này có sứ mạng thống lãnh Ít-ra-en, quy tụ dân chúng bị phân tán và trải rộng quyền lực của mình cho đến tận cùng cõi đất.

Từ “thị tộc” theo tiếng Do thái có nghĩa “ngàn”, vì nhóm người chỉ có thể hình thành nên một thị tộc nếu có thể cung cấp một ngàn chiến binh. Vì thế, Bê-lem nhỏ bé đến nổi nó không thể cung cấp một ngàn chiến binh. Chúng ta cũng gặp thấy một cách đối lập giữa sự nhỏ bé và sự vĩ đại như thế ở sấm ngôn I-sai-a đệ tam:

“Người nhỏ nhất sẽ có ngàn con cháu,
kẻ hèn nhất thành một dân hùng cường” (Is 60: 22).

4. Bê-lem, thành vua Đa-vít, thành Đấng Thiên Sai:
“Từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện
một vị có sứ mạng thống lãnh Ít-ra-en” (5: 1b).

 Sấm ngôn của ngôn sứ Mi-kha đem đến một sự xác định mới. Nếu lời sấm của ngôn sứ Na-than khẳng định muôn năm bền vững của vương triều Đa-vít: “Nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Ta; ngai vàng của ngươi sẽ vững bền mãi mãi” (2Sm 7: 16), và sấm ngôn I-sai-a đệ nhất công bố rằng dòng dõi vua Đa-vít sẽ được đảm bảo nhờ một con trẻ chào đời, được gọi là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Is 7: 14), thì ngôn sứ Mi-kha xác định Bê-lem là sinh quán của Đấng Thiên Sai. Xưa kia, khi còn niên thiếu, Đa-vít đã chăn dắt đàn chiên trên cánh đồng Bê-lem; Đấng Mê-si-a sẽ là một Đa-vít mới và sẽ là vị mục tử đích thật của dân Ngài.

“Nguồn gốc của Người có từ thời trước, từ thuở xa xưa”: Có lẽ đây là lối nói phóng dụ về gia tộc của vua Đa-vít, có nguồn gốc lâu đời (sách Sử Biên quyển thứ nhất cho gia phả của vua Đa-vít lên đến tổ phụ Gia-cóp). Nhưng chúng ta cũng có thể nghĩ rằng sấm ngôn này loan báo cuộc sống tiền hữu của Đấng Thiên Sai.

5. Thời thử thách và thời hy vọng:
Trước khi Đấng Thiên Sai giáng sinh ở Bê-lem, Ít-ra-en sẽ phải trải qua một thời gian đầy thử thách cam go, thời “Đức Chúa sẽ bỏ mặc Ít-ra-en”. Trước đó, ngôn sứ đã khai triển những tiên báo kinh khiếp liên quan đến vương quốc miền Bắc cũng như vương quốc miền Nam. Nhưng những trừng phạt không bao giờ là tiếng nói cuối cùng của Thiên Chúa: “Cho đến thời một phụ nữ sinh con”. Con trẻ kỳ diệu sinh ra từ một người nữ này sẽ cai trị Ít-ra-en và thế giới. Bản văn không nói một chút gì về cha của con trẻ này.

Toàn thể đoạn văn nhắc nhớ lời sấm của ngôn sứ I-sai-a được công bố hai mươi năm trước đó:

“Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai,
và đặt tên là Em-ma-nu-en.
Con trẻ sẽ ăn sữa chua và mật ong
cho tới khi biết bỏ cái xấu mà chọ cái tốt.
Vì trước khi con trẻ biết bỏ cái xấu mà chọn cái tốt,
thì đất đai của hai vua mà ngài khiếp sợ đã bị bỏ hoang.
Thiên Chúa sẽ đem lại cho ngài, cho dân ngài, cho thân phụ ngài
những ngày như chưa từng có,
kể từ khi Ép-ra-im tách khỏi Giu-đa” (Is 7: 14-17)

6. Quy tụ những người tản mác khắp nơi:
“Bấy giờ những anh em sống sót của người con đó
sẽ trở về với con cái Ít-ra-en” (5: 2b).

Chúng ta nhận ra ở đây nỗi bận lòng quy tụ những người Do thái bị tản mắc khắp nơi, nỗi ám ảnh xuất hiện nhất là vào thời lưu đày Ba-by-lon cũng như vào thời hậu lưu đày. Có nhiều lý do xác đáng để nghĩ rằng đoạn văn này được thêm vào sau này.

7.Vị Mục Tử của Ít-ra-en:
 Đấng Thiên Sai sẽ lãnh nhận từ chính Thiên Chúa sứ mạng chăn dắt Ít-ra-en:
“Người sẽ dựa vào quyền lực Đức Chúa,
vào uy danh Đức Chúa, Thiên Chúa của Người
mà đứng lên chăn dắt họ. Họ sẽ được an cư lạc nghiệp,
vì bấy giờ quyền lực của Người sẽ trải rộng đến tận cùng cõi đất” (5: 3).

Bản văn tiên báo hay nhắc nhớ một đoạn văn nổi tiếng của ngôn sứ Ê-dê-ki-en về “vị mục tử nhân lành” (Ed 34: 23). Việc gợi lên quyền năng hoàn vũ và nền hòa bình viên mãn của Đấng Thiên Sai tương lai mang đậm nét I-sai-a (Is 9: 5), nhưng cũng có thể mang dấu ấn Mi-kha, trừ phi đây là một bản văn được hiệu đính lại.

Từ phận nhỏ đến địa vị vĩ đại, rõ ràng đây là bài học mà bản văn Tin Mừng hôm nay đưa ra: Đức Ma-ri-a, một thiếu nữ khiêm hạ làng Na-da-rét được người chị họ là bà Ê-li-sa-bét hoan hỷ chào đón như “Thân Mẫu Chúa tôi”.

BÀI ĐỌC II (Dt 10: 5-10)
Lễ Giáng Sinh sắp đến gần, Phụng Vụ Lời Chúa dâng hiến cho chúng ta suy niệm một bản văn trình bày một cách thống thiết mục đích biến cố Nhập Thể; Đức Ki-tô đảm nhận một thân thể nhằm dâng hiến thân mình thành hiến lễ và biến cuộc Tử Nạn của mình thành hy lễ để thánh hóa con người.

Chúng ta không biết lai lịch tác giả thư gởi tín hữu Do thái (chắc chắn một môn đệ của thánh Phao-lô). Bản văn của ông gần với văn phong bài giảng hơn là thư tín. Ông ngỏ lời với các Ki-tô hữu gốc Do thái, họ đã biết và đã thực hành phụng tự Mô-sê và xem ra luyến nhớ sự uy nghi trang trọng của nền phụng tự này. Tác giả chứng minh cho họ chức tư tế của Đức Giê-su còn cao vời hơn chức tư tế Cựu Ước và hy lễ của Đức Ki tô thì độc nhất, vô giá và có hiệu quả khôn sánh so với các hy lễ của Luật Cũ.

1. Phụng Tự tinh thần:
Để giải thích bản chất rất đặc biệt và đặc thù hy lễ của Đức Ki-tô, tác giả dựa trên thánh vịnh 40, thánh vịnh mang chiều kích Thiên Sai. Thánh vịnh này diễn tả tâm tình của một người công chính. Từ cuộc sống đạo hạnh của mình, ông hiểu rằng vâng phục thánh ý Thiên Chúa và sẵn sàng dâng hiến thân mình thì cao vời hơn bất cứ hy lễ nào.

Một viễn cảnh như vậy không hoàn toàn đơn độc lẽ loi trong Cựu Ước. Chúng ta gặp thấy viễn cảnh này trên môi miệng của các ngôn sứ (x. Is 1: 11-16), các ngài công bố rằng các hy lễ sẽ là vô ích nếu thiếu tấm lòng; điều này cũng được khẳng định trong các Thánh Vịnh, hai sách Sa-mu-en (x. 1Sm 15: 22), và các tác phẩm Minh Triết (x. Hc 34: 19 và 35: 2-3). Vị thế, vị thế hàng đầu của phụng tự tinh thần này là một sợi chỉ đỏ chạy xuyên suốt cái cốt lõi mặc khải Kinh Thánh và chuẩn bị cho sứ điệp Tin Mừng.

2. Ơn gọi của Đức Ki-tô:
Chính ở nơi Người Công Chính này mà tác giả thư gởi các tín hữu Do thái tái khẳng định tư thế sẵn sàng dâng hiến trọn vẹn bản thân của Đức Ki-tô, ngay từ giây phút đầu tiên của biến cố Nhập Thể: “Ngay khi vào trần gian…”. Đồng thời tác giả cũng muốn nói đến cuộc sống tiền hữu của Đức Kitô.

“Chúa không ưa hy lễ và hiến lễ, nhưng đã tạo cho con một thân thể”: Thánh vịnh được trích dẫn ở đây nhấn mạnh tính chất hiến lễ tự thân qua những lời: “Chúa đã tạo cho con một thân thể”. Tác giả thư gởi các tín hữu Do thái đã đọc thấy ở đây lời tiên báo về biến cố Nhập Thể. Thân thể của Đấng Thiên Sai đã được Chúa Cha yêu thương chuẩn bị nhằm hướng đến một hiến lễ cao vời.

Với những thuật ngữ: “Hy lễ và hiến lễ”, tác giả tập hợp hai loại lễ tế vĩ đại, đổ máu và không đổ máu. Đoạn, ông thêm vào đây lễ toàn thiêu theo đó thân thể tế vật hoàn toàn bị hỏa tế, và lễ xá tội theo đó máu tế vật hoàn toàn được hiến dâng. Tất cả những lễ tế này được Lề Luật quy định nhưng không được Thiên Chúa ưa thích. Bản văn để cho hiểu rằng chính vì tính chất duy luật của chúng. Đức Ki-tô bãi bỏ phụng tự duy hình thức và đề cao hiến lễ tinh thần.

3. Cái chết thành hiến lễ:
 “Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài”: Đối với Đức Ki-tô không cốt tuân giữ những huấn lệnh mà ông Mô-sê truyền, nhưng chấp nhận quyết định của Thiên Chúa, đó là dẫn dắt nhân loại đến ơn cứu độ qua con đường đau khổ và tử nạn của Ngài.

Thư gởi tín hữu Do thái là một trong những bản văn Tân Ước giải thích rõ nhất tại sao cuộc tử nạn của Đức Ki tô có thể được xem như một hy lễ. Xét trên thực tại hữu hình, cuộc tử nạn của Đức Ki-tô không là một hy lễ, nhưng do kết quả của một sự xét xử sai lầm, hay, chính xác hơn, do sự thù hận quá độ; không có bàn thờ, không người dâng hiến, không sự thanh tẩy, không tế vật. Nhưng xét trên thực tại vô hình, cái chết này có giá trị của một hy lễ vì đây là hiến lễ tự nguyện, tự ý và tự thân, vì thế nó có một hiệu quả tinh thần: vả lại đã có một thân thể bị giết chết và máu đã hoàn toàn đổ ra.

Tuy nhiên, có một hy tế chỉ vì có tội lỗi của con người. Đây là bằng chứng bi thảm. Suốt bức thư của mình, tác giả chứng mình rằng con người hưởng được hy tế của Đức Ki-tô, dưới ba khía cạnh liên tục: thanh tẩy, thánh hóa, và hiệp nhất với Thiên Chúa. Như vậy trong lời “Xin vâng” của mầu nhiệm Nhập Thể hàm chứa rồi lời xin vâng của cuộc Khổ Nạn: “Xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha” (Lc 22: 42).

TIN MỪNG (Lc 1: 39-45)
Trong sách Tin Mừng Lu-ca, chuyện tích Viếng Thăm tiếp liền sau chuyện tích Truyền Tin, như vậy, lời chào của sứ thần tiếp liền theo sau lời chào của bà Ê-li-sa-bét. Rất sớm các Ki-tô hữu đã liên kết hai lời chào này. Chúng ta gặp thấy chúng trong những bản văn thuộc thế kỷ thứ năm: “Kính mầng Ma-ri-a đầy ơn phúc. Thiên Chúa ở cùng bà. Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ”. Đây sẽ là khởi điểm của kinh Kính Mầng.

1. Đức Ma-ri-a vội vã lên đường:
Lý do đầu tiên của việc “Đức Ma-ri-a vội vã lên đường” có thể nhằm kiểm chứng những lời sứ thần đã nói cho Mẹ biết rằng chị họ của Mẹ, tuy đã già rồi mà cũng đã được cưu mang một người con trai. Đây là một “dấu lạ” đã được ban cho Mẹ để nâng đỡ mặc khải làm xáo động cuộc đời của Mẹ và cho Mẹ hiểu rằng đối với Thiên Chúa không có gì là không thể. Nhưng đây không là lý do chính yếu. Đức Ma-ri-a đã tin rồi; Mẹ đã không một mảy may nghi ngờ gì về sứ điệp của thiên sứ; sự vội vã của Mẹ là diễn tả niềm vui của Mẹ (cha Nguyễn thế Thuấn dịch là “Ma-ri-a đon đã ra đi”); Mẹ muốn đi chúc mừng người chị họ của Mẹ và chia vui với chị vì được làm mẹ như một thiên ân trong khi bà chị này không còn một chút hy vọng gì. Chắc chắn Đức Ma-ri-a cũng muốn giúp đỡ bà chị họ của mình “nay đã có thai được sáu tháng”. Quả thật, thánh ký viết ở cuối chuyện tích của mình: “Bà Ma-ri-a ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng”, nghĩa là cho đến khi con trẻ chào đời.

2. Niềm vui thời Thiên Sai:
Đức Ma-ri-a “vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét”. Vì là vai em nên Đức Ma-ri-a là người đầu tiên chào hỏi bà chị họ mình. Nhưng đột nhiên vai trò của hai chị em được hoán chuyển. Dưới tác động của Chúa Thánh Thần, bà Ê-li-sa-bét phát hiện bí mật của người em họ mình và thốt lên lời “Chúc Tụng”: “Em được chúc phúc hơn mọi người nữ!”. Đây là cách thức người Do thái diễn tả sự so sánh tuyệt đối mà chúng ta gặp thấy nhiều lần trong Cựu Ước (Tl 5: 24; Gđt 15: 10): Đức Ma-ri-a là người nữ tuyệt vời nhất bởi vì Mẹ được Thiên Chúa chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế.

“Người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” Danh hiệu “Chúa tôi” thường được dành riêng cho Đức Chúa, tuy nhiên cũng được gán cho Đấng Thiên Sai trong vài bản văn ngôn sứ. Chắc hẳn bà Ê-li-sa-bét không nghi ngờ gì về thần tính của Đấng Thiên Sai; nhưng chính xác hơn, các Ki-tô hữu tiên khởi sẽ dùng danh hiệu này cho Đức Ki-tô để tuyên xưng thần tính của Ngài. Danh xưng “Thân Mẫu Chúa tôi” chắc chắn là nền tảng cho tước hiệu đầu tiên mà Giáo Hội sau này dùng để tôn vinh Đức Ma-ri-a là Mẹ Thiên Chúa (“Theotokos”), cũng hình thành nên phần thứ hai của kinh Kính Mừng: “Thánh Ma-ri-a Đức Mẹ Chúa Trời…”.

“Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em”. Đây là mối phúc đầu tiên của Tân Ước. Ân phúc này liên quan đến lòng tin của Đức Ma-ri-a đã được thể hiện ở nơi biến cố Truyền Tin qua tiếng xin vâng tròn đầy của Mẹ (Lc 1: 38).

Thánh Lu-ca quy tụ vào trong lời chúc tụng của bà Ê-li-sa-bét (1: 42-45) hai ân phúc của Đức Ma-ri-a: phúc được làm Mẹ Đấng Cứu Thế và phúc vì đã tin vào mọi lời Chúa phán. Chính hai ân phúc này mà thánh ký chủ ý tách rời ra ở 11: 27-28, ở đó một người phụ nữ giữa đám đông ca ngợi người mẹ của Đức Giê-su: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớn” và Đức Giê-su đáp trả: “Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa”. Ở nơi Đức Ma-ri-a hai ân phúc này trở thành một: ngay khi tin rằng mọi lời Thiên Chúa phán sẽ được thực hiện, Đức Ma-ri-a trở thành Mẹ của Đấng Cứu Thế. Rõ ràng đức tin của Mẹ là điều kiện tất yếu nhất cho mọi lời Chúa phán được thực hiện.

3. Bài ca “Ngợi Khen” (Mangificat):
Đoạn Tin Mừng hôm nay tràn ngập niềm vui thời Thiên Sai: Tất cả lời chào của bà Ê-li-sa-bét tràn đầy niềm vui, Đức Ma-ri-a được công bố là có phúc, niềm hạnh phúc ở với bà Ê-li-sa-bét, đứa con trong bụng bà đã nhảy lên vui sướng và Đức Trinh Nữ xướng lên bài ca “Ngợi Khen” của mình. Đây là bài thánh ca thứ nhất trong bốn bài thánh ca trong Tin Mừng Thời Thơ Ấu theo Tin Mừng Lu-ca. Bài thánh ca này, mô phỏng bài thánh ca của bà An-na (1Sm 2: 1-10), gồm có ba phần:

-Phần thứ nhất (1: 46-50): Đức Ma-ri-a ngợi khen Thiên Chúa vì đã đoái thương ban cho Mẹ được làm Mẹ Đấng Mê-si-a, dù Mẹ chỉ là phận nữ tì hèn mọn, chẳng có công trạng gì.

-Phần thứ hai (1: 51-53): một sự đảo ngược cảnh sống và bậc thang giá trị vào thời Thiên Sai giữa những người thấp hèn, bị áp bức chà đạp với những kẻ quyền thế kiêu căng, tự cao tự đại.

-Phần kết (1: 54-55): Đức Ma-ri-a cảm tạ Thiên Chúa vì Người vẫn hằng trung tín với những gì Người đã hứa.

Thánh Lu-ca là tác giả Tin Mừng gợi lên rõ nét nhất niềm vui cứu độ được đem đến cho loài người qua biến cố Đấng Thiên Sai ngự đến. Ngoài ra, chuyện tích Viếng Thăm của thánh Lu-ca đem đến một lời chứng quý giá về tâm tình cảm tạ tri ân của người Ki-tô hữu tiên khởi đối với đức tính cao vời khôn sánh của “Thân Mẫu Chúa chúng ta”.

Tác giả bài viết: Lm. Inhatio Hồ Thông
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc