Đăng lúc: Thứ tư - 29/01/2020 02:54
- Người đăng bài viết: menthanhgia
DÂNG CHÚA GIÊ-SU TRONG ĐỀN THÁNH
Lời Chúa: Ml 3: 1-4; Dt 2: 14-18; Lc 2: 22-40
Trong thông điệp về lòng tôn sùng Đức Ma-ri-a, Giáo hoàng Phao-lô VI viết: “Lễ mùng 2 tháng 2, được cải tên là lễ ‘dâng Chúa trong đền thánh’, cũng cần nhắc nhở để hưởng nguồn ân sủng phong phú lớn lao của cả Chúa Giêsu lẫn Đức Ma-ri-a. Đức Ki-tô thực hiện mầu nhiệm cứu độ. Đức Ma-ri-a mật thiết kết hợp với Chúa chịu khổ hình, để thực hiện một sứ mạng vừa thuộc về Dân Chúa của Cựu ước, vừa là hình ảnh của Dân Tân Ước luôn luôn vị bắt bớ gian khổ, thử thách đức tin và lòng trông cậy”(Lc 2: 21-35) (Marialis Cultur, số 7b).
Ml 3: 1-4 Ngôn sứ Ma-la-khi loan báo rằng Thiên Chúa sẽ sai sứ giả của Ngài đi trước dọn đường cho Ngài đích thân đến với dân Ngài.
Dt 2: 14-18 Để là Đấng Cứu Độ của mọi người, Đức Giê-su, Con Thiên Chúa, “đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện”.
Lc 2: 22-40 Thánh Lu-ca thuật lại biến cố “dâng hiến Hài Nhi Giê-su trong đền thánh”. Ở nơi biến cố này, Chúa Ki-tô tỏ mình ra cho dân thánh qua cuộc gặp gỡ với cụ ông Si-mê-on và cụ bà An-na, cả hai người cao niên này đại diện Cựu Ước.
BÀI ĐỌC 1 (Ml 3: 1-4) Theo Xh 23: 20: “Này Ta sai thiên sứ đi trước ngươi, để giữ gìn ngươi khi đi đường, và đưa ngươi vào nơi Ta đã dọn sẵn”, Thiên Chúa hứa sai sứ thần của Ngài đi trước dân Ít-ra-en và dẫn đưa dân đến Đất Hứa. Ngôn sứ Ma-la-khi đã lập lại sứ điệp này với một ý nghĩa mới: “Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta” (Ml 3: 1), chính Thiên Chúa đích thân đến với dân Ngài bằng cách sai sứ giả của Ngài đến trước dọn đường cho Ngài.
Vậy sứ giả này là ai? Ngôn sứ Ma-la-khi nêu đích danh: “Này đây Ta sai ngôn sứ Ê-li-a đến với các ngươi, trước Ngày của Đức Chúa đến, ngày trọng đại và huy hoàng. Nó sẽ đưa tâm hồn cha ông trở lại với con cháu và đưa tâm hồn con cháu trở lại với cha ông” (Ml 3: 23). Trong suốt truyền thống Do thái mãi cho tới thời Chúa Giê-su, vị sứ giả loan báo thời chung cuộc sẽ là ngôn sứ Ê-li-a, dung mạo nổi bật của truyền thống ngôn sứ. Ông không chết, nhưng được rước lên trời trong một xa mã rực lửa từ trời xuống (2V 2: 11), vì thế người ta mong chờ ông trở lại để chuẩn bị cho ngày Chúa đến.
Trong Tin Mừng của mình, thánh Mác-cô lập lại sứ điệp của ngôn sứ Ma-la-khi, tuy nhiên với vài thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh hiện nay: “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con” (Mc 1: 2), không là “trước mặt Ta” mà là “trước mặt Con”, tức Đức Giê-su Ki-tô. Như vậy thánh ký đồng hóa thánh Gioan Tẩy Giả với ngôn sứ Ê-li-a, sứ giả của Thiên Chúa đến trước chuẩn bị cho Đức Giê-su. Đức Giê-su, Con Thiên Chúa, đích thân đến gặp gỡ dân Ngài.
BÀI ĐỌC II (Dt 2: 14-18) Bài Đọc II trích từ đoạn văn từ thư gởi tín hữu Do thái nói về việc Đức Giê-su khiêm hạ tột cùng và được tôn vinh tận mức (2: 5-18).
1. Đức Giê-su, Đấng Cứu Độ duy nhất của chúng ta (2: 14-16): Như Tựa Ngôn của Tin Mừng Gioan (Ga 1: 12-13), thánh ngữ: “huyết nhục”, áp dụng cho thân phận mỏng dòn và yếu đuối của nhân tính. Về phương diện nhân tính, Đức Giê-su nên giống chúng ta mọi đàng (ngoại trừ tội lỗi: Dt 4: 15). Ngài chịu chết, hậu quả của tội, để tiêu diệt sự chết và quyền lực của sự dữ. Nhờ cái chết của Đức Giê-su, chúng ta mới có thể chuộc lại tội lỗi của mình, được tẩy sạch tội lỗi và mở đường đến Thiên Chúa. Đức Giê-su không chỉ giải thoát chúng ta khỏi cái chết thể lý nhưng còn cái chết tinh thần. Vì thế, từ nay chúng ta không còn sợ phải chết nữa, vì nhờ cuộc phục sinh của Ngài, chúng ta được bảo đảm chắc rằng chúng ta sẽ được sống lại với Người.
2.Đức Giê-su, vị Thượng Tế nhân từ và trung tín (2: 17-18): Đây là lần đầu tiên thư gởi tín hữu Do thái kể ra chức tư tế của Đức Ki-tô, đây một trong số những đề tài quan trọng của thư gởi tín hữu Do thái. Với tư cách là Thiên Chúa và là con người, Đức Giê-su là Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người. Vì tội, con người đã đánh mất tình thân hữu và sự sống của Thiên Chúa, với tư cách thượng tế, Đức Giê-su cứu độ chúng ta bằng cách giao hòa chúng ta với Thiên Chúa. Đức Giê-su là vị Thượng Tế nhân từ và trung tín: nhân từ đối anh em của Người và trung tín với “Đấng đã đặt Người lên chức vụ đó” (3: 2).
TIN MỪNG (Lc 2: 22-40) Trong ngày lễ hôm nay, chúng ta mừng hai biến cố: thanh tẩy Đức Ma-ri-a và dân hiến Hài Nhi Giê-su trong đền thánh.
1. Thanh tẩy người mẹ và dâng hiến người con (2: 22-24) Về lễ thanh tẩy người mẹ, theo Lv 12: 2-8, một phụ nữ sinh con là ô uế theo nghi thức. Trong trường hợp người mẹ sinh một nam nhi sau bốn mươi ngày và một nữ nhi sau tám mươi ngày, thì thời kỳ ô uế theo luật chấm dứt với nghi thức thanh tẩy. Đức Ma-ri-a cực thánh, trọn đời đồng trinh, miễn trừ khỏi những nguyên tắc Luật, vì Mẹ cưu mang không do yếu tố nam nhân, vì thế việc Đức Ki-tô chào đời không tổn thương tính toàn vẹn đồng trinh của Mẹ Ngài. Tuy nhiên, Mẹ đã chọn phục tòng Lề Luật, dù Mẹ không chịu bất kỳ bổn phận phải làm như vậy.
Về lễ dâng hiến con trai đầu lòng, theo Xh 13: 2, 12-13 mọi con trai đầu lòng thuộc về Thiên Chúa, vì thế phải được thánh hiến cho Đức Chúa, như được trích dẫn ở câu 23 ngay sau đó: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Thiên Chúa”. Việc phụng sự Thiên Chúa được dành riêng cho chi tộc Lê-vi, vì thế con trai đầu lòng không thuộc chi tộc này thì không cần phải dâng hiến để phụng sự Thiên Chúa. Tuy nhiên, để cho thấy rằng chúng vẫn tiếp tục thuộc quyền sở hữu của Thiên Chúa, một nghi thức chuộc lại được thực hiện. Luật Mô-sê đòi buộc một hy lễ chuộc lại là một con chiên một năm tuổi, nhưng Luật cũng dự liệu người nghèo chỉ cần dâng tiến một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non là đủ. Vì thế, của lễ của Đức Ma-ri-a và thánh Giu-se là của lễ của một gia đình nghèo. Thánh Phao-lô đã viết: Chúa chúng ta “vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2Cr 8: 9).
2. Sấm ngôn của cụ ông Si-mê-ôn (2: 25-35) Cụ ông Si-mê-on được mô tả là người công chính và mộ đạo, nghĩa là vâng phục mọi thánh ý của Thiên Chúa như một người tôi trung. Suốt cuộc đời ông mong chờ “niềm an ủi của Ít-ra-en”, đây là tước hiệu chỉ Đấng Mê-si-a từ thời ngôn sứ I-sai-a đệ nhị, tức là cuối thời lưu đày (Is 49: 13). Cụ được Thánh Thần cho biết niềm mong ước của cụ sẽ được mãn nguyện trước khi nhắm mắt lìa đời. Khi ẩm Hài Nhi trong vòng tay mình, cụ biết thời điểm này “bây giờ” đã đến mà không qua bất kỳ tiến trình lập luận nào nhưng nhờ ơn đặc sủng từ Thiên Chúa: Hài Nhi nầy Đấng Cứu Độ không chỉ của dân Ít-ra-en nhưng của muôn dân nữa mà cụ sẽ công bố trong bài thánh thi của mình được gọi “Bài ca an bình ra đi”.
Bài thánh thi “An Bình Ra Đi” thắp sáng sự kiện là Đức Ki-tô mang ơn cứu độ đến cho mọi người không trừ một ai như đã được báo trước trong nhiều sấm ngôn Cựu Ước (x. St 22: 18; Is 2: 6; 42: 6; 60: 3; Tv 28: 2). Thật dễ nhận ra cụ Si-mê-ôn sung sướng đến ngần nào – bởi lẽ nhiều tổ phụ, ngôn sứ và vua chúa của Ít-ra-en đã mong ước được thấy Đấng Mê-si-a, nhưng đã không được thấy, trong khi giờ đây cụ đang ẵm Người trong vòng tay mình (x. Lc 10: 24; 1Pr 1: 10).
3. Mối quan hệ mật thiết của Hài Nhi với Đức Ma-ri-a (2: 33-35) Sau khi ông Si-mê-on chúc phúc cho họ, Thánh Thần tác động ông tuyên sấm hơn nữa về tương lai của Đức Giê-su với Đức Ma-ri-a. Những lời của ông trở nên rõ ràng hơn trong ánh sáng cuộc đời và cái chết của Chúa chúng ta.
Đức Giê-su đến mang ơn cứu độ cho hết mọi người, tuy nhiên Người sẽ là dấu chỉ mâu thuẫn vì nhiều người sẽ nhất mực loại bỏ Người. Nhưng đối với những ai tin và đón nhận Người, Đức Giê-su sẽ là ơn cứu độ của họ, giải thoát họ khỏi tội lỗi trong cuộc sống này và nâng họ lên đến cuộc sống đời đời. Đó là lý do tại sao Người sẽ “làm duyên cớ cho nhiều người ngã xuống hay đứng lên”.
Đối với Đức Giê-su, không có thái độ trung lập, càng không có sự thỏa hiệp. Người ta phải chọn lựa tuân phục Người hay đối nghịch với Người: “Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng”. Người ta sẽ công khai bày tỏ thái độ chấp nhận hay loại bỏ Đức Giê-su:“Và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra”:
Cụ Si-mê-on cũng tiên báo rằng Đức Ma-ri-a sẽ được liên kết mật thiết với công trình cứu độ của Con Mẹ: “Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà”. Lưỡi gươm chỉ cho thấy Đức Ma-ri-a sẽ dự phần vào những đau khổ của Con Mẹ; những đau khổ của Mẹ sẽ là nỗi khổ đau khôn tả xuyên thấu tâm hồn Mẹ. Chúng ta đừng coi đây như lời loan báo những đau khổ của Đức Ma-ri-a dưới chân thập giá, nhưng suốt cuộc đời của Mẹ trong mối thâm tình gắn bó của Mẹ với Con.
4. Sấm ngôn của cụ bà An-na (2: 36-38) Như cụ ông Si-mê-on, cụ bà An-na cũng hết mực mong chờ ngày Đấng Mê-si-a ngự đến trong cuộc đời mình. Sớm hôm phụng sự Thiên Chúa, bà cũng được niềm vui là được thấy Người. Lời chứng của bà An-na rất giống với lời chứng của ông Si-mê-on. Bà nói với hết những ai mong chờ biết rằng Hài Nhi này là Đấng Mê-si-a.
Đây là một trong những nét độc đáo của Tin Mừng Lu-ca, thánh ký thường hay đặt người đàn ông kia và người đàn bà nọ liền bên nhau thành một bức tranh bộ đôi để làm nổi bật tư tưởng thần học của mình, chẳng hạn như “truyền tin cho ông Da-ca-ri-a” đi liền với “truyền tin cho Đức Ma-ri-a”; “sấm ngôn của cụ ông Si-mê-ôn” đi liền với “sấm ngôn của cụ bà An-na”; “người đàn ông nọ gieo hạt cải trong vườn” (13: 19) đi liền với “người đàn bà kia vùi nấm men vào ba thùng bột” (13: 21); “người đàn ông có một trăm con chiên” (15: 4) đi liền với “người đàn bà có mười đồng quan” (15: 8).
Vậy đâu là tư tương thần học của thánh Lu-ca ở nơi bức tranh bộ đôi này? Đối với Lu-ca, Giê-ru-sa-lem là trung tâm Mặc Khải. Dung mạo của hai ông bà cao tuổi nầy đại diện rất rõ nét nỗi mong chờ dài lâu của dân Ít-ra-en. Cụ ông Si-mê-ôn và cụ bà An-na là hai người tôi tớ vĩ đại của Thiên Chúa đến chứng thực rằng việc dân Ít-ra-en mong chờ Đấng Mê-si-a đã đến hồi kết thúc. Họ được sánh ví như thời Cựu Ước đã đến hồi hoàn tất để nhường chỗ cho thời Tân Ước, kỷ nguyên của Đấng Mê-si-a. Trong số bốn tác giả Tin Mừng, thánh Lu-ca là thánh ký nhấn mạnh nhiều nhất hai thời kỳ cứu độ.
5. Đời sống ẩn dật (2: 39-40) Thánh Lu-ca kết thúc câu chuyện này với đời sống thầm lặng của Đức Giê-su trong mái ấm gia đình giữa người đồng hương Na-da-rét. Thánh ký ghi nhận rất ngắn gọn khởi đầu cuộc sống tại thế của Đức Giê-su: “Còn Hài Nhi, ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh”. Lời nhận xét nầy đối xứng với lời nhận xét khác liên quan đến khởi đầu cuộc sống tại thế của Gioan Tẩy Giả: “Cậu bé càng lớn lên thì tinh thần càng vững mạnh” (Lc1: 80) . Tuy nhiên, thánh ký còn nói thêm về Chúa Giê-su: “Đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Chúa”. Như vậy, Đức Giê-su cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả ngay từ thời thơ ấu, như lời giải thích của thánh Bê-na-đô: “Chúa chúng ta, Đức Giê-su Ki tô, với tư cách là một hài nhi, nghĩa là, một trẻ thơ được bọc trong sự mõng dòn của nhân tính, đã phải lớn lên và thêm vững mạnh; nhưng với tư cách là Ngôi Lời Thiên Chúa muôn thuở, Người đã không cần thêm vững mạnh hay lớn lên. Vì thế, Người được mô tả một cách chính đáng là ‘đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa’” (In Lucae Evangelium expositio, in loc.).
Ý kiến bạn đọc