banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

LỄ THĂNG THIÊN

Đăng lúc: Thứ ba - 28/05/2019 20:33 - Người đăng bài viết: menthanhgia
LỄ THĂNG THIÊN

LỄ THĂNG THIÊN

Lời Chúa: Cv 1: 1-11; Dt 9: 24-28; 10: 19-23; Lc 24: 46-53

Lễ Thăng Thiên tưởng niệm hai biến cố đồng một lúc: cuộc Thăng Thiên hữu hình của Chúa Ki-tô có các Tông Đồ là những chứng nhân và cuộc Thăng Thiên vô hình của Chúa Giê-su không có bất kỳ một nhân chứng nào.

Cv 1: 1-11
Sách Công Vụ tường thuật biến cố Thăng Thiên hữu hình, sau khi nhắc lại cuộc gặp gỡ sau cùng của Đấng Phục Sinh với các môn đệ Ngài.

Dt 9: 24-28; 10: 19-23
Đoạn trích thư gởi tín hữu Do thái gợi ra biến cố Thăng Thiên vô hình: cuộc trở về mầu nhiệm của Chúa Giê-su bên cạnh Chúa Cha, từ đó xuất phát những thành quả thiêng liêng: Chúa Giê-su khai đường mở lối vào cung thánh trên trời cho tất cả mọi người, nhờ hy tế thập toàn của Ngài, trổi vượt vô cùng tận so với hiệu quả tạm thời của hy tế mà vị thượng tế Cựu Ước dâng tiến trong đền thờ Giê-ru-sa-lem tại thế.

Lc 24: 46-53
Phần cuối Tin Mừng Lu-ca tường thuật việc Chúa Phục Sinh từ biệt các môn đệ và được rước lên trời.

BÀI ĐỌC I (Cv 1: 1-11)
Bài Đọc I trích phần đầu sách Công Vụ Tông Đồ, được trình bày như phần tiếp theo của sách Tin Mừng Lu-ca: cùng một tác giả: thánh Lu-ca, cùng một người nhận: ông Thê-ô-phi-lô, nhất là nhắc lại “quyển thứ nhất”, tức là sách Tin Mừng Thứ Ba.

Quả thật, sách Tin Mừng Lu-ca hoàn tất với biến cố Thăng Thiên: “Người rời bỏ các ông và được rước lên trời…” (Lc 24: 52) trong khi sách Công Vụ Tông Đồ bắt đầu với việc nêu lên hai lần cùng một biến cố: “Cho đến ngày Ngài được rước lên trời” (Cv 1: 2) và “Nói xong, Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn trông thấy Người nữa” (Cv 1: 9). Như vậy, bằng kỷ thuật văn chương, thánh Lu-ca trình bày biến cố Thăng Thiên vừa hoàn tất sách Tin Mừng Thứ Ba và vừa khởi đầu sách Công Vụ Tông Đồ: hoàn tất sự hiện diện hữu hình của Đức Ki-tô và khởi đầu sự hiện diện vô hình của Ngài ở giữa loài người; hoàn tất sứ mạng tại thế của Đức Giê-su và khởi đầu sứ mạng của các Tông Đồ.

1. Hai biến cố Thăng Thiên:
Chúng ta có thể phân biệt một cách nào đó hai biến cố Thăng Thiên:
-Biến cố Thăng Thiên hữu hình là cuộc lên trời của Đức Giê-su trước mắt các Tông Đồ. Biến cố này chủ yếu liên quan đến chúng ta: bản tính nhân loại, cùng với Đức Kitô, sẽ được dự phần vào vinh quang Thiên Chúa. Vì thế, cuộc Thăng Thiên hữu hình nầy loan báo cuộc Thăng Thiên của chúng ta.

-Biến cố Thăng Thiên vô hình và mầu nhiệm không có nhân chứng là cuộc trở về cùng Cha Ngài ngay khi Ngài sống lại; đó là cuộc hội ngộ Ba Ngôi, biến cố thần linh tuyệt mức. Đó là cuộc tôn vinh của Chúa Con, cuộc tôn vinh mà Đức Giê-su xin trong lời nguyện hiến tế của Ngài trước giờ tử nạn: “Vậy, lạy Cha, giờ đây, xin Cha tôn vinh con bên Cha: xin ban cho con vinh quang mà con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian.” (Ga 17: 5).

2. Ý nghĩa của biến cố Thăng Thiên hữu hình:
Tại sao Đức Giê-su từ biệt các môn đệ mà lên trời cách ngoạn mục như thế, dù nhanh và kín đáo? Trong cuộc gặp gỡ sau cùng của Ngài với các môn đệ, đáng ra Đức Giê-su chỉ cần loan báo cho họ biết rằng Ngài sẽ không hiện ra với họ theo cách thế này nữa, rồi biến mất như Ngài đã làm trong suốt bốn mươi ngày từ khi Ngài sống lại?

Chúng ta có thể gặp thấy câu trả lời: biến cố Thăng Thiên hữu hình là cách thức Đức Giê-su giới thiệu cuộc sống tiền hữu và nhập thể của Ngài khi thi hành sứ mạng công khai của Ngài. Ngài đã tự nhận mình dưới danh hiệu “Con Người”, nhân vật huyền nhiệm mà ngôn sứ Đa-ni-en thấy trong một thị kiến “đến trên mây trời” (Đn 7: 13). Đức Giê-su đã quả quyết với ông Ni-cô-đê-mô: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống” (Ga 3: 13). Trong bài diễn từ về bánh hằng sống, Đức Giê-su đã nêu lên sáu lần Ngài là “bánh từ trời xuống” và cuối cùng Ngài chấm dứt bằng những lời như sau: “Vậy nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao?” (Ga 6: 62). Qua những lời trên, Đức Giê-su không thể nào loan báo rõ ràng hơn biến cố lên trời trong tương lai của Ngài.

3. Những lần hiện ra hữu hình của Đấng Phục Sinh:
“Trong bốn mươi ngày, Người đã hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa”: Nếu con số bốn mươi ngày không chính xác thì cũng chẳng quan trọng gì, biết bao ý nghĩa được chất chứa ở nơi con số này: nó hình thành nên một đối chiếu với bốn mươi ngày Đức Giê-su đã trải qua trong hoang địa giữa phép rửa của Gioan Tẩy Giả và khởi đầu cuộc sống công khai của Ngài để chuẩn bị cho sứ mạng cứu độ của Ngài. Bốn mươi ngày là khoảng thời gian giữa biến cố Phục Sinh và biến cố Thăng Thiên, Đấng Phục Sinh chuẩn bị cho sứ mạng của các môn đệ Ngài.

Chúng ta có thể thắc mắc Đấng Phục Sinh đã sống như thế nào trong suốt bốn mươi ngày. Kinh Thánh cung cấp cho chúng ta một cách nào đó cách sống nầy. Quả thật, khi đọc đoạn văn Công Vụ nầy làm thế nào không nghĩ đến sách Tô-bi-a (12: 15-21). Sau khi đã hoàn thành sứ mạng trần thế của mình, thiên sứ Ra-pha-en bày tỏ cho hai cha con ông Tô-bi-a căn tính đích thật của mình: “Tôi đây là Ra-pha-en, một trong bảy thiên sứ luôn luôn hầu cận và vào chầu trước nhan vinh hiển của Thiên Chúa…Bình an cho các ngươi! …Phần tôi, tôi đã ở với các ngươi … do ý muốn của Thiên Chúa… Các ngươi đã thấy tôi ăn, nhưng thật ra tôi không ăn gì cả, đó chỉ là một thị kiến mà các ngươi thấy. .. Nầy tôi lên cùng Đấng đã sai tôi” Và thiên sứ lên trời. Hai cha con đứng dậy, nhưng không thể thấy thiên sứ nữa… (Tb 12: 16-22).

4. Phép rửa trong Thánh Thần:
Trước khi từ biệt các Tông Đồ, Đức Giê-su dặn dò những lời sau hết và loan báo cho họ biết trong ít ngày nữa họ sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần: “Ông Gioan đã làm phép rửa bằng nước còn anh em thì trong ít ngày nữa sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần” (1: 5)
Vào lúc đó, các ông hỏi Ngài một câu hỏi không thể nào tin được: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ít-ra-en không?”. Câu hỏi này cho thấy giấc mộng chính trị xưa kia của họ: khôi phục nền độc lập Ít-ra-en, vẫn còn nung nấu trong lòng của các ông. Đức Giê-su không quở trách họ. Ngài mượn một hình ảnh khác: vương quốc mà Ngài sắp giao phó cho họ sẽ vượt quá không gian Giu-đê nhỏ bé, nó sẽ mang tầm mức thế giới (1: 7-8). Nhưng vào lúc nầy, vì chưa nhận được ân ban Thánh Thần, họ chưa thể nào hiểu được.

5. Một đám mây quyện lấy Chúa Giê-su:
Không cốt là một đám mây nào đó, nhưng là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa như thường xảy ra trong Cựu Ước. Hơn nữa, thánh Lu-ca là tác giả Tin Mừng về biến cố Truyền Tin: đám mây, dấu chỉ sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, Đấng đã phủ bóng trên Đức Ma-ri-a vào lúc Mẹ thụ thai đồng trinh; ở đây cũng đám mây quyện lấy Đức Giê-su vào lúc Ngài từ giả cõi thế. Một thiên sứ hiện diện khi Đức Trinh Nữ nói tiếng “Xin Vâng”, ở đây cũng có các thiên sứ hiện diện vào lúc Đức Giê-su trở về với Cha Ngài.

6. Thời gian thi hành sứ vụ:
Sức mạnh từ trên cao sẽ thúc đẩy các môn đệ dấn thân vào một cuộc mạo hiểm truyền giáo lớn lao: “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất” (1: 8). Chúng ta đừng ngạc nhiên khi Lu-ca trích dẫn Giê-ru-sa-lem trước tiên vì sách Tin Mừng Lu-ca đặt Giê-ru-sa-lem làm trung tâm điểm của ơn Cứu độ.

Đây là lúc phải hành động chứ không là lưu luyến cách vô bổ như thiên sứ nhắc nhở các ông: “Hỡi những người Ga-li-lê, sao còn đứng nhìn trời?… Đức Giê-su cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời”. Họ phải bắt tay vào công việc lớn lao và Giáo Hội không ngừng theo đuổi. Thật lý tưởng khi vừa nuôi dưỡng tấm lòng của mình luôn luôn hướng về quê trời vừa biết liên kết giữa hành động và chiêm niệm.

BÀI ĐỌC II (Dt 9: 24-28; 10: 19-23)
Đoạn trích thư gởi tín hữu Do thái này bàn đến cuộc Thăng Thiên của Chúa Giê-su theo quan điểm đặc thù. Tác giả đề xuất chiều kích thần học và tính hiệu quả thần thiêng của cuộc Thăng Thiên bằng cách so sánh với sự kiện vị thượng tế Cựu Ước tiến vào nơi cực thánh của Đền Thờ Giê-ru-sa-lem một năm một lần. Chúng ta biết rằng tác giả Thư gởi tín hữu Do thái coi sứ vụ của Chúa Giê-su là chức vụ tư tế và trình bày Chúa Giê-su là vị thượng tế thập toàn.

Chúng ta không biết rõ tác giả Thư gởi tín hữu Do thái là ai; nhưng chúng ta dễ dàng nhận ra ông ngỏ lời với người Ki-tô hữu gốc Do thái qua những ám chỉ trong Thư này, ví dụ như phụng vụ Đền Thờ được gợi ra. Thư gởi tín hữu Do thái chắc chắn được viết trước năm 70, vì vào năm này Đền Thờ bị thiêu hủy, hàng tư tế phục vụ Đền Thờ và các hy tế tiến dâng trong Đền Thờ không còn nữa. Vì thế, những lời tác giả khuyên bao gồm những điểm nhấn mang tính thời sự vượt quá sự hiểu biết của chúng ta.

1. Chức tư tế cao trọng của Chúa Ki-tô:
“Quả thế, Đức Ki-tô đã chẳng vào một cung thánh do tay người phàm làm ra, vì cung thánh ấy chỉ là hình bóng của cung thánh thật” (Dt 9: 24). Sự so sánh này được khai triển sâu xa suốt bức thư này dựa trên nghi thức lễ Xá Tội một năm một lần, vào ngày đại lễ đó vị thượng tế tiến vào nơi cực thánh, biểu tượng nơi Thiên Chúa ngự trị giữa dân Ngài trên cõi thế. Với cử chỉ này, vị thượng tế toan tính tiến gần Thiên Chúa chừng nào có thể để cầu xin Ngài tha thứ tội lỗi cho chính mình và cho dân của mình qua việc dâng tiến máu tế vật. Còn Chúa Ki-tô đã tiến vào cung thánh trên trời để “giờ đây ra đứng trước mặt Thiên Chúa chuyển cầu cho chúng ta”.

2. Hy tế cao trọng của Chúa Ki-tô:
Máu mà vị thượng tế dâng tiến là máu súc vật, tế vật thụ động và vô ý thức. Chúa Ki-tô dâng tiến chính máu mình, trong một hiến lễ tự nguyện; vì thế Ngài chỉ dâng hiến mạng sống mình chỉ một lần: hy tế của Ngài có một giá trị vĩnh viễn. Những hy tế được vị thượng tế tiến dâng  nhằm xóa những tội lỗi trong năm qua. Còn Chúa Ki-tô, Ngài “đã tự hiến một lần, để xóa bỏ tội lỗi muôn người” (9: 28).

3. Chúa Ki-tô khai lối mở đường cho mọi người tiến gần Thiên Chúa:
Chắc chắn những Ki-tô hữu gốc Do thái đã luyến nhớ nhiều nỗi hoài niệm về những giây phút long trọng vào lúc mọi người chờ đợi trước tiền sảnh, lối ra của vị thượng tế với ơn tha thứ tội lỗi. Làm thế nào họ không thể không so sánh được chứ! Trong phụng vụ Mô-sê, một nhân vật duy nhất là vị thượng tế mới có đủ tư cách tiến gần Thiên Chúa. Trái lại, trong phụng vụ Ki-tô giáo, nhờ Chúa Ki-tô, Đấng Trung Gian tối cao và thập toàn, mọi người mạnh dạn tiến gần Thiên Chúa qua cuộc sống bí tích. Mỗi người tín hữu “hãy tiến lại gần Thiên Chúa với một lòng chân thành và một đức tin trọn vẹn, vì trong lòng thì đã được tẩy sạch mọi vết nhơ của lương tâm, còn ngoài xác thì đã được tắm rửa bằng nước tinh tuyền”, nghĩa là nhờ bí tích Thánh Tẩy, bí tích Hòa Giải và bí tích Thánh Thể… Chúa Ki-tô đã khai lối mở đường cho chúng ta tiến bước vào cung thánh trên trời.

Tác giả thư gởi tín hữu Do thái đã hiểu rất rõ ý nghĩa thần học của biến cố Thăng Thiên, nhưng ông diễn tả biến cố này bằng những ngôn từ cổ kính. Những lời khuyên sau cùng trở nên khẩn thiết; nhiều đoạn văn của thư này hé lộ những người nhận thư bị những mối nghi nan ngờ vực xâu xé. Họ phải kiên vững trong niềm xác tín và nhất là trong niềm hy vọng bất khả chuyển lay.

TIN MỪNG (Lc 24: 46-53)
Thánh Lu-ca đã để lại cho chúng ta hai bài trình thuật về cuộc Thăng Thiên: một trong sách Tin Mừng Lu-ca và một khác trong sách Công Vụ. Trong chu trình Phụng Vụ năm C này, chúng ta gặp hai bài trình thuật: bài trình thuật của sách Công Vụ (Bài Đọc I) có nhiều tình tiết hơn; còn bài trình thuật của Tin Mừng thì đạm bạc hơn. Tuy nhiên, sự dị biệt đáng chú ý nhất liên quan đến giây phút biến cố xảy ra. Trong sách Tin Mừng, thánh Lu-ca định vị biến cố vào chính buổi chiều Phục Sinh; trong sách Công Vụ, bốn mươi ngày sau đó. Đây là cách thức mà thánh Lu-ca đã nỗ lực thuật lại hai cuộc Thăng Thiên: biến cố Chúa Giê-su trở về bên cạnh Cha Ngài ngay liền sau khi Ngài sống lại và biến cố Chúa Giê-su từ biệt các môn đệ sau khi Ngài đã liên tục hiện ra cho các ông.

1. Ôn cố tri tân:
Chúa Giê-su nhắc cho họ nhớ lại rằng Đức Ki-tô phải chịu đau khổ và sống lại từ cõi chết (x. Cv 2: 1-4). Bài học “ôn cố tri tân” (nhắc lại Cựu Ước để hiểu Tân Ước) được Đấng Phục Sinh ban cho các môn đệ hai lần trong cùng một ngày (trước hết, hai môn đệ trên đường Em-mau; sau đó, các môn đệ quy tụ ở Giê-ru-sa-lem) chắc chắn không thể thiếu được. Dường như thánh Lu-ca đã muốn cô động giáo huấn mà Chúa Giê-su ban trong suốt bốn mươi ngày được sách Công Vụ thuật lại. Đây là bản tóm lược bài giáo lý tiên khởi, giải thích sứ vụ của Đức Giê-su Ki-tô và chiều kích hoàn vũ của ơn cứu độ.

2. Lời hứa ban Thánh Thần:
Biến cố Thăng Thiên là điều kiện tất yếu của biến cố Ngũ Tuần, vì Thăng Thiên đồng nghĩa với việc Chúa Giê-su được tôn vinh. Chính khi Đức Ki-tô “được tôn vinh”, Người sẽ sai phái Thánh Thần hay Chúa Cha sai phái Thánh Thần nhân danh Người (Ga 14: 26). Tin Mừng Gioan nhấn mạnh nhiều lần: “Bấy giờ họ chưa nhận được Thần Khí, vì Đức Giê-su chưa được tôn vinh” (Ga 7: 39) hay “Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vây, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em” (Ga 16: 7). Mặt khác, việc Đức Giê-su không còn hiện diện hữu hình nữa là một giai đoạn cần thiết để chuẩn bị cho các môn đệ một cách thế hiện diện khác của Người, sự hiện diện vô hình và nội tại trong Thánh Thần.

3. Cuộc Thăng Thiên khai mở thời kỳ thi hành sứ vụ:
Trong cuộc gặp gỡ sau cùng, Chúa Giê-su mời gọi các môn đệ là chứng nhân của Ngài. Biến cố Thăng Thiên không là điểm kết thúc của một cuộc mạo hiểm thần linh, nhưng là điểm bắt đầu của một công trình bao la mà giờ đây được trao gởi cho các môn đệ thực hiện bằng cách công bố cho muôn dân nước lòng sám hối và ơn tha thứ tội lỗi. Như trong sách Công Vụ (1: 8), sứ vụ này phải được thực hiện “Bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem” (24: 47). Chính từ Giê-ru-sa-lem mà ánh sáng Phục Sinh bừng lên; chính tại Giê-ru-sa-lem mà các môn đệ chờ đợi Chúa Thánh Thần; chính tại Giê-ru-sa-lem mà các môn đệ ở lại, “lòng đầy hoan hỷ, và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa” (Lc 24: 52-53).

4. Cuộc từ biệt mang chiều kích phụng vụ:
“Sau đó, Người dẫn các ông tới gần Bê-ta-ni-a, rồi giơ tay chúc lành cho các ông”: Thánh Lu-ca đề cập đến chính biến cố Thăng Thiên; thánh ký ban cho biến cố này một cung điệu phụng vụ: Đức Giê-su dẫn các ông tới gần Bê-ta-ni-a, nơi đối diện với Thành Thánh và Đền Thờ, Người giơ tay chúc lành cho các ông, rồi Người từ biệt các ông và được rước lên trời, trong khi các ông sụp lạy Người. Sách Công Vụ thuật lại một phụng vụ từ biệt tương tự khác. Khi thánh Phao-lô từ giã các kỳ mục Hội Thánh Ê-phê-xô với niềm xác tín rằng thánh nhân sẽ không còn gặp lại các ông nữa, thánh nhân quy tụ họ trên bờ biển, căn dặn họ những lời sau cùng, phó thác họ cho Thiên Chúa, rồi thánh Phao-lô cùng tất cả anh em quỳ gối xuống cầu nguyện (Cv 20: 17-36).

5. Cuộc Thăng Thiên khai mở thời kỳ chan chứa hy vọng:
Thánh Lu-ca tường thuật cuộc Thăng Thiên của Chúa Giê-su với nhiều tình tiết sống động trong sách Công Vụ Tông Đồ; vì thế, trong sách Tin Mừng của mình, thánh ký đưa ra một bài trình thuật tóm lược về mầu nhiệm này, mầu nhiệm đánh dấu việc kết thúc sự hiện diện hữu hình của Chúa Giê-su trên trần thế. Biến cố Thăng Thiên mở ra một niềm hy vọng mới: Đức Giê-su được rước lên trời cùng với thân thể của Người. Người không rũ bỏ nhân tính để trở về bên cạnh Chúa Cha. Nhân tính, cùng với Đức Giê-su, được dự phần vào vinh quang Thiên Chúa. Thánh Phao-lô nói: “Đầu ở đâu, thì các chi thể cũng sẽ ở đó”. Việc Chúa Giê-su lên trời cùng với thân thể của Người loan báo cuộc lên trời của chúng ta; và vinh quang của Người loan báo cuộc tôn vinh thân thể của chính chúng ta. Thăng Thiên và Phục Sinh là hai khía cạnh của cùng một mầu nhiệm; phụng vụ Giáo Hội tiên khởi cử hành hai biến cố này cùng nhau.

6. Cuộc Thăng Thiên khai mở thời kỳ đầy tràn niềm tin:
“Họ trở lại Giê-ru-sa-lem, lòng đầy hoan hỷ”. Thật mâu thuẫn biết bao, thay vì đắm mình trong nỗi phiền muộn, các Tông Đồ tràn đầy niềm vui sau khi đã chứng kiến cuộc biến mất của Chúa Giê-su. Đây là niềm vui thời thiên sai, niềm vui cứu độ mà thánh Lu-ca đã thắp sáng hơn các thánh ký khác; niềm vui về lời hứa ban Thánh Thần, nhưng nhất là niềm vui sâu xa của một niềm tin có nền tảng chắc chắn. 

7. Trong Đền Thờ:
“Họ hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa”. Sách Tin Mừng Lu-ca bắt đầu với việc tư tế Da-ca-ri-a thi hành sứ vụ trong Đền Thờ Giê-ru-sa-lem và hoàn tất với việc các Tông Đồ chúc tụng Thiên Chúa cũng ở trong Đền Thờ này. Đối với tư tế Da-ca-ri-a, sứ thần loan báo cho ông cuộc sinh hạ con trai của ông, đó sẽ là Gioan Tẩy Giả trong tương lai; còn đối với các môn đệ Ngài, Chúa Giê-su hứa với các ông Chúa Thánh Thần hiện xuống. Sách Tin Mừng Lu-ca mở ra và đóng lại với dưới dấu chỉ của lời hứa và dấu chỉ của lời cầu nguyện.

Tác giả bài viết: Lm. Inhatio Hồ Thông
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc