Đăng lúc: Thứ tư - 13/11/2019 20:14
- Người đăng bài viết: menthanhgia
LƯƠNG TÂM
Những nét căn bản về Luân Lý của Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo
Tin Mừng thánh Matheu thuật lại câu chuyện chàng thanh niên giàu có, đến thỉnh ý Chúa Giêsu cách thế để đạt được sự sống đời đời: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì tốt để được hưởng sự sống đời đời làm gia nghiệp?” (Mt 19,16). Câu hỏi của chàng thanh niên cho thấy rất rõ cõi lòng của con người: một cõi lòng tin và tìm kiếm sự sống vĩnh cửu, đồng thời ý thức sự sống đó có thể đạt được với một việc làm tốt trong cuộc sống hiện tại, ở đây và ngay bây giờ. Cõi lòng này chính Thiên Chúa nắn đúc nên khi tạo dựng con người là hình ảnh và giống Ngài, như Vịnh Gia đã khẳng định “Lòng mỗi người chính Chúa dựng nên, việc họ làm Chúa thông suốt cả” (Tv 33,15). Vì thế, con người luôn luôn khao khát tìm kiếm chân lý và điều thiện. Chàng thanh niên chất vấn Chúa Giêsu về điều tốt là chất vấn về hành vi luân lý mà con người cảm nhận trong chính họ một lề luật, họ không tự đặt ra cho mình nhưng phải tuân theo[1]. Lề luật ấy Thiên Chúa đã khắc ghi trong lương tâm con người.
Lương tâm tòa phán xét hay là tiếng thì thầm của Thiên Chúa? Khi nói đến lương tâm người ta nghĩ ngay đến một bộ phận tồn tại trong chính mình. Người ta không thấy nó bằng những phẫu thuật của y khoa nhưng thấy nó qua phong cách sống, qua mỗi hành vi, thái độ và chọn lựa. Phẩm chất của con người tùy thuộc vào đó. Bởi đó, người ta quả quyết rằng con người tử tế là con người sống với lương tâm ngay thẳng và phẩm giá tốt đẹp của mình.
Trong kinh nghiệm thường ngày chúng ta nghe, biết và cảm nghiệm được sự dày vò, day dứt, bất an khi chính mình hay một ai đó làm điều sai, trái. Chúng ta bảo rằng lương tâm cắn rứt. Ở đây lương tâm như một toàn phán xét ở đó mỗi hành vi, thái độ của con người được chính mình phán xét và phân xử. Thật vậy, Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo dạy rằng “Lương tâm là những phán quyết của lý trí nhờ đó con người nhận biết một hành vi cụ thể mình sẽ làm, đang làm hay đã làm. Con người trong mọi điều mình nói hoặc làm, buộc phải trung thành theo điều mình biết là chính đáng và trung thực”[2]. Thế nhưng, lương tâm không chỉ đơn thuần hoạt động như một cỗ máy ở đó đã mặc định sẵn những tiêu chuẩn của đúng và sai, tốt và xấu; sẵn sàng ra lệnh hay nghiêm cấm, ủng hộ hay lên án những hành động của con người.
Hơn thế nữa lương tâm là cung thánh của con người, ở đó con người đối diện với Thiên Chúa và với chính mình[3]; ở đó luôn vang vọng một âm thanh mầu nhiệm, âm thanh của Thiên Chúa khơi gợi và đề nghị cho chúng ta những gì là tốt, là đẹp và chân thật xứng hợp với Thiên Chúa và hoàn thiện. Là không gian bất khả xâm phạm của con người.
Tìm trong Kinh Thánh đặc biệt trong Cựu Ước chắc chắn chúng ta sẽ không bao giờ bắt gặp khái niệm “lương tâm”, thế nhưng chính trong Kinh Thánh lại cho chúng ta khám phá ra nguồn phong phú và vô tận tâm hồn con người, ở đó nhân vị giống Thiên Chúa không chỉ gặp Đấng Tối Cao của lòng mình thôi mà còn can đảm để cho Ngài hướng dẫn. Thánh Vịnh 139 đã bày tỏ tâm hồn sâu sắc ấy và tin rằng Thiên Chúa tìm kiếm và thống trị tâm hồn con người:
Lạy Chúa, xin dò xét để biết rõ lòng con, Xin thử con cho biết những điều con cảm nghĩ. Xin Ngài xem con có lạc vào đường gian ác, Thì xin dẫn con theo chính lộ ngàn đời. (Tv 139, 23 – 24)
Cũng như các dân tộc khác, Israel nhìn nhận sự thiện và ác theo quan điểm nội tâm, khách quan và cũng mang tính tập thể. Họ tôn trọng luật lệ và qui tắc qua các truyền thống và các nhà lãnh đạo tôn giáo vì họ tin rằng qua đó chính Thiên Chúa đã bày tỏ ý định của Ngài. Tuy nhiên, bao giờ họ cũng có được kinh nghiệm về tiếng nói của Thiên Chúa như một tiếng gọi từ tận đáy lòng. Tâm hồn là nơi Thần Khí Thiên Chúa có thể đụng chạm và kêu gọi họ. Vì thế, tâm hồn chính là nơi ca tụng hoặc kết án các hành vị của họ. Người làm điều dữ tận trong thâm sâu của cõi lòng bao giờ cũng biết rằng họ đã làm điều sai trái chống lại Thiên Chúa và đồng loại mình. Đó không chỉ là một vấn đề hiểu biết của tri thức mà là của tâm hồn, một tâm hồn quặn đau trước nhan Thiên Chúa. Một tâm hồn đón nhận trong tự do lời mời gọi của Thiên Chúa, chịu trách nhiệm về mọi hành động của mình trước chính mình và Thiên Chúa của họ.
Lương tâm trưởng thành Nếu chúng ta nói rằng lương tâm là nơi cá nhân phán đoán và phân định hành vi của mình để có những lựa chọn đúng đắn và thích hợp thì lương tâm chắc chắn cũng có những phán đoán sai lầm. Tự mình, lương tâm chỉ là một ngọn đèn chưa được thắp sáng. Lương tâm đón nhận sự thật từ Đấng là Sự Thật và là Sự Sáng, nhờ Ngài, lương tâm trở nên chói chang, ấm úng[4].
Vì thế cần phải rèn luyện lương tâm để cõi lòng được nhạy bén với những gì thuộc về Thiên Chúa và những gì không thuộc về Ngài. «Giáo dục lương tâm là nhiệm vụ suốt cả cuộc đời […] Một nền giáo dục tốt dạy con người sống đức hạnh, bảo vệ và giải thoát con người khỏi sợ hãi, ích kỷ và kiêu căng, những mặc cảm tội lỗi và thái độ tự mãn, những thứ phát xuất từ sự yếu đuối và dễ sai lầm của con người»[5]. Giáo dục lương tâm như là yếu tố nền tảng để trở nên con người tự do đích thực và hạnh phúc[6].
Lương tâm ngay chính và trưởng thành là hoa trái của những quyết định, lựa chọn tạo nên phong cách sống mạch lạc và nhất quán nội tâm giữa lời nói, suy nghĩ, hành động việc làm. Là hoa trái của những can đảm với nó cá nhân phải trả giá bằng những từ bỏ và hy sinh để trung thành với những gì là chân thật, thánh thiện, trung thành với chính mình và với Thiên Chúa.
Lương tâm con người chính là trung tâm điểm của việc chia sẻ kinh nghiệm và suy tư. Vì thế, trong việc tìm kiếm sự thật lương tâm cá nhân phải được cùng chia sẻ, bàn luận, học hỏi với lương tâm của những người khác. Nếu ta tự do đối với nhau, tự do đón nhận và trao ban, ta không chỉ có một sự hiểu biết nào đó thôi, mà cùng với sự hiểu biết và kinh nghiệm ấy, ta trao ban chính mình, thì chắc chắn các lương tâm sẽ có thể gặp được nhau cách chân thành. Khi ta nhận biết nhau trước Thiên Chúa, và chấp nhận nhau như những người thuộc về nhau trong Ngôi Lời Thiên Chúa, thì lương tâm ta sẽ sống động và sáng tạo cách trọn vẹn[7]. Trong giáo dục người ta chia lương tâm thành 3 loại: lương tâm xã hội hóa, lương tâm lý trí, lương tâm sâu xa[8].
_ Lương tâm xã hội hóa là quá trình cá nhân học dần dà các chuẩn mực, qui tắc và cách ứng xử. Tính cách lương tâm này khác nhau nơi mỗi cá nhân, tùy thuộc vào môi trường sống, môi trường giáo dục. Đối với người lớn, lương tâm xã hội hóa có thể trở thành cản trở cho sự trưởng thành, nếu như họ duy trì nó trong sự lệ thuộc vào người khác.
_ Lương tâm theo lý trí: Loại lương tâm này có được khi chủ thể bắt đầu khả năng suy nghĩ và quyết định cách độc lập. Thông thường là giai đoạn tuổi vị thành niên. Cá nhân từ ý tưởng, suy tư, kinh nghiệm, khát vọng, nhu cầu của mình và cũng từ sự đón nhận và nội tâm hóa những chuẩn mực xã hội, cố gắng thích ứng với những luật lệ. Trong cách thức này cá nhân xây dựng lương tâm lý trí, thường thì tính cách của nó đối nghịch với những luật lệ luân lý đã đón nhận từ nhỏ.
_ Lương tâm sâu xa: Lương tâm này phân biệt với hai loại lương tâm trước. Bởi vì, nó không phụ thuộc vào “cái tôi”, cũng như không phụ thuộc vào người khác. Những gì họ tuân theo không phải là luật lệ đã được chế biến, nhưng là một luật lệ đã được đón nhận và cảm nghiệm điều tốt lành cho chính mình, cho người khác và thuận lợi cho sự trưởng thành. Lương tâm này khuyến khích ở sự tự do nội tâm và trung thành với chính mình.
Người trưởng thành đạt đến lương tâm sâu xa, ở đó sự bất trung và những lỗi phạm của cá nhân không bị lên án đè nặng, làm thất vọng như loại lương tâm xã hội hóa và lương tâm lý trí. Sự thẩm định của lương tâm sâu xa khơi gợi ý thức, làm cho cá nhân hối tiếc về việc mình làm nhưng không rơi vào thất vọng. Sự phán xét của lương tâm sâu xa cung cấp ánh sáng để sửa đổi những hệ quả của sự bất trung, soi sáng trên những yếu đuối và giới hạn, thúc giục cá nhân cởi mở và tạo động lực hoán cải. Ngược lại, lương tâm xã hội hóa và lương tâm lý trí giam nhốt cá nhân trong lo lắng và mặc cảm tội lỗi. Lương tâm sâu xa là lương tâm trong đó cá nhân gặp gỡ lòng thương xót của Thiên Chúa và mang lại cho người ấy niềm hy vọng.
Sống theo lương tâm là đặc tính căn bản của con người. Thế nhưng, chọn và làm theo lương tâm là điều thật khó, con người học và rèn luyện nó trong muôn vàn kinh nghiệm của cuộc sống hằng ngày. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo đưa ra 3 nguyên tắc căn bản trong những trường hợp phức tạp và những chọn lựa khó quyết định:
_ Không bao giờ được làm điều xấu để đạt đến điều tốt. _ Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho chính mình thì chính anh em cũng làm cho người ta. _ Tất cả mọi việc đều qui về đức mến, thánh Augustino đã dạy: “Bạn hãy yêu đi rồi muốn làm gì thì làm”.
Thiên Chúa không nói lên lời, nhưng tiếng của Ngài rất rõ. “Chúng ta sẽ được an lòng trước mặt Thiên Chúa. Vì nếu lòng chúng ta có cáo tội chúng ta, Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta, và Ngài biết hết mọi sự” (1Ga 3, 19 – 20). Lương tâm là tiếng của cõi lòng nơi Thiên Chúa ngự trị. Với muôn vàn cách khác nhau, Ngài hằng lên tiếng mời gọi con người và thúc dục họ mỗi ngày làm sáng hơn hình ảnh Thiên Chúa nơi mình. Nơi cõi lòng ấy Thiên Chúa đã khắc ghi luật yêu thương. Sống theo tiếng gọi của lương tâm là đáp trả tình yêu trong việc phụng sự Thiên Chúa trong cách sống của mình qua việc mong muốn và làm những điều tốt đẹp cho anh chị em mình.
[1] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Giáo Hội trong thế giới ngày nay - Gaudium et spes, Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin - Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (dịch), Nhà xuất bản Tôn Giáo, Hà Nội 2012, s. 16, tr. 235.
Ý kiến bạn đọc