banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

THƯA THẦY, TÔI PHẢI LÀM GÌ TỐT...?

Đăng lúc: Thứ bảy - 16/09/2017 22:39 - Người đăng bài viết: menthanhgia
THƯA THẦY, TÔI PHẢI LÀM GÌ TỐT...?

THƯA THẦY, TÔI PHẢI LÀM GÌ TỐT...?

Ý nghĩa cuộc sống đặc biệt người ta thường khám phá ra trong những khoảnh khắc và hoàn cảnh dường như đau thương nhất của cuộc đời, trong đó người ta tìm thấy sức mạnh và “cái tại sao” của những đau thương mà họ đang phải đối diện. Ý nghĩa cuộc sống không do con người đặt ra nhưng là sự khám phá với một thao thức, say mê và yêu mến đi tìm căn tính của chính mình trong huyền nhiệm tình yêu Thiên Chúa.
2. Ơn gọi của con người là đến hưởng vinh phúc
               “Chỉ có Đấng dựng nên con người mới làm cho con người được hạnh phúc”
                                                                                     Thánh Augustino
 
      Con người là một hữu thể lý trí, vì thế luôn cố gắng nhận biết chính mình và thế giới xung quanh. Những câu hỏi tận thâm tâm về hiện hữu luôn ray rứt con người: tôi là ai? Tôi từ đâu đến và đi đâu? Sống để làm gì? Tại sao tồn tại những điều xấu? điều gì sẽ là sau cuộc sống này?

      Kinh nghiệm về cuộc sống của ông Quoelet, tác giả sách cuốn sách thứ 4 của bộ sách khôn ngoan trong Kinh Thánh: sách Giảng Viên cũng là kinh nghiệm của rất nhiều người trong chúng ta ngày nay. Theo ông “đối với con người không có gì tốt hơn là hưởng những thú vui do công việc chính mình làm ra, vì đó là phần nó đáng được. Vậy ai sẽ chỉ cho nó biết cái gì sẽ xảy ra sau khi nó chết?” (Gv 3,22).

Những vất vả xây cất, lưu trữ của con người trong cuộc sống cũng chỉ là “Dã tràng se cát biển đông, nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì” (Gv 5,15b)
        Nào ai biết được điều gì tốt nhất cho con người trong cuộc sống, trong chuỗi ngày của kiếp phù du, trong cuộc đời qua mau như chiếc bóng? Nào có ai cho con người biết điều gì sẽ xảy ra dưới ánh mặt trời sau khi mình nhắm mắt xuôi tay? (Gv 6,12)

        Trải qua mọi kinh nghiệm, quan sát, suy tư về cuộc sống của con người Quoelet kết luận rằng:
       Tất cả đều là những thú vui và khó nhọc trong chuỗi ngày Thiên Chúa ban cho con người được sống dưới ánh mặt trời (Gv 8,15). Tôi nhận ra rằng mọi sự Thiên Chúa làm sẽ tồn tại mãi mãi. Không có gì để thêm, chẳng có gì để bớt. Thiên Chúa đã hành động như thế để phàm nhân biết kính sợ Người (Gv 3,14).

Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II gọi con người là “người biết mình”[1]. Thế nhưng “người biết mình” đang sống trong sự khủng hoảng của nhận thức về chính họ. Theo nhận định của Công đồng Vatican II, ngày nay con người càng nổ lực đi sâu vào sâu thẳm của lòng mình, họ càng tỏ ra không chắc chắn về chính họ; họ khám phá những luật lệ của xã hội, nhưng lại lưỡng lự trước những định hướng của cuộc sống[2]. Bên cạnh đó, Công Đồng cũng nhận định rằng «ngay trong chính mình, con người có những yếu tố xung khắc nhau. Vì một đàng là tạo vật, con người nhận thấy mình bị giới hạn trong nhiều phương diện, nhưng đàng khác lại cảm thấy mình có những khát vọng vô biên và còn cảm thấy mình được mời gọi tới một cuộc sống cao cả hơn»[3].

      Vậy, ý nghĩa cuộc sống là gì, tại sao con người lại bận tâm đến thế và đâu là ý nghĩa của cuộc sống mà con người đang tìm kiếm?

      Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (GLHTCG) dạy chúng ta biết rằng con người sống là được mời gọi hưởng vinh phúc. Ơn gọi này diễn tả mục đích tối hậu của sự hiện hữu và được trao gởi đến từng cá nhân (cá vị) và cũng cho cả Hội Thánh, là dân mới của Thiên Chúa gồm những người đón nhận lời hứa và sống lời hứa ấy (x. GLHTCG s. 1717 – 1719). Ơn gọi ấy làm nên ý nghĩa của sự hiện hữu và của cuộc sống chúng ta.

       Ý nghĩa của cuộc sống: ba hình thức hiểu ý nghĩa của cuộc sống.
            _Ý nghĩa cuộc sống xuất phát từ môi trường: là ý nghĩa được gợi ý cách minh nhiên hoặc mặc nhiên từ môi trường trong đó chúng ta sống (trong gia đình, nhóm xã hội…). Ý nghĩa này tìm thấy nền tảng của nó trong các giá trị xã hội.
          _ Ý nghĩa chính cá nhân đưa ra cho cuộc sống của mình: là ý nghĩa cá nhân đưa ra cho những lựa chọn, quyết định hành động hay một lý lẽ cho sự hiện hữu của chính mình.
           _ Ý nghĩa có căn nguyên từ nhận thức sâu sắc: là ý nghĩa không xuất phát từ thế giới bên ngoài của con người, cũng không xuất phát từ ý muốn cá nhân nhưng tự bên trong. Là sự trực giác sâu sắc, nó đòi hỏi tìm kiếm một cách tiệm tiến, chắc chắn hay hiển nhiên, rõ ràng và nội dung của nó như sợi chỉ dẫn truyền được khắc dấu trong sự mạch lạc và nhất quán. Sợi chỉ này xuất hiện rất sớm ở bình minh cuộc đời cá nhân và đồng hành cùng họ trong suốt cuộc sống. Trực giác này đến đặc biệt khi cá nhân đọc và suy tư về sự hiện hữu của chính mình, về những sự kiện đầy ý nghĩa của cuộc sống cá nhân, của những hành động giúp cá nhân luôn tiến về phía trước, về tiềm năng tỏ lộ, về nguyện vọng và những khao khát được bày tỏ và được cụ thể hóa trong những việc làm cụ thể, về các mối tương quan móc nối nhau. Ngang qua lịch sử đời mình, cá nhân ý thức rằng một hay các khía cạnh khác nhau rất căn bản của chính nhân cách họ sống hay cố gắng sống, thường diễn ra trong hình thức hầu như thường xuyên và mãi mãi.

         Ý nghĩa cuộc sống theo nghĩa này xuất phát từ chính hành trình nội tâm trong đó con người khoắc khoải về sự hiện hữu của chính mình. Bận tâm đến sự hiện hữu của chính mình tính cách hóa căn tính con người, trong chính cái con người là. Căn tính hiện hữu của con người hệ tại trong siêu việt. Sự siêu việt được hiểu trong sự việc rằng con người được định hướng về một điều gì đó vượt lên trên, một cái gì đó hay một ai đó, một ý nghĩa nào đó để thực hiện, hoặc một hữu thể nhân vị nào đó để gặp gỡ, để yêu thương. Vì thế, con người là chính mình khi đi vào trong siêu việt và quên đi chính mình.

       Mỗi người được mời gọi thực hiện một ý nghĩa và theo đuổi một mục đích mang lại ý nghĩa cho cuộc sống chính mình và cho người khác. Ý nghĩa cuộc sống đặc biệt người ta thường khám phá ra trong những khoảnh khắc và hoàn cảnh dường như đau thương nhất của cuộc đời, trong đó người ta tìm thấy sức mạnh và “cái tại sao” của những đau thương mà họ đang phải đối diện. Thật vậy, sự đau khổ hay đau đớn về thể xác cũng mang lại cho cuộc sống một ý nghĩa tròn đầy. Là thái độ cá nhân đảm nhận trước bệnh tật, quan điểm đặt ra cho bệnh tật. Nói cách khác, giá trị chính là thái độ đúng đắn, xác thật và trung thành cá nhân đón nhận định mệnh của cuộc sống. Là cái “thế nào” một người chịu đựng một nỗi đau không thể tránh khỏi, nó bao bọc bên trong tiềm năng ý nghĩa của sự hiện hữu. “Kitô hữu vững mạnh không chỉ biết làm việc lành nhưng còn biết chịu khổ cực”[4]

Mỗi hoàn cảnh mang trong nó một ý nghĩa, chờ đợi mỗi cá nhân tìm kiếm và khám phá ra, bởi vì nó là duy nhất và độc nhất, ẩn tàng trong mỗi điều kiện, ngay cả trong thành công cũng như trong thất bại. Ý nghĩa cuộc sống được hiểu như thế tạo trong con người một động năng kép: một mặt đổ đầy trong cá nhân sức mạnh để thực hiện nó, mặt khác cố định và chỉ rõ giá trị của hành động, trong cách thức làm cho cá nhân cảm thấy có giá trị về điều cá nhân đang thực hiện.

       Như đã nói trên đây ý nghĩa cuộc sống không được xếp đặt hay sáng chế ra từ cá nhân, nhưng được tìm kiếm một cách tự do từ chính mình và thực hiện nó một cách có trách nhiệm ngang qua khả năng biết vượt lên từ cái hữu hạn và sự ý thức về những giá trị. Ý nghĩa cuộc sống định hướng cho cá nhân vượt lên chính mình hướng về một ai đó và một điều gì đó. Người chỉ nhắm vào việc thực hiện chính mình có nguy cơ chìm mình trong chính mình và đánh mất chính mình trước những thất bại và những vất vả của sự trưởng thành. Khả năng ra khỏi chính mình, trái lại, thôi thúc trong cá nhân những khao khát sâu xa, nhất là trong những khoảnh khắc khó khăn, bởi vì cá nhân được hướng dẫn từ chính lương tâm, được mời gọi ra khỏi chính mình để trao tặng một điều gì đó cho một ai đó với tất cả tình yêu, người ấy thực sự sống căn tính của chính mình.

        Ý nghĩa và vai trò của ý nghĩa cuộc sống trong quá trình trưởng thành cá nhân được đúc kết trong câu nói thời danh của V. Frankl. Ông là bậc thầy trong nghiên cứu tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống mà trong đó phần lớn phương pháp trị liệu tâm lý của ông dựa vào. Ông cho rằng “Ai tìm thấy cái tại sao của cuộc sống thì biết phải sống thế nào”. Ông nhấn mạnh để trưởng thành toàn diện con người cần phải vượt lên chính mình hướng về một điều gì đó hoặc một ai đó khác với mình.

      Cũng trong khẳng định của Frankl “cái tại sao” của cuộc sống là ý nghĩa mà mỗi người tìm thấy trong kinh nghiệm cuộc đời mình. Ông còn cho rằng “cái tại sao” ấy người ta không tìm thấy trong khoa học, trong hiểu biết nhưng trong niềm tin. Vì vậy, trong hành trình của sự trưởng thành, ý nghĩa cuộc sống định hướng, giữ cá nhân trong phương hướng đúng đắn một cách kiên trì và là động lực để cá nhân hoàn thiện chính mình. Ý nghĩa cuộc sống không do con người đặt ra nhưng là sự khám phá với một thao thức, say mê và yêu mến đi tìm căn tính của chính mình trong huyền nhiệm tình yêu Thiên Chúa. Người đã yêu chúng ta trước và tiếp tục yêu chúng ta; chính vì thế mà chúng ta có thể đáp trả lại bằng tình yêu. Thiên Chúa không đòi hỏi một tình cảm mà chúng ta không thể khơi lên trong chính mình. Người yêu chúng ta và cho chúng ta thấy và cảm nhận tình yêu của Người, và từ “bước trước” này của Thiên Chúa, tình yêu nảy sinh trong chúng ta như một lời đáp trả[5].

       Như vậy, ý nghĩa của cuộc sống không chỉ là một câu hỏi thuộc về lý trí, nhưng là của thực hành, sống cuộc sống này cách xứng đáng. Vì trả lời cho câu hỏi về ý nghĩa của cuộc sống đưa con người đến chọn lựa, thay đổi, hành động và trở nên.

      Trả lời cho câu hỏi về ý nghĩa của cuộc sống không phải là phạm vi của nghiên cứu khoa học thực nghiệm, nhưng là hoa trái của con đường kinh nghiệm thiêng liêng trong đó con người nhận thức nhân phẩm siêu việt và tìm kiếm cội nguồn của chính mình. Trả lời cho câu hỏi mục đích của sự hiện hữu là tìm ra phong cách sống và định hướng của sự trưởng thành. Tìm kiếm cội nguồn, con người khám phá ra hướng đi của đời mình. Họ sinh ra không phải để chết, nhưng là để đáp trả lời mời gọi ở một cuộc sống siêu việt, một cuộc sống đặt nền tảng trên Hữu Thể Tuyệt Đối.

        Đáp trả lại lời mời gọi sống cuộc sống này đầy ý nghĩa để hưởng vinh phúc mai sau đặt chúng ta trước những lựa chọn luân lý có tính quyết định. Vinh phúc đó mời gọi chúng ta thanh luyện trái tim khỏi bản năng xấu và tìm kiếm tinh yêu của Thiên Chúa trên hết mọi sự. Mười điều răn, Bài giảng trên núi và giáo lý của các Tông Đồ mô tả cho chúng ta những con đường dẫn đến Nước Trời (xem GLHTCG 1723 - 1724).

         Công đồng Vatican II đã khẳng định ơn gọi duy nhất của con người, cái mà bắt nguồn từ ý nghĩa, con người có được trong Đức Kitô: «Đức Kitô chết vì mọi người và vì ơn gọi cuối cùng của con người là duy nhất, nghĩa là do Thiên Chúa, cho nên ta phải tin chắc rằng Chúa Thánh Thần ban cho mọi người khả năng tham dự vào mầu nhiệm Phục Sinh ấy»[6].
 

[1] Gioan Phaolo II, Tông huấn Đức Tin và lý trí (Fide set ratio, 14.9.1998), n.1.
[2] Công Đồng Vatican II, Hiến chế vui mừng và hy vọng (Gaudium et spes, 17.12.1965), 10.
[3] Ibid.
[4] Bài đọc 2, Kinh Sách Chúa Nhật 25TN.
[5] X. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, Tông huấn Thiên Chúa là tình yêu (Deus caritas est), s.17.
[6] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Vui mừng và hy vọng, 22.

Tác giả bài viết: Isave Ngọc Mỹ
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc