banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

SUNG MÃN NHÂN CÁCH ĐỜI TU

Đăng lúc: Thứ sáu - 07/01/2022 08:48 - Người đăng bài viết: menthanhgia
SUNG MÃN NHÂN CÁCH ĐỜI TU

SUNG MÃN NHÂN CÁCH ĐỜI TU


SUNG MÃN NHÂN CÁCH ĐỜI TU
 
Lời giới thiệu
 
Cha Adrian Van Kaam là tu sĩ Dòng Thánh Linh (C.S.Sp). Từ năm 1965 Cha làm Giám Đốc Viện Nhân Học, “Institute of Man” thuộc Đại học Duquesne (Pennsylvania, Mỹ).
 
Ngành chuyên môn của Van Kaam là tâm lý học. Trong những tác phẩm về đời sống thiêng liêng và đời tu, tác giả luôn luôn đối chiếu những mặc khải của Đức Tin với những khám phá của tâm lý học, phân tâm học, nhân loại học, xã hội học… Từ việc đối chiếu đó tác giả đưa ra những nhận định sau đây: Chúng ta cần phải ý thức thân phận hữu hạn của con người, ý thức không phải để thất vọng nhưng để chấp nhận và cố gắng vượt qua cái hữu hạn và vươn lên cái vô hạn, cái siêu việt. Chúng ta cần để ý đến ý tưởng chỉ đạo trên đây trong lúc đọc quyển “Sung mãn nhân cách Đời tu”, vì tac giả viết với địa vị một nhà tâm lý học, một giáo sư “Nhân học hướng thần” (Religious Anthropology) hơn là một nhà thần học. Từ những lý thuyết của khoa Nhân học hướng thần tác giả cố gắng tìm hiểu ý nghĩa và cơ cấu căn bản của đời tu hoạt động. Tưởng cũng cần lưu ý độc giả là Van Kaam luôn luôn dùng danh từ “Đời tu dự sinh” (Participative religious life); thay cho danh từ “Đời tu hoạt động” (Active religious life): đọc chương III, chúng ta sẽ hiểu tại sao tác giả lại thích dùng như vậy.
 
Sau Vatican II, những cộng đoàn tu sĩ đã đặt lại vấn đề ý nghĩa, lý do tồn tại và cơ cấu, thí nghiệm những thể thức mới trong kinh nguyện, trong cách tổ chức và điều khiển cộng đoàn, trong cách sống những lời khấn v.v… Nói tóm lại, các cộng đoàn đang đi tìm một hướng đi để canh tân và thích nghi cho phù hợp với hiện cảnh, tìm lại chỗ đứng của mình trong thế giới. Ai cũng cảm thấy cần phải sửa đổi cơ cấu. nhưng khi phải lấy những quyết định cụ thể thì chúng ta lại thấy nẩy sinh những câu hỏi, thắc mắc, lo âu, sợ hãi, do dự… Phải chăng ngày nay cộng đoàn tu sĩ không còn lý do tồn tại? Làm sao để dấn thân vào văn hóa và làm chứng tá cho Chúa Kitô trong thế giới hiện đại? Làm sao để dung hòa đời chiêm niệm với hoạt động văn hóa? Phải xử trí thế nào nếu một cá nhân cảm thấy hướng về một cộng tác không thuộc lĩnh vực hoạt động của cộng đoàn? Và nếu tôi là một tu sĩ siêu phàm, tràn đầy ơn thánh, thì tôi có quyền hay không phá chấp tất cả cơ cấu để sống bên lề cộng đoàn? v.v…
 
Cha Van Kaam đề cập đến tất cả những vấn đề trên đây và giúp chúng ta tìm một giải pháp trung dung, quân bình, biết nghe theo nguồn tình cảm phát sinh từ Thánh Linh và đồng thời tránh những cải tổ và thích nghi chỉ nhằm mục đích thỏa mãn những nhu cầu mờ ám của vô thức… Tuy nhiên, một vài quan điểm của tác giả, nhất là trong tương quan giữa cộng đoàn và cá nhân, còn quá mới mẻ đối với một số cộng đoàn tu sĩ Việt Nam. Nếu cộng đoàn của chúng ta chưa biến hóa và phân hóa đủ, thì chúng ta chớ nên mù quáng chấp nhận và đem ra áp dụng. Nhưng thà rằng biết trước những gì tiến trình sẽ đưa đến hầu chuẩn bị tư tưởng, còn hơn là nhắm mắt buông trôi theo thời gian để rồi phải chứng kiến những cảnh xung đột, tranh chấp và “bùng nổ” vô vọng của những năng lực bị kiềm chế,
Hồng Quang FSC
 
Xin được chia sẻ từng phần một của tập sách SUNG MÃN NHÂN CÁCH ĐỜI TU của cha Adrian Van Kaam

 
CHƯƠNG I
 
ĐẶT LẠI VẤN ĐỀ ĐỜI TU
 
Quyển thứ nhất của bộ sách này (quyển SUNG MÃN NHÂN CÁCH TRONG ĐỜI SỐNG THIÊNG LIÊNG) đã giúp chúng ta có một cái nhìn mới về ý nghĩa đời sống của linh hồn. Chúng ta đã định nghĩa đời sống này như là một lối hiện diện phát sinh bởi tính chất linh thiêng của con người, sự vật và những biến cố trong thực tại sâu xa nhất của chúng ta… Quyển sách nói trên có mục đích đem lại cho chúng ta một khái niệm căn bản về ý nghĩa đời sống thiêng liêng đối với nhân loại cách chung. Trong những trang sau đây, chúng ta sẽ đề cập đến đời tu. Đời tu ở đây được hiểu như là một hình thức đặc biệt để sống đời thiêng liêng.
 
Ngày nay trong mọi phạm vi đời sống – từ chính phủ cho đến một xí nghiệp – người ta đều đặt lại vấn đề nền tảng và ý nghĩa của mọi điều, kể cả những định chế và tập quán cổ truyền đáng kính nhất. Đời tu cũng lâm vào tình trạng bấp bênh đó. Không những từ bên ngoài nhìn vào mà hơn nữa chính giữa cộng đoàn tu sĩ người ta đều cảm thấy như vậy. Tu sĩ có thể nhìn thẳng vào thực trạng trên và xem đó như một thách đố hơn là một lý do đưa đến tan vỡ và kinh hoàng. Muốn được như vậy, trước tiên tu sĩ phải nhìn vào bản thân và tự hỏi lý do thầm kín riêng tư nào đã thúc đẩy chính mình đặt lại vấn đề đời tu.
 
Những tâm trạng tiêu cực
 
Một câu hỏi khi vừa mới đặt ra đã bị chi phối bởi tâm trạng nẩy sinh ra nó. Nếu tôi khởi sự với một tâm trạng tiêu cực, có thể tôi sẽ đi đến một câu trả lời có tính cách phá hoại, làm hại thay vì xây dựng và làm sáng tỏ vấn đề. Thí dụ trong lúc tôi còn phẩn uất, nếu tôi đặt câu hỏi về những sự xúc phạm mà tôi đã phải chịu đựng… câu trả lời của tôi rất có thể sẽ chua cay, thiên vị, chỉ diễn tả một khía cạnh tiêu cực. Sau đây, chúng ta thử xét qua những thái độ tiêu cực có thể có lúc tôi đặt lại vấn đề đời tu.
 
Trước tiên là tâm trạng thất vọng. Trong cộng đoàn, tôi có thể chứng kiến những sự hiểu lầm, đố kỵ hoặc ganh tỵ. Điều đó không có chi lạ, vì cộng đoàn của tôi gồm những con người tội lỗi chơ không phải toàn là thánh nhân. Nó vừa là thiên đàng với biết bao ý định cao quý, vừa là một rừng hoang đầy dẫy những thèm khát ích kỷ, những nỗi lo âu và đam mê như tất cả mọi cộng đoàn nhân loại khác đang cần được cứu rỗi.
 
Thái độ tự biện minh trước những lỗi lầm của tôi, cũng có thể đưa đến một tâm trạng tiêu cực khác. Riêng cá nhân tôi, có thể tôi đã lìa xa con đường tôi đã chọn lúc ban đầu khi dấn thân đáp lại tiếng gọi. Thâm tâm tôi xao xuyến vì cảm thấy thất bại, tội lỗi và tủi hổ. Lương tâm tôi luôn bị cắn rứt và tôi không thể sống mãi như vậy. Vì thế tôi cố gắng đè nén những cảm nghĩ đó bằng cách đưa ra những lý thuyết, những lập luận có tính cách biện giải để minh chứng rằng không phải tôi mà chính cộng đoàn trong đó tôi sống mới là kẻ đáng trách. Người ta dễ là nạn nhân của thái độ tự vệ trên. Mọi hình thức kết đoàn của nhân loại đều mang dấu vết của điều xấu, sự ác và những chuyện mờ ám quỷ quyệt. Đời sống cộng đoàn cũng không tránh được điều đó.
 
Cũng có thể là tôi quá chán ngán óc thiển cận và hời hợt, sự tầm thường và vô nghĩa, ấu trĩ hoặc thái độ buông trôi của một số tu sĩ chung quang tôi. Một lần nữa chúng ta nên nhớ rằng cộng đoàn nào cũng gồm những phần tử xuất thân từ xã hội hiện đại. Mức văn hóa của xã hội này có thể tầm thường và năng tinh thần thực dụng đến nỗi những phần tử do xã hội đó đào tạo nên, mặc dù đầu óc đầy dẫy những tư tưởng triết lý và thần học, vẫn không đủ khả năng vượt ra khỏi mẫu mực của “một đứa tầm thường”. Số nam và nữ tu sĩ giàu sáng kiến, biết nhìn xa, có tâm trí bén nhạy, số người ấy quá ít và sự kiện này cũng có thể thúc đẩy tôi đặt lại vấn đề đời tu. Lẽ dĩ nhiên, lúc đó tôi đang ở trong một tâm trạng tiêu cực, thì điều tôi đặt lại vấn đề không phải là đời tu như chính những truyền thống địa phương khả dĩ gò bó và ngăn cản đời tu phát triển.
 
Hơn thế nữa, những ý kiến đăng trên sách báo lắm lúc cũng là dịp làm cho một số người đặt lại vấn đề đời tu. Những bài đó đôi khi được viết ra lúc tác giả mang nặng tâm trạng tiêu cực, phẫn uất, hoặc viết để tự biện minh, nhất là khi chính họ đã không sống cho xứng hợp với lý tưởng đã chọn, hoặc họ đã gặp một vài đấng bề trên và anh em trong dòng có những thái độ hất hủi khinh dễ. Tâm trạng của tác giả lúc viết thường có ảnh hưởng hơn cả nội dung của bài báo, đoạn sách. Những điều viết ra có thể không làm hại bao nhiêu đến sự bình an của tâm trí tôi; chính phương thức tác giả đã dùng để diễn tả tư tưởng mới đáng sợ. Thái độ căm hờn và tiêu cực của một bài có tính cách thiên vị sẽ ảnh hưởng đến tâm trạng của tôi và có thể làm lệch lạc nhãn quan của tôi. Dưới ảnh hưởng đó, tôi chỉ nhìn thấy khía cạnh không tốt của đời sống cộng đoàn; tôi sẽ đồng hóa những thiếu sót nhất thời của đời sống cộng đoàn với nền tảng và ý nghĩa trường cửu của nó. Vì thế, thật là một điều khôn ngoan nếu trước khi đặt lại vấn đề đời tu và ý nghĩa của nó, tôi thử xem xét tâm trạng nào đã làm nẩy sinh ý nghĩa đó.


Còn tiếp
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc