SUNG MÃN NHÂN CÁCH TRONG ĐỜI TU
Sự thờ phượng và văn hóa
(tiếp theo kỳ trước)
CHƯƠNG II
SỰ THỜ PHƯỢNG VÀ VĂN HÓA
Sự thờ phượng là nguồn phát sinh văn hóa, và nhờ thờ phượng tôi dự phần vào việc khai triển của nhân loại. Lòng thành kính có thể giúp ta thấy ý nghĩa của việc phụng thờ đối với đời sống và văn hóa. Lòng thành kính chưa hẳn là phụng thờ nhưng chỉ mới là bước đầu. Lòng thành kính có thể tràn ngập tôi khi tôi thinh lặng nhìn các tinh tú, lúc tôi trèo lên một ngọn núi, rảo bước dọc theo bờ biển, hoặc nương mình trong cảnh tịch mịch của rừng hoang hay sa mạc. Trước khung cảnh uy nghiêm và tuyệt đẹp đó tôi cảm thấy nhỏ bé; tuy nhiên tôi cảm thấy lạc lõng hoặc bị đe dọa. Tôi thấy được hòa mình theo sự bành trướng của vũ trụ trong không gian. Đời sống của tôi chỉ là một khoảnh khắc ngắn ngủi trong một đại thể liên tục và mênh mông đang bành trướng đến vô tận. Tôi chấp nhận thân phận của tôi một cách khiêm tốn và tôi đã cảm nghiệm được thành kính là gì.
Lòng thành kính là tinh hoa ủa tiến trình nhân bản hóa. Nó phát sinh từ sự ngây ngất linh thiêng mà tôi đã cảm thấy khi hiện diện trước những điều cao cả. Nếu tôi thành kính một điều gì, thì cũng chỉ vì điều đó liên hệ đến huyền nhiệm đã chế ngự tôi trong những giây phút chiêm ngưỡng thầm lặng. Ngoài huyền nhiệm này, tất cả mọi biểu hiện của thực tại sẽ không còn vẻ quang huy và không thể làm tôi cung kính. Lòng thành kính không phải là một bản năng hoặc một thói quen. Trước điều bí ẩn, tôi có thể tự nhiên cảm thấy sợ hãi. Nhưng tôi phải biết tinh luyện sự sợ hãi để biến nó thành lòng kính sợ, bằng cách chấp nhận một thực tại cao cả hơn đang bao bọc tôi như một huyền nhiệm tình yêu và khoan hậu. Lòng thành kính là sự sợ hãi đã được biến đổi và thăng hoa thành sự kính sợ; sự thăng hoa này đã được thực hiện do sự chấp nhận một huyền nhiệm vừa lôi cuốn tôi vừa không cho phép tôi đến gần, vì huyền nhiệm đó vừa tốt đẹp vừa uy nghiêm. Lòng thành kính càng phát triển, tôi càng thấu hiểu những tư tưởng, tình cảm, hoạt động và biểu hiện của tôi. Chính nhờ lòng thành kính hiện hữu trong bản thể tôi, mà mỗi hành động của tôi mới có một ý nghĩa nhân bản sâu xa nhất.
Sự kính sợ sẽ đưa đến sự thờ phượng khi tôi nhận thức được nền tảng của thế giới huyền bí này. Kinh nghiệm này có thể tràn ngập tôi lúc tôi ý thức được rằng chính tôi là căn nguyên của hành động và cảm nghĩ của tôi, và đồng thời tôi lại đang phát sinh từ một huyền nhiệm vượt quá tôi. Một cái gì cao cả hơn tôi mới là nguồn phát huy nhân phẩm, vũ trụ và văn hóa. Những khả hữu cùng giới hạn của tôi trong không gian và thời gian cho tôi thấy rằng phải có một nền tảng phát huy nào khác còn “căn nguyên” và “nhân vị” hơn tôi đến muôn ngàn lần. tôi kinh nghiệm được Đấng Thánh trong tôi và vượt quá tôi là nguồn gốc siêu vũ trụ và siêu nhân vị đã tạo dựng nên tôi, phát sinh bản thể và tư tưởng của tôi. Đối với căn nguyên thần linh đã phát sinh ra bản thân tôi, tôi cảm thấy kính sợ, và đồng thời tôi bị thu hút bởi tình yêu chứa chan đã cho phép tôi được hiện hữu. Sự kính sợ tràn ngập tôi. Trước Ngài tôi cảm thấy mình là hư không. Mầu nhiệm của Ngài thật cao cả, khiến tâm trí say mê và khiếp sợ. Trước mầu nhiệm đó tôi nào đủ sức đứng vững, nếu tôi không biết thêm được rằng Ngài là sự Thiện cao với nhất và là căn nguyên của mọi điều thiện trong tôi, trong nhân loại và trong vũ trụ. Thờ lạy chấp nhận sự phụ thuộc này, vui mừng vì cảm thấy là hư không và Ngài là tất cả. Đó chính là thờ phượng, hình thức cao độ nhất của lòng thành kính.
Cung kính, chớ không phải sợ hãi, là cản bản của văn hóa và tiến trình nhân bản hóa. Tôi tự do duy trì sự kính sợ đối với điều tôi cảm thấy cao trọng hơn tôi. Sự đáp ứng tự nhiên phát sinh từ lòng thành kính, có tính cách tự do, mềm dẻo, đầy năng lực sáng tạo, và do đó nó là nguồn văn hóa sống động. Sự sợ hãi của con người khi đứng trước mối đe dọa, có thể đưa đến những phản ứng thiếu uyển chuyển và tự do. Những phản ứng này gây trở ngại cho việc phát triển văn hóa, bóp nghẹt sáng kiến, làm cho văn hóa trong tôi mất tính cách vui tươi. Tôi không thể chối cãi được rằng sự kính sợ dầu chưa đến sự thờ phượng, cũng đã là một nền tảng văn hóa đáng tin cậy. Nhưng điều đó chỉ đúng khi nào lòng kính sợ của tôi còn bắt nguồn từ sự hiện diện trước Đấng Thánh và còn giữ được khả năng trở thành sự thờ phượng.
Lúc nào tôi từ chối sống trong tư thế trên, tôi có thể lấy một biểu hiện riêng rẽ nào của thiên nhiên hoặc văn hóa để làm nền tảng hoặc mục đích tối thượng và làm như vậy tôi sẽ cản trở sự khai triển khách quan của toàn thể văn hóa. Sự kính sợ khi tách biệt khỏi sự thờ phượng có thể đưa đến sự sùng bái ngẫu tượng. Thí dụ tôi có thể lấy gia đình, nghề nghiệp, xứ sở hoặc quyền lợi của giai cấp hoặc phe nhóm để làm cứu cánh của đời tôi. Thần tượng hóa một giá trị của văn hóa sẽ khiến tôi không còn trung thành với những đòi hỏi khác của công cuộc phát triển nhân loại và vũ trụ. Trái lại, trong mỗi hành động văn hóa và sáng tạo của tôi, tôi sẽ sẵn sàng đáp ứng những đòi hỏi của sự khai triển khách quan, nếu sự cũng kính của tôi đối với văn hóa bắt nguồn từ sự thờ phượng Một Đấng vừa vượt trên văn hóa, vừa khơi động sự phát triển văn hóa và cho mỗi giá trị một địa vị thích ứng. Loại bỏ sự thờ phượng khỏi văn hóa sẽ làm suy giảm lòng cung kính và đồng thời làm suy giảm văn hóa. Sự thờ phượng nuôi dưỡng lòng cung kính đối với văn hóa và bảo đảm sự phát triển văn hóa. Hết thờ phượng sẽ hết cung kính; và sự kiện này có thể đưa chúng ta trở về giai đoạn chỉ lấy sự sợ hãi thô sơ làm phương tiện duy trì trật tự.
Vì vậy, nền tảng sâu xa nhất của văn hóa có thể tìm thấy ở thái độ cung kính và thờ phượng. Nhận định này bao hàm sự kiện mỗi hành động văn hóa không những chỉ có ý nghĩa tác động liên quan đến một sự thay đổi quan sát được, mà còn có một ý nghĩa sâu xa hơn và vượt quá sự thay đổi bên ngoài. Nhờ thờ phượng, sự hiện diện của tôi sẽ trở thành sự kính cẩn tìm hiểu ý nghĩa sâu xa nhất của thực tại, và thái độ này sẽ được biểu lộ bằng sự kính yêu kẻ khác và một lối hiện diện đầy cung kính đối với sự vật. Tôi vươn lên khỏi bức màn những biểu hiện để đạt đến huyền nhiệm của Đấng Thánh được tỏ ra trong mỗi biểu hiện của thực tại. Từ nền tảng của cái linh thiêng tôi thấy kẻ khác hoặc sự vật trồi hiện lên, huy hoàng và độc nhất. Hai khía cạnh trực tiếp và siêu việt của sự vật không mâu thuẫn với nhau. Trái lại, các siêu việt được mặc khải qua cái trực tiếp, và cái trực tiếp lại là cái siêu việt trong trạng thái tiềm thế. Muốn hoàn toàn nhân bản, tôi phải phát triển khả năng khám phá khía cạnh linh thiêng của mọi vật, mặc dù những biểu hiện trực tiếp với những yêu sách của chúng trên tình cảm, thời gian và năng lực của tôi, có thể lướt thắng tôi hoặc làm cho tôi nên mù quáng.
Cho đến đây, tôi chỉ mới xét đến ý nghĩa căn bản nhất diễn tả qua những hành động văn hóa của tôi, và đó là lòng thành kính và sự thờ phượng. Những hành động của tôi càng trở nên nhận biết, tôi lại càng có thể diễn tả thái độ của tôi đối với những ý nghĩa khác nữa. Những ý nghĩa này có thể là ý nghĩa diễn tả những giá trị xã hội hoặc mỹ thuật. Không lý luận dài dòng, tôi có thể đưa ra để làm thí dụ cả một tập thể giá trị thường có trong việc ăn uống, một cử chỉ đã đạt được một ý nghĩa văn hóa cao độ. Tôi sẽ đi từ những ý nghĩa tầm thường eo hẹp, để lên đến những ý nghĩa cao và bao quát hơn. Những giá trị cao hơn sẽ thấm nhuần và nâng cao những giá trị thấp hơn, chứ không loại bỏ những giá trị này.
Việc ăn uống là một cử chỉ đặc biệt có mục đích “làm cho đầy” và ý nghĩa đầu tiên của nó là thỏa mãn một nhu cầu. Việc ăn uống đương nhiên phải thỏa mãn nhu cầu của tôi về di dưỡng. Những giá trị giao tế và thẩm mỹ diễn tả qua cách tôi ăn uống, chỉ nên nâng cao chớ không được loại bỏ ý nghĩa nuôi sống của bữa cơm. Nếu vì quá chú trọng đến những lễ nghi và kiểu cách, tôi rời bàn ăn mà bụng vẫn còn đói thì tôi sẽ thiếu quân bình về mặt văn hóa.
Giá trị thứ nhất cao hơn việc thỏa mãn nhu cầu là sự thể hiện bản ngã. Là người có văn hóa, tôi tiêu thụ loại và số lượng thực phẩm thích hợp với việc thể hiện một cái “tôi” cao hơn. Đôi khi tôi có thể nhịn ăn để giúp tâm linh tôi thể hiện. Một ý nghĩa khác là dự phần vào việc khai triển của nhân loại và vũ trụ. Là người, tôi không sống, tăng trưởng và hành động biệt lập; luôn luôn tôi phải nghĩ đến tha nhân. Thực hành những cử chỉ tao nhã ở bàn ăn, không những chỉ có lợi cho tôi hoặc cho người đối diện tôi, nhưng còn có lợi cho cả nhân loại vì cách ăn uống phản nhân bản làm suy giảm những năng lực nhân bản hóa trong thế giới, và làm suy yếu những quy ước tốt đẹp mà nhân loại đã dùng để diễn tả những năng lực đó. Điều trên đây cũng đúng với giá trị thẩm mỹ của việc ăn uống vì chính văn hóa đã thể hiện và khuyến khích giá trị đó. Nhân loại đã phát sinh vô số cách thức trong việc sắp xếp cũng như trong cách dọn những món ăn sao cho một bữa ăn có vẻ thẩm mỹ. Tôi còn có thể diễn tả một thái độ và giá trị khác qua cách tạ ơn trước và sau bữa ăn. Làm như thế, tôi biểu lộ sự phụ thuộc của tôi đối với Đấng đã ban cho tôi được hiện hữu. Bây giờ tôi mới thực sự đạt đến giá trị cao nhất của hành động văn hóa và đó là sự thờ phượng. Như vậy những giá trị gắn liền với việc nuôi sống bao hàm tiến trình đi từ giá trị thấp đến giá trị cao hơn. Nếu mỗi người khi dự phần vào văn hóa có thể diễn tả những giá trị và ý nghĩa đúng theo một hệ thống đẳng cấp hợp lý, thì văn hóa lúc đó thật có giá trị nhân bản hóa và thánh hóa.
Tiến trình nhân bản hóa đáng lý phải theo một đà phát triển êm thắm và liên tục; nhưng nó luôn bị gián đoạn bởi những yếu tố làm ngưng trệ và hơn nữa có thể đảo ngược hoặc làm lệch lạc chiều hướng thượng của văn hóa. Hai động lực phá hoại chính là: sự chuyên biệt hóa về chức vụ và bẩm tính ích kỷ của con người.
(còn tiếp)
Trích trong tập sách SUNG MÃN NHÂN CÁCH ĐỜI TU của Adrian Van Kaam, Hồng Quang FSC dịch
Ý kiến bạn đọc