BÍ MẬT
Chúng ta không biết giữ tâm hồn bí mật. Chúng ta không biết rằng những tâm hồn bí mật là những tâm hồn cứng rắn, trầm ngâm, kỹ lưỡng, cao cả, có thể thi hành công việc vĩ đại.
Chân thành đem tâm hồn mình tỏ bày cho kẻ khác trong những trường hợp tối cần vẫn là điều tốt, vẫn là điều phải làm. Ở gia đình con cái nhiều khi phải cho cha mẹ thấu triệt tâm trạng mình, nhất là tới tuổi dậy thì, cái tuổi thường không sáng suốt mấy về đường tinh thần. Bởi thế, trong những trường hợp đặc biệt, chúng phải phô bày cho cha mẹ biết những bí ẩn của tâm hồn để nhờ giải quyết và chỉ cho đường khôn nẻo dại. Trong đời sống siêu nhiên, rất cần sự chỉ dạy của những vị linh hướng. Sự chỉ dạy này sẽ không được ích lợi mỹ mãn nếu ta luôn đóng kín cửa hồn mình. Ở trong lớp học trò không nói, nhất là những học trò yếu thì thường tiến bộ rất chậm.
Vậy có thể nói trong xã hội, nhiều trường hợp ta cần phải biểu lộ tâm sự để mưu cầu ích lợi tối cần nào đó. Nhưng ta dường như vô ý hiểu rằng bộc bạch tâm trạng cho những người nhất định, trong những trường hợp nhất định, có nghĩa là quá trống trải. Có lẽ bạn đã từng quan sát chợ đời, có lắm con người lòng quá nhiều cửa sổ: họ không thể giữ điều bí mật được trong mình. Biết cái gì, có ý kiến chi, thì họ nóng lòng, đùng đùng đi tìm kẻ khác để nói ra. Thứ nhất là trong những khi họ được tin lạ hay trù tính công việc mà họ thấy ích lợi nhiều. Những hạng người ấy, thưa bạn, gồm kẻ xung quanh ta, lẫn tôi và bạn. Bao phen ta mở cửa lòng một cách vô lý và nguy hiểm. Có một ý kiến gì, một tin tức nào là chúng ta vô cớ đem nói với người khác. Người khác ấy phải là những người tốt cho cam. Đa số là những người thiếu hẳn là đức cẩn ngôn. Thử hồi tâm một chút, ta sẽ thấy có lắm lúc trong cuộc xã giao, chỉ tại quá trống miệng, chỉ vì thiếu khôn ngoan, thiếu dè dặt mà ta đem những điều rất nhiệm kín của kẻ khác giao phó, nói ra cho kẻ khác mà không vì lý do nào hệ trọng cả. Rồi xét sâu chút nữa, ta cũng biết bao lần đem nói ra ý tưởng của ta, chương trình hành động, những phương pháp, phương thế của ta cho nhiều kẻ nghe. Những kẻ nghe này phần nhiều là hạng người lạnh nhạt đối với ta, có khi là kẻ nghịch của ta nữa. Ta nói ra có ích gì. Tôi có thể nói trăm ngàn ví dụ khác để cho tôi và bạn hiểu rằng trong đời sống đã qua chúng ta dại quá. Chúng ta không biết giữ tâm hồn bí mật. Chúng ta không biết rằng những tâm hồn bí mật là những tâm hồn cứng rắn, trầm ngâm, kỹ lưỡng, cao cả, có thể thi hành công việc vĩ đại. Chúng ta cũng không biết rằng những lần chúng ta đem tâm sự, ý nghĩ của mình biểu lộ cho những kẻ không xứng đáng, không cần thiết là những lần ta làm hại đời ta thôi. Ta hại ta có nhiều cách. Ta sẽ làm cho tâm hồn bạc nhược. Ta biết hay không rằng trong xã hội kẻ nghe ta có nhiều hạng, kẻ nghe bên ngoài tỏ ra thương hại ta mà bên trong khinh rẻ ta, cười nhạo ta. Còn kẻ khác tinh quái hơn nghe ta để hại ta. Hạng người này có thể hoặc làm thinh hoặc vui cười khi ta nói. Những lúc ấy họ quan sát ta, chăm chú nghe ta rồi trù mưu hại ta. Bạn ơi, không phải vì tôi quá bi quan mà nói với bạn như thế. Bề trái của cuộc đời phũ phàng là như vậy. Bạn tưởng trần gian ai cũng như mình hết sao? Ai cũng là tri âm của ta cả sao? Kinh nghiệm hằng ngày do những cuộc thất bại liên tiếp bởi mở cửa lòng không dè dặt, cho ta biết rằng ở đời ta phải hết sức thận trọng trong việc bày tỏ tâm sự. Bạn nên đồng ý với tôi về điều đó. Từ này đến sau bạn trù định thi hành một lý tưởng nào, bạn có những nổi lòng làm sao, bạn hãy nên giữ bí mật, muốn bộc lộ chỉ bộc lộ cho người tri âm. Nhờ bí mật, tâm hồn cứng rắn hơn, khỏi hao tốn khí lực vô ích khi bày tỏ những ước vọng hay hối tiếc. Mà cho được bí mật phải làm sao. Thật khó giữ kín tâm hồn khi mình nuôi một lý tưởng, khi bị những tâm tình mãnh liệt chi phối. Tâm hồn ta đòi một lối thoát để bạch giải tâm sự. Trước sức lôi kéo ấy, bạn hãy dùng ý chí. Hãy cương quyết đè nén nhu cầu bộc lộ tâm sự của mình. Thay vì đem giải bày cùng kẻ khác ước vọng hay nỗi lòng, bạn hãy nghiền ngẫm lý tưởng, trù hoạch phương pháp, phương thế để chờ cơ hội thi hành. Còn những tâm tình có lợi gì mà quảng cáo? Gặp cô đơn vây hãm, ta chịu đựng, gặp đau khổ ta can đảm nếm chén đắng mà không than van. Than thở hay diễn lộ những nỗi niềm riêng tư là việc người đời thích làm. Nhưng đâu phải những gì người đời thường làm là ta làm, hãy xét xem có lý đủ để làm hay không. Ta thấy thường sinh hại mà không mấy khi sinh lợi thì tốt hơn hãy giữ bí mật. Ở đây tôi không khuyên bạn chủ trương thuyết khắc kỷ pha màu sắc kiêu căng của Zénon mà tín đồ gương mẫu là Alfred de Vigny trong bài “Con Sói”. Tôi không muốn bạn tin cậy sức người quá lố mà coi rẻ sự cầu cứu một quyền lực siêu nhiên. Trong vườn Gietsemani mấy thể kỷ qua, đã có một vĩ nhân than thở lúc đau khổ. Những hạn người khác không hơn gì vĩ nhân ấy. Ta cũng có quyền rên than khi ta đau khổ. Ta có quyền chạy đến một kẻ an ủi hay một quyền lực nào có thể bổ ích cho quyền lợi ta. Thế nên tôi không bảo bạn làm “Thiên Thần” mà cứ cắn răng yên lặng trước sức giày xéo của khổ sầu. Điều tôi mong xin bạn là trước những nghịch cảnh, uất ức, đau buồn, nếu thấy rằng kêu van không đem lại ích lợi gì cho bạn hay cho người xung quanh, thì tốt hơn là làm thinh. Hãy làm thinh chịu một mình. Dùng ý chí và tinh thần lạc quan mà thắng đau khổ. Đừng phung phí hơi sức, khí lực vô ích mà đem tâm sự bàn bạc bất luận với ai. Trống miệng là dấu hiệu bạc nhược về đường tinh thần. Khi mình than thở như vậy, con người của mình nhượng bộ sự tấn công của đau khổ. Đồng thời mình mở cửa lòng cách vô lý cho người hàng xóm lẻn vào, vào để làm hại thôi. Thường thường bạn thấy người xung quanh miệng tía lia chỉ vì không can đảm chịu đựng những khổ đau để hy sinh cho một lý tưởng nào. Hơn nữa họ già hàm tại không cầm cương nổi con người họ khi ước ao một điều gì. Trong mình có chi là họ đem tuông nó ra cho thiên hạ biết. Bạn tưởng có mấy kẻ nghe để khen họ, tìm phương pháp hay để cứu vớt họ. Không phải bi quan, chớ ở đời hiếm kẻ hảo tâm lắm. Ta thấy đa số người nghe vì tọc mạch. Kiểm điểm đời mình, ta thấy chứng tự ti là nguyên nhân gây yếu đuối trong tâm hồn. Vì nó chúng ta thấy mình thất thế, bất tài, vô duyên, khốn nạn. Rồi từ trong tâm tình, tư tưởng đến những lời nói cử chỉ, thái độ, hành vi ta tỏ ra bất lực. Ta thấy không thể hay không bao giờ đáng được ca tụng. Bao nhiêu mộng thành công của ta ở tương lai cũng bị tàn úa vì tâm tình bạc nhược này. Trên đường đời ta thất bại liên tiếp. Có nhiều trường hợp, nếu ta có chút tự tin là ta sẽ làm nên việc. Nếu suy nghĩ kỹ ta thấy bệnh khinh mình là một bệnh vô cùng tai hại để ta làm người đàng hoàng. Tuy nhân vô thập toàn, ta không có đầy đủ những tài năng như nhiều người xung quanh. Nhưng Tạo Hóa đều cho từng cá nhân, những tài đặc biệt. Bạn có thể dám quả quyết với tôi rằng bạn bất tài về mọi phương diện không. Nếu không dối lương tâm thì bạn sẽ thấy rằng bạn có nhiều khả năng mà lắm người khác không có. Hồi mấy năm về trước tôi có thành kiến rằng tài năng trời chỉ để riêng cho một số người. Vì đó tôi đâm ra khinh rẻ mình, khinh rẻ người, những người mà tôi xem mặt ngoài không có gì đặc sắc. Nhưng dần dần khôn lớn, nhờ kinh nghiệm tôi nhận thấy rằng nếu không làm được ngôi sao thì cũng làm được ngọn đèn, rằng nhiều kẻ mình khinh kỳ thực rất xuất chúng về tài đức. Ai cũng có cái hay nào đó có thể làm ích cho xã hội. Ngoài những cái hay ấy ra, nếu cương quyết cố gắng, sáng suốt tìm mọi phương thế, phương pháp thì những việc thông thường kẻ khác thành công, ta cũng thành công chút ít. Những người dùng một giờ, một ngày, chúng ta nếu có tệ, thì dùng mười giờ, mười ngày, rồi rùa cũng kịp thỏ. Nói vậy tôi và bạn không huyênh hoang với óc tự phụ. Ở đời có những công việc người khác làm được mà ta làm không được. Đó là những vĩ công của những kỳ tài siêu quần nhờ thời thế, phương tiện đặc biệt. Chúng ta nếu không có những điều kiện này thì khó làm nên như họ. Song điều tôi muốn nói là ta đừng khinh mình thái quá trong những công việc thông thường. Hãy tin tưởng ở khả năng tư biệt của mình: hãy cương quyết cố gắng, hãy tự nói “ông kia bà nọ được, tôi sao không”. Như thế sẽ gây trong tâm hồn ta dũng khí cần thiết đắc lực trên đường đời. Mà để được, không phải ta muốn tự tin thôi là đủ. Còn phải thực tập. Hãy khởi sự bằng những công việc nhỏ nhặt thường ngày. Qua một cây cầu khó đi, nếu con sông sâu và nếu ta đã lội qua thì nên nương cậy ai đó để đi qua. Còn nếu không có những trở lực này mà ta chỉ sợ sệt, rụt rè vì nhát đảm tự nhiên, thì dùng ý chí đanh thép lướt thắng nó và trầm tĩnh, can đảm đi qua cầu như đi trên đất liền. Té chăng? Té thì lội lên. Mạo hiểm thêm cường chí và tài ba. Ở giữa xã hội khi nào phải nói một vấn đề gì, ta suy nghĩ trước, cần đo tài đức rồi thấy có thể thành công được thì nói với tự tin. Lúc phải tranh đấu vì chính nghĩa, hay cần cho kẻ khác biết năng lực của mình vì một lợi ích chính đáng nào, thì cứ tin tưởng nơi mình mà thi hành. Những tâm tình thấy mình bé yếu, bất lực, thất bại, thất vọng hãy chế ngự ngay từ lúc chúng mới nổi dậy. Mỗi ngày từ những công việc nhỏ mọn bạn tập thế ấy, thì trong một thời gian không lâu, bạn sẽ có đà tự tin. Nó quý giá và cần thiết để bạn xây dựng giá trị đời mình. Tôi đã nói vấn đề này không chỉ muốn là được mà phải thực tập. Vì tự tin là động tác vừa thuộc tinh thần vừa do tập quán. Tính tự nhiên con người tự ái mà cũng tự khinh và tôn thờ kẻ khác. Mâu thuẫn tâm lý ấy phải được bài trừ bởi óc tự tin. Nhờ tự tin ta bình tĩnh thực hiện các điều ta cho là phải. Do đó ta không còn sợ những điều không đáng sợ mà đem tâm sự bộc bạch cách trẻ con cho kẻ này người nọ. Ta bí mật, con người ta cường dũng mà xã hội cũng tin tưởng nơi ta. Ta đáng cho thượng cấp giao việc lớn, người đồng cấp nể trọng và hạ cấp ủy thác nổi lòng. Bí mật sáng suốt là phương châm xử thế của con người bản lĩnh vậy.
Qui tắc thực hành: Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói.
Trích trong tập sách NGƯỜI DỄ THƯƠNG của Hoàng Xuân Việt
Ý kiến bạn đọc