banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

Những nẻo đường thinh lặng 3

Đăng lúc: Thứ năm - 29/03/2018 03:41 - Người đăng bài viết: menthanhgia
Những nẻo đường thinh lặng 3

Những nẻo đường thinh lặng 3

Thinh lặng là vị thầy dạy ta biết lắng nghe. Lắng nghe tiếng nhạc của tạo vật, hầu nắm bắt được sự hài hòa thầm kín. Lắng nghe lòng mình, lương tri mình để biết rõ mình và định hướng cho cuộc đời. Lắng nghe loài người để làm cho mình phong phú nhờ sự khác biệt và để yêu thương họ hơn. Lắng nghe tiếng Chúa, tiếng của Người trong nội tâm ta, Thần Khí của Người đang nói trong lòng ta để trao ban Sự Sống.

Tiếng nhạc của thinh lặng

Những triết gia cổ đại giải thích rằng sở dĩ “gương mặt trẻ sơ sinh rạng rỡ” là vì chúng vẫn còn nghe âm vang tiếng nhạc thiên thượng của không gian vũ trụ mà linh hồn nó vừa đi qua. Các Giáo Phụ đã viết rằng con người, cấu trúc vi mô của vũ trụ được tạo dựng, có thể nghe được trong sự thinh lặng của tâm hồn mình tiếng nhạc du dương của toàn thể công trình sáng tạo. Và trường phái hội họa tượng trưng truyền thống đã vẽ các phẩm thiên thần nhạc sĩ đang hòa tấu, giữa đất trời, một bản nhạc khe khẽ và vĩnh cửu. Điều này cũng muốn nói rằng vũ trụ là một bản giao hưởng vĩ đại mà mọi tạo vật, sống động hoặc vô tri, đều tấu lên bè của mình để tôn vinh Đấng Tạo Dựng.

Quả thực, sự im lặng tuyệt đối thì hủy hoại con người. Muốn đáp ứng cho con người, sự im lặng phải được dệt bằng những tiếng động nhỏ nhẹ, mà khi lần lượt hay đồng loạt nổi lên, chúng trở thành một bản nhạc êm dịu và du dương. Giai đoạn đầu tiên để học thinh lặng thường là học lại cách thuần phục một ngàn lẽ một nốt nhạc kia, những nốt nhạc làm nên bản nhạc của im lặng.

Thinh lặng là một trường giáo dục, hay đúng hơn tái giáo dục khả năng chú ý của chúng ta, để mình biết lắng nghe tiếng nhạc của công trình tạo dựng. Con người không còn có thể đương nhiên chú ý đến vật thể và hữu thể, mà họ cần học cách để cho chúng hiện hữu trước khi muốn giải thích hoặc sử dụng chúng. Ngắm nhìn và lắng nghe một cái cây, một đóa hoa, một viên đá, để cho sự vật tỏ mình trong thinh lặng, để chúng nói. Đón nhận chứ không chiếm đoạt.

Dù không nhất thiết phải là triết gia hay thi sĩ, thì có ai đã chẳng từng được nghe tiếng nhạc của thinh lặng? Im lặng của các ngọn núi tuyết phủ, im lặng của hoàng hôn, thậm chí im lặng của sóng biển đang gầm thét.
Cần phải bắt đầu dành thời giờ để dừng lại. Thời giờ để tẩy rửa tai mình như giải độc cho một cơn nghiện:
Lắng nghe tiếng thở than của gió, tiếng tí tách của lửa, tiếng ca của ve hay chim, tiếng róc rách của suối, những tiếng quen thuộc trong làng hay trong nhà. Những tiếng ấy không phá vỡ im lặng mà dệt thành thinh lặng. Chỉ có tiếng ồn hung hãn mới phá vỡ im lặng.

Lắng nghe một khúc nhạc như trẻ sơ sinh nghe lần đầu. Không suy nghĩ hay phân tích. Hãy để cho âm thanh, màu sắc của âm thanh thấm vào trong chúng ta.

Ai không còn biết nghe tiếng nhạc của tạo vật, người ấy không biết lắng nghe người khác và lại càng không biết lắng nghe tiếng Chúa.

Sự thinh lặng cũng giống như nốt lặng, giúp ta nghe rõ hơn nốt trước và nốt sau đó. Nó chuẩn bị để giúp ta ân cần hơn với tha nhân, và làm cho những cuộc gặp gỡ có chiều sâu hơn. Thinh lặng là một trường dạy lòng tôn trọng: tôn trọng tạo vật, tôn trọng con người…

Thinh lặng là vị thầy dạy ta biết lắng nghe. Lắng nghe tiếng nhạc của tạo vật, hầu nắm bắt được sự hài hòa thầm kín. Lắng nghe lòng mình, lương tri mình để biết rõ mình và định hướng cho cuộc đời. Lắng nghe loài người để làm cho mình phong phú nhờ sự khác biệt và để yêu thương họ hơn. Lắng nghe tiếng Chúa, tiếng của Người trong nội tâm ta, Thần Khí của Người đang nói trong lòng ta để trao ban Sự Sống.

Lắng nghe, nhưng cũng cảm nhận, đụng chạm tìm lại sự tiếp xúc với vật chất thô. Vò một nắm đất, vuốt một hòn sỏi, đi chân không trên cát, bước trên lá cây thông trong một khu rừng. Tất cả đều có thể trở nên trường dạy ta chú ý, nhạy cảm với tạo vật, với người khác và với chính mình. Giai đoạn thứ nhất mở cửa cho những cấp bậc khác của thinh lặng. 

Trích trong cuốn NHỮNG NẺO ĐƯỜNG THINH LẶNG  của Michel Hubaut
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc