TRÁCH NHIỆM
“Một trong những cây thước để đo giá trị thật của con người là tinh thần trách nhiệm”
“Một trong những cây thước để đo giá trị thật của con người là tinh thần trách nhiệm”.
Eccléprosia
Tinh thần bạc nhược không dám chịu nhận lỗi của mình và đổ lỗi cho người, tôi nghĩ mỗi người trong chúng ta đều có ngay từ lúc tuổi còn măng. Đứa bé cầm bát cơm đi ngang qua ngạch cửa, mặt vác lên trời, vấp té và chén cơm đổ… Bà mẹ chạy lại chưa kịp nói gì thì đã la lên: tại nghạch cửa đó. Đã biết bao xuân xanh chúng ta đã làm giống em bé này. Chúng ta có lỗi lầm chi trong gia đình cha mẹ, anh chị hỏi là chúng ta chối ngay. Hay nếu chịu thì cũng với sự đổ thừa vì kẻ này vật nọ. Không mấy khi chúng ta chân thành, can đảm bảo rằng tại ta làm lỗi. Lúc lớn lên đi học chúng ta bạc nhược chối lỗi trước mặt thầy cô, bạn bè. Rồi khi bước chân ra cuộc đời, bệnh trốn tránh trách nhiệm ấy ngày nay càng thâm căn trong cốt tủy ta. Chẳng những chúng ta chối lỗi, đổ thừa người nầy vật nọ xung quanh ta, mà ta còn hồ nghi, bối rối, nghi ngờ người này người nọ thấy hay nghe hành vi, lời nói khả trách của ta nữa. Bạn xét mình lại coi. Chúng ta nhiều phen có những tình ý như thế. Chúng ta thấy mình không đủ sức để gánh lấy trách nhiệm, ghê sợ tai nạn, tìm cách minh oan cho mình, cắt nghĩa cách nầy cách nọ để yên lương tâm. Ta nói đủ thứ nguyên cớ, trừ cá nhân mình. Làm vậy, tâm hồn ta như giải thoát được một áp lực tâm lý nặng nề, khó chịu. Ta không đủ nghị lực chịu đựng sự giày xéo của lương tâm, của dư luận búa rìu chung quanh. Ta hết tin tưởng nơi mình. Thế rồi ta đi ăn mày sự thông cảm, sự thương hại, sự khen ngợi của kẻ khác. Bao nhiêu dũng khí của ta đem đổ ụp dưới chân người chung quanh mà ta tìm đến để bộc bạch tâm sự, để đổ thừa, để minh oan. Dám chắc không lúc nào ở đời ta khiếp nhược bằng những lần ta làm như vậy. Việc ấy đã đành mua lấy sự cười chê của thiên hạ mà còn khiến tâm hồn ta đê mạt. Hãy tiêu diệt tinh thần trốn trách nhiệm trong ta. Không phải ở đời là tìm trách nhiệm. Nhưng tự nhiên ham trách nhiệm, ham gánh vác khổ đau một mình và nếu trách nhiệm có đến cứ bình tĩnh mà đón lấy. Phải. Lãnh trách nhiệm thì thường gặp tai nạn. Nhưng ở đời nhiều khi phải đứng mũi chịu sào vì nghĩa cả. Lãnh trách nhiệm còn là cách thi hành lý tưởng nữa. Con người dám chịu trách nhiệm là con người tin tưởng ở năng lực hành động của mình để thành công, là con người muốn cái gì thì làm như đinh đóng song vẫn dẻo dai, tùy người, tùy lúc, tùy nơi mà đạt chí. Con người dám lãnh trách nhiệm cũng là con người lãnh đạo. Họ không có thái độ ỷ lại kẻ khác hay có tâm hồn bạc nhược sợ hãi những kết quả tàn khốc của lời minh nói việc mình làm. Họ không xúi người nhỏ làm thế họ những việc làm mà họ cảm thấy khó khăn. Họ cũng không tỏ ra quá khuất phục quyền của kẻ trên để lấn áp quyền lợi của kẻ dưới. Họ dám đảm đương công việc nguy khốn cho kẻ dưới quyền họ. Những lỗi lầm nào mà kẻ dưới làm, sinh kết quả nguy khốn, nếu lãnh trách nhiệm được, họ vẫn điềm tĩnh làm thay. Họ là con người gan lì trước đau khổ. Tôi muốn trên đường đời bạn như họ vậy. Nếu bạn muốn có chí muốn làm cho đời mình có một ý nghĩa nhất định bạn phải tập tinh thần trách nhiệm. Làm sao bạn có công trước mặt Thượng Đế nếu bạn nói hay làm những điều không phải tự ý và không được bảo lãnh. Công nghiệp của bạn lớn hay nhỏ rất tùy thuộc ở chỗ bạn có can đảm nhiều hay ít lúc mình nói năng hay hành động. Sau hết lãnh trách nhiệm còn là phương cách cho bạn rèn luyện nhân cách. Bạn tỏ cho người chung quanh biết bạn có tinh thần tự trọng, tự tin, tự cường. Nhờ nhiều lần lãnh trách nhiệm bạn thấy mình dũng mãnh. Và sự dũng mãnh ấy ảnh hưởng trên toàn cuộc sống.
Quy tắc thực hành: Không tìm trách nhiệm mà khi nó đến, ta đón nhận nó mặt mỉm cười.
Trích trong tập sách NGƯỜI DỄ THƯƠNG của Hoàng Xuân Việt
Ý kiến bạn đọc