Có một thực trạng của con người mà chúng ta luôn phải ý thức: đó là con người muốn sống mãi mãi, nhưng thực tế là con người rồi phải chết…
Nhưng Thiên Chúa đã mặc khải cho ta thấy chính Người là chúa tể của sự sống và sự chết. Người đã dựng nên loài người, để loài người sống đời đời với Người trong tình yêu. Chính vì thế mà con người luôn luôn mang trong mình khát vọng được sống vĩnh hằng. Nhưng loài người đã bất tuân mệnh lệnh của Thiên Chúa, nên đã tạo ra cho mình cái chết: cái chết của thể xác và nhất là cái chết của linh hồn, tức là tình trạng mất ơn nghĩa với Thiên Chúa. Vì thế cho dẫu có đủ cơm ăn áo mặc, con người cứ khắc khoải suốt đời đi tìm sự sống bất diệt, sự sống trong tình yêu chân thật.
Vì muốn lôi kéo con người ra khỏi cái chết, Thiên Chúa đã hứa qua miệng ngôn sứ Ê-dê-ki-en những điều hệ trọng mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc I: “Này Ta sẽ mở cửa mồ các ngươi; Ta sẽ đem các ngươi lên khỏi mồ, hỡi dân Ta” (Ed 37,12). Lời hứa ấy đã được thực hiện dần dần trong lịch sử cứu độ, trên ba bình diện.
1. Trước hết trên bình diện quốc gia Ít-ra-en:
Vào thời ngôn sứ Ê-dê-ki-en, tức là thế kỷ 6 trước công nguyên, dân Ít-ra-en phải đi lưu đày, làm nô lệ cho đế quốc Ba-bi-lon. Đối với Ít-ra-en đó là một cái chết, bởi vì không còn quốc gia nữa, không còn đền thờ nữa, không còn các nghi lễ tôn giáo nữa. Ba-bi-lon được xem là mồ chôn của Ít-ra-en. Nhưng khi ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã tiên báo, thì ít lâu sau, vào năm 538, Thiên Chúa đã cho Ít-ra-en được hồi hương, quốc gia được phục hưng. Cuộc phục hưng này của đất nước được ví như một cuộc phục sinh và dân Ít-ra-en đã được toại nguyện. Nhưng Thiên Chúa còn đi xa hơn điều mà Ít-ra-en mong đợi nhiều. Điều mà Người thực hiện đó mới chỉ là hình bóng cho những gì mà Người sẽ thực hiện sau này.
2.Thật vậy, Thiên Chúa còn thực hiện lời hứa của Người theo nghĩa đen, trên bình diện thể xác: bài Tin mừng hôm nay là một bằng chứng. Đức Giê-su, Con Thiên Chúa, đã làm phép lạ cho ông La-da-rô sống lại. Qua phép lạ này Ngài biểu lộ quyền năng tuyệt đối của Ngài trên sự chết. Ngài có thể làm cho người chết sống lại một cách dễ dàng như người ta đánh thức một người đang ngủ chỗi dậy. Trong bài Tin mừng này, chúng ta hãy chú ý tới vài chi tiết trong thái độ của Đức Giê-su:
Thứ nhất là, khi được nghe La-da-rô đau nặng, Đức Giê-su chưa ra đi liền, mà còn ở lại nơi Ngài đang ở hai ngày nữa (Ga 11,5). Khi Ngài cùng các môn đệ tới Bê-ta-ni-a, thì La-da-rô đã chết được 4 ngày rồi: xác ông đã thối rồi. Hai người chị của người chết là Mát-ta và Ma-ri-a đều lấy làm tiếc là Chúa tới trễ quá: “Lạy Thầy, nếu Thầy đã có ở đây, thì em con đã không chết”. Nhưng đối với Đức Giê-su, La-da-rô có chết thật rồi thì phép lạ Ngài làm mới rạng rỡ, và Ngài mới có dịp tôn vinh Thiên Chúa. Vì thế, việc Ngài đến trễ đó là một chủ ý, và chủ ý ấy là biểu dương quyền năng của Chúa Cha.
Chi tiết quan trọng thứ hai đáng cho chúng ta lưu ý là Đức Giê-su đã “thổn thức trong lòng và xao xuyến”. Thánh Gio-an nhắc tới chi tiết ấy 2 lần (11,33.38) và còn nói thêm là Ngài đã khóc (11,35). Ngài khóc không phải vì La-da-rô đã chết, nhưng vì thấy bạn hữu của Ngài đang đau khổ. Câu 33 nói rất rõ: “Thấy cô (tức Ma-ri-a) khóc, và nhưng người Do thái đi với cô cũng khóc, Đức Giê-su thổn thức trong lòng và xao xuyến”. Như ta thấy đó, quyền năng của Đức Giê-su không làm cho Ngài giảm mất nhân tính. Ngài vẫn luôn luôn gần gũi với loài người và không bao giờ tỏ ra lãnh đạm trước những đau khổ của họ.
Sau hết, đối với Đức Giê-su, sự sống hiện tại của thể xác không quan trọng bằng sự phục sinh, tức là đời sống mới của con người trong Thiên Chúa. Vì thế phép lạ cho La-da-rô sống lại là một dịp để Đức Giê-su tuyên bố với Mát-ta và các môn đệ đang theo Người: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (11,25-26).
3. Trên bình diện tâm linh:
Như thế, chúng ta tiến tới bình diện thứ ba, tức là bình diện tâm linh. Đối với Thiên Chúa, bình diện chính trị, xã hội và bình diện thể xác chỉ là những giai đoạn đưa con người tới bình diện thứ ba này là bình diện chính yếu trong chương trình cứu độ. Thực vậy, Đức Giê-su đã sống lại và Ngài ban cho những ai tin vào Ngài sự sống mới, nhờ sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn họ. Thánh Thần sẽ biến đổi họ, làm cho họ trở nên công chính và trở nên những người con của Chúa Cha. Đó là điều mà thánh Phao-lô khẳng định trong thư gửi tín hữu Rô-ma: “Nếu Đức Kitô ngự trong anh em, thì dù anh em phải chết vì tội đã phạm, Thánh Thần cũng sẽ ban cho anh em được sống, vì anh em đã được nên công chính” (Rm 8,10)
Anh chị em thân mến,
Các bài đọc Lời Chúa hôm nay gợi lên cho chúng ta nhiều nhận thức cụ thể giúp chúng ta sống đời Kitô hữu hằng ngày:
- Trước hết, chúng ta có cảm tưởng sự sống của thể xác là đích thực và thường gán cho nó một tầm quan trọng quá mức. Nên chúng ta thường quá lo lắng tới sự yên ổn vật chất, tới sự trường thọ của thân xác. Đối với Thiên Chúa, sự sống của linh hồn, sự sống đời đời, sự sống trong tình nghĩa với Người mới thật là cơ bản. Vậy chúng ta hãy nghe lời Chúa Giê-su khuyên bảo: “Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa, mọi sự khác sẽ được ban thêm sau”.
- Thứ đến, Đức Giê-su không lãnh đạm với những vất vả và đau khổ của chúng ta. Ngài đã khóc thương trước nỗi đau buồn của hai chị em và các bạn hữu của La-da-rô, thì Ngài cũng rất gân gũi và thông cảm với những nỗi đau khổ của chúng ta. Chúng ta có cảm tưởng là Ngài thường đến quá trễ, nhưng thực ra Ngài đến đúng giờ của Ngài để cứu giúp chúng ta và để tôn vinh Chúa Cha.
- Sau cùng, chúng ta hãy noi gương chị Mát-ta tuyên xưng mạnh mẽ vào Đức Giê-su: “Thưa Thầy, con tin Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến trong thế gian”. Và chúng ta hãy xin Ngài, hiện diện trong bí tích Thánh Thể, củng cố đức tin chúng ta và giúp chúng ta sống phù hợp với sự hướng dẫn của Thánh Thần Ngài. Amen.
Ý kiến bạn đọc