banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

ĐẾN, XEM VÀ Ở LẠI

Đăng lúc: Thứ sáu - 15/01/2021 19:03 - Người đăng bài viết: menthanhgia
ĐẾN, XEM VÀ Ở LẠI

ĐẾN, XEM VÀ Ở LẠI

Suy niệm Phúc Âm Chúa Nhật 2 thường niên năm B: Ga 1,35-42

Các Tin Mừng Nhất Lãm đều kể chuyện Đức Giêsu
gọi bốn môn đệ đầu tiên, gồm hai cặp anh em ruột.
Để đáp lại, họ phải bỏ nghề đánh cá, bỏ lưới và thuyền,
bỏ cha mẹ, bỏ gia đình thân yêu.
Đó là những điều cao quý và thân thương đối với họ.
Họ chấp nhận bỏ để theo Đức Giêsu,
bước vào cuộc sống mới, bấp bênh hơn, phiêu lưu hơn.
Bài Tin Mừng hôm nay cũng kể chuyện Đức Giêsu
gọi các môn đệ đầu tiên (Ga 1,35-51).
Không thấy nói đến chuyện họ bỏ gia đình hay nghề nghiệp,
nhưng hai môn đệ đầu tiên đã phải bỏ một điều khác.
Họ đã bỏ vị thầy cũ của họ là Gioan Tẩy giả
để đi theo vị thầy mới là Đức Giêsu.
 
Con đường đến với Thầy Giêsu gồm nhiều bước.
Các bước này xâu thành một chuỗi, gắn kết với nhau.
Bước trước chuẩn bị cho bước sau.
Bước sau lại chuẩn bị cho bước kế tiếp.
Lỡ một bước là làm hỏng cả hành trình,
vì mỗi bước đều có tầm quan trọng như nhau.
Hai môn đệ của Gioan Tẩy giả đã mở lòng để dấn bước.
Và Đức Giêsu cũng mở lòng để mời gọi hai ông.
 
Như một sự tình cờ, Đức Giêsu đi ngang qua chỗ Gioan
và hai môn đệ của ông đang đứng.
Bước một bắt đầu bằng lời giới thiệu của Gioan.
Lời này không dễ hiểu: “Đây là Chiên Thiên Chúa” (Ga 1,36).
Trước đây Gioan đã từng làm chứng: “Đây là Chiên Thiên Chúa,
đây Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1,29).
Dù chưa hiểu tại sao thầy mình gọi vị này là Chiên Thiên Chúa,
nhưng hai môn đệ vẫn nghe và tin vào lời của thầy.
Họ đã đáp lại bằng hành động đi theo Đức Giêsu: đó là bước hai.
Đi theo có thể coi là bắt đầu hành trình làm môn đệ.
Đức Giêsu đi trước, hai môn đệ đi sau (Ga 1,37).
Không rõ họ đi như vậy bao lâu, chẳng ai nói một câu.
Hai ông ngần ngại, nhút nhát không dám lên tiếng trước.
Đức Giêsu có biết rằng hai người này đang đi theo mình không,
hay đơn giản chỉ là tình cờ đi chung đường?
Có. Ngài biết rõ hai ông cố ý đi theo mình.
Và Ngài đã quay lại, đã nói câu nói đầu tiên: “Các anh tìm gì?”
Đây là bước thứ ba, bước của Đức Giêsu (Ga 1,38).
Các anh theo tôi để tìm gì? Các anh nghĩ tôi có thể cho cái gì?
Câu hỏi của Đức Giêsu bắt người ta đi vào lòng mình
để nhận ra đâu là khao khát sâu thẳm của trái tim.
 
Đức Giêsu đã mở lời, bắt đầu cuộc đối thoại.
Câu hỏi của Ngài đã được trả lời bằng một câu hỏi khác:
“Thưa Rabbi, Thầy ở đâu?” (Ga 1,38):
đó là bước thứ tư, biểu lộ lòng khao khát.
Chúng con muốn biết nhà của Thầy, muốn thăm nhà Thầy.
Muốn biết nhà Thầy vì chúng con muốn biết chính Thầy.
Muốn biết rõ một người thì chỉ mong đến nhà người ấy.
“Các anh hãy đến mà xem”: đó là bước thứ năm (Ga 1,39).
Lời mời của Đức Giêsu đáp lại lòng mong mỏi của họ.
Ngài mời họ đến nhà để vén mở cho họ thấy thế giới của mình.
Hai ông vui sướng đáp lại ngay, đó là bước thứ sáu (Ga 1,39).
Họ đã đến, đã xem thấy nơi ở, và đã ở lại với Đức Giêsu.
Có thể họ đã ở lại cả đêm để trò chuyện với vị Thầy mới.
Ngây ngất và hạnh phúc như người khám phá ra kho tàng,
Anrê nhận ra vị Thầy này chính là Đấng Mêsia (Ga 1,41).
 
Bao giờ cũng cần những người giới thiệu như Gioan Tẩy giả.
Và bao giờ cũng cần những người giới thiệu như Anrê.
Ông đã hưởng niềm vui quá lớn đến độ vào hôm sau
ông đã lập tức đi tìm người em là Simôn (Ga 1,41-42),
rối rít khoe với em về khám phá mới,
và không cần nhiều bước, ông dẫn em đến ngay với Đức Giêsu.
Philipphê cũng sẽ giới thiệu Đức Giêsu cho Nathanaen (Ga 1,45).
Chuyện giới thiệu Đức Giêsu sẽ còn kéo dài đến tận thế.
Nói chung rao giảng Tin Mừng là tiếp tục giới thiệu.
Không ai có thể giới thiệu Đức Giêsu
nếu đã không đích thân gặp Ngài và tin Ngài.
Không ai thực sự gặp Đức Giêsu và tin Ngài
mà lại không muốn giới thiệu Ngài cho người khác.
 
CẦU NGUYỆN
 
Lạy Chúa,
xin hãy đi trước con và làm thầy dẫn lối.
Con xin đi theo Ngài từng bước thôi.
Xin hãy đi sau con và làm người bảo vệ.
Con sẽ đưa Ngài đến thăm tệ xá của lòng con.
Xin hãy đi bên con và làm người bạn đường.                                   
Con sẽ trò chuyện với Ngài suốt đường đi.
 
                        (gợi hứng từ Saint Exupéry)

Tác giả bài viết: Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc