HÃY ĐI LÀM VƯỜN NHO CHO CHA
Lời Chúa: Ed 18,25-28; Pl 2,1-11; Mt 21,28-32
Chúng ta vừa được nghe Chúa Giê-su kể dụ ngôn 2 người con được sai đi làm vườn nho. Dụ ngôn thật đơn sơ nhưng lại kết thúc bằng một lời tuyên bố “long trời lở đất”, một lời tuyên bố làm sụp đổ tất cả niềm tự hào và hy vọng của các tư tế, kinh sư và biệt phái là những người vốn được coi là mẫu mực đạo đức thời đó; câu tuyên bố đó là: “Tôi bảo thật các ông, những người thu thuế và gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước các ông”.
Chữ vào trước trong tiếng hy lạp là pro-ago, gồm chữ pro và ago. Ago là đi vào, còn pro là gì? Nghĩa đầu tiên của pro là trước. Thường người ta hiểu chữ trước theo nghĩa thời gian nghĩa là biết trước, trong khi chữ trước ở đây chính yếu có nghĩa theo không gian nghĩa là đứng trước. Đó là nghĩa thứ nhất của pro. Nghĩa thứ hai của pro là thay thế, ví dụ pro-noun nghĩa là đại danh từ, thay thế cho danh từ. Áp dụng 2 nghĩa này vào chữ pro-phetes mà chúng ta thường dịch là tiên tri hay ngôn sứ thì pro-phetes là người đứng trước dân Thiên Chúa để nói Lời của Thiên Chúa thay cho Thiên Chúa.
Áp dụng việc phân tích 2 nghĩa của pro vào câu tuyên bố của Chúa Giê-su, thì ngoài ý nghĩa thứ 1: “thu thuế và gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước các ông”, còn có một ý nghĩa thứ 2: “thu thuế và gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa thay thế các ông”. Hiểu như thế có đi quá nội dung tuyên bố của Chúa Giê-su không? Thưa hoàn toàn không! Bởi vì ở Mt 5,20, Chúa Giê-su phán: “Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và biệt phái, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.” Ngoài ra, các tác giả Tân Ước ngày xưa (nhất là Phao-lô) thường ví đời sống Kitô hữu như một cuộc chạy đua (vd. 1 Cr 9,24): những người đến trước là những người thắng cuộc và đoạt giải thưởng, những người đến sau là những người thua cuộc thì chẳng được gì. Những người biệt phái đến sau là những người thua cuộc, tất nhiên sẽ không được phần thưởng, nghĩa là không được vào Nước Trời: những người thu thuế và gái điếm “thế chỗ” những người biệt phái là như vậy.
Anh chị em thân mến,
Đối với các thủ lãnh Do Thái, chỉ nguyên việc nhắc tới họ cùng với thu thuế và gái điếm đã là một chuyện sỉ nhục rồi, bởi vì theo họ, người thu thuế và kẻ tội lỗi trên nguyên tắc đã bị loại khỏi Nước Thiên Chúa do lối sống của họ. Đàng này, Chúa Giê-su còn nói thu thuế và gái điếm sẽ thay thế các ông ấy trong Nước Thiên Chúa, thì quả chẳng khác gì một trái bom nổ!
Chúng ta thử xét xem tại sao những con người đạo đức như vậy lại mất chỗ trong Nước Trời? Chúng ta tìm được lý do trong bài đọc 1: “Khi người công chính từ bỏ lẽ công chính và phạm tội ác, nó phải chết; chính vì tội ác nó phạm mà nó phải chết”. Cuộc sống vẫn cho thấy rằng: con người chúng ta thường bị lừa dối và ru ngủ bởi quá khứ huy hoàng tốt đẹp của mình. Nhưng không phải vì chúng ta đạo dòng, đạo gốc mà đương nhiên được vào Nước Trời; cũng không phải vì chúng ta đã đạt được điểm tốt trong cuộc thi giáo lý hay đã tham gia hội đoàn này hội đoàn nọ mà bảo đảm được vào Nước Trời đâu!
Bài Tin mừng cho chúng ta lý do thứ hai. Người cha nói với đứa con thứ 2: hôm nay con hãy đi làm vườn nho cho cha. Nó thưa: Thưa cha vâng con đi nhưng nó lại không đi. Chúng ta cũng thường bị lừa dối bởi những lời lẽ tốt đẹp mình thưa với Chúa. Các lời kinh, các nghi lễ, các việc sùng kính dễ làm cho người ta sa vào một thứ bình an giả tạo.
Đã vậy, con người hay tự coi mình là một thứ chuẩn mực mà dạy dỗ, xét đoán người khác. Trong bài đọc 2, thánh Phao-lô dạy rằng: “Chớ làm gì bởi ý cạnh tranh hay bởi tìm hư danh nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi kẻ khác vượt trổi hơn mình.” Bởi giá trị thực của con người không nằm ở quá khứ, và những lời nói suông –dù có hay đến mấy- cũng không thể dành một chỗ trong Nước Trời.
Thế nhưng, những người tội lỗi vì sao lại có thể thế chỗ của những người “công chính” trong Nước Thiên Chúa? Lối đường của Thiên Chúa thật lạ lùng. Người được vào thiên đàng cùng với Chúa Giê-su bị đóng đinh là một kẻ đầu trộm đuôi cướp; anh ta làm thánh và nên thánh đang khi chịu án tử hình trên thập tự. Bởi vì đối với Chúa, điều quan trọng không phải là có tội, tội nhiều hay tội ít, nhưng điều quan trọng là có đủ khiêm tốn để nhận ra lỗi lầm của mình mà sám hối, mà sửa sai; đối với Chúa, điều quan trọng là có đủ chân thành để gánh lấy trách nhiệm về chính cuộc đời mình.
Mỗi thánh nhân đều có một dĩ vãng, mỗi tội nhân đều có một tương lai. Không vì một dĩ vãng đen tối mà nằm lỳ trong vũng tội. Hãy noi gương những người thu thế và gái điếm để biết nghe Lời Chúa, chấp nhận Tin mừng và thống hối, canh tân đời sống. Không bao giờ quá trễ và phải khởi sự lại ngay từ hôm nay. Đó là bài học đầu tiên chúng ta có thể rút ra từ bài Tin mừng hôm nay.
Bài học tiếp theo đó là Chúa Giê-su muốn nói thẳng với mỗi người chúng ta: không phải mang danh hiệu Kitô hữu với chứng thư rửa tội, không phải mỗi ngày đọc kinh sáng tối, không phải mỗi Chúa Nhật tham dự Thánh Lễ là đương nhiên được vào Nước Trời. Nhưng phải chấp nhận và hành động theo Tin mừng, phải tuyên xưng và sống niềm tin, phải đem đạo vào đời.
Người ta thường nói: con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay. Thật vậy, nhiều người chỉ nghe Lời Chúa bằng tai thôi, tai này lọt qua tai kia là hết. Nhiều người khác đã để cho Lời Chúa đánh động quả tim và trí óc, nhưng rồi họ dừng tại đó, không dám đi xa vì sợ phải hy sinh, từ bỏ...Rốt cuộc Lời Chúa vẫn là cái gì mông lung, không thực tế, không liên hệ gì đến đời sống hằng ngày. Làm sao để Lời Chúa đến được đôi tay nghĩa là được Kitô hữu đem ra thực hành ở chợ đời, ở trường học, ở nơi làm việc, trong sân chơi chứ không chỉ ở trong nhà thờ.
Anh chị em thân mến,
Thế nhưng, người con lý tưởng không phải là người con nói không rồi sau đó đi làm mà người con lý tưởng là người con miệng nói xin vâng và tay làm xin vâng. Chúng ta có một mẫu gương người con lý tưởng đó nơi chính Chúa Giê-su. Ngài không chỉ nói xin vâng mà còn làm xin vâng như được trình bày trong bài đọc 2, thư gửi tín hữu Phi-líp-phê.
Tuy là Thiên Chúa nhưng Ngài đã khước từ vinh quang Thiên Chúa trở nên giống một kẻ phàm nhân, tự hạ vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá. Cả cuộc đời của Chúa Giê-su từ giây phút nhập thể cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng là một chuỗi những hành vi xin vâng theo thánh ý Chúa Cha để cứu chuộc nhân loại. Nếu con đường cứu chuộc của Chúa Giê-su là con đường xin vâng, thì chỉ những ai kết hợp với Chúa Giê-su mà thực thi thánh ý Chúa Cha mới được cứu chuộc và được sống muôn đời.
Hằng ngày, Chúa Cha vẫn mời gọi “hãy đi làm vườn nho cho Cha”. Xin cho mỗi người chúng ta biết mau mắn đáp lại: “Này con đây! Xin hãy sai con”. Amen.
Ý kiến bạn đọc