MẦU NHIỆM NƯỚC TRỜI
Lời Chúa: Kn 12,13.16-19; Rm 8,26-27; Mt 13,24-43
24 Hôm ấy, Ðức Giêsu trình bày cho dân chúng nghe dụ ngôn này: “Nước Trời thì ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. (25) Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. (26) Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện. (27) Ðầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: “Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu ra vậy?” (28) Ông đáp: “kẻ thù đã làm đó!” Ðầy tớ nói: “Vậy ông có muốn chúng tôi ra nhặt đi không?” (29) Ông đáp: Ðừng, sợ rằng khi nhặt cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. (30) Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Ðến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy nhặt cỏ lùng trước đã, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi”. (31) Ðức Giêsu còn trình bày cho họ nghe một dụ ngôn khác. Người nói: “Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình. (32) Tuy nó là loại nhỏ nhất trong các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ rau lớn nhất; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được”.
(33) Người còn kể cho họ một dụ ngôn khác: “Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba đấu bột, cho đến khi tất cả bột dậy men”.
(34) Tất cả các điều ấy, Ðức Giêsu dùng dụ ngôn mà nói với đám đông; và Người không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn, (35) hầu ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ: Mở miệng ra, tôi sẽ kể dụ ngôn, công bố những điều được giữ kín từ tạo thiên lập địa.
(36) Bấy giờ, Ðức Giêsu bỏ đám đông mà về nhà. Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng: “Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe”. (37) Người đáp: “Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. (38) Ruông là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần. (39) Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. (40) Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. (41) Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, (42) rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. (43) Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe.
* * *
Tiếp theo bài Tin mừng chúa nhật 15 tuần trước kể dụ ngôn người gieo giống, bài Tin mừng chúa nhật hôm nay kể tiếp 3 dụ ngôn trong loạt 7 dụ ngôn nói về mầu nhiệm Nước Trời trong Tin mừng theo thánh Mát-thêu: dụ ngôn cỏ lùng, dụ ngôn hạt cải và dụ ngôn men trong bột. Các dụ ngôn là những câu chuyện ngắn gọn, đơn giản, dựa theo phong tục và nếp sống trong xã hội, nhằm mục đích dạy những chân lý sâu xa về Thiên Chúa hay những giáo lý siêu nhiên.
Qua ba dụ ngôn trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su trình bày cho thấy mầu nhiệm Nước Trời khởi đầu thật âm thầm, nhưng từ từ phát triển rất mạnh mẽ. Thời gian là yếu tố cần thiết cho sự phát triển của Nước Trời.
1. Dụ ngôn cỏ lùng. Trong đám ruộng của mình, ông chủ đã gieo giống tốt. Nhưng ông chủ biết rằng kẻ thù cũng đã lén gieo cỏ lùng là thứ cỏ dại gây hại cho mùa màng vào đám ruộng của ông. Đầy tớ của ông chủ phát hiện và gợi ý với ông chủ cho họ đi nhổ và gom cỏ lùng lại để cho lúa được lớn lên. Nhưng ông chủ từ chối vì sợ khi nhổ cỏ lùng sẽ có thể làm bật gốc cây lúa, và yêu cầu các đầy tớ cứ để cho cả hai lúa và cỏ lùng cùng mọc lên cho đến mùa gặt rồi mới giải quyết: lúa thì gom vào kho lẫm, cỏ lùng thì gom lại và đốt đi.
Với dụ ngôn này, Chúa Giê-su cho thấy tình trạng Giáo Hội ở trần gian bao gồm cả người tốt lẫn người xấu sống lẫn lộn. Vì thế, khi làm công tác mục vụ, các thừa tác viên trong Giáo Hội phải biết kiên nhẫn trước sự kiện đó. Thời gian là yếu tố quan trọng và cần thiết cho sự phát triển của Nước Trời. Thiên Chúa kiên nhẫn là để con người có cơ hội ăn năn sám hối và đón nhận ơn cứu độ. Thiên Chúa biết sự yếu đuối nơi con người và những cơn cám dỗ thường mạnh hơn ý chí ngay lành của con người. Vì thế, họ cần có thời gian để nhận ra và chọn lựa cái tốt. Trong thực tế, cỏ lùng không bao giờ có thể thành lúa tốt, nhưng về mặt thiêng liêng, kẻ xấu có thể trở thành người tốt, nếu họ được người khác nêu gương sáng để họ biết vận dụng những ơn lành Thiên Chúa vẫn ban cho họ.
Dụ ngôn này còn nhằm trả lời cho những người thường bức xúc bận tâm về vấn đề tại sao cái xấu, sự dữ luôn hiện diện khắp nơi. Nói cách khác, người lành kẻ dữ luôn sống chung lẫn lộn với nhau cả bên ngoài lẫn bên trong Giáo Hội cho đến ngày tận thế. Thiên Chúa không can thiệp hay loại trừ những kẻ xấu và không ngăn chận những hành động bất công, tội lỗi của họ, không có nghĩa là Người thỏa hiệp hay cổ vũ cho sự dữ, để rồi hoàn cảnh này cứ kéo dài như thế, người xấu kẻ tốt cũng như nhau. Thiên Chúa ghét tội lỗi, nhưng không ghét bỏ kẻ tội lỗi. Người vẫn luôn hy vọng kẻ tội lỗi biết ăn năn sám hối, dù tội lỗi của họ nhiều đến đâu đi nữa. Hơn nữa, Chúa Giê-su còn cho biết số phận của con người sẽ hoàn toàn khác nhau trong ngày tận thế: người lành sẽ được đón vào Nước Trời, còn kẻ dữ sẽ bị loại khỏi Nước Trời.
Trong dụ ngôn cỏ lùng, đầy tớ muốn nhổ cỏ lùng ngay lập tức, nhưng ông chủ không muốn và bảo họ hãy đợi đến mùa gặt. Cũng vậy, con người chúng ta cần phải tránh xét đoán nhau vì việc xét đoán là thuộc quyền của Thiên Chúa. Con người thường dễ bị cám dỗ thích lên án hay loại trừ người khác, khi người khác không cùng quan điểm với mình. Chúng ta cần khiêm nhường nhận ra mình cũng có thể là “cỏ lùng”, là kẻ xấu để rồi lo sửa mình, ăn năn hoán cải, hơn là phê phán, xét đoán người khác bằng cách dán nhãn cho người này là kẻ dữ còn mình là người lành.
2. Dụ ngôn hạt cải. Hạt cải so với các loại hạt giống khác là “loại nhỏ nhất trong tất cả các loại hạt giống”. Thế nhưng khi lớn lên thì “nó trở thành cây to, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được” Chúa Giê-su cho thấy sự tương phản giữa hạt cải lúc đầu và hạt cải sau khi được gieo trồng. Sự tương phản này được diễn tả qua hai biểu hiện kích thước “nhỏ nhất” và “lớn nhất”. Sự tương phản này cho thấy sự lớn mạnh kỳ diệu của hạt cải. Cũng vậy, tình trạng khởi đầu của Nước Trời rất khiêm tốn, nhỏ bé nhưng theo thời gian, Nước Trời sẽ phát triển mạnh mẽ.
Hình ảnh “cây to đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được” gợi đến hình ảnh tương tự trong Cựu Ước. Sách ngôn sứ Ê-dê-ki-en cũng nói đến cây hương bá to lớn hơn mọi cây đến nỗi “trên cành cây, mọi giống chim trời đến làm tổ, dưới bóng lá cành” (Ed 31,6), để ám chỉ vương quốc Ai Cập hùng mạnh và các nước chư hầu thần dân tìm đến cư ngụ tại đó. Qua dụ ngôn này, Chúa Giê-su cũng muốn nói đến hình ảnh Nước Trời vào thời cánh chung: muôn dân nước sẽ tìm đến cư ngụ và hưởng sự sống trong Nước Trời.
3. Dụ ngôn men trong bột. Chỉ một “nắm men”được “vùi” vào trong “ba thúng bột” đã làm dậy lên tất cả đống bột. Sự tương phản của “nắm men” nhỏ bé ít ỏi làm dậy lên khối lượng lớn của “ba thúng bột” cho thấy hiệu lực của men thật lạ lùng mạnh mẽ. Động từ “vùi” (egkrupto), dịch sát là “giấu/giấu ẩn” muốn nói chính “nắm men” được ẩn giấu âm thầm, kín đáo trong bột không ai để ý đó mang trong mình một sức mạnh khủng khiếp, đến nỗi nó làm dậy lên cả đống bột lớn. Cũng vậy, như bị chôn vùi, ẩn kín trong lòng thế giới, Nước Trời khởi đầu âm thầm như một thực tại không ai thấy, nhưng Nước Trời với những giá trị chân lý đem lại sức sống có khả năng làm biến đổi cả nhân loại, làm “dậy men” cả thế giới.
Dụ ngôn men trong bột gợi lên ý tưởng nhắc nhở người tín hữu hãy biết sống âm thầm, khiêm tốn và kiên nhẫn tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa, nhất là khi chúng ta thi hành sứ mạng loan báo Tin mừng của Đức Giê-su Ki-tô. Khi Triều Đại Nước Trời được khai mở ở trần gian, Chúa Giê-su cũng đã khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin mừng một cách âm thầm khiêm tốn, nhưng Tin mừng vẫn không ngừng phát triển một cách mạnh mẽ làm biến đổi nhân loại.
Ý kiến bạn đọc