“Ai có tai để nghe thì hãy nghe!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Một lần nữa, chúng ta thấy sự linh động trong cách thức sư phạm của Chúa Giêsu. Thông thường, Ngài kể một dụ ngôn, dẫn tới một kết luận, áp dụng một bài học; nhưng hôm nay thì không. Với dụ ngôn người gieo giống, Ngài nói đến bốn loại đất, biểu trưng cho bốn thái độ đón nhận Lời; để rồi, bất ngờ kết thúc bằng một câu rất tối nghĩa và khá mù mờ, “Ai có tai để nghe thì hãy nghe!”.
“Ai có tai để nghe thì hãy nghe!”. Dụ ngôn người gieo giống, cách nào đó, là ‘mẹ’ của tất cả các dụ ngôn, bởi lẽ, nó nói đến việc lắng nghe Lời. Dụ ngôn muốn nói, Lời Chúa là một hạt giống tự nó sinh hoa kết quả; và Thiên Chúa vãi gieo Lời khắp nơi, Người không ngại phải tiếng là ‘quá hào hiệp’ và lãng phí, dù Người biết, chỉ một số ít hạt rơi ‘nhầm’ đất tốt. Tấm lòng của Thiên Chúa là thế đó! Mảnh đất là tâm hồn mỗi người, trên đó, hạt giống Lời gieo xuống; không ai bị loại trừ. Như thế, Lời đã hiện diện trong trái tim mỗi người, nhưng kết quả hay không là tùy mỗi người; nó tuỳ thuộc vào vòng tay đón nhận mà chúng ta dành cho ‘hạt Lời’.
Tai để nghe, tại sao lại hãy nghe? ‘Đôi tai’ Chúa Giêsu nói ở đây mang nhiều ý nghĩa hơn đôi tai thể lý. Ngài đang nói đến đôi tai nội tâm, đôi tai linh hồn; qua đó, chúng ta có thể nghe, hiểu, chấp nhận và lựa chọn thánh ý Ngài. Vấn đề là liệu chúng ta có lắng nghe và sẵn sàng để Lời thẩm thấu không? Vì chỉ khi chăm chú vào Lời, chúng ta mới có thể nắm bắt được thánh ý Thiên Chúa. Như vậy, Chúa Giêsu muốn nói, Lời chỉ được nghe cách thấu đáo, hiểu cách tường tận, rọi chiếu cách sâu sắc… với một điều kiện, Lời phải được sống. Để được như thế, chúng ta phải học cách nghe như Chúa Giêsu nghe, Ngài không chỉ nghe bằng tai; nhưng còn nghe bằng mắt, nghe bằng tim.
Trong thư Côrintô hôm nay, Thánh Phaolô cũng nói đến việc gieo xuống, mọc lên, “Gieo xuống trong mục nát, sống lại trong bất hủ; gieo xuống trong hèn mạt, sống lại trong vinh quang”. Cũng thế, Lời gieo xuống mảnh đất tâm hồn chúng ta phải được đâm rễ, vun xới và tưới tắm; nhờ đó, Lời mọc lên và sinh hoa trái. Phaolô cũng dùng hình ảnh một Adam cũ và một Adam mới để nói đến việc biến đổi, “Ađam cũ là người có sự sống, Ađam mới thì có thần trí ban sự sống”; Chúa Giêsu là Adam mới và ai nghe như Ngài nghe, nghe bằng tim, nghe bằng lòng thương xót… người ấy mới làm cho Lời mọc lên, họ cũng sẽ trở nên một Adam mới như Ngài; họ sẽ bước đi trước nhan Thiên Chúa trong ánh thiều quang của cõi nhân sinh, dân mới của Thiên Chúa, một cộng đoàn phục sinh như lời Thánh Vịnh đáp ca tuyên xưng, “Lạy Thiên Chúa, con sẽ bước đi trước mặt Ngài; trong ánh sáng dành cho kẻ sống”.
Trong thời đại chúng ta, chưa bao giờ việc lắng nghe gặp khó khăn đến thế; trong thực tế, nhiều người phải vật lộn với việc để có thể lắng nghe thực sự, lắng nghe đúng nghĩa. Mọi người có thể nghe, nhưng lại không thực sự lắng nghe; lắng nghe rất khác với nghe; có người thì luôn lắng nghe, nhưng phải rất lâu mới hiểu. Bởi lẽ, người ta thường có nhiều việc phải làm, nhiều nơi phải đi và nhiều điều khác vốn đã thâu tóm hết sự chú ý của họ. Kết quả là, thật khó khăn cho nhiều người trong việc tiếp nhận Lời vào lòng, nơi mà Lời Chúa có thể lớn lên. Vì thế, sẽ không lạ khi nhiều lúc, cư xử của người Kitô hữu lại kém xa cách sống của người không biết Chúa.
Một cụ già đến gõ cửa xin bố thí tại văn phòng của một ông nhà giàu có đạo. Chủ nhân bấm chuông gọi người thư ký mà bảo, “Anh có thấy lão khốn cùng bất hạnh kia không? Coi kìa, giày lão rách lòi cả ngón chân, quần thì thủng, áo thì sờn. Tôi dám chắc là lão chẳng cạo râu, chẳng tắm rửa, cũng chẳng có một bữa ăn tử tế từ nhiều ngày... Thật đau lòng khi nhìn thấy những con người thảm hại như thế… vậy, tống cổ lão cho khuất mắt tôi, nhanh lên!”.
Anh Chị em,
Mỗi ngày chúng ta nghe Lời Chúa nhưng chưa chắc đã thực sự lắng nghe. Ma quỷ có thể đến và cướp lấy Lời bằng cách khiến chúng ta bận rộn đến mức mất tập trung để đắm chìm vào Lời; hoặc nó có thể khiến chúng ta vui thích mà cho phép những tiếng ồn ào liên tục của thế giới bên ngoài đi vào nội tâm, quấy nhiễu linh hồn; từ đó, phát ra những tiếng ngược lại với Lời trước khi Lời thẩm thấu vào lòng. Vì thế, trường hợp nào đi nữa, để có thể lắng nghe và thấu hiểu Lời, chúng ta phải biết nghe như Chúa Giêsu nghe; Ngài nghe bằng mắt, nghe bằng tim, nghe bằng lòng thương xót. Cùng lúc, nhờ lửa Thánh Thần và ân sủng của Ngài, chúng ta ra sức dọn “đá”, dọn “gai” khỏi mảnh đất tâm hồn mình.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin cho con biết nghe như Chúa nghe; đừng để lòng con nên cằn cỗi, khiến Lời Chúa chết nghẹt. Cho tâm hồn con nên mảnh đất lành để vườn lòng con đầy những hoa thơm, trái tốt… những hoa trái Thiên Chúa chờ, anh em mong”, Amen.
Ý kiến bạn đọc