banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

NHẬN LẤY THÁNH THẦN

Đăng lúc: Thứ năm - 20/05/2021 23:10 - Người đăng bài viết: menthanhgia
NHẬN LẤY THÁNH THẦN

NHẬN LẤY THÁNH THẦN

Suy niệm Lời Chúa lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

Cách đây 50 ngày, chúng ta đã mừng lễ Chúa Giê-su phục sinh và vào ngày chúa nhật vừa qua, chúng ta đã mừng lễ Chúa Giê-su lên trời. Trước khi lìa xa các tông đồ, Chúa Giê-su đã hứa: “Các con sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên các con. Bấy giờ, các con sẽ làm chứng cho Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Xa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất”.

Hôm nay Chúa Thánh Thần ngự xuống. Hôm nay Chúa Giê-su thực hiện lời hứa và ban Thánh Thần cho chúng ta. Đó là biến cố chính của ngày lễ hôm nay: Chúa Thánh Thần đã được ban, Người ngự đến, Người hiện diện ở đó và Người hoạt động.

Nhưng Chúa Thánh Thần là ai? Người làm gì? Người đi đâu? Đó là những câu hỏi xuất hiện trong đầu óc chúng ta, khi chúng ta nghe nói về Chúa Thánh Thần. Trong kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng: Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống. Là Thiên Chúa, đồng bản tính với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con nên Người là Đấng vô hình. Không ai trông thấy Người được. Chúng ta chỉ có thể nhận ra sự hiện diện của Người qua những dấu chỉ và qua những tác động được ghi lại trong Sách Thánh. Các hình ảnh nào giúp ta nhận ra sự hiện diện của Chúa Thánh Thần?
 
I) CÁC HÌNH ẢNH
Sách Công vụ Tông đồ thuật lại: “Bỗng từ trời phát ra tiếng động, nghe như tiếng gió ào ào, vang dội khắp cả nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần”. Ba hình ảnh được nêu lên ở đây: lưỡi, lửa và gió.

1/ Lửa: tác dụng của lửa là tẩy uế, soi sáng, sưởi ấm. Trên bình diện thiêng liêng, Chúa Thánh Thần thanh luyện chúng ta sạch mọi tội lỗi, soi sáng chúng ta biết chân lý, nung nấu trái tim để chúng ta yêu mến Thiên Chúa. Chúa Giê-su thường nói đến “Thần chân lý”, là vì Chúa Thánh Thần đóng vai trò soi sáng đó.

2/ Lưỡi: Rồi ta thấy lửa xuất hiện trên các tông đồ dưới hình dáng những cái lưỡi: điều đó có nghĩa là Chúa Thánh Thần ban cho các tông đồ ơn hiểu biết về mầu nhiệm Thiên Chúa và ơn lợi khẩu. Lưỡi là cơ phận để nói. Qua hình ảnh ấy, tác giả sách Công vụ tông đồ gợi ý: Chúa Thánh Thần ban cho các tông đồ khả năng rao giảng lời Chúa.

3/ Gió: Hình ảnh gió được làm nổi bật trong phụng vụ hôm nay. Trong tiếng Do thái, Ruakh có nghĩa là hơi thở, gió, không khí. Tiếng Việt bây giờ dịch là “Thần Khí”, “Thánh Khí”. Có thể nói Thánh Thần là hơi thở của Thiên Chúa. Trong bài Tin mừng, Chúa Giê-su thổi hơi trên các tông đồ và nói: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần”. Trong cuộc đàm đạo với Ni-cô-đê-mô, Chúa Giê-su đã dùng hình ảnh gió để nói về Chúa Thánh Thần: “Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng như vậy”.

Quả thực, ta không thấy được gió cũng như không khí, nhưng nó rất cần cho sự sống. Con người có thể nhịn ăn chừng hai tháng, nhịn uống chừng hai tuần, nhưng không thể nhịn thở quá 10 phút. Chúa Thánh Thần là hơi thở của Chúa Giê-su phục sinh; hơi thở ấy Chúa Giê-su chuyển thông cho Giáo Hội để Giáo Hội sống bằng chính đời sống của Chúa Giê-su, đời sống làm con cái của Thiên Chúa.
 
II. TÁC ĐỘNG CỦA CHÚA THÁNH THẦN
Việc Chúa Thánh Thần ngự đến mang lại hiệu quả nào? Hiệu quả của việc Chúa Thánh Thần đến là con người được thần hóa nghĩa là được thông phần vào bản tính Thiên Chúa. Trên bình diện thể lý, một người có thể sống nhờ được ghép trái tim của một người khác; nhưng sự kiện mang trái tim của người khác chắc không thay đổi gì về đời sống thể lý đã sẵn có và chắc lại càng có ít ảnh hưởng trên bình diện trí thức và ý chí. Trên bình diện siêu nhiên, người tín hữu mang hơi thở của Chúa Ki-tô là Thánh Thần thì được biến đổi một cách sâu xa.

 
1. Trên bình diện cá nhân: Chúa Thánh Thần thanh luyện mỗi tâm hồn khỏi mọi tội lỗi và làm cho trở nên chi thể của Chúa Kitô và là con cái của Chúa Cha. Thánh Gioan nhấn mạnh tới vai trò của Chúa Thánh Thần trong mỗi tâm hồn. Sau khi ban Thánh Thần rồi, Chúa Giê-su nói với các môn đệ: “Các con tha tội cho ai, tội người ấy được tha”. Ơn tha tội phát xuất từ sự hiện diện của Chúa Thánh Thần mà Giáo hội thông ban qua bí tích Rửa tội và Hòa giải. Chính qua hai bí tích ấy mà mỗi người được giao hòa với Thiên Chúa, được trở thành một thụ tạo mới để sống một đời sống mới.

Linh mục Bernado thuộc hội Giáo Hoàng thừa  sai người Ý truyền giáo tại Hong Kong kể lại rằng: Vào một ngày thứ sáu tuần thánh, sau khi nói về cái chết trên thập giá và ơn tha thứ của của Chúa Giêsu, Ngài giải thích về ý nghĩa của Bí Tích Giải tội và kêu gọi mọi người xưng tội để cảm nhận được ơn tha thứ của Chúa. Sau nghi lễ, có một người Hồi giáo đến gặp ngài và nói như sau:
- Thưa Cha, tôi muốn xưng tội để được ơn tha thứ.
Vị linh mục giải thích rằng: Vì chưa được Rửa Tội, ông không thể lãnh nhận Bí Tích Giải tội, nhưng người tín hữu Hồi giáo nài nỉ:
- Thưa Cha, trong Hồi Giáo của chúng tôi không có sự tha tội, nhưng tôi cảm thấy cần phải được Chúa tha thứ và có được một dấu chỉ về sự tha thứ của Ngài.
Cha Bernado liền chúc lành cho người tín hữu Hồi Giáo và sau đó người này đã trở thành con cái của Chúa. Từ ngày đó trở đi, người ấy nói rằng anh ta luôn được sống trong sự bình an.

 
2. Từ đó, chúng ta thấy rằng trên bình diện tập thể, sự hiện diện của Chúa Thánh Thần mang lại một hiệu quả lạ lùng. Tất cả những ai tin vào Chúa Ki-tô đều có thể hiểu nhau, thông cảm cho nhau: đó là điều thánh Lu-ca muốn diễn tả trong bài đọc 1, khi tác giả thuật lại rằng: các dân tộc nói các thứ tiếng khác nhau có thể hiểu được lời giảng của các tông đồ. Sâu xa hơn thế nữa, những người tin vào Chúa Ki-tô và lãnh nhận Chúa Thánh Thần làm nên một thân thể: đó là điều thánh Phao-lô đã giảng giải cho tín hữu Cô-rin-tô trong bài đọc 2. Trong thân thể của Chúa Ki-tô tức là trong Giáo Hội, các tín hữu làm nhiều việc khác nhau nhưng tất cả đều là chi thể của nhau, vì thế phải thương yêu nhau, phải phục vụ nhau: mỗi người sống cho mọi người và mọi người sống cho mỗi người. Nguyên tắc sống này xuất hiện lần đầu tiên trong lịch sử, không phải trong một nước xã hội chủ nghĩa nào đó, nhưng là trong Kitô giáo, và hôm nay còn tồn tại trong Giáo Hội nói chung và đặc biệt trong các cộng đoàn tu sĩ nói riêng.
 
Anh chị em thân mến,
Chúa Thánh Thần là món quà cao quí nhất mà Chúa Cha đã ban cho chúng ta qua trung gian Chúa Kitô phục sinh. Chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa vì ân huệ cao quí này. Rồi trong cuộc sống hằng ngày, hãy cố gắng cộng tác với ơn Chúa Thánh Thần soi dẫn, loại bỏ những tâm tình cố chấp, gian dối, chia rẽ để mặc lấy tâm tình khiêm nhường, chân thành, bác ái. Có như thế, Chúa Thánh Thần sẽ không ngừng ở với chúng ta, Người sẽ soi sáng, dẫn dắt chúng ta tiến sâu vào vương quốc của Thiên Chúa là vương quốc của tình thương, của niềm vui, của an bình và hạnh phúc. Amen.

Tác giả bài viết: Gioan Bosco
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc