ĐỨC TIN VÀ BÁC ÁI CỘNG ĐOÀN
Tin và tận hiến (tiếp theo)
TIN VÀ BÁC ÁI CỘNG ĐOÀN
Tiếp theo phần trước
3. Đức tin trong những nguồn mạch sự hiệp nhất
Khi xác quyết rằng, đời sống cộng đồng được nuôi dưỡng bằng giáo huấn Phúc Âm, bằng phụng vụ và nhất là bằng bí tích Thánh Thể, Công Đồng cho ta thấy tầm quan trọng của đức tin như là sự đón nhận lời hiệp nhất, kinh nguyện hiệp nhất và bí tích hiệp nhất (PC 15).
Lời hiệp nhất, Phúc Âm có thể định nghĩa như thế, vì mầu nhiệm hiệp nhất của Thiên Chúa được mặc khải ở đó nhằm đào tạo sự hiệp nhất của loài người. Đời sống và giáo lý của Chúa Kitô đều hướng vào sứ mệnh mạc khải sự hiệp nhất của Chúa Cha và Chúa Con, và kết hợp loài người theo khuôn mẫu sự hiệp nhất ấy. Do đó ta nhận thấy sự quan trọng hàng đầu của những chứng từ và giáo huấn về sự thương yêu được ghi lại trong Phúc Âm. Cộng Đồng tu sĩ cần phải chiêm ngưỡng lý tưởng Phúc Âm đó để thấm nhiễm lấy nó và chiếu giãi ra. Cộng Đồng phải càng ngày càng tin tưởng vào sức mạnh của lý tưởng đó, một lý tưởng hấp dẫn lòng trí và lôi cuốn ý chí con người. Đọc và suy niệm Phúc Âm cách chuyên cần hơn sẽ giúp lý tưởng đó thấm nhập vào tất cả đời sống của tu sĩ và làm phát triển lòng ái mộ sự hiệp nhất cộng đồng.
Kinh nguyện hiệp nhất, phụng vụ qui tụ các thành viên của cộng đồng trong đà phấn khởi thiêng liêng sâu xa nhất vươn lên tới Thiên Chúa bằng lời chúc tụng và khẩn cầu… Phụng vụ đặt họ tất cả cùng nhau hiện diện trước Thiên Chúa, gợi cho họ những cử động và những tâm tình như nhau, và tái tạo mối giây liên hệ họ lại với nhau bằng cách giúp họ gắn bó hơn nữa với Chúa. Như thế, sự hiệp nhất trong tình yêu được củng cố bằng hiệp nhất trong đức tin.
Tuy nhiên, phải công nhận rằng bộ kinh thần vụ chưa được lọc hết những gì không thật phù hợp với lý tưởng bác ái và hợp nhất như Phúc Âm dạy. Một vài thánh vịnh thay vì kêu gọi mến yêu không bờ bến để bắt chước tình yêu của Cha trên trời, thì lại kích thích oán thù và trình bày sự oán ghét những thù địch Thiên Chúa, như là nhân đức. Ta phải hy vọng rằng kinh nguyện phụng vụ còn được sửa đổi nữa cho phù hợp rõ rệt hơn với Tin Mừng, bằng cách bỏ hết những gì không phù hợp với “giới răn mới” do Chúa Kitô mang lại. Đã hẳn, các thánh vịnh đều được Chúa Thánh Thần linh hứng, nhưng là biểu hiện của những tình cảm tôn giáo thích ứng với một thời đại cố định của Cựu Ước; tiêu biểu cho một giai đoạn của sự tiến triển chứ không phải cùng đích. Vì vậy có một số thánh vịnh không thích hợp với đời sống kitô hữu, và không nên dùng trong việc cầu nguyện đích thực trong Chúa Kitô. Những văn bản ấy thuộc loại “người xưa nói!” mà Chúa Kitô đã muốn đưa các môn đệ vượt cao hơn vì Người dạy: “Phần Ta, Ta bảo các con…” (Mt 5, 21 – 48). Sự quan trọng tuyệt đối của đức ái đó Chúa Giêsu dạy những ai có nhiệm vụ soạn thảo công thức kinh nguyện kitô giáo không được dung dưỡng bất cứ hình thức biểu lộ tâm tình nào trái với đức tương thân tương ái.
Bí tích thiệp nhất: ở chóp đỉnh Phụng Vụ, bí tích Thánh Thể là nguồn ơn hiệp nhất dào dạt cho cộng đồng tu sĩ. Bí tích này luôn đòi cố gắng hơn trong đức tin. Phúc Âm cho thấy Chúa Kitô khi báo trước việc lập phép Thánh Thể, đã đặt nhũng kẻ nghe Ngài trước một sự lựa chọn, chính Ngài đã liều bị đa số môn đệ lìa bỏ, và Ngài đã yêu cầu nhóm 12 lựa chọn: hoặc tin lời Ngài hoặc bỏ Ngài mà đi (Ga 6,67). Ngài chỉ chấp nhận trong Giáo Hội Ngài những ai tin bí tích Thánh Thể. Vì thế, ta không lấy làm lạ nhận thấy ngày nay một số Kitô hữu tỏ ra hoài nghi đối với đức tin vào bí tích Thánh Thể, họ bị dụ dỗ nói như các thính giả của Chúa ngày xưa: “Lời này khó nghe quá, ai nghe nổi” (Ga 6,60).
Hơn ai khác, các tu sĩ cần phải dấn thân trong sự lựa chọn niềm tin Thánh Thể. Đối với họ, cuộc canh tân các hình thức cử hành bí tích Thánh Thể phải đi kèm với sự đào sâu đức tin. Bởi vì họ có thể bị cám dỗ chỉ chú ý đến cử điệu và lời đọc, chỉ chú trọng cách trình diễn bề ngoài, để rồi đánh giá sự đổi mới, thay vì coi đó như biểu hiện lòng tin đối với mầu nhiệm. Đôi khi ta thấy sự nhàm chán phần nào đối với bí tích Thánh Thể, mặc dù cách cử hành đã được canh tân. Chỉ vì đã không có đủ đức tin làm động lực cho những hình thức mới được lựa chọn.
Lòng tin vào bí tích Thánh Thể có nhiều khía cạnh mà ngày nay cần được nhấn mạnh: đó là tin vào lễ hiến tế cứu độ của Chúa Kitô, được hiện tại hóa trên bàn thờ, làm nền tảng cho việc hiến tế của Giáo Hội; tin vào giá trị nuôi dưỡng thường xuyên mỗi ngày của việc Hiệp Lễ; tin vào hiện diện thực sự của Mình và Máu Chúa. Nên nhận định rằng: dưới cả ba khía cạnh ấy, bí tích Thánh Thể vẫn là bí tích hiệp nhất, hiến tế của Chúa Kitô tạo sự hòa giải nhân loại với Thiên Chúa và hòa giải con người với con người, như thế đối với một cộng đoàn tu sĩ, việc cử hành bí tích Thánh Thể có nghĩa là hòa giải mọi người với nhau, nhờ sức mạnh hiến tế của Chúa Kitô, sau khi đã có những lỗi phạm nghịch lại sự hiệp nhất. Đặc biệt việc rước lễ, nối kết với nhau những người rước cùng một Chúa Kitô và thông ban cho họ nghị lực đức ái của Đấng Cứu Độ. Sự hiện diện đích thực của Chúa Kitô là trung tâm nhiệm tích thường xuyên qui tụ cộng đoàn.
Đối với một cộng đoàn tu sĩ, sự gắn bó với phép Thánh Thể là một dấu chỉ cộng đoàn ấy tin vào sự hiệp nhất phát xuất từ Thiên Chúa. Khi ý thức về sự bất lực của loài người để tự mình tạo nên được sự đoàn tụ cộng đồng, thì việc gắn bó với phép Thánh Thể chứng tỏ lòng cậy trông vào hiến tế và sự hiện diện của Chúa là nguồn toàn năng của sự hiệp thông.
4. Đức tin trong sự hiệp thông tinh thần
Nếu đời sống cộng đoàn biết dùng những nguồn mạch thiêng liêng mà nuôi dưỡng sự hiệp nhất của mình, thì nó có khả năng thực hiện sự thông hiệp trong phạm vi thiêng liêng. Sống chung dưới một mái nhà và cùng ăn chung một bàn, đó mới chỉ là nền tảng vật chất của một sự hiệp thông tinh thần. Cả đến việc giữ vững một bầu khí hòa hợp, một sự hợp nhất tâm tình, cũng chưa phải là đủ. Sự thông “hiệp một lòng một trí” như Công Đồng nói đến (PC 15) còn đòi hỏi hơn nữa: đòi sự chia sẻ đời sống thiêng liêng. Bao lâu cộng đoàn tu sĩ chưa thực hiện được sự chia sẻ đó, nó vẫn chưa đạt được mức độ sống chung mà nó phải có. Điều kiện tiên vàn phải có để đạt tới đó, ấy là tin vào khả năng và giá trị của kiểu sống san sẻ cho nhau những ân huệ Chúa ban cho mỗi người, thúc giục mọi người san sẻ dồi dào cho anh em mình sức sống dồi dào trong Chúa Kitô.
Điều căn bản là niềm tin ấy trước hết là một niềm tin vào chiều kích cộng đồng của đoàn sủng trong đời sống tu trì. Đoàn sủng cộng đồng không chỉ có nghĩa là ân huệ Chúa Thánh Linh ban cho để có thể thực hiện cuộc sống chung, nhưng còn có nghĩa là chính ân huệ ấy hướng dẫn tới một hình thức nhất định của đời sống tận hiến, đồng thời ơn ấy cũng phải được cùng nhau chia sẻ, và chung sống; và những ơn linh hứng ban riêng cho mỗi phần tử cũng phải nhằm mưu ích cho các phần tử khác. Vì thế, lý tưởng không phải ở chỗ giữ cho riêng mình những ơn mình lãnh nhận từ trên, nhưng phải hết sức làm cho mọi người khác cùng được chung hưởng.
Thứ đến, đức tin trong sự thông hiệp tinh thần dựa vào niềm xác tín rằng bất cứ ai gắn bó với Chúa sâu xa, thì đều có tâm hồn mở rộng sâu xa hơn đối với tha nhân, và vì vậy có một ước muốn thông hiệp với họ trong sự gắn bó này.
Theo tính tự nhiên, có những người có khuynh hướng chỉ muốn hết sức giấu kín kẻ khác đời sống thiêng liêng của họ, vì họ nghĩ rằng, sự kết hiệp của họ với Thiên Chúa là một bí mật riêng tư, và rằng mối liên kết ấy càng sâu thẳm thì càng không nên để cho con mắt người khác nhòm nhó. Vả lại, người ta hiểu rằng, cần giữ sự kín đáo trong phạm vi này, và sự thân mật với với Chúa nếu đem phơi bày tất cả sẽ bị tổn hại. Nhưng chính sự chân thành gắn bó với Chúa cũng đòi rằng, một khi đã kết hiệp với Chúa thì người ta phải cùng với Chúa, hết sức mở rộng lòng mình với mọi người, và vui lòng chia sẻ với họ ánh sáng và niềm vui hiệp nhất.
Sao chúng ta lại không gợi ra đây gương Chúa Kitô đã bộc lộ tối đa bí mật lớn nhất đời Chúa, là sự hợp nhất của Chúa với Chúa Cha? Chúa đã không ngại tỏ cho các môn đệ thấy sự thân mật ấy của Chúa với Chúa Cha, từng gây ảnh hưởng trong tất cả lối sống và giáo huấn của Người. Sở dĩ như vậy là vì Người muốn thông truyền cho các môn đệ tình yêu của Người đối với Chúa Cha. Người không nghĩ rằng, khi phô bày ra trước mắt kẻ khác mầu nhiệm ấy của đời sống Người thì Người sẽ mất mát điều gì, ngược lại, khi Người cố gắng chia sẻ mầu nhiệm ấy với kẻ khác, thì Người đã làm cho chính sự thân mật thấm nhập sâu xa hơn nữa vào toàn bộ cách thức suy tưởng, hành động, và cả cuộc đời trần gian của Người. Do đó, sự gắn bó toàn vẹn nhất với Chúa Cha là để lan tỏa, và thông truyền cho kẻ khác.
Sau hết, ngược lại trong đời sống tu trì, đức tin trong sự hiệp thông tinh thần được nuôi dưỡng bằng xác tín rằng: càng gần gũi với kẻ khác thì càng gần gũi với chính Thiên Chúa. Mỗi người đều cần đến kẻ khác để đi tới Thiên Chúa; những phần tử của một cộng đồng tu sĩ có thể giúp nhau cách hữu hiệu để gắn bó mật hiết hơn với Chúa Kitô. Cần phải tin vào khả năng của mỗi người có sức đưa đồng bạn mình tiến lên, tin vào sứ mạng thực sự được trao phó cho mỗi người là đóp góp vào sự tiến triển thiêng liêng của tất cả những người khác. Không ai trng nhóm là vô ích cho cuộc thăng tiến chung. Một sự tiếp xúc thân mật càng thể hiện giữa các phần tử của cộng đoàn, thì sự kích thích cho đời sống sâu xa của mỗi phần tử càng đáng kể.
Trích trong tập sách TIN VÀ TẬN HIẾN, nguyên tác: CROIRE ET SE DONNER của Jean Galot S.J
Ý kiến bạn đọc