banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

TIN VÀ ĐỨC KHÓ NGHÈO

Đăng lúc: Thứ ba - 04/12/2018 02:52 - Người đăng bài viết: menthanhgia
TIN VÀ ĐỨC KHÓ NGHÈO

TIN VÀ ĐỨC KHÓ NGHÈO

Tin và đức khó nghèo: Lời khấn khó nghèo của đời tu sĩ, trước hết bao hàm một niềm tin vào Thiên Chúa là tài sản tuyệt vời của con người. Người nào tự ý giũ bỏ của cải ấy là nhận lấy chính Chúa làm tài sản đích thực của mình.
 

Chương IV
TIN VÀ KHÓ NGHÈO


1.Thiên Chúa: tài sản tuyệt vời
Trong Cựu Ước “những người nghèo của Giavê” nổi bật bằng đức tin. Tự nó, sự nghèo khó vật chất không có giá trị gì đặc biệt. Nhưng nó là một lời mời gọi đi tìm sự nương tựa không phải trong những của cải đời này, nhưng là trong Chúa. Những người nghèo được khen ngợi và quý chuộng, đó là vì mối liên hệ mật thiết hơn với Thiên Chúa do lòng họ cậy trông mạnh mẽ hơn vào Ngài.

Lời khấn khó nghèo của đời tu sĩ, trước hết bao hàm một niềm tin vào Thiên Chúa là tài sản tuyệt vời của con người. Người nào tự ý giũ bỏ của cải ấy là nhận lấy chính Chúa làm tài sản đích thực của mình. Họ ly thoát mọi của cải khác để chiếm hữu Đấng Vô Biên cách trọn vẹn hơn. Người ta chỉ từ bỏ những tài sản hữu hình vì tin vào một tài sản vô hình như Phúc Âm đã dạy, và Công Đồng Vatican II đã khuyến cáo “đức khó nghèo cốt tại chiếm hữu kho báu trên trời” (PC 13; Mt 6,20).
Trong đức khó nghèo, cũng như trong đức khiết tịnh, yếu tố tích cực phải là điều kiện căn bản: việc đầu tiên phải làm không phải là từ bỏ, mà chính là gắn bó. Chính vì người ta muốn gắn bó với Chúa mà người ta từ bỏ mọi sự khác. Phải nhắm vào sự gắn bó trước sự từ bỏ và còn hơn thế nữa. Mà việc này được thực hiện nhờ tác động đức tin.

Lời Chúa kêu gọi người thanh niên giàu có trong Phúc Âm có thể đưa ra một giải thích khác. Vì khi kêu gọi thanh niên ấy, Chúa Giêsu dường như đòi anh từ bỏ của cải như điều kiện đi trước sự gắn bó với Ngài: “Nếu anh muốn nên toàn thiện hãy về bán hết của cải làm phúc cho kẻ nghèo và anh được một kho tàng trên trên trời, rồi anh hãy đến theo Ta” (Mt 19,21). Trước khi theo Chúa Giêsu, người thanh niên phải bán tài sản của mình, lấy tiền cho người nghèo. Như vậy có thể suy luận rằng trong đức khó nghèo tự nguyện có tinh thần từ bỏ để dọn đường cho tình yêu gắn bó với Chúa Giêsu và đi theo Ngài. Thế là có một sự ly thoát rồi mới có thể hiến thân theo Thầy.

Rõ ràng là cả hai việc “bỏ” và “theo” đã được Chúa Giêsu đề nghị theo thứ tự này: bỏ của cải trước rồi mới đi theo Ngài. Nhưng trong ý hướng điều khiển bước thứ nhất, thì đã có lời “hãy theo Ta”. Chính vì mục đích đi theo Chúa Kitô mà người thanh niên được mời gọi từ bỏ mọi sự. Vậy chính là ý muốn gắn bó với Thầy chí thánh phải thúc đẩy sự từ bỏ của đức nghèo không phải là từ bỏ đế gắn bó, nhưng là gắn bó mà bao hàm từ bỏ. Việc ly thoát của cải trần gian phải là biểu hiện của tình yêu hơn là điều kiện tiên quyết cho tình yêu.

Thay vì để cho người thanh niên bồng bột theo Ngài do sự khâm phục lòng nhân hậu của Ngài, Chúa Giêsu đòi hỏi nơi anh một đà đức tin vững chắc hơn. Nhận ra sự nhân hậu nơi Ngài, chính là trong thực tế đã gặp được chính Thiên Chúa, bởi vì “không ai nhân hậu chỉ trừ mình Thiên Chúa” (Mc 10,18; Lc 18,19). Chính sự hiện diện ấy của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu đã khiến Chúa Giêsu đòi hỏi người thanh niên từ bỏ cái mà anh ta quyến luyến nhất để đi theo Ngài. Trong sự mời gọi, chính Thiên Chúa lên tiếng đòi người ta phải hy sinh tất cả cho Ngài, và Ngài là tuyệt đối, là tài sản duy nhất đáng khát mong tột độ. Đã hẳn sự thật đó không được Chúa Giêsu nói ra bằng những lời cụ thể, nhưng nó được hàm ngụ trong lời kêu gọi. Khi người thanh niên nhận thấy lòng nhân hậu nơi Chúa Giêsu thì Ngài đưa lòng nhân hậu ấy về Thiên Chúa, rồi Ngài nhắc lại các giới răn Thiên Chúa và trình bày một thái độ tinh thần cao hơn, tức là đi theo Người, như vậy là Chúa Kitô đòi người thanh niên đối xử với Người như với Thiên Chúa. Tư tưởng tiềm ẩn trong lời Chúa Giêsu ghi trong Phúc Âm Thánh Gioan: “ Cha và Ta, Chúng Ta là một” (Ga 10, 30).

Người thanh niên kia tưởng đã đi tìm được nơi Chúa Giêsu một mối từ tâm nhân loại, sẵn sàng có những nhân nhượng, nhưng câu trả lời của Đức Kitô lại trình bày lòng nhân hậu Thiên Chúa với những đòi hỏi cao hơn hết. Lời mời gọi sống khó nghèo có tất cả mãnh lực của nó vì xuất phát từ Đấng tuyệt đối.

Như vậy, Lời Chúa kêu gọi căn bản là lời kêu gọi sống một đức tin linh động hơn, cụ thể hơn, một đức tin vào Thiên Chúa mà trong thực tế là gắn bó toàn vẹn với Đức Kitô. Sở dĩ người thanh niên đó không đáp trả lời Chúa gọi, chính vì chàng thiếu đức tin, một đức tin sẵn sàng chấp nhận mọi hậu quả do lòng tin.

Ta nên nhận xét rằng, mặc dầu nhiều nhà chú giải gần đây không hẳn đồng ý câu chuyện trên vẫn đúng là nhằm vào lời khuyên Phúc Âm về đức khó nghèo. Chúa Giêsu không xin hết mọi người phải bán của cải mà theo Người: người Kitô hữu phải sống trong tinh thần ly thoát của cải đời này, nhưng họ không buộc phải từ bỏ mọi tài sản họ có hoặc cống hiến hết cho người nghèo. Lời mời gọi của Chúa Kitô vượt cao hơn phạm vi của giới răn; lời ấy đặc biệt ngỏ với một cá nhân nhất định đang có ý muốn sống quảng đại hơn; lời ấy được đưa ra với sự nhấn mạnh rõ ràng về quyền tự do đáp trả: “Nếu anh muốn nên trọn lành” (Mt 19,21).

Trích trong tập sách TIN VÀ TẬN HIẾN, nguyên tác: CROIRE ET SE DONNER của Jean Galot.
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc