banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

TIN VÀ VÂNG PHỤC

Đăng lúc: Thứ hai - 04/02/2019 01:58 - Người đăng bài viết: menthanhgia
TIN VÀ VÂNG PHỤC

TIN VÀ VÂNG PHỤC

Điều cốt yếu trong đức vâng phục: đức tin
                           
                          Chương  V                            
TIN VÀ VÂNG PHỤC

 
 
1. Đức tin, động lực của vâng phục
Trong khi chế độ tuân phục của tu sĩ đang có phần thay đổi như hiện nay, ta cần nhận định rõ điều gì thay đổi và điều gì tồn tại, sự chuyển biến các hình thức của vâng phục và sự bền vững của những gì cốt yếu trong chính đức vâng phục.

Trong phần cốt yếu ấy, trên hết có đức tin. Thánh Công Đồng xác quyết rằng: “Các tu sĩ tùng phục Bề Trên của họ trong đức tin” (PC 14). Mà nhân đức tin mang theo những điều kiện tâm lý về phát triển, chúng làm cho thấy rõ hơn chiều hướng phải theo trong sự vâng phục.

Tin là đồng ý chấp nhận lời Thiên Chúa như biểu lộ trong ngôn ngữ mạc khải cho loài người do Hội Thánh truyền đạt. Như vậy đức tin đòi một thái độ căn bản là tiếp nhận: việc trước hết là phải nghe, và phải sẵn lòng nhận lấy những điều làm ngạc nhiên hay ngỡ ngàng, vì lời Thiên Chúa hay làm đảo lộn quan niệm người đời. Tư tưởng Thiên Chúa không thu hẹp vào giới hạn tư tưởng loài người mà luôn luôn vẫn giữ tính cách siêu việt. Muốn hiểu được tư tưởng ấy, cần phải sẵn sàng vượt lên trên thường tình thế gian. Đó là một mầu nhiệm mà người ta phải mở lòng đón nhận và mầu nhiệm ấy luôn mãi vẫn là mầu nhiệm, dầu khi người ta đã đi sâu vào đó.

Đức vâng phục của tu sĩ, lấy đức tin làm động lực, nên không thể tránh khỏi tính cách huyền nhiệm. Không thể coi sự vâng phục ấy như là một thái độ đơn thuần “phù hợp với lẽ phải”. Nó là gắn bó với Thánh ý Chúa, mà Thánh Ý Chúa luôn vượt lên trên các lý lẽ của tâm trí loài người. Nó lệ thuộc thế giới siêu nhiên, và đòi hỏi phải chấp nhận huyền nhiệm. Nó bao hàm ý muốn làm công việc của Chúa hơn là công việc riêng mình, với ý chí chịu sự dìu dắt theo một kế hoạch từ bên trên mà người ta không thể nhận rõ mọi lý lẽ biện minh.

Mặt khác, đức tin không đòi từ bỏ quyền sử dụng lý trí, cũng như quyền phát triển nhân cách, về tinh thần và đạo đức. Đức tin có xu hướng lôi kéo con người lên một trình độ mà ở đó họ có thể gặp Thiên Chúa. Vậy nên nó đòi hỏi tâm trí con người phải cố gắng mạnh mẽ hơn và toàn diện con người phải được phát triển đầy đủ hơn. Một đức tin đích thực cần đòi hỏi sự thăng tiến tư tưởng con người. Tư tưởng của Thiên Chúa thấm nhập vào tinh thần con người, làm cho tinh thần con người vượt cao lên như thế, tất nhiên cũng thúc dục tâm trí họ nảy sinh nhiều suy tư cao quý và làm cho tinh thần con người hóa thành thật sự minh mẫn.

Bởi đó, đức tuân phục tu trì không bao giờ được làm nguyên cớ cho sự thoái hóa lý trí, hay làm yếu kém sự phát triển nhân cách. Đức tùng phục đích thực phải phù hợp với cách thức suy tưởng và đánh giá các sự vật của mỗi người. Tùng phục không có nghĩa là loại bỏ những ý kiến bất đồng, trái lại nó là dịp làm nảy sinh những ý kiến khác nhau, để rồi được tổng hợp trên một bình diện cao hơn.

“Tùng phục Bề Trên của mình trong đức tin” không có nghĩa là tu sĩ phải từ bỏ cách phán đoán riêng của mình, có thể không phù hợp với cách phán đoán của Bề Trên. Nhưng đang khi tu sĩ vẫn giữ cách phán đoán của mình nếu nghĩ là đúng, thì đặt niềm tin tưởng vào chiều hướng thánh ý Chúa biểu lộ qua lệnh truyền của Bề Trên và đồng thời huy động trí thông minh của mình phục vụ cho chiều hướng đó và cố gắng tìm hiểu kế hoạch của Thiên Chúa.

Trong Giáo Hội nói chung, người ta có thể nhận thấy rằng những người có đức tin sống động nhất, không phải luôn luôn là những người chỉ biết lặp lại những điều người ta đã quen nói; nhưng đúng hơn là những người trong khi vẫn trung tín giữ vững điều cốt yếu của mặc khải, thì lại cố gắng tìm cách phát huy ý nghĩa của mạc khải ấy cho chính xác hơn, và chân thành nhìn thẳng vào những vấn đề mà mạc khải ấy nêu ra. Lòng tin phải tích cực và luôn ở thế tìm kiếm. Phải có lòng tin loại đó để soi dẫn đức tùng phục của tu sĩ: những tu sĩ tùng phục nhất không phải là những người chỉ biết làm những điều như người ta quen làm, nhưng là những người muốn thực hiện thánh ý Chúa cách hoàn hảo hơn, cho nên hay đặt ra những câu hỏi và cố gắng suy nghĩ lại để định hướng cho đúng. Một lối tùng phục mà khiến cho tu sĩ không còn suy nghĩ, không còn biết phán đoán theo nhận xét của bản thân, không phải là một sự tùng phục xứng đáng với tư cách làm con Thiên Chúa.

Thời xa xưa, người ta đã không để ý rằng, một vài hình thức tùng phục có khuynh hướng làm giảm tư cách con người, và hạ thấp nó xuống một trình độ  bên dưới phẩm giá tự nhiên và siêu nhiên của con người. Rõ ràng nhất là những gương tùng phục, ngày xưa người ta nêu lên để khuyến khích tu sĩ tuân theo một mệnh lệnh trái lẽ, chẳng hạn như bảo đi tưới một khúc câu khô cho nó nảy hoa. Tùng phục như vậy, không phải là gắn bó vào một mầu nhiệm vượt lên lý trí, mà là hạ giá con người xuống dưới lý trí của họ, là nhục mạ con người coi như mất trí phán đoán lành mạnh.

Chính kiểu nói “vâng lời tối mặt” gợi ra sự hạ giá con người như vậy. Chấp nhận trở nên mù quáng như vậy, ấy là từ bỏ khả năng nhận xét và đánh giá các sự vật, là khả năng đặc biệt của con người. Hoàn toàn ngược lại, ngày nay tu sĩ sống tùng phục, tức là xử sự theo con mắt đức tin, thì hằng cố gắng tiếp nhận một ánh sáng bên trên, cố gắng vượt những tối tăm và mù quáng mà con người liều mình gặp phải nếu không được ai hướng dẫn. Đức vâng phục tạo cho tu sĩ một cái nhìn sáng suốt hơn, soi sáng họ bằng những dấu chỉ của sự khôn ngoan Thiên Chúa.

Cuộc canh tân đời sống tu trì đúng là nhằm tạo một đức vâng phục đích thực hơn, bằng cách từ bỏ những gì phản trái tri thức con người và bao hàm việc đào luyện khả năng hiểu biết và phán đoán của con người cách hoàn hảo hơn.

 
2. Tin vào Thiên Chúa hiện diện nơi Bề Trên
Để minh chứng tinh thần đức tin phải là động lực của đức tuân phục trong đời tu, Công Đồng xác quyết rằng, các Bề Trên “thay mặt Thiên Chúa làm nên lý do cho lòng tin. Nếu chỉ tùng phục vì những lý do phàm trần gắn liền với con người của Bề Trên hoặc do sự cần thiết phải có quyền bính trong cộng đồng, thì đó không phải là đức vâng phục đích thực của đời tu theo chiều kích siêu nhiên.

Người ta đã đặt lại vấn đề Bề Trên mang tư cách là đại diện Thiên Chúa. Có khuynh hướng cho rằng Bề Trên chỉ là đại diện của cộng đoàn, Người tập hợp các tiếng nói của cộng đoàn để làm nên một. Quyền bính vị ấy không có tính cách siêu việt, mà được tạo thành từ bên dưới, bằng đường lối đi lên. Quyền bính ấy không thể được coi là có giá trị hơn quyền của cộng đoàn nơi mà quyền ấy phát xuất.

Vì thế không phải là việc có ích, khi Công Đồng xác quyết lại nguyên tắc xưa nay vẫn được chấp nhận, theo đó, Bề Trên thay mặt Thiên Chúa khi ngài ra lệnh. Nguyên tắc đó phải được chấp nhận, nhưng không cấm ta nhận định phần nền tảng chính đáng trong những vấn nạn đã được nêu lên về nguyên tắc ấy. Vì trong quá khứ, cách thi hành quyền bính Bề Trên, theo nguyên tắc này đã thường tỏ ra như đặc quyền do Thiên Chúa ban mà thực ra không đúng thế. Sự chuyên quyền của các Bề Trên tự đặt mình lên trên người dưới và sử dụng quyền hành của mình một cách quá nghiêm thẳng hoặc quá tuyệt đối, chắc hẳn đã góp phần gây nên những phản ứng ngược lại với nguyên tắc đã đặt. Nếu tư cách đại diện Thiên Chúa được hiểu là đặc quyền được phán ra bất cứ mệnh lệnh nào mà không cần tham khảo ý kiến những người liên hệ, và được đặt mình trên một bậc cao siêu không thể đối thoại được với ai, thì tất nhiên người ta phải tranh cãi về tư cách đó. Chính Thiên Chúa cũng không chuyên quyền và trong mầu nhiệm Nhập Thể, Người đã tỏ ra muốn đặt mình vào tầng lớp loài người để lôi kéo họ theo ý Ngài.

Phần tích cực chính đáng trong quan niệm về quyền bính xuất phát từ đời sống cộng đoàn, chính là Bề Trên phải thu thập ý kiến của các thành viên mới có thể hướng dẫn cộng đoàn. Sự điều khiển của Bề Trên phải căn cứ vào tham khảo và đối thoại, phải dựa vào ơn soi sáng của Chúa Thánh Linh ban cho mỗi thành viên và nhờ sự đóng góp ý kiến của họ. Trước hết mọi Bề Trên phải tin vào tác động của Chúa Thánh Linh trong mọi tâm hồn và phải cố gắng thu thập những dấu chỉ nhận được bằng cách để rồi định rõ con đường phải theo. Đức tin cũng cần cho người thực thi quyền bính như cho người tuân phục. Và Bề Trên không phải chỉ tin vào Thiên Chúa, Đấng từ bên trên giúp đỡ và dìu dắt trong chức vụ của mình, mà Người còn phải tin Thiên Chúa hiện diện trong anh em mình; tin rằng qua họ, Ngài gợi ý cho mình và cho biết chiều hướng ý định của Ngài. Chỉ với điều kiện đó Bề Trên mới có thể thật sự giữ địa vị là đại diện Thiên Chúa, biểu lộ ý muốn đích thực của Ngài.

Vậy quả thực, Bề Trên truyền dạy nhân danh Thiên Chúa, nhưng để làm việc ấy tốt đẹp hơn, Người phải có một lối xử sự có tính cách cộng đồng hơn. Đó là đại diện Thiên Chúa theo kiểu mới, đúng theo sự đòi hỏi của những tu sĩ đã tỏ ra nghi ngờ đối với tư cách đại diện Thiên Chúa mà truyền thống xưa đã gán cho Bề Trên, họ cho rằng thực thi quyền bính Bề Trên theo kiểu xưa ấy thiếu chiều ngang và ít cởi mở. Đại diện Thiên Chúa, tức là cư xử như chính Chúa Kitô, Đấng đòi hỏi sự cộng tác của mỗi người và đã tự mình phục vụ các môn đệ.

Vả lại, Chúa Giêsu đã tuyên bố Người sẽ hiện diện nơi các cuộc hội họp vì Danh Người (Mt 18,20). Lời ấy không thể không ảnh hưởng trên việc thực thi quyền bính nơi các Bề Trên. Để đúng thực là đại diện Thiên Chúa Bề Trên phải tìm sự hòa hợp với kẻ khác, tìm mọi cách để hợp nhất tư tưởng bằng cách chú ý đến ý kiến kẻ khác, và cố gắng đúc kết dung hòa. Không phải bằng cách dùng quyền trên ban bố cách nhận xét của mình xuống cho bề dưới, không cần tham khảo ý kiến của họ, mà Bề Trên có thể quả quyết là mình có sự hiện diện của Thiên Chúa như Chúa Kitô đã hứa cho những kẻ qui tụ trong tình yêu của Ngài.

Chúng tôi không muốn kết luận rằng Bề Trên phải theo ý kiến mọi người; nhiều khi không thể có sự đồng ý kiến của tất cả mọi người, và vì Bề Trên vẫn có quyền tự mình quyết định, nên Người không buộc phải theo ý kiến anh em. Nhưng Người phải ân cần hội họp và đón tiếp anh em, để sau đó Người có thể lãnh trách nhiệm mình theo ánh sáng mà Chúa Thánh Thần ban cho Người qua cộng đồng. Khi đó các quyết định của Bề Trên không phải hoàn toàn do cộng đồng ra, nhưng cộng đồng cũng đã hợp tác vào sự soạn thảo các quyết định ấy.

Như vậy, Bề Trên là đại diện của Thiên Chúa, Đấng vừa siêu việt, vừa hiện diện sống động trong cộng đồng tu sĩ.

Trích trong tập sách TIN VÀ TẬN HIẾN nguyên tác CROIRE ET SE DONNER của Jean Galot S.J

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc