TÔN TRỌNG DANH THIÊN CHÚA
Bài Giáo Lý của Đức Thánh Cha Phanxico về Điều Răn thứ II, trong buổi triều yết chung tại Vatican, thứ tư ngày 22.08.2018
Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!
Chúng ta tiếp tục các bài Giáo Lý về các Điều Răn và hôm nay chúng ta đề cập đến điều răn “Đừng kêu tên Thiên Chúa cách bất xứng” (Xh 20,7). Thật vậy, đọc Lời này như một lời mời gọi đừng xúc phạm Danh Thiên Chúa và đừng dùng Danh ấy một cách bừa bãi. Ý nghĩa rõ ràng này giúp chúng ta đào sâu hơn những từ thật quý: không dùng Danh Thiên Chúa cách vô ích, bừa bãi.
Chúng ta hãy lắng nghe những từ này kỹ hơn. Từ “đừng kêu” được dịch là sự bày tỏ, từ này trong cả hai tiếng Do Thái cũng như tiếng Hy Lạp mang nghĩa là “đừng gạ gẫm chính mình, đừng tự cáo buộc mình”.
Từ “vô ích” thì rõ ràng hơn và có nghĩa là: “trống rỗng, uổng công”; như ám chỉ đến một cái bao trống rỗng, một hình thể không có chất thể bên trong. Là tính cách của sự giả hình, của chủ nghĩa hình thức và sự dối trá, của việc sử dụng các từ ngữ hoặc dùng danh Thiên Chúa, nhưng trống rỗng, không có sự thật.
Tên trong Kinh Thánh là sự thật thầm kín của một vật thể và trên hết là của con người. Tên thường bày tỏ một sứ mạng. Ví dụ như, Abraham trong Sáng Thế Ký (x. St 17,5) và Simon Phêrô trong các Tin Mừng (x. Ga 1, 42), nhận một tên mới nói lên sự thay đổi định hướng của cuộc sống. Và biết thực sự tên của Thiên Chúa mang đến sự biến đổi đời sống: từ khoảnh khắc Mose biết danh của Thiên Chúa, cuộc sống của ông thay đổi (x. 3, 13 – 15).
Trong các nghi lễ Do Thái, Danh Thiên Chúa được công bố cách long trọng trong Ngày Đại Phúc và dân được tha thứ bởi vì giữa danh ấy họ được tiếp xúc với chính cuộc sống của Đức Kitô, đó là lòng thương xót.
Vì thế, “đừng gạt gẫm chính mình” muốn nói rằng đặt lên trên chúng ta thực tại của Thiên Chúa. Đi vào trong mối tương quan mạnh mẽ, trong tương quan chặt chẽ với Ngài. Đối với chúng ta những Kitô hữu, điều răn này là một tiếng gọi nhắc chúng ta nhớ lại rằng chúng ta đã được rửa tội “nhân Danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”, như chúng ta đã xác nhận mỗi lần chúng ta làm trên chính mình Dấu Thánh Giá, để sống những hành động thường ngày của chúng ta trong sự hiệp thông cảm nghiệm được và thực tế với Thiên Chúa, nghĩa là trong tình yêu của Ngài. Và về việc làm Dấu Thánh Giá, cha muốn nhắc lại một lần nữa: các con hãy dạy cho trẻ em làm Dấu Thánh Giá. Các con có thấy các em làm Dấu Thánh Giá thế nào không? Nếu các con nói với trẻ em rằng: “Làm Dấu Thánh Giá đi”, chúng sẽ làm cái mà chúng không biết nó là cái gì. Chúng không biết làm Dấu Thánh Giá! Các con hãy dạy cho chúng làm nhân Danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Hành động đức tin đầu tiên của một đứa trẻ. Đó là phận vụ của các con, một phận vụ phải làm: dạy trẻ em làm Dấu Thánh Giá.
Có thể có người đặt câu hỏi rằng: rất có thể đặt để trên chính mình chúng ta danh Thiên Chúa trong hình thức giả hình, như một hình thức, trống rỗng? Câu trả lời khẳng định chẳng may là rất có thể. Người ta có thể sống một tương quan giả dối với Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã nói điều đó với các tiến sĩ luật; họ đã làm nhiều thứ, nhưng không làm những gì Thiên Chúa muốn. Họ nói về Thiên Chúa, nhưng không làm theo thánh ý của Người. Và lời khuyên mà Chúa Giêsu đưa ra là: “Hãy làm những gì họ nói, nhưng đừng làm theo những gì họ làm”. Người ta có thể sống mối tương quan giả tạo với Thiên Chúa, như những thầy thông luật. Lời này của Thập Giới chính là một mời gọi đi vào tương quan với Thiên Chúa, không phải tương quan giả tạo, giả hình, nhưng với tương quan ở đó chúng ta trao dâng cho Ngài tất cả những gì chúng ta là. Cuối cùng, cho đến ngày trong đó chúng ta đánh liều cuộc sống mình với Thiên Chúa, sờ chạm bằng chính đôi tay trong Ngài chúng ta tìm thấy cuộc sống, mà chúng ta chỉ làm với một mớ lý thuyết.
Điều này Kitô giáo chạm đến tận trái tim. Có phải vì thế mà các thánh có khả năng chạm đến trái tim? Bởi vì các thánh họ không chỉ nói thôi mà còn lay động! Trái tim chúng ta được đánh động khi một vi thánh nói, họ nói với chúng ta về nhiều điều. Họ có khả năng đó, bởi vì trong các thánh chúng ta thấy điều trái tim chúng ta khao khát một cách sâu sắc: sự xác thực, mối tương quan thật, tận căn. Và điều này chúng ta cũng thấy nơi “các vị thánh ngay cửa nhà”, họ là những người, ví dụ như, những phụ huynh đã trao cho con cái họ một gương mẫu của một cuộc sống nhất quán, đơn giản, lương thiện và rộng lượng.
Nếu nhân rộng các Kitô hữu biết đặt nơi chính mình danh của một Thiên Chúa không sai lầm – họ thực hiện câu cầu xin đầu tiên của kinh Lạy Cha “nguyện danh Cha cả sáng” – thì lời loan báo của Giáo Hội được lắng nghe hơn và bởi đó sẽ được tin hơn. Nếu cuộc sống của chúng ta tỏa chiếu danh của Thiên Chúa, người ta thấy đẹp biết bao bí tích Rửa Tội và quà tặng lớn lao của Thánh Thể!, có sự hiệp thông cao cả nào hơn giữa thân mình chúng ta và Thân Mình Đức Kitô: Đức Kitô ở trong chúng ta và chúng ta ở trong Ngài! Tất cả hiệp nhất! Điều này không phải là giả, là sự thật. Điều này không phải là nói hoặc cầu nguyện như một con vẹt, điều này phải cầu nguyện với trái tim, yêu mến Thiên Chúa.
Từ Thập Giá Đức Kitô về sau, không một ai có thể tự khinh bỉ chính mình và nghĩ xấu về chính sự hiện hữu. Không một ai và không bao giờ! Bất cứ điều gì đã được làm. Bởi vì danh tánh của chúng ta và của mỗi người ở trên vai của Đức Kitô. Chính Ngài mang vác chúng ta! Chúng ta thật không hối tiếc vì đã mang trên chúng ta danh của Thiên Chúa, vì Ngài đã gánh lấy chúng ta đến tận cùng, ngay cả những xấu xa trong chúng ta. Ngài đã mang gánh nặng để tha thứ cho chúng ta, để đặt trong trái tim chúng ta tình yêu của Ngài. Bởi vậy Thiên Chúa đã công bố trong giới răn này: “Hãy mang lấy Ta trên con, bởi vì Ta đã mang con trên Ta”.
Bất cứ ai có thể kêu danh Thiên Chúa, Ngài là Tình Yêu trung thành và thương xót, trong bất cứ hoàn cảnh nào gặp phải. Thiên Chúa sẽ không bao giờ nói “Không” với một trái tim kêu cầu Ngài cách chân thành. Và chúng ta quay trở lại với bổn phận phải làm ở nhà đó là: hãy dạy cho các trẻ em ghi Dấu Thánh Giá thật tốt.
Vatican, thứ tư ngày 22 tháng 8 năm 2018
Đức Thánh Cha Phanxico
Ý kiến bạn đọc