banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

CẦU NGUYỆN KITÔ GIÁO

Đăng lúc: Thứ tư - 13/05/2020 21:16 - Người đăng bài viết: menthanhgia
CẦU NGUYỆN KITÔ GIÁO

CẦU NGUYỆN KITÔ GIÁO

Bài Giáo Lý về Cầu Nguyện của Đức Thánh Cha Phanxico trong buổi triều yết chung ngày 13.05.2020

Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!

Hôm nay chúng ta thực hiện bước thứ hai trong hành trình Giáo Lý về cầu nguyện mà chúng ta đã bắt đầu từ tuần trước.

Cầu nguyện thuộc về tất cả mọi người: thuộc về con người của mọi tôn giáo, rất có thể nó cũng thuộc về những người không tuyên xưng tin vào một tôn giáo nào. Lời cầu nguyện phát xuất từ trong bí ẩn của chính chúng ta, trong vùng nội tâm ấy các nhà tu đức thiêng liêng gọi là “trái tim” (x. GLHTCG s. 2562 – 2563). Bởi vậy, cầu nguyện không phải là cái gì ngoại vi nơi chúng, không phải là một khả năng thứ yếu và cận biên, mà là mầu nhiệm gần gũi nhất trong chúng ta. Mầu nhiệm đó là cầu nguyện. Những cảm xúc cầu nguyện, nhưng không thể nói rằng cầu nguyện chỉ là cảm xúc. Trí khôn cầu nguyện, nhưng cầu nguyện không chỉ là hành động của trí khôn. Cơ thể cầu nguyện, nhưng người ta có thể nói với Thiên Chúa ngay cả trong tình trạng khuyết tật nặng nề nhất. Do đó, mọi người cầu nguyện, trái tim họ cầu nguyện.

Cầu nguyện là một động lực, là sự cầu xin vượt lên trên chúng ta: là điều gì đó nảy sinh từ trong sâu thẳm của con người và vươn ra, bởi vì tự bên trong có nỗi nhớ mong một cuộc gặp gỡ. Nỗi nhớ mong ấy còn hơn là một nhu cầu, hơn cả một sự cần thiết: là một con đường. Cầu nguyện là một âm giọng của một “tôi” đang dò dẫm, dò dẫm tìm kiếm “BẠN”. Cuộc gặp gỡ giữa tôi và BẠN không thể được làm với sự tính toán: đó là một cuộc gặp gỡ mang tính con người và lắm khi dò dẫm ấy tìm thấy “BẠN” mà cái tôi của tôi đang tìm kiếm.

Lời cầu nguyện của các kitô hữu phát xuất từ mặc khải: “BẠN” không ở lại trong mầu nhiệm, nhưng đi vào trong tương quan với chúng ta. Kitô giáo là tôn giáo cử hành cách liên tiếp “sự mặc khải” của Thiên Chúa, nghĩa là sự tỏ mình của Ngài. Những lễ đầu tiên của năm phụng vụ là những cử hành này của Thiên Chúa, Ngài không ẩn giấu nhưng dâng hiến sự gần gũi của Ngài cho con người. Thiên Chúa mặc khải vinh quang của Ngài trong sự nghèo khó ở Belem, trong sự chiêm ngắm của Ba Vua, trong phép rửa tại sông Giordan, trong vị cứu tinh ở tiệc cưới Cana. Tin Mừng Gioan kết thúc với sự khẳng định tổng quát trong vinh tụng ca mở đầu: “Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng con một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,18). Chúa Giêsu bày tỏ cho chúng ta Chúa Cha.

Lời cầu nguyện của người kitô hữu đi vào trong mối tương quan với Thiên Chúa từ dung nhan rất dịu dàng, Người không muốn khắc ghi nơi con người bất kỳ một sợ hãi nào. Đây là tính cách đầu tiên của cầu nguyện kitô giáo. Nếu con người từ lâu đã quen gần gũi Thiên Chúa với một chút sợ hãi, một chút khiếp đảm vì mầu nhiệm đầy quyến rũ và hãi hùng, nếu như người ta quen thờ phượng Người với một thái độ của một tôi tớ, giống như thái độ của một người tôi tớ không muốn thiếu tôn trọng đối với chủ mình, các kitô hữu trái lại hướng về Thiên Chúa, dám gọi Người trong cách thức thân thiện “Cha ơi!”. Thậm chí, Chúa Giêsu còn dùng một từ khác “papa”.

Kitô giáo loại trừ khỏi sự ràng buộc với Thiên Chúa bằng một mối tương quan “phong kiến”. Trong kho tàng đức tin của chúng ta không có những diễn tả như “khuất phục”, “nô lệ” hoặc “chư hầu”; nhưng là những từ như “giao ước”, “bạn hữu”, “hứa hẹn”, “hiệp thông”, “gần gũi”. Trong diễn từ ly biệt thật dài với các môn đệ, Chúa Giêsu nói rằng: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết. Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi sinh được hoa trái, và hoa trái anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cũng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em” (Ga 15, 15 – 16). Nhưng đây là một tấm chi phiếu trắng: “Tất cả những gì anh em xin với Cha nhân danh Thầy, Thầy sẽ ban cho anh em!”.

Thiên Chúa là bạn, là đồng minh, là hôn phu. Trong cầu nguyện người ta có thể thiết lập mối tương quan tín cậy với Thiên Chúa, thật đúng trong kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu dạy chúng ta hướng về Cha với một loạt lời cầu. Với Thiên Chúa chúng ta cầu xin mọi thứ, mọi thứ; giải thích tất cả và kể tất cả. Không quan trọng nếu trong tương quan với Thiên Chúa chúng ta cảm thấy mình có lỗi: chúng ta không phải là những người bạn tốt, chúng ta không phải là những đứa trẻ được công nhận, chúng ta không phải là những người chồng người vợ trung thành. Ngài vẫn tiếp tục muốn điều tốt lành cho chúng ta. Là điều mà Chúa Giêsu bày tỏ cách dứt khoát trong bữa Tiệc Ly, khi Ngài nói: “Chén này là Giao Ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em” (Lc 22,20). Trong cử chỉ ấy Chúa Giêsu tiên báo mầu nhiệm Thập Giá. Thiên Chúa là đồng minh trung thành. Nếu con người thôi yêu Ngài, Ngài vẫn tiếp tục muốn điều tốt lành cho họ, ngay cả khi tình yêu đưa Ngài đến đỉnh đồi Calvê. Thiên Chúa luôn ở gần cánh cửa trái tim chúng ta và chờ chúng ta mở ra cho Ngài. Nhiều khi gõ cửa nhưng không thể vào trong: Ngài chờ. Sự kiên nhẫn của Thiên Chúa với chúng ta là sự kiên nhẫn của người cha, của một người rất yêu thương chúng ta. Muốn nói rằng là sự kiên nhẫn của cả hai: cha và mẹ. Ngài luôn luôn gần gũi với trái tim chúng ta và khi Ngài gõ, Ngài gõ với sự âu yếm và với muôn vàn tình yêu.

Tất cả chúng ta thử cầu nguyện thế này, đi vào trong mầu nhiệm Giao Ước với Thiên Chúa. Hãy đặt mình trong cầu nguyện giữa vòng tay thương xót của Thiên Chúa, chúng ta cảm nghiệm mình được bao bọc bởi mầu nhiệm của hạnh phúc, là sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi; chúng ta cảm nghiệm mình như những vị khách được mời nhưng cảm thấy không xứng đáng. Và hãy lặp lại với Thiên Chúa, trong sự kinh ngạc của cầu nguyện: Có thể nào Ngài chỉ biết đến tình yêu? Ngài không biết thù oán. Ngài chỉ biết yêu. Đó là Thiên Chúa mà chúng ta cầu nguyện với Ngài. Đây là cốt lõi của cầu nguyện kitô giáo. Thiên Chúa tình yêu, Cha của chúng ta chờ đợi chúng ta và Ngài đồng hành cùng chúng ta.

Vatican, ngày 13 tháng 5 năm 2020
Đức Thánh Cha Phanxico
 

Tác giả bài viết: MTG Nha Trang chuyển ngữ
Nguồn tin: w2.vatican.va
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết