banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

HÒA BÌNH NHƯ HÀNH TRÌNH CỦA HY VỌNG: ĐỐI THOẠI, HÒA GIẢI VÀ HOÁN CẢI SINH THÁI

Đăng lúc: Thứ bảy - 28/12/2019 02:45 - Người đăng bài viết: menthanhgia
HÒA BÌNH NHƯ HÀNH TRÌNH CỦA HY VỌNG: ĐỐI THOẠI, HÒA GIẢI VÀ HOÁN CẢI SINH THÁI

HÒA BÌNH NHƯ HÀNH TRÌNH CỦA HY VỌNG: ĐỐI THOẠI, HÒA GIẢI VÀ HOÁN CẢI SINH THÁI

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxico cho ngày hòa bình thế giới năm 2020

HÒA BÌNH NHƯ HÀNH TRÌNH CỦA HY VỌNG: ĐỐI THOẠI, HÒA GIẢI VÀ HOÁN CẢI SINH THÁI
Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxico cho ngày hòa bình thế giới năm 2020
 
 
1. Hòa bình, hành trình của niềm hy vọng trước những rào cản và thách đố
Hòa bình là một tài sản quý giá, là đối tượng của niềm hy vọng, toàn thể nhân loại khao khát nó. Hy vọng hòa bình là thái độ mang tính căn tính của con người, chứa đựng trạng thái hiện hữu, bởi đó khoảnh khắc hiện tại nhiều khi vất vả “có thể được sống và được đón nhận nếu nó hướng về một mục đích và nếu chúng ta có thể chắc chắn về mục đích của nó, nếu mục đích này lớn lao đáng với sự vất cả của một quá trình”[1]. Trong các thức này, hy họng là nhân đức mà chúng ta dấn thân trên hành trình ấy, nó trao cho chúng ta đôi cánh để tiến về phía trước, ngay cả khi những cản trở dường như không thể vượt qua được.

Cộng đồng nhân loại chúng ta mang trong tâm thức và trong xương máu, những dấu vết của chiến tranh và những xung đột đã xảy ra, với sự gia tăng khả năng hủy diệt và nó không ngừng tác động một cách đặc biệt đến con người, nhất là người nghèo và người yếu kém. Cả những quốc gia khó nhọc thoát khỏi những xích xiềng của bóc lột và của tham nhũng, những thứ nuôi dưỡng sự thù ghét và bạo lực. Ngày nay vẫn còn biết bao người nam và nữ, trẻ em và người cao niên, họ bị phủ nhận nhân phẩm, toàn bộ thân thể, sự tự do, bao gồm cả sự tự do tôn giáo, tình liên đới cộng đồng, niềm hy vọng vào tương lai. Rất nhiều nạn nhân vô tội mang trong chính mình nỗi đau khổ của bị xỉ nhục và loại trừ, của tang tóc và của bất công, nếu không muốn nói cách thẳng thừng về những bi kịch xuất phát từ những cuộc đàn áp dai dẳng chống lại các dân tộc và những người thân thương của họ.

Những thách đố khủng khiếp của các cuộc xung đột quốc gia và của thế giới, thường trở nên nghiêm trọng hơn vì bạo lực bởi thiếu lòng thương xót, làm thương tích dọc theo thân thể và tâm hồn con người. Trong thực tế, mỗi cuộc chiến tranh bày tỏ sự chém giết lẫn nhau, nó phá hủy chính trương trình của tình huynh đệ, được khắc ghi trong ơn gọi của toàn thể nhân loại.

Chiến tranh, chúng ta biết, nó thường bắt đầu với sự mất kiên nhẫn về sự khác biệt của người khác, nó xúi dục khát vọng chiếm hữu và ước muốn thống trị. Nảy sinh trong trái tim con người từ sự ích kỷ và kiêu ngạo, từ sự căm ghét, nó đưa đến sự phá hủy, giam nhốt người khác trong sự tưởng tượng tiêu cực, loại trừ họ và xóa bỏ họ. Chiến tranh nuôi dưỡng sự lệch lạc của các mối tương quan, của khát vọng bá chủ, của lạm dụng quyền lực, của sợ người khác và của sự khác biệt quan điểm như là những chướng ngại và đồng thời nó cũng nuôi dưỡng tất cả các điều này.

Kết quả thật nghịch lý, như tôi đã nhấn mạnh trong chuyến viếng thăm Nhật Bản rằng “thế giới của chúng ta sống sự lưỡng phân của việc muốn bảo vệ và bảo đảm và bảo đảm sự ổn định và hòa bình trên nền tảng của sự chắc chắn lệch lạc được chống đỡ bởi não trạng sợ hãi và ngờ vực, nó làm ô nhiễm các mối tương quan giữa các dân tộc và cản trở mỗi cuộc đối thoại khả thi. Hòa bình và sự chắc chắn toàn cầu không tương ứng với bất cứ cố gắng nào để xây dựng nó trên sự sợ hãi của việc phá hủy lẫn nhau hoặc trên sự đe dọa tiêu diệt toàn bộ; nó khả thi chỉ khởi đi từ một một nền đạo đức toàn cầu của tình liên đới và sự cộng tác phục vụ cho một tương lai được xây đắp từ sự phụ thuộc lẫn nhau và sự đồng trách nhiệm trong đại gia đình nhân loại hôm nay và ngày mai”[2].

Mỗi hoàn cảnh bị đe dọa nuôi dưỡng sự ngờ vực và khép mình trong chính thể trạng của mình. Ngờ vực và hãi làm gia tăng sự mỏng giòn của các mối tương quan và sự rủi ro bạo lực, trong vòng luẩn quẩn của trụy lạc mà nó không bao giờ đưa dẫn đến một mối tương quan hòa bình. Trong ý hướng này, ngay cả việc răn đe hạt nhân cũng chỉ có thể tạo ra một sự chắc chắn ảo tưởng.

Bởi vậy, chúng ta không thể cố gắng duy trì sự ổn định trên thế giới ngang qua sự sợ hãi tiêu diệt, trong sự cân bằng không bao giờ ổn định, nó được treo lơ lửng trên bờ mép của vũ khí hạt nhân và nó đóng mình trong những bức tường của sự lãnh đạm, nơi người ta làm những quyết định về kinh tế xã hội, những quyết định mở ra con đường đầy thảm kịch của sự gạt bỏ con người và thụ tạo, trái lại phải bảo vệ lẫn nhau[3]. Vậy, như thế nào có thể xây dựng hành trình hòa bình và thấu hiểu lẫn nhau? Như thế nào có thể phá vỡ logic lệch lạc của sự đe dọa và sợ hãi? Làm thế nào để bẻ gãy động năng ngờ vực đang thịnh hành? 

Chúng ta phải theo đuổi tình huynh đệ đích thực được đặt nền tảng trên một nguồn gốc chung từ Thiên Chúa và được thực hiện trong sự đối thoại và tin tưởng lẫn nhau. Niềm khao khát hòa bình được khắc ghi một cách sâu thẳm trong trái tim con người và chúng ta không hải hoàn trả lại cho chính mình điều gì khác ngoài hòa bình.

 
2. Hòa bình, hành trình lắng nghe được dựa trên ký ức, dựa trên tình liên đới và tình huynh đệ
Người Hibakusha, những người sống sót sau cuộc ném bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki, họ là những người giữa biết bao người hôm nay vẫn duy trì ngọn lửa sống động của một ý thức tập thể, minh chứng cho những thế hệ tiếp nối, sự kinh rợn của tất cả những gì đã xảy ra vào tháng 8 năm 1945 và những đau khổ không thành lời vẫn còn đeo đẳng cho đến tận hôm nay. Chứng từ của họ thức tỉnh và giữ lại trong cách thế này, ký ức của các nạn nhân, để cho lương tâm nhân loại trở nên luôn mạnh mẽ hơn khi đối diện với ước muốn thống trị và ước muốn tiêu diệt: “Chúng ta không thể cho phép các thế hệ hiện tại và tương lai đánh mất ký ức về tất cả những gì đã xảy ra, ký ức ấy là sự bảo đảm và sự kích thích để xây dựng một tương lai đúng đắn hơn và huynh đệ hơn”[4].

Cũng như nhiều người trên các phần của thế giới này, trao tặng cho những thế hệ tương lai sự phục vụ đáng kể của ký ức, nó được vun trồng không chỉ để không lặp lại cùng những lỗi lầm hoặc để không đề nghị những dự án hão huyền, nó xây dựng cội rễ và khơi gợi những dấu ấn cho những chọn lựa hiện thời và tương lai của hòa bình.

Hơn nữa, ký ức là viễn tượng của hy vọng: rất nhiều lần trong đêm tối của chiến tranh và của xung đột, nỗi nhớ ngay chỉ một cử chỉ nhỏ của tình liên đới được đón nhận, có thể gây hứng khởi cho những chọn lựa đầy can đảm, thậm chí những chọn lựa anh hùng, có thể hoàn trả lại cho hành trình này những năng lực mới và thắp lên lại niềm hy vọng mới nơi những cá nhân và những cộng đoàn.

Mở ra và ghi dấu hành trình hòa bình là một thách đố, càng phức tạp càng thú vị để quyết tâm thực hiện, trong các mối tương quan giữa những cá nhân, cộng đồng và quốc gia, chúng phong phú và trái ngược. Trước hết cần gióng lên lời kêu gọi lương tâm luân lý, ước muốn cá nhân và chính trị. Thật vậy, hòa bình kín múc trong trái tim sâu thẳm của con người và ước muốn chính trị luôn luôn được làm tăng sức, để mở ra những hành trình mới, nó hòa giải và hợp nhất những cá nhân và cộng đoàn.  

Thế giới không cần những lời nói trống rỗng, nhưng cần những chứng nhân thuyết phục, cần những người thợ của hòa bình mở ra với đối thoại mà không loại trừ cũng không mánh khóe. Thật vậy, sẽ không đạt được hòa bình thật sự nếu không có một cuộc đối thoại thực sự giữa những người nam và những người nữ đang tìm kiếm sự thật, vượt lên trên những ý tưởng và quan điểm khác nhau. Hòa bình là “một tòa nhà phải được xây dựng không ngừng”[5], một hành trình mà chúng ta thực hiện bằng việc cùng nhau tìm kiếm luôn luôn lợi ích chung và cùng dấn thân duy trì những lời nói đã trao nhau và tôn trọng quyền con người. Việc lắng nghe lẫn nhau cũng có thể nảy sinh sự hiểu biết và quý mến người khác, cho đến khi nhận biết nơi kẻ thù khuôn mặt của người anh em.

Bởi vậy, hành trình hòa bình là một dấn thân kéo dài trong thời gian. Là một công việc đầy kiên nhẫn tìm kiếm sự thật và công bình, tôn trọng ký ức của các nạn nhân và mở ra từng bước một niềm hy vọng chung, mạnh hơn sự trả thù. Trong quy tắc của pháp luật, dân chủ có thể là một mô hình ý nghĩa cho hành trình này, được đặt nền tảng trên sự công bình và dấn thân bảo vệ quyền lợi của mỗi người trong việc tìm kiếm luôn luôn sự thật, đặc biệt đối với người yếu thế hoặc những người bị gạt ra bên lề xã hội[6]. Đó là công trình xã hội và một tiến trình đang xây dựng, trong đó mỗi cá nhân mang nơi mình trách nhiệm được góp phần, tất cả mọi cấp bậc trong cộng đồng địa phương, quốc gia và toàn thế giới.

Như thánh Giáo Hoàng Phaolo VI đã nhấn mạnh, “hai khát vọng kép về bình đẳng và tham gia là nhắm tới việc thúc đẩy một kiểu xã hội dân chủ […] Điều đó ngụ ý đến tầm quan trọng của việc giáo dục cách sống hỗ tương, nơi đó, ngoài việc thông cáo về những quyền lợi của cá nhân, cần phải đặt nơi ánh sáng những nhu cầu cần thiết mang tính cộng đồng của họ: công nhận những người nghèo trong đối chiếu với người khác. Ý nghĩa và thực hiện bổn phận được điều kiện hóa bởi sự tự chủ, cũng như sự đón nhận trách nhiệm và những vị trí giới hạn trong việc thực thi sự tự do của mỗi cá nhân và của nhóm”[7].

Trái lại, những đổ vỡ giữa những thành viên trong xã hội, sự gia tăng của bất bình đẳng và sự chối từ sử dụng các công cụ cho sự phát triển con người toàn diện đặt việc theo đuổi công ích vào trong mối nguy hiểm. Công việc kiên nhẫn dựa trên sức mạnh của lời nói và của sự thật thức tỉnh nơi con người khả năng trắc ẩn và tình liên đới đầy sáng tạo.

Trong kinh nghiệm của người kitô hữu chúng ta, chúng ta tưởng nhớ không mệt mỏi về Chúa Kitô, Ngài đã trao ban sự sống mình cho sự hòa giải của chúng ta (x. Rm 5,6 – 11). Giáo Hội tham dự một cách tròn đầy vào việc tìm kiếm một trật tự đúng đắn, tiếp tục phục vụ công ích, và nuôi dưỡng niềm hy vọng hòa bình, ngang qua việc lưu truyền các giá trị kitô giáo, những giáo huấn về luân lý và các công trình xã hội, giáo dục.

 
3. Hòa bình, hành trình của hòa giải và hiệp thông huynh đệ
Kinh Thánh, cách đặc biệt ngang qua lời các ngôn sứ, lại kêu gọi sự nhận thức và kêu gọi các dân tộc đến cùng giao ước của Thiên Chúa với nhân loại. Đó là loại bỏ ước muốn thống trị người khác và học nhìn nơi nhau như những nhân vị, như những người con của Thiên Chúa, như anh em. Người khác không bao giờ bị đóng kín trong những gì người ấy có thể nói hoặc làm, nhưng được nhìn nhận bởi lời hứa người ấy mang nơi mình. Chỉ có việc chọn con đường tôn trọng mới có thể phá vỡ đường xoắn ốc của trả thù và đảm nhiệm bước đường hy vọng.

Một đoạn Tin Mừng hướng dẫn chúng ta, đoạn đưa chúng ta về với cuộc đàm đạo giữa Chúa Giêsu và Phêrô: «“Thưa Thầy, nếu anh em con xúc phạm đến con, con phải tha mấy lần? Đến bảy lần không? Đức Giêsu trả lời: “Ta không nói đến bảy lần, mà đến bảy mươi lần bảy”» (Mt 18, 21 – 22). Hành trình hòa giải này mời gọi chúng ta tìm thấy nơi sâu thẳm của trái tim chúng ta sức mạnh của sự tha thứ và khả năng nhận biết nhau là anh chị em. Học sống tha thứ làm lớn lên khả năng trở thành những người nam và nữ của hòa bình.

Đó là hòa bình thực sự trong môi trường xã hội, là hòa bình thực sự ngay cả trong lãnh vực chính trị và kinh tế, bởi vì vấn đề của hòa bình thấm nhuần vào trong tất cả các chiều kích của đời sống cộng đồng: sẽ không bao giờ có hòa bình thực sự, nếu chúng ta không có khả năng xây dựng một hệ thống kinh tế đúng đắn hơn. Như Đức Thánh Cha Benedetto XVI đã viết cách đây mười năm trong Tông huấn Caritas in veritate – Bác ái trong chân lý: “Để chiến thắng tình trạng chậm phát triển, đòi hỏi phải có hành động không những để làm tốt hơn hoạt động hoán chuyển dựa trên việc trao đổi sản phẩm và thiết lập những cơ cấu phục vụ phúc lợi chung, nhưng nhất là phải từ từ mở ra ở tầm vóc toàn cầu những hình thức hoạt động kinh tế được đánh dấu bằng tính nhưng không và xã hội” (s. 39).

 
4. Hòa bình, hành trình hoán cải về sinh thái
“Nếu đôi lúc vì thiếu hiểu biết, chúng ta biện minh cho việc đối xử tệ bạc với thiên nhiên, tàn nhẫn với công trình tạo dựng, tham gia vào chiến tranh, bất công và bạo lực, thì với tư cách là các tín hữu, chúng ta phải nhận mình không còn trung tín với các kho tàng của sự khôn ngoan mà chúng ta được mời gọi bảo tồn”[8].

Đứng trước những hệ quả của sự thù nghịch của chúng ta với người khác, của sự thiếu tôn trọng ngôi nhà chung và của sự lạm dụng khai thác các tài nguyên thiên nhiên, - ngày nay được xem như chỉ là công cụ hữu ích cho lợi nhuận, mà không tôn trọng cộng đồng địa phương, không tôn trọng công ích và thiên nhiên, - chúng ta cần một cuộc hoán cải về sinh thái.

Thượng Hội Đồng về miền Amazon mới đây thúc đẩy chúng ta hướng về, trong canh tân, lời kêu gọi mối tương quan hòa bình giữa các cộng đồng và trái đất, giữa hiện tại và ký ức, giữa kinh nghiệm và niềm hy vọng.

Hành trình hòa giải này cũng được lắng nghe và sự chiêm ngắm thế giới mà Thiên Chúa đã ban tặng cho chúng ta, để chúng ta làm cho nó trở nên ngôi nhà chung của chúng ta. Thực vậy, các tài nguyên thiên nhiên, nhiều hình thức khác nhau của cuộc sống và chính Trái Đất được ký thác cho chúng ta để được “vun trồng và chăm sóc” (x. St 2,15), cũng là để dành cho những thế hệ tương lai, với sự tham dự đầy trách nhiệm và siêng năng của mỗi người. Hơn nữa, chúng ta cần thay đổi cách chung sống và cái nhìn, điều ấy mở ra cho chúng ta cách bao la hơn sự gặp gỡ với người khác và đón nhận quà tặng của thụ tạo, thụ tạo ấy phản chiếu vẻ đẹp và sự khôn ngoan của Đấng Tạo Dựng.

Đặc biệt, từ đây xuất phát ra những động lực sâu xa và cách thức mới để sống trong ngôi nhà chung, cách thức mới trong sự hiện diện cùng nhau với nhiều khác biệt, cách tổ chức và tôn trọng sự sống đã được đón nhận và chia sẻ, lo lắng cho nhau về những điều kiện và những mô hình xã hội tạo thuận lợi cho việc thăng hoa và trường tồn của cuộc sống tương lai, về sự phát triển công ích của toàn gia đình nhân loại.

Bởi vậy, sự hoán cải sinh thái mà chúng ta gióng lên lời kêu gọi, đưa chúng ta đến cái nhìn mới về sự sống, nghĩ đến lòng quảng đại của Đấng Tạo Hóa, Ngài đã trao ban cho chúng ta Trái Đất và mời gọi chúng ta vui vẻ chia sẻ. Sự hoán cải ấy được hiểu cách toàn diện, như thể sự biến đổi các mối tương quan mà chúng ta tương quan với anh chị em mình, với các sinh vật sống khác, với thụ tạo trong sự phong phú đa dạng của nó, với Đấng Tạo Hóa, Ngài là cội nguồn của sự sống. Đối với Kitô hữu, điều đó đòi hỏi “làm cho hoa trái của cuộc gặp gỡ giữa họ với Đức Kitô trở nên chứng tá trong mối tương quan của họ với thế giới xung quanh”[9].

 
5. Có được bao nhiêu, hy vọng bấy nhiêu[10]   
 Hành trình hòa giải đòi hỏi sự kiên nhẫn và tín thác. Không thể có hòa bình, nếu không hy vọng về nó.

Trước hết cần phải tin vào khả năng của hòa bình, tin rằng người khác có cùng một nhu cầu như chúng ta về hòa bình. Điều này, có thể truyền cảm hứng cho chúng ta về tình yêu của Thiên Chúa dành cho mỗi người, một tình yêu tự do, không giới hạn, nhưng không và không mệt mỏi.

Sợ hãi thường là nguồn của xung đột. Bởi vậy, thật quan trọng cần phải vượt lên trên những sợ hãi mang tính con người của chúng ta, nhận biết mình như những người con nghèo hèn trước Đấng yêu chúng ta và đợi chờ chúng ta, như người Cha của người con hoang đàng (x. Lc 15, 11 – 24). Văn hóa gặp gỡ giữa những anh em và chị em phá vỡ văn hóa đe dọa. Làm cho mỗi cuộc gặp gỡ trở nên có thể và là quà tặng tình yêu rộng lượng của Thiên Chúa. Tình yêu ấy hướng dẫn chúng ta vượt qua những giới hạn của các viễn tượng hạn hẹp, để luôn nhắm tới việc sống tình huynh đệ phổ quát, như những người con của Cha trên trời.

Đối với các môn đệ của Chúa Kitô, hành trình này được nâng đỡ bởi bí tích Hòa Giải, được trao ban từ Thiên Chúa để tha thứ tội lỗi cho những người đã lãnh nhận Phép Rửa. Bí tích này của Hội Thánh, canh tân các cá nhân và cộng đoàn, mời gọi luôn giữ cái nhìn hướng về Chúa Giêsu, Người đã hòa giải “muôn vật được hòa giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (Cl 1,20); và đòi buộc vứt bỏ bạo lực trong suy nghĩ, trong lời nói và hành động, cả hướng về người khác cũng như thụ tạo.

Ân sủng của Thiên Chúa Cha trao ban như là tình yêu vô điều kiện. Đón nhận sự tha thứ của Ngài, trong Đức Kitô, chúng ta có thể dấn thân để trao tặng nó cho những người nam và người nữ cùng thời với chúng ta. Ngày lại ngày, Chúa Thánh Thần khơi gợi cho chúng ta những thái độ và lời nói để chúng ta trở nên những nghệ nhân của công lý và hòa bình.

Nguyện xin Thiên Chúa của hòa bình chúc lành và nâng đỡ chúng ta.

Nguyện xin Đức Maria, Mẹ của Hoàng Tử Hòa Bình và Mẹ của tất cả các dân tộc trên trái đất, đồng hành cùng chúng ta và nâng đỡ chúng ta trên hành trình hòa giải, bước này nối tiếp bước kia.

Và xin cho mỗi người đang sống trên thế giới này, có thể nhận biết sự hiện hữu của hòa bình và phát triển một cách tròn đầy lời hứa tình yêu và sự sống mà mỗi người mang trong mình.

Từ Vatican, ngày 08 tháng 12 năm 2019
                 Phanxico

 

[1] Benedetto XVI, Thông điệp Spe salvi (30.11.2007), 1.        
[2] Bài diễn văn về vũ khí hạt nhân, Nagasaki, Parco “Atomic bomb Hypocenter”, ngày 24.11.2019.
[3] X. Bài diễn văn ở Lampedusa, 08.07.2003.
[4] Bài diễn văn về hòa bình, Hiroshima, Ký ức về hòa bình, ngày 24.11.2019.
[5] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et spes, s. 78.
[6] X. Benedetto XVI, Discorso ai dirigenti delle Associazioni Cristiane Lavoratori Italiani, ngày 27.01.2006.
[7] Tông huấn Octogesima adveniens, ngày 14.05.1971, s. 24.
[8] Đức Thánh Cha Phanxico, Thông điệp Laudato si’ – Thông điệp về việc chăm sóc Ngôi Nhà chung của chúng ta, ngày 24.05.2015, s. 200.
[9] Ibid., s. 217.
[10] X. Gioan Thánh Giá, Đêm tối, II, 21, 8.

Tác giả bài viết: MTG Nha Trang chuyển ngữ
Nguồn tin: www.vatican.va
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết