NGÀY NÀY NĂM ẤY….!
Có rất nhiều sự kiện, biến cố trong cuộc sống con người được hòa quyện và chảy trôi theo thời gian. Có những khoảng thời gian trôi đi cách vô định, nhưng lại có những khoảng thời gian được ghi nhớ, được đánh dấu như một mốc quan trọng của lịch sử. Một mốc thời gian nào đó trở nên đáng ghi nhớ và trân quý vì nó gắn liền với một sự kiện quan trọng và ảnh hưởng sâu đậm trên những thay đổi của xã hội và con người.
Có một ngày như thế, đã được ghi nhớ mãi mãi!
Ngày 01 tháng 09 năm 1671, ngày hết sức trọng đại đã được đi vào trang vàng của lịch sử Giáo Hội Việt Nam cách riêng là của Giáo phận Nha Trang. Ngày đó gắn liền với một sự kiện không bao giờ quên khi Đức Cha Phêrô Lambert de La Motte-vị đại diện Tông Tòa tiên khởi - đặt chân lên miền đất Nha Trang, nơi một giáo xứ khiêm tốn gần biển đó là Giáo xứ Lâm Tuyền (Chợ Mới ngày nay).
Lật giở từng trang sử con đọc thấy được kể rằng: “Đức Cha Lambert cùng 2 linh mục miền Nam tiên khởi là Cha Giuse Trang và Luca Bền với 2 vị Thừa sai là Cha Mahot và Cha Vachet đã rời Yuthia (Thái Lan) ngày 20 tháng 7 năm 1671 khởi hành sang Việt Nam. Thuyền của các ngài gặp một cơn bão táp dữ dội gần đảo Phú Quốc. Lúc ngang qua cửa sông Cửu Long thuyền lại bị quân cướp biển rượt theo suốt 3 ngày, đến Phan Rí lại bị thuyền quân Tầu Ô đuổi bắt. Nhờ gió thuận mà Đức Cha cũng như các Cha ráng sức chèo thật nhanh mới thoát được tay quân cướp. Sau hành trình gian nan và hồi hộp Đức Cha đã đến gần Nha Trang vào cuối tháng 8 năm 1671. Đức Cha sợ bị tiết lộ, chính quyền sẽ bắt giam và cơn cấm đạo lại bùng lên thiệt hại cho giáo dân, nên ngài dạy kiếm nơi chắc chắn để cẩn mật cập bến ban đêm. Một linh mục Việt Nam đi báo tin Đức Cha đến cho Ban Chấp Hành Hội Đồng Giáo Dân. Ngày hôm sau, lúc 10 giờ rưỡi sáng Ngài trở lui, dân theo 2 thầy giảng, 2 giáo dân Chợ Mới (Ngọc Hội). Họ hết sức vui mừng vì chưa bao giờ thấy một Giám Mục. Lúc trời tối, giáo dân đã đến rước Đức Cha đi võng, các cha đi bộ lặng lẽ, từ bờ biển về Chợ Mới bằng an vào đêm ngày 1 tháng 9 năm 1671”[1].
Vài dòng sử trên đây chắc chắn chưa thể kể hết hành trình đầy gian khổ của Đức Cha Lambert khi chọn ra đi theo tiếng Chúa gọi hãy qua bờ bên kia. Giã từ quê hương nước Pháp, Cha ra đi mà không biết ngày đến không rõ ngày về. Cha đã cưu mang, đã yêu thương và trăn trở đem Chúa đến vùng Viễn Đông xa xôi, nơi mà Cha chưa một lần đặt chân, nơi có những con người xa lạ mà Cha chưa một lần gặp mặt. Ánh mắt và trái tim của Cha luôn hướng về nơi Cha được sai đến. Cha chưa đi nhưng trí lòng cha đã cư ngụ ở đó, Cha chưa đến nhưng trái tim Cha đã thuộc về nơi này, Việt Nam - Giáo phận Đàng Trong thân yêu.
Thật vậy, chín năm chờ đợi trên mảnh đất Thái Lan và khi thời cơ đến Cha sắp xếp đi ngay. Hơn một tháng trời lênh đênh trên biển cả chẳng ngày nào Cha không phải đối mặt với phong ba bão táp ngoài biển khơi cùng những sự chống đối, bách hại và thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần. Vì hoàn cảnh khó khăn, để đến được với con chiên, Cha đã để người ta gánh mình đi như gánh cá. Hình ảnh ấy làm con nhớ đến sự tự hủy của Chúa Giêsu “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ sống như người trần thế.” (Pl 2,6-7).
Cha là vị Đại diện tông tòa đầu tiên đặt chân lên phần đất Việt Nam với tình yêu tha thiết của Cha dành cho đoàn con dân Việt. Quả thật ai dò được đường lối của Chúa Quan Phòng? Làm sao diễn đạt được ước vọng nồng cháy nung nấu con tim của các tín hữu ao ước một chủ chăn? Sự hiện diện của Cha lúc bấy giờ là nguồn sức mạnh lớn lao cho các giáo hữu, là lời khích lệ động viên và là sự nâng đỡ, ủi an tinh thần cho đoàn chiên mong chờ vị Mục tử. Sự hiện diện của Cha như nói lên tất cả “Cha ở đây là vì anh chị em”. Và ngày này năm ấy Cha đã ban phép thêm sức cho 200 trẻ em và ít người lớn. Cũng trong lần đặt chân lịch sử này, Cha đã lập Dòng Mến Thánh Giá Đàng Trong tại An Chỉ (Quảng Ngãi) vào lễ Giáng Sinh năm 1671[2].
Hôm nay, 350 năm đã trôi qua, nhớ lại ngày Cha đặt chân lên đất Nha Trang mở đầu cho cuộc viếng thăm mục vụ tại Đàng Trong – Giáo phận của Cha, con nghe đâu đây lời của Cha vang vọng bên tai con “Cha đến đây là vì chúng con, các Nữ tu Mến Thánh Giá, những người con mà Cha đã sinh ra trong đức tin tinh tuyền, tình yêu tinh tuyền và niềm phó thác tinh tuyền dành cho Thiên Chúa”. Con bỗng thấy mình trở nên quan trọng và con được Cha yêu mến cách đặc biệt khi tình yêu và bước chân của Cha đã sinh ra con trong Hội Dòng Mến Thánh Giá trên đất Mẹ Nha Trang này. Đồng thời con cũng nghe được lời nhắn nhủ tha thiết của Cha hãy trung thành với ơn gọi cao cả Thiên Chúa đã dành cho chúng con để mưu ích cho chúng con và anh chị em đồng loại.
“Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi nó mới sinh được nhiều hạt khác.” Cha là hạt giống Chúa gieo vào lòng dân tộc Việt và làm bùng cháy ngọn lửa đức tin cho Giáo Hội Việt Nam mà Chúa đã ném xuống qua các vị Thừa Sai tiên khởi. Hạt giống ấy trải qua nhiều gian nan thử thách có lúc tưởng chừng như bị vùi lấp không thể nảy mầm được, nhưng chính nhờ tình yêu phi thường mà hạt giống ấy đã trở nên bất biến giữa lòng đời, bất diệt trước sức mạnh của sự dữ và thế gian. Hạt giống Lambert vẫn kiên cường giữa phong ba bão táp, giữa biết bao bách hại và chống đối để hoa trái đức tin tiếp tục được gieo vãi, lớn mạnh và ngày càng lan rộng cách riêng là trên quê hương Việt Nam. 350 năm đã đi qua nhưng hình ảnh của Cha vẫn sống động như ngày nào nơi các Nữ tu Mến Thánh Giá, nơi các anh chị em Hiệp Hội Mến Thánh Giá Tại Thế, nơi hàng giáo sĩ Cha đã thiết lập tại Việt Nam.
Ngày này năm ấy, Cha đặt chân lên miền đất khó nghèo của Nha Trang, để Nha Trang trở thành phần đất Chúa chọn[3] cho kế hoạch tình yêu của Ngài. Ngày này năm nay, chúng con ghi ơn Cha. Đất Mẹ bồi hồi, tưởng niệm Cha với tấm lòng tri ân và niềm cảm mến chân thành. Con nhớ những dòng thư Cha viết cho hai chị Ane và Paula, như là lời hôm nay Cha đang nhắn nhủ với từng người trong chúng con, các Nữ Tu Mến Thánh Giá. Chúng con nguyện quyết tâm mỗi ngày sống lời nhắn nhủ ấy và dõi bước theo Cha: chuyên chú suy niệm, tưởng nhớ và noi theo cuộc đời đau khổ của Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh, trung thành thực hiện các nghĩa vụ bằng sự dấn thân hy sinh với một tình yêu phi thường dành cho Ngài- Đấng Chịu Đóng Đinh vì yêu.
[1] Kỷ yếu Tam Bách Chu Niên Giáo Phận Nha Trang, tr. 7. [2] Nhóm Nghiên Cứu Linh Đạo, Lịch sử Dòng Mến Thánh Giá, 2018, 145. [3] Trích trong thư Luân lưu “Kỷ niệm Ba Trăm Năm” Đức Cha Phêrô Lambert đặt chân đến Nha Trang của Đức Cha Fx. Nguyễn Văn Thuận, 1.9.1670 - 1.9.1971.
Tác giả bài viết: Nến Nhỏ
Ý kiến bạn đọc