banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

THÁNG 9 CỦA ĐỨC CHA LAMBERT

Đăng lúc: Thứ tư - 06/09/2017 05:07 - Người đăng bài viết: menthanhgia
THÁNG 9 CỦA ĐỨC CHA LAMBERT

THÁNG 9 CỦA ĐỨC CHA LAMBERT

Ngày 01.9.1671: Đức Cha Lambert kinh lý Đàng Trong lần thứ I * Ngày 06.9.1675: Kinh lý Đàng Trong lần thứ II
      Quyết định thực hiện chuyến kinh lý lần thứ nhất tại Đàng Trong năm 1671 là sống tâm tình của người mục tử trước hoàn cảnh khó khăn của con cái thuộc Giáo Phận này.
      Đức Cha Lambert trở về Thái Lan từ Đàng Ngoài vào tháng 4 năm 1670. Đầu năm 1671, Đức Cha đau nặng tưởng chết, được tin, vua Thái Lan liền phái các lương y đến săn sóc cho Đức Cha. Ít lâu sau, Đức Cha bình phục. Ngày 8.5.1671 hai cha Đàng Trong Giuse Trang và Luca Bền, cùng hai thầy giảng đến Ayuthia. Các ngài đến phúc trình cho Đức Cha hoàn cảnh của Giáo Phận: trong vòng có hơn 1 tháng mà hai vị thừa sai Antoine Hainques và Pierre Brindeau lần lượt qua đời. Các vị đại diện của Đàng Trong trình bày tâm tình thật tha thiết: “Xin đem lòng thương chúng con đang phải cô độc. Một mình Đức Cha có thể cứu giúp chúng con. Đức Cha qua được thì chúng con yên lòng, bớt thương tiếc hai cha mới qua đời. Nhược bằng Đức Cha không thể đi được, xin Đức Cha sai đấng khác đi thế cho Đức Cha”[1].
      Dù gặp khó khăn và chống đối, Đức Cha Lambert vẫn quyết định đi kinh lý miền truyền giáo Đàng Trong, là phạm vi trách nhiệm trực tiếp của Ngài. Phái đoàn đi trên một chiếc ghe bầu, buồm làm bằng chiếu. Ghe thật mong manh mà chỉ có 4 người Đàng Trong chèo.  Do hoàn cảnh Đức Cha đặc biệt giữ bí mật chuyến đi này. Đến hải phận Nha Trang ngày 31.8.1671 nhưng phái đoàn không dám lên bờ. Đức Cha phái một linh mục người Đàng Trong lên bờ báo tin cho giáo dân biết. Đến tối hôm sau ngày 1.9.1671 phái đoàn mới dám lên bờ, để cẩn thận phái đoàn làm như người đi đánh cá về. Sau hơn một tháng vượt biển đầy gian nguy do bão tố và hải tặc, đoàn thừa sai đã cập bến Nha Trang ngày 01.9.1671. Sau hai tháng dừng chân tại Lâm Tuyền (giáo xứ Chợ Mới ngày nay), Ngài đi bộ từng chặng ra tới Hội An.
     Những công việc Ngài đã thực hiện trong lần kinh lý kéo dài 6 tháng này[2]:
_ Ban các bí tích.
_ Lập Dòng nữ Mến Thánh Giá tại An Chỉ (Quảng Ngãi) vào dịp lễ Giáng Sinh năm 1671, trao cho họ bản luật giống như ở Đàng Ngoài, và chỉ thị cho họ mặc thường phục giống như các phụ nữ địa phương.
_ Khai mạc công đồng Hội An, chính xác là trên hòn đảo nhỏ Chiêm Bồng gần Hội An, ngày 15.1.1672 do Ngài chủ tọa với sự hiện diện của ba thừa sai Pháp, hai linh mục bản quốc là cha Giuse Trang và Luca Bền và khoảng ba mươi thầy giảng.
     Ngài trở về lại Thái Lan vào cuối tháng 3 năm 1672.
     4 năm sau, cũng vào tháng 9 Ngài thực hiện chuyến kinh lý Đàng Trong lần thứ II vào ngày 06.9.1675. Chuyến đi lần này là được chúa Hiền Vương mời, nên lần này Đức Cha Lambert đến Đàng Trong cách công khai. Tuy nhiên, Ngài gặp nhiều sự kiện đau lòng, vì Giáo Hội tại đây đang có nguy cơ chia rẻ trầm trọng do những người dựa chế độ bảo trợ của Bồ Đào Nha chống đối các Đại Diện Tông Tòa. Nhưng cuối cùng, nhờ thái độ vừa nhân từ vừa cương nghị, Ngài tái lập được trật tự miền truyền giáo của Ngài. Ngài đã cảm nhận tất cả là hồng ân và đánh giá cuộc kinh lý này như “cuộc hành trình được Thiên Chúa ban đầy phúc lành”.
 

[1] Lm. Augustino Nguyễn Văn Trinh, Lịch sử Giáo Hội Việt Nam, tập 3, Đại Chủng Viện Thánh Giuse năm 1994, tr. 217 – 218.
[2] Liên Hội Dòng Mến Thánh Giá, Tóm lược tiểu sử Đức Cha Phêrô – Maria Lambert De La Motte. Đấng Sáng Lập Dòng Mến Thánh Giá, Lưu hành nội bộ, tr. 32, 34. 

Tác giả bài viết: MTG Nha Trang
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc