banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

TRẬN CHIẾN CUỐI CÙNG

Đăng lúc: Thứ hai - 28/05/2018 10:09 - Người đăng bài viết: menthanhgia
TRẬN CHIẾN CUỐI CÙNG

TRẬN CHIẾN CUỐI CÙNG

Những ngày cuối đời của Đức Cha Lambert de La Motte: Những tháng cuối cùng của ngài là một con đường thập giá cho cả thể xác lẫn tinh thần.

Ngày 15. 6. năm nay là lễ giỗ lần thứ 339 của Đức Cha Phêrô Lambert de La Motte. Ngày Đức Cha ra đi trở về với Đấng ngài chọn làm Đối Tượng duy nhất của lòng mình, người ta đã nói lên chính lời của vua Đavít khi nghe tin Abner tử trận: “Ngày hôm nay chủ tướng ngã xuống trong Israel”[1]. Thiết nghĩ, đây cũng là dịp thật đẹp để đọc lại những bước cuối cùng của “người say mê Thánh Giá Chúa Giêsu”, những bước đi cuối cùng đầy nặng nhọc nhưng cũng đầy hào hùng và kiên vững trên con đường thập giá.

Từ Đàng Trong Việt Nam, Đức Cha trở lại Siam, Thái Lan vào giữa tháng 5. 1676, sức khỏe của Đức Cha kém dần. Mười bảy năm sau khi rời bỏ Paris, Đức Cha Pierre Lambert không còn là người chiến sĩ kiên cường mới nhập ngũ mà là một ông già 53 tuổi, đã dốc hết sức lực vào những công việc lớn lao, tìm đủ mọi cách trám lấp những lỗ hổng vết nứt đang đe dọa xứ truyền giáo của ngài trước khi bỏ mình trên trận địa[2]. Để thấy điều đó, chỉ cần đem đối chiếu hai chân dung của ngài còn được lưu lại: bức thứ nhất vẽ lúc ngài lên đường cho thấy một chức sắc, gương mặt quý phái hiền hậu nhưng cũng cương nghị, oai vệ; bức thứ hai mặt hốc hác, da tái nhạt, mang dấu vết thuốc độc, miệng nhăn nhó, trán đầy vết nhăn, cho thấy một cuộc đời hao mòn vì lo công việc truyền giáo. Chỉ còn cái nhìn là vẫn nhận ra được vẻ đượm  buồn, mệt mỏi nhưng vẫn phản chiếu sự an bình sâu xa, thoát ra từ tâm hồn của nhà thần bí và giúp cho ngài đứng vững. Thế nhưng con người đó đã được so sánh “với những cây cổ thụ mấy trăm năm của rừng Normandie, bị gió bão làm làm cho cong queo và là nơi chim chóc làm tổ” như Bernard Jacqueline đã khéo nói sẽ sớm bị đốn ngã[3].

Thể trạng của Đức Cha được thuật lại thật rõ ràng và chi tiết trong những lá thư của những người thân tín. Trong lá thư đề ngày 31 tháng 08 năm 1678 của cha Gayme gửi Đức Cha Pallu viết như sau: “Bệnh hiểm nghèo của Đức Cha làm chúng tôi lo lắng. Tất cả các thầy thuốc giỏi đều không biết ngài đau bệnh gì, người thì bảo sỏi bàng quang, người thì bảo lở loét bao tử […]. Từ nhiều ngày nay, ngài đau đớn, ngày đêm vật vã, tôi nằm trong phòng cũng nghe. Chúng tôi thật đau lòng, chỉ có ngài còn cười được, và tỏ ra hết sức bình tĩnh khi chúng tôi lo lắng buồn rầu về bệnh tình của ngài[4].

Cũng là cha Gayme trong lá thư ngày 15. 7. 1679, viết sau khi lo hậu sự cho Đức Cha đúng một tháng, có lẽ là để báo tin về sự ra đi của Ngài. Cha viết: Những tháng cuối cùng của ngài là một con đường thập giá cho cả thể xác lẫn tinh thần. Điều làm chúng tôi ngạc nhiên nhất là ngài đã cầm cự với những cơn đau đúng mười hai tháng và hình như Chúa thêm sức cho ngài để ngài chịu đau nhiều hơn[5]. Ngài mất cuối phiên trực của tôi, vào lúc bốn giờ sáng, nửa đêm trước khi tắt thở ngài xin rước Mình Thánh Chúa và xin tôi nhận lời tuyên xưng đức tin; thú thật với cha rằng, tôi nhận lời tuyên xưng mà mắt đẫm lệ. […] Ngài được chôn cất tại nghĩa trang trong một cái huyệt có xây tường xung quanh[6].

Trong một bức tâm thư gửi cho các Giám đốc, Đức Cha Louis Laneau tả cái chết của Đức Cha Pierre Lambert một cách tỉ mỉ và đầy ấn tượng hơn. “Ngài chết trong đau đớn và Chúa đã cho ngài cảm thấy sức nặng của Thánh Giá mà ngài đã từng say mê cả đời”. “Ngài thường nói đau đớn thân xác không là gì sánh với đau buồn trong tâm hồn, vì Chúa đã lấy đi mọi an ủi bên trong, chỉ để lại một tia sáng để ngài khỏi ngã lòng. Ngài ở trong những nỗi lo âu và tăm tối lạ lùng đến nỗi ngài không biết xoay xở cách nào. Ngài đổi phòng, trong phòng ngài đổi giường. Tuy vậy, vì ngài thấy người ta lấy làm lạ trước những dằn vặt của ngài, ngài xin đừng vì thế mà vấp phạm, phải để cho con người tự nhiên phản ứng mặc dầu các giác quan đều bị xáo trộn, bất lực, ngài vẫn cảm thấy bình an trong nơi sâu thẳm của tâm hồn, và dù con thú nơi mình rên xiết, phần cao thượng vẫn an bình, không suy chuyển. Ngài phàn nàn với Chúa như ông Gióp xưa và điệp khúc ngài luôn luôn có trên miệng: Càng nhiều đau khổ, càng nhiều nhẫn nhục; Ngài nói, mặc dầu đôi khi ngài có thốt ra vài lời phàn nàn những đó là ngoài ý muốn, ngài chỉ muốn điều Chúa muốn mà thôi. Ngài rước lễ nhiều lần, người ta không thể tưởng tượng được ngài đã mau mắn như thế nào khi xin chịu Phép Xức Dầu. Sau hết, ngài đã trút hơi thở cuối cùng, đúng như một con người đau khổ như ngài đã sống, giữa những thập giá và đau đớn, không chỉ bên ngoài mà cả bên trong, Thiên Chúa đã muốn ngài phải trải qua để được hoàn toàn ra không và làm cho ngài ra bất lực, nếu nói được như vậy, không một chút tự mãn nào với những gì Thiên Chúa làm qua tay ngài”[7].

Trước cơn thử thách khủng khiếp như thế, Đức Cha Luis Laneau liên tưởng tới ông Gióp, nhưng hẳn là ngài mới nói một phần chứ chưa lột hết ý của mình[8]. Vì trải qua 15 năm trong sự thân mật thiêng liêng của người say mến Thánh Giá mà Đức Cha Lambert vẫn luôn ấp ủ trong lòng, đã thoáng thấy được mầu nhiệm được gắn kết với Đức Kitô khi kết hợp với Người. Sự kiện này sẽ linh hứng cho ngài sau này khi viết tập tham luận về thần linh hóa, lúc mà chính ngài rơi vào cảnh cô quạnh giữa những bất công trong cuộc đời. Đức Cha Louis Laneau cảm thấy rõ cảnh hủy hoại một con người sống, sự tan rã sự sống xét theo ý nghĩa sâu xa, có cái gì tương tự với kinh nghiệm của người Tôi Tớ Đau Khổ đã được Isaia mô tả: “Đám đông lấy làm kinh hãi vì không còn nhận ra Người. Người không còn hình nữa…”. Cuối một cuộc đời đầy danh dự và chiến đấu, Đức Cha Pierre Lambert chết trong tình trạng thân xác bệnh hoạn, tâm hồn đơn độc, tệ hơn nhưng kẻ mà 25 năm về trước, ngài đã tự nguyện ôm hôn trong cuộc hành hương ở Rennes. Nhưng ở đây để hoán cải ai? Để đền tội nào? Để cứu chuộc ai? Để được ơn tha thứ cho ai? Có lẽ đó là bí mật cuối cùng của tâm hồn cao thượng này mà chúng ta không nắm bắt được.

Một sự kiện cuối cùng có thể chiếu một tia sáng vào cuộc đời hết sức đặc biệt, vô cùng phong phú và đau khổ này. Năm 1675, trước khi đi Đàng Trong và biết mình bệnh nặng, Đức Cha Pierre Lambert đã viết trong chúc thư: “Tôi để lại cho nhà thờ các cha Dòng Tên ở Macao Thánh Giá mà em tôi cho tôi ít ngày trước khi mất, như dấu chỉ của lòng tôi mộ mến họ”[9]. Cử chỉ tượng trưng này đủ để tóm lại tính triệt để của con người thần bí Thập Giá vĩ đại này. Khi trối lại cho các địch thù lợi hại nhất của ngài, một kỷ vật có ý nghĩa tình cảm lẫn thiêng liêng, có lẽ vật duy nhất mà ngài tha thiết muốn giữ, hơn nữa lại là hình ảnh tình yêu duy nhất của ngài, Đức Giám Mục Bérythe khi chết, xóa bỏ mọi dấu vết hận thù theo tính tự nhiên và đặt các cha Dòng Tên vào chổ đứng họ phải có, họ là những người anh em trong Chúa Giêsu Kitô. Một cách hãnh diện và đượm tinh thần tha thứ của Tin Mừng, ngài tự ý chấm dứt cuộc chiến không ngừng giữa ngài với họ, hoàn toàn phù hợp với lý tưởng của phương pháp huấn luyện kiểu Ignace mà ngài đã lãnh nhận, để làm vinh danh Thiên Chúa và trong sự vâng phục hoàn hảo nhất đối với Đức Giáo Hoàng.

Quả là “người chiến sĩ đã bỏ mình trên trận địa”. Đọc lại cuộc đời của Đức Cha Lambert đặc biệt ở chặng cuối trên con đường thánh giá, con đường mà ngài đã suy mê cả một đời, chúng ta chắc chắn cũng phải thốt lên bằng chính lời của ngài rằng: Chẳng có gì phải phàn nàn khi chết đi sau cả một đời cố gắng phụng sự Thiên Chúa. Đức Cha ra đi chắc hẳn cũng mang theo nhiều niềm thao thức, bận tâm và lo âu. Thế nhưng, trên trời ngài đã hoàn tất những gì Thiên Chúa đã khởi sự nơi ngài trong một đời dấn thân sống đúng vai trò của một Đại Diện Tông Tòa củng cố hàng Giáo Phẩm địa phương và thực hiện ơn soi sáng thành lập một hiệp hội những người mến Thánh Giá Chúa Giêsu Kitô. Ngày nay, trải dài trên mảnh đất hình chữ S này, mỗi giờ mỗi ngày biết bao người con say mê Thánh Giá Chúa Kitô của Đức Cha Lambert nhắc đi nhắc lại câu phương châm: “Lạy Chúa Giêsu Kitô chịu Đóng Đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng con, chúng con thờ lạy Chúa, chúng con chúc tụng Chúa vì Chúa đã dùng Thánh Giá mà cứu chuộc trần gian”.
 

[1] Thư của Cha Pierre Duchesne gửi các Giám đốc 20. 04. 1680, AMEP, c.951, tr. 74.
[2] Françoise Fauconnet – Buzelin, Người cha bị lãng quên của công cuộc truyền giáo hiện đại. Pierre Lambert De La Motte Đại diện Tông Tòa tiên khởi Đàng Trong, Su huynh Lucien Hoàng Gia Quảng (dịch), Nxb Phương Đông, Tp. HCM 2015, tr. 634.
[3] Như trên.
[4] Thư của cha Gayme gửi Đức Cha Pallu, Siam, ngày 31 tháng 08 năm 1678, AMEP, c. 877, tr. 617 – 618.
[5] Thư của cha Gayme gửi các Giám đốc, Siam, ngày 15 tháng 07 năm 1679, AMEP, c. 877, tr. 672 – 673. Xem trong Françoise Fauconnet – Buzelin, Người Cha bị lãng quên, tr. 634.
[6] Thư của cha Gayme gửi cha Charles Sevin, Siam, ngày 27 tháng 10 năm 1679, AMEP, c. 860, tr. 21, Launay, Cochinchine, tr. 72. Françoise Fauconnet – Buzelin, Người Cha bị lãng quên, tr. 640.
[7] Thư của Đức Cha Laneau gửi các Giám đốc, siam, ngày 02. 11. 1679, AMEP, c. 860, tr. 25, Launay, Cochinchine, tr. 73. Xem trong Françoise Fauconnet – Buzelin, Người Cha bị lãng quên, tr. 640.
[8] X. Françoise Fauconnet – Buzelin, Người Cha bị lãng quên, tr. 642.
[9] AMEP, c.8, tr. 151, Henri Chappoulie, sđd, c. 1, tr. 378. Xem trong, Françoise Fauconnet – Buzelin, Người Cha bị lãng quên, tr. 643.

Tác giả bài viết: MTG Nha Trang
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc