Theo chu trình năm Phụng Vụ, Chúa Nhật I Thường Niên tưởng niệm sự kiện Đức Giê-su chịu phép rửa. Phép rửa nầy được liên kết với cuộc tấn phong diễn ra trong một cuộc Thần Hiển. Đó là lý do tại sao các Giáo Hội Đông Phương cử hành việc Chúa Giê-su chịu phép rửa như một trong ba cuộc Thần Hiển: lễ Hiễn Linh, lễ Đức Giê-su chịu phép rửa và lễ Chúa Giê-su Biến Hình.
Is 42: 1-4, 6-7
Trước hết, bài đọc thứ nhất, được trích từ sấm ngôn I-sai-a, loan báo cuộc tấn phong “người Chúa tuyển chọn” mà “Ngài hết lòng quí mến” và cho Thần Khí của Ngài ngự trên người ấy. Đây là một nhân vật mầu nhiệm mà vị ngôn sứ gọi là “Người Tôi Trung của Đức Chúa”.
Cv 10: 34-38
Tiếp đó, bài đọc thứ hai, được trích từ sách Công Vụ Tông Đồ, thuật lại bài giảng của thánh Phê-rô ngỏ lời với ông Cô-nê-li-ô, viên bách quản Rô-ma, và toàn thể gia quyến của ông, họ là những lương dân đầu tiên gia nhập vào cộng đoàn Ki-tô hữu qua phép Rửa. Nhờ mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Giê-su Ki-tô, mọi người, bất kỳ ai, thuộc dân tộc nào, đều được mời gọi gia nhập vào dân Thiên Chúa.
Mt 3: 13-17
Sau cùng, thánh Mát-thêu tường thuật biến cố Chúa Giê-su chịu phép rửa, để giới thiệu Ngài là “Người Tôi Trung” mà sấm ngôn I-sai-a đã loan báo.
BÀI ĐỌC I (Is 42: 1-4, 6-7)
Bản văn nầy gợi lên một nhân vật mà Thiên Chúa gọi là “Người Tôi Trung của Ngài”, Ngài hết lòng quí mến và đổ tràn đầy Thần Trí của Ngài trên người ấy. Nơi nhân vật này, Thiên Chúa trao gởi một sứ mạng là thực thi công lý, bày tỏ tấm lòng nhân ái và đức khiêm nhu, nhờ đó nhân vật ấy trở thành ánh sáng chiếu soi muôn dân.
Đây là bài ca đầu tiên trong bốn bài ca về “Người Tôi Trung chịu đau khổ” trong tác phẩm của ngôn sứ I-sai-a thời lưu đày (550-540 BC), được gọi I-sai-a đệ nhị (Is 40-55).
Bài ca nầy gồm có hai phần: phần thứ nhất, Thiên Chúa giới thiệu “Người Tôi Trung” của Ngài; phần thứ hai, Thiên Chúa ngỏ lời trực tiếp với nhân vật này.
1. Người Tôi Trung của Đức Chúa là ai?
Danh xưng “Người Tôi Trung” xuất hiện nhiều lần trong Kinh Thánh. Đây là danh hiệu cao quí mà Đức Chúa tặng ban cho những ai Ngài trao phó nhiệm vụ hướng dẫn dân Ngài, hay trao gởi một sứ mạng: Áp-ra-ham, I-sa-ác, Gia-cóp, Mô-sê, Đa-vít, vân vân. Danh hiệu nầy cũng chỉ toàn dân Ít-ra-en.
Nhân vật nầy là ai? Thật ra, nhân vật bí ẩn nầy trong suốt nhiều thời đại đã được giải thích theo nhiều cách khác nhau: một nhân vật lịch sử là vua Ba tư tên là Ky-rô; hoặc dân Ít-ra-en, dân Chúa chọn; hay Đấng Mê-si-a. Đây là nét đặc trưng của các sấm ngôn vừa phát xuất từ những hoàn cảnh lịch sử chính xác vừa vượt qua những viễn cảnh đương thời.
2. Vua Ky-rô, vị thẩm phán chí công và nhân hậu.
“Người Tôi Trung” nầy vừa là một vị thẩm phán vừa là nhà giải phóng: “Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ; đây là người Ta tuyển chọn, Ta hết lòng quý mến. Ta cho Thần Khí Ta ngự trên Người; Người sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân”. Người Tôi Trung này được Thiên Chúa ban nhiều đặc ân, nhờ đó ông có thể phân xử muôn dân, sửa sai những lỗi lầm, vực dậy những kẻ bị áp bức, phóng thích những tù nhân, phục hưng Giao Ước giữa Thiên Chúa và dân Ngài và làm sáng tỏ công lý trước mặt muôn dân.
Hoàn cảnh lịch sử chính xác là cảnh tù đày ở Ba-by-lon. Vị ngôn sứ ngỏ lời với những người lưu đày này, họ phải chịu một cuộc thử thách dài lâu và mòn mõi đợi chờ cuộc giải phóng. Ông hứa với họ một nhà giải phóng. Tất cả mạch văn hướng về vị vua Ba tư tên là Ky-rô, mà quyền lực của vua mỗi ngày mỗi lớn mạnh trên thế cuộc vùng Trung Đông.
Chương 41 trước đó ám chỉ rõ nét những chiến công lẫy lừng của vua Ky-rô:
“Từ Phương Đông, ai đã cho xuất hiện người hùng
đi mở đường cho nền công chính?
Đao kiếm của ông làm chúng hóa ra như tro bụi,
cung nỏ của ông khiến chúng tán loạn tựa cọng rơm.
Ông đuổi bắt thù địch, ông tiến bước an toàn
….
Điều đó, ai đã thực hiện, ai đã làm nên?
…
Chính là Ta. Ta là Đức Chúa, Ta là khởi nguyên,
và giữa những người của thời sau hết, Ta vẫn là Ta” (Is 41: 2-4).
Chương 45 còn nêu bật rõ ràng hơn:
“Đức Chúa phán với kẻ Người xức dầu, với vua Ky-rô
- Ta đã cầm lấy tay phải nó,
để bắt các dân tộc suy phục nó,
Ta tước khí giới của các vua,
mở toang các cửa thành trước mặt nó,
khiến các cổng không còn đóng kín nữa
….
Vì lợi ích của tôi tớ Ta là Gia-cóp,
và của người Ta đã chọn là Ít-ra-en
….
Dù ngươi không biết Ta, Ta đã trang bị cho ngươi đầy đủ,
để từ Đông sang Tây, thiên hạ biết rằng
chẳng có thần nào khác, ngoại trừ Ta.
Ta là Đức Chúa, không còn chúa nào khác” (Is 45: 1-6).
Các biến cố sắp đến sẽ khẳng định dự đoán thời cuộc của vị ngôn sứ. Không bao lâu sau, vua Ba tư chiếm kinh thành Ba-by-lon mà không phải gặp bất cứ một kháng cự nào, và cũng không gây bất kỳ thiệt hại nào cho kinh thành. Vua thi hành chính sách “thu phục dân tâm”. Vua Ky-rô và những người kế vị vua không bao giờ sử dụng bạo lực. Xót thương đối với những người Ít-ra-en bị lưu đày như “cây sậy bị dập nát” và “tim đèn leo lét”, vua Ba tư tạo điều kiện thuận tiện cho họ trở về cố hương là Giê-ru-sa-lem.
3. Dân Chúa chọn.
Sau nầy, khi quá khứ mờ nhạt trong tâm trí, bản văn được đọc lại theo cách khác. Vị ngôn sứ chủ ý tặng ban danh hiệu “Người Tôi Trung” cho toàn dân Ít-ra-en với tư cách là dân Chúa chọn để là chứng nhân của Ngài. Dung mạo Người Tôi Trung được xem như cá nhân hóa dân Chúa chọn mà Đức Chúa nâng đỡ, sủng ái và ban Thần Trí của Ngài. Dân nhỏ bé nầy, Ngài đã “nắn nên” họ bằng chính bàn tay của mình. Ở giữa muôn dân, họ phải chu toàn sứ mạng của mình là trở nên ánh sáng muôn dân qua việc khẳng định niềm tin của mình vào Đức Chúa, Thiên Chúa chân thật.
4. Đấng Mê-si-a.
Danh hiệu “Người Tôi Trung” nầy được nhận dạng chỉ ở nơi vua Ky-rô không tát cạn sự giàu có của bản văn, hay được cá nhân hóa ở nơi dân Chúa chọn cũng không hoàn toàn thỏa mãn. Quan trọng là đặt sứ điệp nầy vào trong những giờ phút nghiêm trọng vào lúc lời sấm được công bố.
Vào giữa thế kỷ thứ tư trước Công Nguyên, kinh thành Giê-ru-sa-lem bị đánh chiếm và trở thành hoang phế; Đền Thờ bị phá hủy; một phần lớn dân cư bị lưu đày; vương quyền của nhà Đa-vít đã bị vùi dập trong phong ba bảo táp; niềm hy vọng vào Đấng Mê-si-a (Đấng được Thiên Chúa xức dầu) được đặt vào vương quyền nhà Đa-vít đã bị sụp đổ. Đây là thời điểm thuận tiện để nâng mặc khải lên đến một giai đoạn mới. Thiên Chúa sẽ can thiệp một cách bất ngờ: Ngài sẽ sai phái “Người Tôi Trung” đầy tràn Thần Khí của Ngài. Nhân vật nầy sẽ thực hiện sứ mạng công lý với tấm lòng khiêm nhu nhân hậu, dù bên ngoài có vẻ thất bại, chịu nhiều đau khổ (bài ca thứ tư). Qua trực giác của vị ngôn sứ, khoa sư phạm của Thiên Chúa bước một bước tiến nhảy vọt. Những sấm ngôn xưa liên quan đến một hậu duệ của nhà Đa-vít không bị bãi bỏ một chút nào, nhưng những viễn cảnh mới mà sấm ngôn nầy hé mở, thì không còn một quyền lực trần thế nhưng một vương quốc tâm linh:
“Nó không yếu hèn, không chịu nhục,
cho đến khi thiết lập công lý trên địa cầu.
Dân các hải đảo xa xăm đều mong được nó chỉ bảo” (Is 42: 4).
Trong sách Tin Mừng của mình ở 12: 18-21, thánh Mát-thêu trích dẫn một đoạn văn dài sấm ngôn I-sai-a nầy để chứng minh rằng lời sấm được ứng nghiệm ở nơi con người của Đức Giê-su, sứ mạng của Ngài tuy được thực hiện một cách kín đáo nhưng “sẽ đưa công lý đến toàn thắng, và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Ngài”.
Khi chịu phép rửa của thánh Gioan, Đức Giê-su thấy các tầng trời mở ra, Thần Khí ngự xuống trên mình và có tiếng từ trời phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”. Việc mô tả nầy mặc nhiên quy chiếu đến sấm ngôn I-sai-a. Đức Giê-su bắt đầu sứ mạng của “Người Tôi Trung”. Ngài sẽ chu toàn sứ mạng nầy khi thể hiện dung mạo “Người Tôi Trung chịu đau khổ” trong cuộc Khổ Nạn của mình.
BÀI ĐỌC II (Cv 10: 34-38)
Đoạn trích sách Công Vụ Tông Đồ nầy tường thuật một biến cố đánh dấu một khúc quanh quyết định trong lịch sử của Giáo Hội tiên khởi: lần đầu tiên, một lương dân và toàn thể gia quyến của ông được chấp nhận gia nhập vào cộng đoàn Ki-tô hữu nhờ phép Rửa.
1. Hoàn cảnh Giáo Hội vào lúc đó
Cho đến lúc đó, các Tông Đồ ngỏ lời với dân Do thái nhằm chứng minh cho họ nhận biết rằng Đức Giê-su là Đấng Cứu Độ, ở nơi Ngài mọi lời Kinh Thánh được ứng nghiệm. Ki-tô giáo tiên khởi được định vị ở nơi sự nối dài của Do thái giáo. Chiều kích phổ quát đã được mặc khải qua các thị kiến ngôn sứ: rồi sẽ đến một ngày, muôn dân sẽ lên Đền Thờ Giê-ru-sa-lem mừng kính Đức Chúa đích thật. Nhưng các Tông Đồ đã không nghĩ đến một tiến trình đảo ngược: chính họ phải đi đến với muôn dân loan báo Tin Mừng cho họ.
Ấy vậy, vị lãnh tụ Giáo Hội, thánh Phê-rô, phải nói là bị Chúa Thánh Thần ép buộc đến nhà một người ngoại giáo. Một viên Bách Quản Rô-ma, đồn trú ở thành Xê-da-rê, sai người đến mời thánh nhân đến nhà mình. Lúc đó, thánh Phê-rô đang ở Gia-phô, cách thành Xe-da-rê khoảng năm mươi cây số. Thánh nhân đang thực hiện cuộc kinh lý. Sau cuộc bách hại dữ dội đã giáng xuống cộng đoàn Giê-ru-sa-lem non trẻ vào mùa hè năm 36 hay mùa xuân năm 37 (thánh Tê-pha-nô, vị tử đạo đầu tiên vào thời gian nầy), một thời gian yên bình xảy đến. Thánh Phê-rô lợi dụng thời kỳ yên bình nầy để thăm viếng các cộng đoàn Ki-tô hữu non trẻ này.
2. Một khúc quanh của Giáo Hội
Thánh Phê-rô đến nhà viên Bách Quản. Đây là lần đầu tiên thánh nhân bước qua ngưỡng cửa của một người chưa cắt bì, bất chấp những cấm kỵ lâu đời. Lệnh cấm không được tiếp xúc với những người chưa cắt bì không được diễn tả trong Lề Luật, nhưng từ tập quán và lời giải thích của các kinh sư, nhằm tránh tất cả mọi hình thức lây nhiễm ngoại giáo. Đây là lần đầu tiên thánh nhân đem sứ điệp Tin Mừng đến một người ngoại giáo và toàn thể gia quyến của ông. Đối với thánh nhân, đây thật sự là một kinh nghiệm cảm động và đáng nhớ. Thánh nhân đã hiểu được ý định của Thiên Chúa là muốn cứu độ hết mọi người. Ngay tức khắc, thánh nhân mặc lấy cho hành động của mình một ý nghĩa thần học. Đây là phần mở đầu bài thuyết giáo của thánh nhân mà Phụng Vụ Lời Chúa đề nghị cho chúng ta suy niệm vào ngày lễ Chúa Giê-su chịu phép rửa của Gioan Tẩy giả hôm nay.
3. Chiều kích phổ quát của ơn cứu độ.
“Quả thật, tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào. Nhưng hể ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì bất cứ họ thuộc dân tộc nào, cũng đều được Chúa tiếp nhận”. Lời khẳng định về sự bình đẳng giữa dân ngoại và dân Do thái này hình thành nên một thay đổi lớn lao. Quả thật, trước đây, thánh Phê-rô, vốn là một người Do thái, quen nghĩ đến những đặc quyền đặc lợi dành riêng cho dân Chúa chọn. Vị lãnh tụ Giáo Hội, được Thánh Thần thúc đẩy, chấp nhận và công bố sự thay đổi khôn sánh nầy.
Ông Cô-nê-li-ô, viên Bách Quản Rô-ma, là một “cảm tình viên của Do thái giáo”, cũng được gọi “người kính sợ Chúa”. Đây là một người “ăn ngay ở lành” như bản văn xác nhận.
Chắc chắn Thiên Chúa đã gửi “lời loan báo Tin Mừng trước tiên cho dân Ít-ra-en”. Thánh nhân muốn giải thích cho gia chủ và đồng thời muốn thanh minh quyền ưu tiên nầy: dân Ít-ra-en đã lãnh nhận một sứ mạng, sứ mạng chuẩn bị bình an, bình an giữa muôn dân, bình an giữa dân Do thái và lương dân. Bình an nầy trở nên có thể nhờ trung gian của Đức Giê-su Ki-tô, “Ngài là Chúa Tể muôn dân”.
4. Quyền năng của Phép Rửa Ki-tô giáo.
Tiếp đó, thánh Phê-rô tóm tắt các chặng đường đời Chúa Giê-su, khởi đi từ việc Ngài được Thánh Thần xức dầu tấn phong khi lãnh nhận phép rửa trên dòng sông Gio-đan. Thánh Tông Đồ mở ra một viễn cảnh, đó sẽ mãi mãi là viễn cảnh của Giáo Hội: ân ban Thánh Thần không đơn giản là một sự thủ đắc, nhưng thật sự là một sức mạnh bùng nổ, một năng lực giúp hoàn thành sứ mạng: “làm chứng”, “thi ân giáng phúc” và “chữa lành mọi kẻ bị ma quỉ kiềm chế”.
TIN MỪNG (Mt 3: 13-17)
Như thánh Mác-cô và thánh Lu-ca, thánh Mát-thêu khai mạc cuộc đời công khai của Chúa Giê-su với việc Chúa Giê-su chịu phép rửa của Gioan Tẩy Giả. Ngoài ra, chúng ta nên lưu ý rằng thánh Mát-thêu hoàn tất tác phẩm của mình với lời căn dặn của Đấng Phục Sinh về giáo huấn tối hậu của phép rửa: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28: 19).
Tại thánh Mát-thêu, như tại hai sách Tin Mừng Nhất Lãm khác, câu chuyện Chúa Giê-su chịu phép rửa bao gồm hai hoạt cảnh biệt phân: một hoạt cảnh về sự khiêm hạ: Đức Giê-su tự nguyện để thánh Gioan làm phép rửa cho mình; và một hoạt cảnh vĩ đại khác: Ngài được Chúa Thánh Thần tấn phong và được Chúa Cha chứng nhận. Nhưng thánh Mát-thêu là vị thánh ký duy nhất tường thuật cuộc đối thoại giữa Chúa Giê-su và thánh Gioan Tẩy Giả (3: 14-15), cuộc đối thoại mang đậm nét Kinh Thánh. Đây là nét đặc trưng của Tin Mừng Mát-thêu.
1. Chúa Giê-su chịu phép rửa của thánh Gioan Tẩy Giả (3: 13)
Đức Giê-su đến từ miền Ga-li-lê. Ngài đã rời bỏ gia đình và nghề nghiệp của mình để bắt tay vào sứ mạng của mình. Cử chỉ đầu tiên của Ngài là xin chịu phép rửa của Gioan, như bao người muốn thực hiện hành vi sám hối. Dáng điệu này là yếu tố đầu tiên của công trình Cứu Độ. Kể từ lúc đó, Chúa Giê-su muốn đặt mình liên đới với nhân loại tội lỗi. Đây là bước đi đầu tiên sẽ dẫn Ngài đến đồi Can-vê, để chịu một phép rửa khác, phép rửa bằng máu, mà chính Chúa Giê-su đã sánh ví với cuộc Tử Nạn của Ngài: “Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất” (Lc 12: 50). Cũng như Ngài tuyên bố với thánh Gia-cô-bê và thánh Gioan: “Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?” (Mc 10: 38). Qua động từ Hy ngữ, “chịu phép rửa” có nghĩa “nhận chìm”, Chúa Giê-su muốn nói rằng Ngài sẽ bị nhận chìm vào trong vực thẳm của muôn vàn đau khổ. Quả thật, từ phép rửa trong nước đến phép rửa trong máu, chính là tiến trình cuộc sống của Chúa Ki-tô. Trong hoạt cảnh phép rửa trong sông Gio-đan có một hậu cảnh bi thảm của cuộc Tử Nạn.
Nước được liên kết với những hình ảnh của cuộc sinh ra và cuộc tái sinh: những tiên trưng của phép rửa được gợi ý rất nhiều trong Cựu Ước: từ nước của trận đại hồng thủy xuất hiện một nhân loại mới với ông No-ê và gia đình của ông; từ nước của Biển Đỏ xuất hiện một dân mới, dân được giải thoát. Cũng vậy, khi bước ra khỏi dòng sông, Chúa Giê-su khai mạc một nhân loại mới, nhân loại được tái sinh. Thánh Gioan Kim Khẩu nói rằng khi bước vào sông Gio-đan, Chúa Giê-su đã chuẩn bị, một cách nào đó, tác động thần linh của nước trên người rửa tội.
Việc dìm mình vào trong nước tượng trưng cho cái chết và việc trồi mình lên khỏi mặt nước biểu tượng cho một cuộc sống mới. Phép Rửa Ki-tô giáo sẽ đón nhận ý nghĩa tròn đầy sau biến cố Phục Sinh. Thánh Phao-lô nhấn rất mạnh tính cách vượt qua của phép Rửa (x. Rm 6: 4; Cl 2: 12; vân vân). Ngay từ thời kỳ đầu Ki-tô giáo, các tân tòng lãnh nhận phép Rửa vào Đêm Vọng Phục Sinh. Điều này thật có ý nghĩa biết bao.
2. Cuộc đối thoại của Đức Giê-su với thánh Gioan Tẩy Giả (3: 14-15)
Cuộc đối thoại của Đức Giê-su với thánh Gioan (3: 14-15) chỉ có trong Tin Mừng Mát-thêu, phản ảnh một chiều hướng biện giáo. Sự kiện Đức Giê-su được thánh Gioan ban phép rửa đã sớm tạo ra những khó khăn cho các Ki-tô hữu (x. Lc 3: 21t; Ga 1: 29-34): trước hết, những gì thánh Gioan trước đây đã loan báo về sự cao cả của Đấng Mê-si-a, thì ở nơi hoạt cảnh phép rửa, vai trò của hai người dường như đảo lộn. Thứ nữa, phép rửa của thánh Gioan là dấu chỉ bên ngoài bày tỏ lòng sám hối vì tội lỗi của mình, vậy khi đến xin chịu phép rửa, dường như Đức Giê-su ý thức mình có tội. Cuộc đối thoại cung cấp câu trả lời cho vấn nạn thứ nhất, còn cuộc Thần Hiển tiếp đó (3: 16-17) thì giải đáp cho vấn nạn thứ hai.
Trong cuộc đối thoại, việc thánh Gioan ngần ngại làm phép rửa cho Đức Giê-su không làm cho chúng ta ngạc nhiên, vì chúng ta biết chính thánh nhân đã làm chứng về sự cao cả của Chúa Giê-su trước đó. Tuy nhiên, chính nội dung của cuộc đối thoại đã xua tan các nhận định ởm ờ đó: thánh Gioan đã tuyên bố Đức Giê-su cao trọng hơn ông, cũng như phép rửa của ông chỉ trong nước để tỏ lòng ăn năn sám hối; trái lại, phép rửa của Chúa Giê-su trong Thánh Thần và lửa mới có quyền năng tha thứ tội lỗi (3: 11). Dù vậy, Chúa Giê-su vẫn cứ xin chịu phép rửa: chính việc đảo ngược vị thế của hai người như vậy, “cả hai mới làm trọn nghĩa công chính” (3: 15).
“Đức công chính” mang đậm ý nghĩa Kinh Thánh; nó quy chiếu đến chương trình mà Thiên Chúa, với lòng nhân hậu và khôn ngoan vô lượng của Ngài, đã hoạch định cứu độ con người. Vì thế, “giữ trọn đức công chính” phải được hiểu là “chu toàn ý muốn và kế hoạch của Thiên Chúa”. Quả thật, chúng ta có thể dịch “giữ trọn đức công chính” là “chu toàn mọi điều Thiên Chúa đã hoạch định”. Đức Giê-su đến để đón nhận phép rửa của thánh Gioan và vì thế Ngài nhận ra nó như là một giai đoạn trong lịch sử cứu độ, một giai đoạn mà Thiên Chúa đã thấy trước như là một sự chuẩn bị sau cùng và cần thiết cho kỷ nguyên thời Thiên Sai. Thực thi bất kỳ một trong những giai đoạn này có thể được gọi là hành vi công chính. Vì đến để thực thi ý muốn của Cha Ngài (Ga 4: 34) nên Chúa Giê-su cẩn trọng thực thi chương trình cứu độ đó trong mọi khía cạnh. Thánh Gioan Tẩy Giả và Chúa Giê-su là một nhịp cầu nối kết Cựu Ước với Tân Ước. Chúng ta ghi nhận rằng Chúa Giê-su nói: “Chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính”, vì thế, không là đoạn tuyệt nhưng là nên trọn. Đây chính là tuyến phát triển của Tin Mừng Mát-thêu.
3. Cuộc Thần Hiển (3: 16-17)
“Khi Đức Giê-su chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra”: Thánh Mát-thêu sử dụng cùng một động từ “mở ra” với Is 63: 19 của bản Bảy Mươi chứ không “xé ra” của bản Híp-ri (“Phải chi Người xé trời mà ngự xuống”), nhưng ý nghĩa vẫn như nhau: niềm hy vọng cánh chung được ngôn sứ I-sai-a loan báo, nay đã được thực hiện.
- “Thần Khi Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu”: Cụm từ “như chim bồ câu” bổ nghĩa cho động từ “đáp xuống” chứ không phải cho danh từ “Thần Khí”. Trong Do thái giáo, con chim bồ câu không bao giờ được coi là hình ảnh của “thần khí” cả, nhưng có vài bản văn so sánh chuyển động của “thần khí” với chuyển động của một con chim, như St 1: 2: “Thần khí bay lượn trên nước”. Hình ảnh của thánh Mát-thêu muốn nói rằng trước hết, Thần Khí không phải là một sức mạnh phát xuất từ thiên nhiên hay con người, mà là một hữu thể siêu việt; thứ nữa, Thần Khí ngự xuống trên Đức Giê-su một cách vừa dịu dàng vừa thân thiết. Bản văn của thánh Mát-thêu cũng như của thánh Mác-cô không muốn nói đến dáng vẻ bên ngoài như của thánh Lu-ca: “Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu” (Lc 3: 22), nhưng cách thức Thần Khí âm thầm đến và tác động trên Đức Giê-su một cách dịu dàng mật thiết.
Đức Giê-su đã đầy tràn Chúa Thánh Thần ngay từ giây phút thụ thai trong lòng mẹ, do bởi việc hiệp nhất thiên tính và nhân tính trong cuộc Nhập Thể của Ngôi Lời (tín lý về ngôi hiệp). Giáo Huấn Công Giáo dạy rằng ở nơi Đức Ki-tô chỉ có một ngôi vị (ngôi vị Thiên Chúa) nhưng hai bản tính (thiên tính và nhân tính). Việc Chúa Thánh Thần hiện xuống như được nói trong bản văn bày tỏ rằng ngay khi Chúa Giê-su long trọng bắt tay vào việc cứu thế của Ngài, Chúa Thánh Thần cũng bắt đầu công việc của mình qua Chúa Giê-su. Có rất nhiều bản văn Cựu Ước nói về việc Chúa Thánh Thần tỏ mình ra ở nơi Đấng Cứu Thế tương lai. Dấu hiệu của Chúa Thánh Thần này đã cung cấp cho thánh Gioan Tẩy Giả một bằng chứng bất khả ngộ về tính chân thật mà thánh nhân làm chứng liên quan đến Chúa Ki-tô (x. Ga 1: 29-34).
Mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa được mặc khải trong phép rửa của Chúa Giê-su: Chúa Con chịu phép rửa, Chúa Thánh Thần hiện xuống trên Ngài như chim bồ câu, và tiếng của Chúa Cha chứng thực Đức Giê-su là Người Con Một của Ngài. Người Ki-tô cũng sẽ lãnh nhận phép Rửa nhân danh Ba Ngôi Thiên Chúa. Địa vị làm con này sẽ được Giáo Hội công bố trên mỗi người lãnh nhận phép Rửa, họ trở thành con cái của Thiên Chúa, nghĩa tử của Chúa Cha, ở nơi Người Con Một của Ngài là Chúa Ki-tô, như lời dạy của thánh Giáo Phụ Xi-ri-lô thành Giê-ru-sa-lem: “Nếu bạn có lòng mộ đạo, Chúa Thánh Thần cũng sẽ ngự xuống trên bạn và bạn sẽ nghe tiếng Chúa Cha từ trời phán với bạn: ‘Trước đây nó đã không là con Ta, nhưng giờ đây sau phép Rửa nó được trở thành con Ta’” (St Cyril of Jerusalem, De Baptismo, 14). Phụng vụ Đông Phương không lầm lẫn khi cử hành biến cố Chúa Ki-tô chịu phép rửa như “ngày lễ Ba Ngôi”. Chính dưới dấu chỉ Ba Ngôi mà phép Rửa Ki-tô giáo được ban cho, đúng như lời căn dặn của chính Chúa Giê-su: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28: 19).
4. “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (3: 17):
Lời mặc khải của Chúa Cha từ trời gồm hai vế: “Đây là Con yêu dấu của Ta” và “Ta hài lòng về Con”.
-Vế thứ nhất: “Đây là Con yêu dấu của Ta”, thường quy chiếu đến đứa con trai một (x. St 16; Gr 6: 26; Am 8: 10; Dcr 12: 10). Như vậy, thật rõ rằng Đức Giê-su không là một trong số những nghĩa tử của Thiên Chúa, cũng không là Trưởng Tử trong số các nghĩa tử. Đúng hơn, diễn ngữ này tuyên bố mạnh mẽ và cụ thể rằng Đức Giê-su là Con Một của Thiên Chúa được sinh ra hoàn toàn khác với những con người khác vì thiên tính của Ngài (x. Mt 7: 21; 11: 27; 17: 5; Ga 3: 35; 5: 20; 20: 17; vân vân).
-Vế thứ hai:“Ta hài lòng về Người”, được mượn từ bài ca về Người Tôi Trung của Đức Chúa (Is 42: 1). Đức Giê-su là Người Tôi Trung đã sẵn sàng đến chia sẻ thân phận khốn cùng của kẻ tội lỗi. Khi xếp hàng chờ chịu phép rửa bên giòng sông Gio-đan, Chúa Giê-su đảm nhận những yếu đuối của loài người, như thánh Mát-thêu nói sau này (8: 17: I s 53: 4). Như thế, thánh ký đã kín đáo gợi nhớ cuộc Thương Khó và Tử Nạn của Ngài (x. 27: 45-56).
Mạc khải từ trời được lập lại y nguyên trong bài tường thuật Chúa Giê-su Biến Hình (x. 17: 5). Hẳn là thánh Mát-thêu muốn tạo một tương quan thần học giữa hai biến cố. Cũng như biến cố Biến Hình báo trước việc Đức Giê-su được tôn vinh khi sống lại: sự tôn vinh này là hoa trái của sự tự hạ trong cuộc Thương Khó và Tử Nạn của Ngài, thì biến cố chịu phép rửa cũng loan báo Đức Giê-su được tôn vinh: sự tôn vinh không chỉ là hoa trái của cuộc Khổ Nạn mà còn của cả cuộc đời tự hạ của Đức Giê-su, khởi đầu với sự tự hạ trong phép rửa của thánh Gioan. Tất cả những điều này xác nhận rằng câu chuyện phép rửa đúng là một cuộc Thần Hiển, như cuộc Biến Hình, chứ không phải là một thị kiến chỉ dành riêng cho một mình Đức Giê-su. Cuộc Thần Hiển này được ngỏ với các độc giả Tin Mừng, nay đã là môn đệ Đức Giê-su (bởi vì thánh Mát-thêu không nhắc tới đám đông dân chúng nào cả), cũng như cuộc Biến Hình chỉ được ngỏ với ba Tông Đồ: thánh Phê-rô, thánh Gia-cô-bê và thánh Gioan.
Ý kiến bạn đọc