Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật II Thường Niên năm C nêu bật dấu lạ đầu tiên Đức Giê-su thực hiện ở tiệc cưới Ca-na.
Theo truyền thống của các Giáo Hội Đông Phương, ba biến cố: các nhà chiêm tinh thờ lạy Hài Nhi Giê-su, phép rửa của Đức Giê-su và dấu lạ đầu tiên ở tiệc cưới Ca-na, hình thành nên ba biến cố Chúa Hiển Linh và được cử hành cùng nhau. Theo truyền thống Tây Phương, năm C là năm duy nhất trong ba năm phụng vụ, tưởng niệm việc Chúa Giê-su bày tỏ vinh quang của Ngài ở tiệc cưới Ca-na, sau phép rửa của Đức Ki-tô và việc các nhà chiêm tinh thờ lạy Hài Nhi Giê-su, như vậy duy trì mối liên hệ giữa ba cuộc hiển linh đầu tiên mở ra mầu nhiệm của Đức Giê-su là Vua, Con Thiên Chúa và Đấng Ki-tô.
Is 62: 1-5
Chủ đề của Bài Đọc I là cuộc phục hưng Giê-ru-sa-lem trong tương lai được diễn tả bằng ngôn ngữ hôn ước giữa Thiên Chúa và dân Ngài. Với thuật ngữ hôn ước này, Thiên Chúa sắp hoàn lại tước vị “Hiền Thê” cho dân Ngài.
1Cr 12: 4-11
Thánh Phao-lô nhắc nhở các tín hữu Cô-rin-tô rằng muôn vàn ân sủng mà họ hưởng được đều phát xuất từ một Thần Khí duy nhất, Đấng tỏ mình ra nơi mỗi người mỗi cách vì lợi ích của cộng đoàn.
Ga 2: 1-12
Nhân tiệc cưới ở Ca-na, Chúa Giê-su thực hiện dấu lạ đầu tiên: dấu lạ hóa nước thành rượu tiên trưng dấu lạ hóa rượu thành máu của Ngài, đó sẽ là dấu chỉ Giao Ước Mới giữa Thiên Chúa và nhân loại.
BÀI ĐỌC I (Is 62: 1-5)
Bài thánh thi này ca ngợi cuộc phục hưng sắp đến của Giê-ru-sa-lem vào giờ phút khiến lòng người phải nghi ngờ. Sau khi trở về từ Ba-by-lon, những người lưu đày gặp lại thành thánh nghèo nàn, dân cư thưa thớt, đền thờ hoang tàn đổ nát, suốt năm mươi năm qua dưới ách thống trị của ngoại bang. Trước tiên họ bắt tay tái thiết đền thờ, nhưng công việc đã phải bị bỏ dỡ vì thiếu tài chánh và vì những chống đối khác nhau. Họ thất vọng vì công việc quá lớn lao và những khó khăn gặp phải. Trong bầu khí chán chường thất vọng, một ngôn sứ vô danh, được gọi dưới biệt danh là I-sai-a đệ tam, công bố rằng Giê-ru-sa-lem sắp được phục hưng và tìm lại vinh quang của mình.
1. Cuộc phục hưng huy hoàng sắp đến:
Phải chăng đây chính là lời loan báo của vị ngôn sứ hay lời hứa của Thiên Chúa được đặt trên môi miệng của vị ngôn sứ? Thật khó phân định điều này; một sự luân phiên giữa giọng nói của vị ngôn sứ và giọng nói của Thiên Chúa là một trong những nét đặc trưng của bài thánh thi này. Chung chung, vị ngôn sứ không bao giờ nói ở ngôi thứ nhất, trừ một lần, khi ông biện minh sứ vụ của mình. Qua những gì xảy ra trước đó, chúng ta biết rằng những người hồi hương luôn phàn nàn về việc Thiên Chúa trì hoãn phục hưng Thành Thánh và Đền Thờ của Ngài.
Thật kỳ lạ biết bao khi vị ngôn sứ vặn lại, sự chậm trễ không đến từ Thiên Chúa nhưng từ tội lỗi của các ngươi, vì tấm lòng ưu ái của Thiên Chúa đối với dân Ngài vẫn thường hằng. Đó là ý nghĩa của câu thứ nhất mà người ta toan tính gán cho chính Đức Chúa:
“Vì lòng mến Xi-on, tôi sẽ không nín lặng,
vì lòng mến Giê-ru-sa-lem, tôi nghỉ yên sao đành,
tới ngày đức công chính xuất hiện tựa hừng đông,
ơn cứu độ của thành rực lên như ngọn đuốc” (Is 62: 1).
Giê-ru-sa lem phải được tái thiết trong đức công chính của nó, trong ơn cứu độ của nó. Ở đây “đức công chính” và “ơn cứu độ” thì tương đồng rất rõ nét. Vị ngôn sứ ngỏ lời với Thành Thánh, ông loan báo rằng Thành Thánh sẽ được phục hưng trong huy hoàng rạng rỡ; những quốc gia và những vua chúa đã áp bức Thành Thánh rồi sẽ thấy vinh quang của nó, ơn cứu độ của Giê-ru-sa-lem sẽ “rực lên như ngọn đuốc”.
Người ta thường nhận ra trong tác phẩm của ngôn sứ I-sai-a đệ tam, một ý tưởng đắc thắng. Dân Thiên Chúa sẽ hả dạ vì những nhục nhã họ đã phải chịu:
“Rồi muôn dân sẽ được chiêm ngưỡng đức công chính của ngươi,
mọi đế vương sẽ được ngắm nhìn vinh quang ngươi tỏ rạng” (Is 62: 2).
2. Hôn ước giữa Đức Chúa và dân Ngài:
Phần cuối của sấm ngôn này lấy lại hình ảnh về hôn ước giữa Đức Chúa và dân Ngài, hình ảnh này đã trở thành kinh điển kể từ ngôn sứ Hô-sê, rồi đến ngôn sứ Giê-rê-mi-a, ngôn sứ Ê-dê-ki-en, ngôn sứ I-sai-a đệ nhị. Giao Ước được diễn tả bằng ngôn ngữ tình yêu: dân Chúa là Hiền Thê tưởng rằng mình bị thất sủng nay gặp lại tấm lòng sủng ái của Đức Chúa là Hôn Phu của mình.
Nhưng để Giao Ước có thể được tái lập, quá khứ tội lỗi phải được thanh tẩy. Dấu hiệu đầu tiên là gán tên mới cho Giê-ru-sa-lem. Một tên mới tạo nên một căn tính mới. Chúng ta biết tầm quan trọng của tên theo truyền thống Kinh Thánh. Tên diễn tả bản chất sâu xa của một người hay vận mệnh của người mang tên ấy. Giê-ru-sa-lem sẽ không còn được gọi “Đồ bị ruồng bỏ” nhưng “Ái khanh lòng Ta hỡi”. Xứ sở của nó sẽ không còn là “Phận bạc duyên đơn”, nhưng “Duyên thắm chỉ hồng”.
Còn hơn thế nữa, Giê-ru-sa-lem sẽ được Đấng tác thành mình lập hôn ước “như trai tài sánh duyên cùng thục nữ”, nghĩa là, mọi tội lỗi, bất trung, thờ ngẫu tượng của dân thành mà các ngôn sứ đã nhiều lần gọi “con điếm” vì đã chạy theo các thần minh khác, nay được phục hồi sự trinh khiết của mình: tình yêu của Thiên Chúa đã thanh tẩy Thành Thánh. Sau này sách Khải Huyền sẽ gợi lên hôn lễ của Con Chiên với thành thánh Giê-ru-sa-lem thiên quốc:
“Vì nay đã tới ngày cử hành hôn lễ của Con Chiên,
và Hiền Thê của Người đã trang điểm sẵn sàng,
nàng đã được mặc áo vải gai sáng chói và tinh tuyền” (Kh 19: 8).
Ngôn sứ I-sai-a đệ tam chắc chắn nhớ lại bản văn của vị tiền nhiệm mình, I-sai-a đệ nhị, vị ngôn sứ đã mô tả cho những người lưu đày thấy những rực rỡ của Thành Thánh Giê-ru-sa-lem tương lai và báo trước cho Thành Thánh:
“Đừng sợ chi: ngươi sẽ không phải xấu hổ,
chớ e thẹn: ngươi sẽ không phải nhục nhằn.
Thật vậy, ngươi sẽ quên hết nỗi hổ thẹn tuổi thanh xuân
và không còn nhớ bao nhục nhằn thời góa bụa.
Quả thế, Đấng cùng ngươi sánh duyên cầm sắt
chính là Đấng đã tác thành ngươi,
tôn danh Người là Chúa các đạo binh;
Đấng chuộc ngươi về, chính là Đức Thánh của Ít-ra-en,
tước hiệu Người là Thiên Chúa toàn cõi đất” (Is 54: 4-5).
3. Niềm vui hôn ước và niềm vui thời Mê-si-a.
“Như cô dâu là niềm vui cho chú rể,
ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ” (Is 62: 6).
Niềm vui của Giáo Ước được làm mới lại giữa Thiên Chúa và dân Ngài, tiên báo niềm vui thời Mê-si-a, niềm vui mà rượu dồi dào của tiệc cưới Ca-na loan báo theo cách khác.
BÀI ĐỌC II (1Cr 12: 4-11)
Trong năm Chúa Nhật liên tiếp, Phụng Vụ đề nghị cho chúng ta đọc những đoạn trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô gởi tín hữu Cô-rin-tô, từ chương 12 đến chương 15.
1. Bối cảnh:
Thánh Phao-lô đã thành lập Giáo Đoàn Cô-rin-tô vào những năm 50-52. Thánh nhân đã lưu lại thành phố này khoảng mười tám tháng và đã để lại một cộng đoàn Ki-tô hữu rất sinh động nhưng cũng gây nên nhiều nỗi bận lòng cho thánh nhân.
Thánh Phao-lô đã viết thư này từ Ê-phê-xô (có lẽ vào mùa xuân năm 55). Sau khi đã nhắc nhở trật tự trong cộng đoàn, tiếp đó, bàn đến nhiều vấn đề nhất định, thánh nhân bắt đầu tranh luận: toàn thể cộng đoàn Ki-tô hữu đều phải ở dưới tác động của Chúa Thánh Thần, Đấng sẽ gìn giữ cộng đoàn trong sự hiệp nhất và sẽ giúp cho cộng đoàn biết biện phân những hoạt động vì lợi ích chung của Cộng Đoàn.
2. Lương dân và người Ki-tô hữu:
Các tín hữu Cô-rin-tô sống trong bối cảnh ngoại giáo khá đặc biệt. Thành phố Cô-rin-tô là một đô thị lớn thuộc miền duyên hải và gồm nhiều dân tứ xứ, mở rộng cửa đón nhận thế giới bên ngoài. Chịu ảnh hưởng từ miền Cận Đông, các tôn giáo cổ truyền nhường chỗ cho những khát vọng huyền bí, trong khi những tôn giáo mầu nhiệm tràn lan với những nghi lễ khai tâm và thực tiển hướng đến niềm hưng phấn và xuất thần. Những thái độ này có thể rất gần với những đặc sủng mà các Ki-tô hữu được hưởng. Cần phải nêu lên tất cả cái lập lờ này. Trong cộng đoàn Ki-tô hữu, những ân huệ nhận được có nguồn gốc siêu nhiên; nguồn mạch duy nhất của mọi ân huệ này là Thiên Chúa Ba Ngôi.
3. Dấu chỉ Ba Ngôi:
Lưu ý rằng thánh Phao-lô đặt những đặc sủng và những hoạt động Ki-tô giáo dưới dấu hiệu của Thiên Chúa Ba Ngôi, khởi đi từ Chúa Thánh Thần:
- Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí.
- Có nhiều công việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa (Đức Ki-tô).
- Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng chỉ có một Thiên Chúa, Đấng làm mọi sự trong mọi người (Chúa Cha).
Đoạn, thánh nhân liệt kê một loạt những ân huệ khác nhau, đều là hoa trái của Chúa Thánh Thần. Giáo Hội tiên khởi chắc chắn đã hưởng được nhiều cách thế bày tỏ đặc biệt của Chúa Thánh Thần. Thánh Lu-ca đã nêu lên nhiều ví dụ trong sách Công Vụ Tông Đồ, đến mức sách này được gọi “Tin Mừng của Chúa Thánh Thần”.
Những ân huệ dồi dào và tự phát như thế bổ túc cho việc thiếu cơ cấu tổ chức. Nhưng thánh Phao-lô muốn tránh tình trạng hỗn loạn; vì thế thánh nhân nhấn mạnh sự duy nhất cơ bản của mọi ân huệ này: “Chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tùy theo ý của Người”.
TIN MỪNG (Ga 2: 1-12)
Theo Tin Mừng Gioan, Đức Giê-su khai mạc sứ vụ của Ngài qua dấu lạ tiệc cưới Ca-na: “Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na miền Ga-li-lê”. Vậy thuật ngữ “dấu lạ” muốn nói lên điều gì? Như thường hằng trong Tin Mừng Gioan, vấn đề “dấu lạ” có rất nhiều nghĩa, nhưng được tập trung vào một nghĩa cơ bản: thời đại Mê-si-a đến ở nơi sự hiện diện của Đức Giê-su.
1. Ý nghĩa phong phú của dấu lạ Ca-na:
Bài tường thuật về dấu lạ đầu tiên này trình bày một loạt những đối chiếu với giai đoạn cuối cùng sứ vụ trần thế của Đức Giê-su.
- Đây là “ngày thứ ba” Đức Giê-su “bày tỏ vinh quang của Người và các môn đệ đã tin vào Người”. Biến cố Phục Sinh ẩn hiện ở nơi dấu lạ đầu tiên này.
- Dấu lạ đầu tiên Đức Giê-su thực hiện cốt là hóa nước thành rượu; dấu lạ sau cùng của Ngài cốt là hóa rượu thành máu của Ngài.
- Dấu lạ đầu tiên này được thực hiện để cử hành tiệc cưới nhân loại; dấu lạ sau cùng để cử hành Giao Ước Mới, tiệc cưới của Thiên Chúa với nhân loại.
- Ở tiệc cưới Ca-na, Thân Mẫu Đức Giê-su được thánh ký kể ra lần đầu tiên; Mẹ Ngài sẽ chỉ được thánh ký kể ra lần thứ hai và lần sau cùng dưới chân thập giá, ở đó Đức Giê-su sẽ thân thưa với Mẹ Ngài cũng bằng cách xưng hô như ở tại tiệc cưới Ca-na: “Thưa bà”. Có những bí ẩn hòa điệu giữ hai biến cố này.
- Ở tiệc cưới Ca-na, Chúa Giê-su lần đầu tiên nói về “giờ của Ngài”. Giờ này sẽ là giờ Tử Nạn và Vinh Quang của Ngài. Khi viết: “Đức Giê-su biết giờ của Ngài đã đến” (Ga 13: 1), thánh ký sẽ nói về lễ Vượt Qua gần đến và về bữa ăn sau cùng của Đức Giê-su với các môn đệ Ngài. Bữa ăn đầu tiên, tiệc cưới Ca-na, cũng được định vị vài ngày trước lễ Vượt Qua.
Những đối chiếu đa dạng như trên giúp chúng ta hiểu sâu xa những ý nghĩa phong phú của dấu lạ tiệc cưới Ca-na.
2. “Ngày thứ ba”:
Thánh Gioan xây dựng bài tường thuật của mình về những khởi đầu cuộc đời công khai của Đức Giê-su theo cùng một cách với bài tường thuật về giai đoạn sau cùng của Ngài, với thời gian đặc thù và biểu tượng: các biến cố được cô động thành một tuần lễ, ngầm tham chiếu đến bảy ngày của công trình sáng tạo. Chính “vào ngày thứ bảy” của tuần lễ khai mạc mà tiệc cưới Ca-na, dấu chỉ của ơn cứu độ thời Mê-si-a, được định vị: một cuộc sáng tạo mới. Nhưng đây cũng là “ngày thứ ba” khởi đi từ việc Đức Giê-su ra khỏi miền Giu-đê. Việc Đức Giê-su tham dự tiệc cưới Ca-na được đặt vào ngày thứ ba sau lời hứa của Ngài cho ông Na-tha-na-en, một trong những môn đệ đầu tiên của Ngài: “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa” (Ga 1: 50).
Ca-na là một thị trấn nhỏ thuộc miền Ga-li-lê không xa làng Na-da-rét. Đức Ma-ri-a đến Ca-na, chắc chắn từ Na-da-rét; Mẹ đến một mình; chắc hẳn thánh Giu-se đã qua đời. Còn Đức Giê-su đến từ miền Giu-đê với các môn đệ Ngài; Ngài gặp lại Mẹ Ngài ở tiệc cưới này. Người ta đã nghĩ rằng chú rể và cô dâu thuộc gia tộc của Đức Ma-ri-a, vì Mẹ xử sự gần như gia chủ khi căn dặn gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”. Dù thế nào, gia đình nầy thuộc tầng lớp hạ lưu, vì tại những gia đình giàu có rượu không thể thiếu. Những người được hưởng dấu lạ đầu tiên của Chúa Giê-su thuộc gia đình nghèo. Điều này chẳng có gì phải ngạc nhiên cả.
3. Dấu chỉ của rượu:
“Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước”. Những chum đựng nước này được dùng cho các khách rửa tay trước khi dự tiệc, đây là nghi thức thanh tẩy theo luật định. Một trong số chum đá này chắc chắn được dùng để thanh tẩy các vật dụng được dùng trong bữa ăn như thánh Mác-cô ghi nhận: “Thật vậy, người Pha-ri-sêu cũng như mọi người Do thái đều nắm giữ truyền thống của các tiền nhân: họ không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận; thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn; họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng” (Mc 7: 3-4). Sau khi dùng, những chum này cạn nước. Đức Giê-su bảo đổ đầy nước vào các chum cho tới miệng. Như vậy, rượu mà Ngài sẽ ban thật dồi dào và thậm chí dư dật, như đối với phép lạ hóa bánh ra nhiều. Ấy vậy, rượu dư dật đến như thế là hình tượng mà các ngôn sứ thường sử dụng để loan báo buổi bình mình của kỷ nguyên Mê-si-a (Am 9: 13; I s 49: 10; 55: 1-3; Ge 4: 18; Tv 78: 24-27; 132: 15). Phép lạ Ca-na là một dấu chỉ thời Mê-si-a.
Mặt khác, rượu là dấu chỉ của niềm vui; nói một cách chính xác, rượu biểu tượng niềm vui thời Mê-si-a, tiên trưng niềm vui vĩnh cữu, thường được biểu thị bởi bàn tiệc trong Nước Thiên Chúa, “bàn tiệc cánh chung”. Đức Giê-su ám chỉ đến điều này vào bữa Tiệc Ly: “Từ nay, Thầy sẽ không còn uống thứ sản phẩm này của cây nho, cho đến ngày Thầy cùng anh em uống thứ rượu mới trong Nước của Cha Thầy” (Mt 26: 29; Mc 14: 25 và Lc 22: 18).
Nước mà Đức Giê-su hóa thành rượu không phải bất kỳ nước nào: chính là nước được dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục của người Do thái. Đối với tác giả Tin Mừng Gioan, việc nước thanh tẩy của Cựu Ước hóa thành rượu Mê-si-a báo hiệu “Cái cũ đã qua đi, và cái mới đã có ở đây rồi” (2Cr 5: 17). Thời đại Mê-si-a đã đến. Từ nay, nước thanh tẩy không còn có ích nữa, bị hủy bỏ và được thay thế bởi rượu, dấu chỉ của ơn cứu độ. Trong bối cảnh phụng vụ của Giáo Hội tiên khởi, rượu tiệc cưới Ca-na rất dễ gợi lên trong tâm trí của các tín hữu Rượu Thánh Thể, đặc biệt khi thánh ký nói với chúng ta Đức Giê-su hóa nước thành rượu xảy ra trước lễ Vượt Qua (2: 13), cùng một thời điểm mà ba năm sau này Đức Giê-su sẽ hóa rượu thành máu của Ngài cho muôn người được tha tội (Mt 26: 28).
4. Dấu hiệu Giao Ước:
Sự hiện diện của Đức Giê-su ở tiệc cưới Ca-na là một cử chỉ của tình bạn. Vì tình bạn, Đức Giê-su thực hiện dấu lạ này để tránh cho gia đình này khỏi bẽ mặt; nhưng đồng thời Ngài đem đến một sự bảo lãnh – một sự bảo lãnh thần linh – cho tính chất linh thánh của hôn nhân. Ngoài ra, cử chỉ của Ngài mặc lấy một chiều kích thần học: chính bằng ngôn từ tình yêu hôn nhân mà các ngôn sứ đã dùng để diễn tả Giao Ước của Thiên Chúa với dân Ngài như Hôn Ước.
Trong bài tường thuật, người quản tiệc nói với tân lang: “Ai ai cũng thiết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ”. Ấy vậy, người đãi rượu ngon không phải là tân lang mà là Đức Giê-su. Thật vậy, trong Tin Mừng Gioan, tân lang thường tượng trưng cho Đức Giê-su (Ga 3: 29). Sau này, khi ban cho các môn đệ Rượu Thánh Thể, Ngài sẽ công bố rượu này là dấu chỉ Giao Ước Mới. Thánh Phao-lô cũng sẽ sử dụng ngôn từ tình yêu vợ chồng để nói về sự hiệp nhất của Đức Giê-su với Giáo Hội của Ngài; và sách Khải Huyền sẽ cử hành tiệc cưới muôn đời của Con Chiên với dân Thiên Chúa được biểu thị bởi Thành Thánh Giê-ru-sa-lem Thiên Quốc.
Ở tiệc cưới Ca-na, Đức Giê-su khai mạc mầu nhiệm tình yêu và hiệp nhất của Thiên Chúa với nhân loại.
5. “Thưa Bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi?”
Tác giả Tin Mừng Gioan không bao giờ gọi đích danh “Ma-ri-a”, nhưng luôn luôn “Thân Mẫu Đức Giê-su”, bốn lần trong bài tường thuật này (2: 1, 3, 5, 12), cũng là bốn lần trong bài trình thuật về cuộc Thương Khó (19: 25-26), để tỏ lòng tôn kính đối với Đức Mẹ, Mẹ đã sống những năm cuối đời của Mẹ tại nhà thánh nhân và đã qua đời trong tình con thảo của thánh nhân. Chắc chắn đây cũng là tước hiệu tôn kính mà người Ki-tô hữu tiên khởi dành cho Thân Mẫu của Chúa mình.
Lời thỉnh cầu kín đáo của Đức Ma-ri-a: “Họ hết rượu rồi”, nhắn gởi cho Đức Giê-su, Con Mẹ, diễn tả độ nhạy bén của Mẹ trước nhu cầu của tha nhân. Nhưng câu trả lời của người con cho mẹ mình: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi?” thật đáng ngạc nhiên, như thử muốn nói rằng: “Đây không phải là công việc của mẹ. Xin đừng can dự vào”.
Trước tiên, cách xưng hô “Thưa bà” không nói lên một sự bất kính, nhưng diễn tả cái khoảng cách. Chúa Giê-su xưng hô như thế với người phụ nữ Sa-ma-ri (Ga 4: 21), với người đàn bà Ca-na-an (Mt 15: 28), với người phụ nữ còng lưng (Lc 13: 12), với bà Ma-ri-a Mác-đa-la (Ga 20: 15). Cái khoảng cách này được tăng cường bởi những lời tiếp theo sau: “Chuyện đó can gì đến bà và tôi?”. Đây là cách nói mang đậm nét Do thái khá thông dụng trong Cựu Ước (x. Tl 11: 12; 2Sm 16: 10; 1V 17: 18). Tại các sách Tin Mừng Nhất Lãm kiểu nói này được đặt trên môi miệng của hai người bị quỷ ám: “Chuyện chúng tôi can gì đến ông?” (Mt 8: 29).
Cách xưng hô của Đức Giê-su với Mẹ Ngài ở tiệc cưới Ca-na tái xuất hiện ở hoạt cảnh Thập Giá, ở đó Ngài thân thưa với Mẹ Ngài: “Thưa Bà, đây là con của Bà” (Ga 19: 26). Trong hoạt cảnh sau cùng này, tình mẫu tử của Đức Ma-ri-a không bị bác bỏ, vì Đức Giê-su ban cho Mẹ Ngài người môn đệ yêu dấu, khuôn mẫu của người Ki-tô hữu hoàn thiện, làm con của Mẹ. Như vậy, với cách xưng hô lạ lùng ở tiệc cưới Ca-na, Đức Giê-su đòi hỏi Mẹ của Ngài mở rộng tình mẫu tử của Mẹ, biến đổi tình mẫu tử riêng tư giữa Mẹ và Con thành tình mẫu tử của một Người Mẹ ân cần săn sóc những môn đệ của Ngài, tức Giáo Hội của Ngài, Thân Thể mầu nhiệm của Ngài.
6. “Giờ tôi chưa đến”:
Trong Tin Mừng Gioan, “giờ của Chúa Giê-su” là giờ Ngài được giương cao trên thập giá, giờ Ngài được tôn vinh (Ga 3: 14-15; 8: 28), giờ mà tình yêu Thiên Chúa được biểu lộ tận mức ở nơi cái chết của người Con Một Thiên Chúa. Rõ ràng, ở tiệc cưới Ca-na, giờ đó chưa đến.
Nếu chúng ta đọc lại tình tiết về người phụ nữ Ca-na-an, người ta sẽ gặp lại cũng một thái độ như thế của Đức Giê-su. Trước hết, Ngài không đáp một lời, đoạn từ chối, để thử thách niềm tin của người phụ nữ này. Người phụ nữ không chùn bước. Lúc đó, Chúa Giê-su thán phục niềm tin kiên vững của bà và cho bà được toại nguyện: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được như vậy” (Mt 15: 28).
Đức Ma-ri-a trải qua một thử thách tương tự. Trước thái độ ngập ngừng của Con Mẹ, Mẹ trả lời bởi một hành vi đức tin kiên vững vào Ngài: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”. Đức Mẹ đã tin vào Con Mẹ trước khi phép lạ xảy ra, trong khi các môn đệ Ngài tin vào Ngài sau khi phép lạ xảy ra. Lúc đó, Chúa Giê-su nghiêng mình trước đức tin đáng thán phục của Mẹ Ngài.
Trong bối cảnh Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na miền Ga-li-lê để bày tỏ vinh quang của Ngài và để các môn đệ tin vào Ngài, thì lời căn dặn của Mẹ: “Người bảo gì các anh cứ làm theo” thật có ý nghĩa biết bao trong việc huấn luyện người môn đệ lý tưởng. Dù thế nào, chúng ta ghi nhận rằng thành quả của dấu lạ đầu tiên được thực hiện nhờ sự can thiệp của Đức Ma-ri-a và dẫn đến niềm tin của các môn đệ. Vì thế, truyền thống Ki-tô giáo đã nhấn mạnh quyền năng cầu bầu của Đức Ma-ri-a, sự hiện diện ân cần của Mẹ, nỗi bận lòng của tình mẫu tử đối với tha nhân: “Xưa nay chưa từng ai đến cùng Mẹ mà Mẹ từ bỏ chẳng nhậm lời”. Trang Tin Mừng này không chỉ mang chiều kích Ki-tô học, nhưng còn mang chiều kích Thánh Mẫu học.
Ý kiến bạn đọc