banner_nha dong

Cam Hòa – Cam Lâm – Khánh Hòa – Đt 0258 3863020 – Email: websitemtgnt@gmail.com

CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY

Đăng lúc: Thứ sáu - 25/03/2022 04:14 - Người đăng bài viết: menthanhgia
CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY

CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY

Lời Chúa: Gs 5: 9-12; 2Cr 5: 17-21; Lc 15: 1-3, 11-32

Theo truyền thống phụng vụ, Chúa Nhật IV Mùa Chay là Chúa Nhật của niềm vui. Chúa Nhật này đặt một thời gian tạm nghỉ trong thời kỳ chay tịnh và tham dự trước niềm hân hoan của biến cố Phục Sinh.

Gs 5: 9-12
Hãy vui lên vì Thiên Chúa đã giữ lời hứa. Dân Do thái đã tiến vào Đất Hứa và cử hành lễ Vượt Qua ở đây. Một kỷ nguyên mới bắt đầu đối với họ.

2Cr 5: 17-21
Hãy vui lên vì nhờ Đức Ki-tô, con người đã đạt được ơn hòa giải với Thiên Chúa; nhờ đó người Ki-tô hữu trở nên những con người được đổi mới.

Lc 15: 1-3, 11-32
Hãy vui lên với Thiên Chúa, Đấng đón tiếp đứa con thứ hoang đàng trở về và kêu mời người con cả mở rộng lòng mình mà đón nhận người em của mình trong niềm vui đoàn tụ gia đình.

BÀI ĐỌC I (Gs 5: 9-12)
Sách Giô-suê, sách được đặt nhan đề theo tên nhân vật chính của sách, kể việc dân Do thái vào Đất Hứa và chinh phục dần dần miền đất này của dân bản địa Ca-na-an. Sách Đệ Nhị Luật đã được hoàn tất với chuyện tích về cái chết của ông Mô-sê, sách Giô-suê tường thuật các biến cố tiếp theo sau. Ông Mô-sê đã trao phó sự nghiệp của mình cho ông Giô-suê tiếp nối. Thời kỳ hoang địa được tiếp nối với thời kỳ chinh phục. Thời nô lệ bên Ai-cập và thời túng thiếu trong hoang địa được tiếp nối với kỷ nguyên của cuộc đời tự do và an cư lạc nghiệp. Lịch sử đã sang trang. Việc dân Do thái vào xứ sở Ca-na-an được định vị vào cuối thế kỷ thứ mười ba trước Công Nguyên. Cuộc chinh phục thật sự chỉ được hoàn tất dưới triều đại vua Đa-vít, hai thế kỷ sau đó.

Chuyện tích này được viết theo thể loại “sử thi”, bao gồm những yếu tố kỳ diệu. Ngoài ra, lịch sử của dân Ít-ra-en là lịch sử của dân Thiên Chúa, một kỳ tích lịch sử thường được nối kết với một kỳ tích phụng vụ. Sự kiện này hiển hiện rất rõ nét trong chuyện tích chúng ta đọc hôm nay.

1. Lễ Vượt Qua ở Ghin-gan:
Dân Do thái đã vượt qua sông Gio-đan vào lúc nước sông dâng cao. Vì thế, họ không thể vượt qua sông nếu Thiên Chúa đã không can thiệp bằng cách ngăn dòng nước thành chỗ khô cạn cho dân băng qua (Gs 3: 14-17). Như thế, tái diễn lại phép lạ Biển Đỏ (Xh 14: 21-22). Rõ ràng tác giả đã muốn đối chiếu cuộc xuất hành ra khỏi đất Ai-cập và cuộc xuất hành ra khỏi hoang địa; cuộc vượt qua sông Gio-đan họa lại cuộc vượt qua Biển Đỏ; lễ Vượt Qua tiến vào Đất Hứa đối xứng với lễ Vượt Qua giải phóng khỏi cảnh đời nô lệ bên Ai-cập.

Tuy nhiên, nhiều yếu tố cổ xưa chứng thực nền tảng lịch sử của câu chuyện. Về phương diện truyền thống, lễ Vượt Qua ở Ghin-gan được kể ra trong văn chương Do thái; tuy nhiên, việc cử hành lễ Vượt Qua được xác định vào ngày mười bốn trong tháng là phần thêm vào sau khi lịch phụng vụ được quy định. Ghin-gan được định vị không xa thành Giê-ri-cô. Địa danh Ghin-gan theo tiếng Híp-ri có nghĩa “vòng tròn”. Truyền thống nối kết địa danh này với cử chỉ của ông Gio-suê: để tưởng niệm mãi mãi cuộc tiến vào Đất Hứa, ông Gio-suê truyền lệnh dựng mười hai tảng đá thành một vòng tròn, đại diện mười hai chi tộc của dân Ít-ra-en (Gs 4: 1-9). Vào thiên niên kỷ thứ hai, người ta vẫn còn ở trong nền văn minh đồ đá. Miền Pa-lét-tin còn lưu lại nhiều dấu vết của nơi cúng tế được dựng bởi những tảng đá.

2. Một giai đoạn mới:
“Hôm sau lễ Vượt Qua, họ đã dùng thổ sản trong xứ, tức là bánh không men và hạt lúa rang”. Đây là lần đầu tiên kể ra mối liên hệ giữa lễ Vượt Qua và lễ Bánh Không Men, hai ngày lễ tự nguồn gốc vốn biệt phân. Nhưng nhà biên soạn không nhằm nhấn mạnh mối liên hệ này; khi kể thêm “hạt lúa rang”, ông muốn đọc giả lưu ý đến lương thực được thay đổi tận căn, điều này đối với dân Do thái đánh dấu việc tiến vào Đất Hứa, vì miền Giê-ri-cô vốn nổi tiếng về thổ sản của mình, nhờ thời tiết thuận hòa.

“Không còn man-na nữa”. Man-na, thức ăn rất đạm bạc giúp dân Do thái sống còn trong hoang địa, từ nay không còn cần thiết nữa. Dân Do thái đã đặt chân lên xứ sở của các tổ phụ, mà lòng nhân ái của Đức Chúa đã cho họ trở lại khi “cất khỏi họ cái ô nhục của người Ai-cập”. Tin Mừng hôm nay nói với chúng ta về đứa con hoang đàng. Chán ngấy cơm thừa canh cặn, cậu trở về nhà cha, ở đó cậu nhận được mọi ân huệ đổi đời của cậu; vì thế, cậu cũng được “cất khỏi cái ô nhục” của quá khứ.

BÀI ĐỌC II (2Cr 5: 17-21)
Giáo Đoàn Cô-rin-tô, mà thánh Phao-lô đã thiết lập vào những năm 50-52, bị chao đảo bởi nhiều cuộc khủng hoảng giữa những năm 54 và 57. Do những khủng hoảng này mà thánh Phao-lô đã viết ít nhất bốn bức thơ gởi tín hữu Cô-rin-tô này. Thư thứ nhất và thư thứ ba đã bị thất lạc; bức thư mà chúng ta gọi “thư thứ nhất”, thực ra là thư thứ hai và bức thư mà chúng ta gọi “thư thứ hai”, thực ra là thư thứ tư. Thư thứ hai này gởi cho các tín hữu Cô-rin-tô được viết trong tâm trạng bình an; nhưng để hiệu đính mọi việc và trả lời dứt khoát cho những công kích mà thánh nhân đã là đối tượng, thánh Phao-lô buộc phải biện minh sứ vụ của mình mà thánh nhân nâng lên cho đến mức định nghĩa sứ vụ của mình là sứ vụ Tông Đồ đích thật.

1. Tông Đồ và cộng tác viên của Chúa Ki-tô:
Tâm tình sâu kín nâng đỡ vị tông đồ: xác tín mình là cộng tác viên của Chúa Ki-tô, có sứ mạng “hòa giải” giữa Thiên Chúa và loài người, sứ mạng mà Đức Ki-tô đã thiết lập theo ý định của Chúa Cha. Chính ở nơi Chúa Cha mà công trình cứu độ loài người phải được quy hướng về, tức là một “cuộc tạo dựng mới”: “Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi”. Người Ki-tô hữu là một “thụ tạo mới”, vì họ đã được tha thứ mọi tội lỗi của mình.

Thánh Phao-lô xúc động về sự cao cả của sứ mạng hòa giải này, nhờ đó mà các cộng tác viên của ngài và chính ngài trở thành những “sứ giả thay mặt Đức Ki-tô”. Thánh nhân lập lại cùng một diễn ngữ này trong thư gởi tín hữu Ê-phê-xô: “Anh em cũng hãy cầu nguyện cho tôi nữa, để khi tôi mở miệng nói, thì Thiên Chúa ban lời cho tôi, hầu tôi mạnh dạn loan báo mầu nhiệm của Tin Mừng; tôi là sứ giả của Tin Mừng này cả khi tôi đang bị xiềng xích” (Ep 6: 19-20).

2. Hãy hòa giải với Thiên Chúa:
“Thiên Chúa đã cho thế gian được hòa giải với Người”. Qua câu này, thánh Phao-lô nhấn mạnh rằng sáng kiến đến từ Thiên Chúa; nhưng con người phải đáp trả sáng kiến này, đó là mở lòng mình ra mà đón tiếp lời đề nghị này. Cũng như người con hoang đàng quyết định trở về nhà cha, nhưng chính người cha đề xướng hòa giải với cậu, tức là tha thứ cho cậu.

Mầu nhiệm của Thiên Chúa là tình yêu của Ngài dành cho nhân loại được thể hiện ở nơi Đức Ki-tô, “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta”. Điều mà thánh Phao-lô muốn làm sáng tỏ, chính là một sự trao đổi hai phía: Đức Ki-tô tự đồng hóa mình một cách nào đó với tội nhân; còn tội nhân, nếu hòa giải, có thể dự phần vào sự thánh thiện của Thiên Chúa.

TIN MỪNG (Lc 15: 1-3, 11-32)
Dụ ngôn “Người cha nhân hậu” thuộc một tập hợp bao gồm ba dụ ngôn: “Con chiên lạc”, “Đồng bạc bị đánh mất”“Người cha nhân hậu”, chúng hình thành nên câu trả lời của Đức Giê-su cho những người Pha-ri-sêu và các kinh sư, họ bất bình vì thấy Ngài đón tiếp niềm nở những người tội lỗi (Lc 15: 1-3).

Trước đây, Đức Giê-su đã gặp phải phản ứng bất bình như thế và đã trả lời ngắn gọn và đanh thép: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn” (Lc 5: 31-32). Ở đây, Đức Giê-su phát biểu ý kiến của mình theo cách khác, gợi hình và cụ thể: Ngài sánh ví thái độ của Ngài với thái độ của người chăn chiên, trèo non lặn suối, quyết tìm cho bằng được một con chiên lạc (15: 4-7); hoặc với thái độ của người đàn bà, thắp đèn quét nhà, moi móc mọi xó xỉnh quyết tìm cho bằng được một đồng quan bị đánh mất (15: 8-10); hay còn với thái độ của một người cha mở tiệc ăn mừng vì “đứa con hoang đàng” trở về sau năm tháng phiêu bạt (Lc 15: 11-32). Hai dụ ngôn “Con chiên lạc”“Đồng bạc bị đánh mất”, thánh Lu-ca có chung với thánh Mát-thêu, chỉ duy dụ ngôn “Người cha nhân hậu” là riêng của thánh Lu-ca. Dụ ngôn “Người cha nhân hậu” nổi tiếng nhất được dàn dựng thành bức tranh bộ đôi: bức tranh thứ nhất về người con thứ với người cha (15: 11-24), và bức tranh thứ hai về người con cả với người cha (15: 25-32).

1. Đứa con thứ với người cha (15: 11-24)
A - Đứa con thứ hoang đàng:
Bức tranh về cách hành xử của người con thứ có chủ ý được tô cho thật đen. Cậu nài nỉ xin cha chia phần gia tài mà mình được hưởng, một thái độ như thế không bao giờ được xem là hiếu để cả. Rồi cậu bỏ nhà ra đi và hoang phí tất cả gia sản của mình vào một cuộc sống chơi bời trác táng; lúc đó cậu lâm vào cảnh túng thiếu đành phải chấp nhận làm tôi đến nỗi phải đi chăn heo, mà đối với người Do thái là những con vật ô uế, một nghề cấm kỵ. Như vậy cậu đã xuống cho đến tận cảnh cùng khốn của mình, không chỉ về phương diện vật chất mà còn cả về phương diện phẩm giá: “Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho”.

Trong cảnh bần cùng tận mức này, bị cái đói giày vò, cậu mới nghĩ đến việc trở về nhà cha mình. Lý do thúc đẩy cậu cất bước trở về chẳng có gì là cao thượng cả, chẳng qua chỉ vì tình thế bắt buộc thôi: “Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói!”. Để đạt được mục đích của mình, cậu sẵn sàng hạ mình thú tội và cầu xin cha tha thứ. Những điều cậu suy tính trong lòng chẳng qua chỉ là vụ lợi thôi, nhưng đây là bước khởi đầu của một cuộc hoán cải, một cuộc đổi đời, một cuộc trở về cùng cha mình.

B - Tấm lòng nhân hậu của người cha:
Tấm lòng của người cha được họa nên bằng những ý tứ rất súc tích. Thái độ của người cha đối với cậu con thứ này khiến chúng ta phải ngạc nhiên. Ông tôn trọng sự tự do của cậu và đáp ứng mọi yêu cầu của cậu, thậm chí khác với thái độ của người chăn chiên và người đàn bà nội trợ, ông không lặn lội đi tìm cậu. Chính thái độ vồn vả ân cần đón tiếp cậu khi cậu trở về mới là điều dụ ngôn mời gọi người đọc chú ý tới.

“Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy”: Câu này cho thấy tấm lòng của ông. Từ khi đứa con ra đi khỏi nhà cha, ông hằng ngày tựa cửa mong ngóng đứa con trở về. Vì thế, khi thấy bóng dáng của con ông còn thấp thoáng từ xa, ông đã nhận ra cậu. Khi nhìn thấy bóng dáng thất thiểu của con mình từ xa, ông “chạnh lòng thương” (động từ Hy ngữ này có một nghĩa rất mạnh: mối cảm xúc dâng lên tận đáy lòng), và “chạy ra ôm cổ con và hôn lấy hôn để” (cách đón tiếp vồn vả khác thường này vượt quá khuôn phép uy nghiêm của một người cha mà tập tục Đông Phương quy định). Như vậy, vì tình cha, ông đã tha thứ cho cậu trước khi cậu ngỏ lời xin tha thứ.

Quả thật, trong câu chuyện, ông cắt ngang không cho cậu thú nhận mọi tội lỗi của mình và cầu xin cha tha thứ, để tránh cho cậu đi đến tận cùng của sự nhục nhã, nhưng cũng để cho thấy lòng tha thứ vô điều kiện của ông đối với con mình. Còn tế nhị hơn nữa, ông không ngỏ lời trực tiếp với cậu, nhưng truyền lệnh cho các đầy tớ: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng!”: áo đẹp nhất để thay thế bộ quần áo rách tả tơi của kẻ bần cùng, chiếc nhẫn xỏ vào tay để chỉ địa vị cao quý trong xã hội, đôi dép xỏ vào chân để chỉ cậu không còn là người làm thuê hay kẻ nô lệ nữa, bởi vì từ nay đứa con trở về không chỉ được phục hồi nhân phẩm của mình, nhưng cũng được kính trọng như xưa kia; lại còn tổ chức một bữa tiệc để cả nhà cùng chia sẻ niềm vui đoàn tụ. Lý do mà người cha đưa ra để vui mừng, đó là: “Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy”. Đối với ông, việc con vắng mặt trong gia đình được xem như đã chết, nhưng nhất là sự tha thứ của ông làm cho người con trở thành một con người mới.

Tất cả mọi chú ý của câu chuyện đều hướng đến tình cha cao vời đầy xúc động này, chứ không tấm lòng hoán cải của đứa con hoang đàng. Dụ ngôn muốn minh họa thái độ của Thiên Chúa đối với tội nhân. Thiên Chúa yêu thương họ như người cha yêu thương đứa con của mình. Việc Chúa Giê-su mở rộng vòng tay đón tiếp những người tội lỗi là mặc khải tấm lòng yêu thương vô bờ của Chúa Cha. Dụ ngôn này chỉ cho thấy rằng Thiên Chúa đã đến gặp gỡ nhân loại để cứu thoát họ khỏi cảnh nô lệ của tội lỗi. Ơn tha thứ của Thiên Chúa phục hồi con người trong phẩm giá của mình. Ở nơi hậu cảnh của dụ ngôn này, người ta đọc thấy bí tích Hòa Giải của Thiên Chúa với con người.

2. Người con cả với người cha (15: 25-32)
A - Người con cả bất khoan dung:
Thái độ của người con cả phản chiếu thái độ của những người Pha-ri-sêu và các kinh sư, họ đại diện cho những giá trị đạo đức của Cựu Ước, phân biệt rạch ròi đức công chính với tội lỗi. Lời trách cứ của người con cả ngỏ lời với cha cậu tương tự như thái độ bất bình của giai cấp lãnh đạo Do thái về cách hành xử của Chúa Giê-su đối với những người tội lỗi. Người con cả phẩn uất trách cứ cha mình: “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho con lấy được một con dê để con ăn mừng với bạn bè”. Rõ ràng, những lời trách cứ này minh họa sống động cung cách đạo đức của những người Pha-ri-sêu, họ tự hào tự phụ tuân giữ nghiêm nhặt Lề Luật, kiêu hãnh mình là người công chính mà khinh chê lên án những người khác. Chân dung của người con cả này là lời mời gọi vượt qua thái độ duy luật để mở rộng tấm lòng trước tình thương yêu.

B - Tấm lòng nhân hậu của người cha:
“Nhưng cha cậu năn nỉ”: Cách xử sự của ông đối với đứa con thứ hoang đàng như thế nào thì cách xử sự của ông đối với đứa con cả bất khoan dung cũng như vậy. Vì đứa con cả giận dỗi không chịu tham dự niềm vui đoàn tụ, người cha ra ngồi bên cạnh cậu và năn nỉ cậu. Vả lại, ông nói với cậu bằng một cung giọng nhất mực trìu mến. Ông yêu thương hai đứa con mình như nhau; ông muốn giúp cậu khám phá chiều kích tình yêu này. Tình phụ tử không làm tổn thương đến sự công bình nhưng vượt quá sự công bình.

Để đáp lại lời trách cứ của cậu: “Cha coi, đã bao nhiêu năm con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh”, người cha trả lời: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha” như một lời nhắc khéo cho cậu hiểu điều mà ông cần là “tình cha con” chứ không phải là “nghĩa chủ tớ”. Để đáp lại lời trách cứ của cậu về một con dê con để ăn mừng với chúng bạn chỉ là niềm ước mơ, người cha trả lời: “Tất cả những gì của cha đều là của con”. Để đáp lại thái độ dứt tình đoạn nghĩa của cậu đối với người em hoang đàng: “Còn thằng con của ông đó, sau khi đã nuốt hết của cải của ông với bọn điếm, nay trở về, thì ông lại giết bê béo ăn mừng”, người cha từ tốn trả lời: “Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy”.

Như vậy, dụ ngôn này trước đây thường được đặt nhan đề là “đứa con hoang đàng”, nhưng phải được gọi “tấm lòng nhân hậu của người cha” mới đúng, bởi vì nhân vật chính trong câu chuyện không phải là đứa con thứ hoang đàng cũng không phải người con cả bất khoan dung mà là tấm lòng nhân hậu của người cha. Phải nói rằng đứa con thứ hoang đàng cũng như người con cả bất khoan dung chẳng qua chỉ để thắp sáng tấm lòng nhân hậu của người cha mà thôi. Vì thế, câu chuyện này được đọc trong Mùa Chay Thánh này không chỉ mời gọi những tội nhân mà cả những người tự cho mình công chính cũng cần đến việc ăn năn sám hối, vì điều Thiên Chúa cần ở nơi mỗi người chúng ta tấm lòng của người con đối với Cha trên trời của mình và tình nghĩa anh em trong tình yêu của Cha.

Tác giả bài viết: Lm. Inhatio Hồ Thông
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc